Nổi Hạch Sau Tai Là Dấu Hiệu Tiềm ẩn Bệnh Lý Nguy Hiểm Nào?

Nội dung bài viết

  • Nổi hạch sau tai là gì?
  • Triệu chứng nổi hạch sau tai và gáy
  • Nguyên nhân gây nổi hạch sau tai
  • Nổi hạch ở sau tai có nguy hiểm không?
  • Cách điều trị nổi hạch sau tai

Nổi hạch sau tai vốn là một biểu hiện thường gặp. Đa phần chúng không gây nhiều khó chịu nên thường bị bỏ qua. Tuy nhiên, một khối u nhìn thấy được sau tai cũng có thể gây ra nhiều hoang mang lo lắng.  Vậy nguyên nhân của hiện tượng này là gì, có nguy hiểm đến sức khỏe hay không? Điều trị tình trạng nổi hạch như thế nào? Hãy cùng YouMed tìm hiểu qua bài viết sau đây. 

Nổi hạch sau tai là gì?

Bình thường, cơ thể người có hằng trăm hạch bạch huyết tập trung ở nhiều vị trí khác nhau. Có những nhóm hạch nằm sát da, dễ sờ thấy khi sưng to như nổi hạch ở nách, hạch cổ,.. Ngoài ra còn có nhiều nhóm hạch trong nội tạng.

Hạch bạch huyết có bề ngoài là những hạt nhỏ như hạt đậu chứa dịch và các tế bào bên trong. Cùng với đó, hạch bạch huyết tham gia vào hệ thống miễn dịch của cơ thể. Đây được xem như hàng rào bảo vệ, một phần trong những vũ khí được cơ thể sử dụng chống lại bệnh tật.

Khi cơ thể khỏe mạnh, hạch bạch huyết hoạt động tốt và dịch lưu thông suôn sẻ. Những nhóm hạch ở nông, gần da có thể sờ thấy. Thông thường, chúng nhỏ và chắc, không đau. Những vấn đề sức khỏe khác nhau có thể khiến dịch tích tụ lại trong các hạch. Từ đó gây ra những biến đổi về cấu trúc và chức năng hạch.

Nổi hạch sau tai và gáy là tình trạng một hoặc một nhóm hạch bạch huyết sau tai sưng lên. Bình thường, phía sau mỗi tai có một nhóm hạch, dẫn lưu dịch từ sau tai xuống cổ. Đây được xem như một trạm canh gác nhiễm khuẩn ở vùng này.

nổi hạch sau tai có thể nhