Nổi Hạch ở Tay Và Chân Là Dấu Hiệu Của Những Bệnh Lý Nào? - YouMed
Có thể bạn quan tâm
Nội dung bài viết
- Nổi hạch ở tay và chân là gì?
- Triệu chứng nổi hạch ở tay và chân
- Nguyên nhân nổi hạch ở tay và chân
- Tình trạng này có nguy hiểm không?
- Cách phòng ngừa nổi hạch ở tay và chân
- Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
“Nổi hạch” được hiểu đúng là tình trạng hạch bạch huyết tăng kích thước, có liên quan đến các bất thường của cơ thể. Thông thường mọi người hay gọi nổi hạch ở tay và chân chỉ tình trạng khối u hoặc sưng bất thường. Trong bài viết sau đây, Bác sĩ Phan Văn Giáo sẽ đề cập đến cụm từ này trên phương diện tình trạng khối u bất thường ở tất cả các vị trí tay và chân, không chỉ riêng vị trí hạch.
Nổi hạch ở tay và chân là gì?
Tình trạng nổi hạch ở tay và chân dùng để mô tả một khối sưng, u, nốt hoặc vùng sưng tấy cục bộ trên cánh tay và chân. Các cục u này có thể do bất kỳ tình trạng nào gây ra như: nhiễm trùng, viêm, ung thư hoặc chấn thương. Bên cạnh lòng bàn tay, nhiều người cũng có thể gặp tình trạng nổi hạch ở bắp tay, bắp chân.
Triệu chứng nổi hạch ở tay và chân
Khối u/ sưng bất thường này có thể:
- Đơn lẻ hoặc nhiều khối tập hợp.
- Sờ mềm hoặc chắc.
- Đau hoặc không đau.
- Chúng cũng có thể phát triển nhanh chóng hoặc có thể không thay đổi về kích thước.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, các triệu chứng đi kèm với khối sưng bất thường này có thể là:
- Chảy máu hoặc bầm tím.
- Biến dạng các vùng khớp.
- Có mủ hoặc không.
- Sốt.
- Xuất hiện kèm các cục u khác trên cơ thể.
- Yếu cơ.
- Sưng đau ở khớp khác.
- Giảm cân.
Nguyên nhân nổi hạch ở tay và chân
Hầu hết các nguyên nhân gây nổi hạch ở tay và chân như mọi người mô tả là không quá nghiêm trọng. Một số trường hợp hiếm hoi là do các khối u gây nên.
Do chấn thương
Các chấn thương nặng hoặc nhẹ tại chỗ hoặc chấn thương các cơ quan khác cũng có thể dẫn đến hình thành khối sưng trên tay chân như:
- Gãy xương.
- Tụ máu.
- Chấn thương mô mềm.
- Vết thương do vết đốt/ cắn.
Do bệnh lý viêm nhiễm
Nhiễm trùng có thể gây ra các áp xe khu trú hay các nhọt. Những nguyên nhân viêm nhiễm dẫn đến tình trạng nổi hạch ở tay và chân là:
- Áp xe.
- Nhọt.
- Viêm mô tế bào (Nhiễm trùng da và các mô bên dưới).
- Viêm tủy xương (Nhiễm trùng xương).
- Nhiễm virus Papilloma (Mụn cóc).
Một số tình trạng viêm trong cơ thể có thể gây ra các cục u ở tay chân, đặc biệt xung quanh các khớp gồm:
- Hồng ban nút: Đây là rối loạn gây ra các khối đỏ mềm bên dưới bề mặt da.
- Bệnh gout: Đây là tình trạng viêm khớp do tích tụ các tinh thể axit uric trong khớp; dẫn đến đỏ, sưng và đau. Các vị trí thường bị ảnh hưởng là: cổ tay, ngón tay, khớp bàn chân. Đôi khi bệnh gout cũng khiến hình thành các vết sưng dưới da màu trắng, không đau.
- Viêm xương khớp: Tình trạng thoái hóa khớp khi sụn đệm bắt đầu mòn; gây sưng đau khớp.
- Viêm khớp vẩy nến: Viêm khớp liên quan đến bệnh vảy nến.
- Viêm khớp dạng thấp: Bệnh lý tự miễn mạn tính đặc trưng bởi viêm khớp.
- Bệnh lupus ban đỏ hệ thống: Rối loạn hệ miễn dịch trong đó cơ thể tự tấn công các tế bào khỏe mạnh của chính mình.
Do khối u lành tính
U nang bao hoạt dịch
Đây là khối u lành tính xảy ra xung quanh khớp. Thường ở vị trí mặt sau cổ tay hoặc trên bàn tay. U có hình tròn hoặc bầu dục. Các nang phát triển ra khỏi bao gân, bên trong chứa đầy dịch.
Nang xuất hiện và biến mất nhanh chóng; kích thước thay đổi; thường không đau và tự biến mất. Nếu u nang đè lên dây thần kinh, có thể gây tê, đau hoặc yếu cơ ở vùng đó. Hạn chế vận động cổ tay để tránh nang tăng kích thước.
U tế bào khổng lồ của bao gân (GCTTS)
Đây là u lành tính, không lây lan đến các vị trí khác. GCTTS chậm phát triển, thường tạo những cục u không đau. Chúng phát triển trong lớp bao gân (lớp màng bao quanh gân tay).
Nang biểu bì
Chúng là những cục u lành tính dưới da. Nang chứa dịch vàng keratin. Nó được hình thành do sự kích ứng hoặc gây tổn thương da/ nang lông. Thường u nang biểu bì giữ nguyên kích thước; nhưng cũng có thể tăng kích thước theo thời gian. Trường hợp nang bị viêm hay nhiễm trùng có thể gây sưng đau.
Các khối u ác tính
Khối u ác tính thường phát triển nhanh chóng và có hình dạng bất thường. Chúng có thể gây đau đớn. Có nhiều loại ung thư khác nhau ảnh hưởng đến bề mặt hoặc dưới da như: Ung thư da, ung thư tế bào hắc tố, ung thư biểu mô tế bào vảy; các loại sarcom (liposarcoma, rhadomyosarcoma).
Thậm chí có thể gặp một số ung thư đe dọa tính mạng như: ung thư xương hoặc mô mềm; ung thư hệ bạch huyết.
Một số loại u nang hoặc bướu khác ít gặp hơn gồm:
- U thần kinh (khối u thần kinh).
- U xơ (khối u của mô liên kết).
- U mỡ (Lipomas).
- Khối u glomus.
Một số nguyên nhân khác
Cổ tay Boss
Đây là tình trạng trong đó xương cổ tay phát triển quá mức. Bạn có thể sờ thấy vết sưng cứng ở mặt sau của cổ tay. Đôi khi có thể bị nhầm với u nang bao hoạt dịch.
Cổ tay Boss có thể gây đau đớn như viêm khớp; đặc biệt lúc tăng hoạt động. Bạn có thể giảm đau bằng cách nghỉ ngơi, hạn chế cử động cổ tay.
Hội chứng ngón tay bật
Hội chứng này ảnh hưởng đến các gân cơ gấp của bàn tay, gây sưng tấy. Trong hội chứng này, gân ở phía lòng bàn tay của ngón tay có thể bị mắc vào vỏ bao gân, cản trở cử động. Đôi khi có thể xuất hiện cục u nhỏ ở gốc của ngón tay bị ảnh hưởng. Sự hiện diện của cục u càng khiến ngón tay của bạn bị kẹt ở vị trí uốn cong và trầm trọng hơn.
Chứng co cứng Dupuytren
Chứng co cứng này xảy ra khi mô lòng bàn tay dày lên; ảnh hưởng đến các ngón tay. Lúc này bạn có thể nhận thấy các vết rỗ và cục xơ cứng ở lòng bàn tay. Dù không gây đau đớn nhưng chúng thường khiến ta khó chịu. Khi các sợi mô càng dày hơn có thể khiến ngón tay bị cong vào trong.
Tình trạng này có nguy hiểm không?
Đa phần nguyên nhân gây ra các khối u này là lành tính và ít gây nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên chúng ta không thể chủ quan. Nếu để lâu, một số bệnh lý nguyên nhân sẽ trở nên trầm trọng hơn. Trong một số trường hợp cục u nổi lên này là ác tính thì có thể đe dọa đến tính mạng.
Cách phòng ngừa nổi hạch ở tay và chân
Để phòng ngừa tình trạng này xảy ra, tốt nhất chúng ta nên:
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện các bất thường cơ thể.
- Duy trì lối sống khỏe mạnh và chế độ sinh hoạt cân bằng.
- Hạn chế các hoạt động gây va đập, chấn thương tay chân.
- Thường xuyên theo dõi các dấu hiệu bất thường trên cơ thể.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Bất cứ khi nào bạn phát hiện thấy tình trạng khối u lạ, bất thường trên tay chân, hãy đến gặp bác sĩ ngay. Điều này sẽ giúp bạn được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt nếu bạn gặp các triệu chứng sau, phải nhanh chóng đến các cơ sở y tế để kiểm tra:
- Khối sưng hay cục u lớn nhanh.
- Đi kèm với sưng đau nhiều.
- Tê, ngứa ran, yếu cơ.
- Xuất hiện triệu chứng nhiễm trùng.
- Khối sưng/u nằm ở vị trí dễ bị kích thích.
- Tay chân lạnh.
- Sốt cao.
- Gãy hoặc biến dạng chi rõ ràng.
- Đau không kiểm soát.
- Chảy máu không kiểm soát.
Đa số các trường hợp nổi hạch ở tay và chân mà chúng ta thường thấy đều là triệu chứng của các tình trạng đơn giản. Điều này có nghĩa là vẫn có thể có khả năng xảy ra các tình trạng trầm trọng hơn. Tốt nhất chúng ta nên đi khám và kiểm tra kỹ những cục u bất thường này. Việc thăm khám cũng sẽ giúp bạn giảm bớt lo lắng và được điều trị, chăm sóc thích hợp cho tình trạng của mình.
Từ khóa » Nổi Cục Cứng ở Dưới Da
-
Lưu ý Khi Nổi Cục Cứng Nhỏ Dưới Da | Vinmec
-
Nổi U Cứng Hơn 3 Năm Dưới Da đầu Có Nguy Hiểm Không? | Vinmec
-
U Nang Biểu Bì - Hello Bacsi
-
10 Nguyên Nhân Gây Nổi Cục Cứng ở Vùng Kín Và Cách điều Trị
-
Nguyên Nhân Hình Thành Và Cách Trị Mụn Cục Cứng Dưới Da An Toàn ...
-
Các Vị Trí Nổi Hạch Trên Cơ Thể Và Cách Phân Biệt Hạch Lành Tính, ác Tính
-
Nổi Cục U Cứng Nhỏ Dưới Da Mặt Là Bị Gì? Cách Trị
-
U Mỡ Dưới Da: Nguyên Nhân, Chẩn đoán Và Cách điều Trị - Docosan
-
Nguyên Nhân Vùng Kín Nổi Cục Cứng đau Là Gì? Cách điều Trị Như Thế ...
-
Bạn Nên đi Khám Ung Thư Ngay Khi Thấy Nổi Hạch ở Những Vị Trí Này
-
Nổi Hạch Sau Tai Có Phải Là Biểu Hiện Của Bệnh Nguy Hiểm Không?
-
Nổi Cục ở Tai Nguyên Nhân Do đâu? | TCI Hospital
-
Nổi Cục Cứng ở Bụng Dưới Bên Trái Là Bệnh Gì? - Dược Phẩm Tâm Bình
-
Điều Gì Gây Ra Cục Cứng Này Dưới Da Của Tôi?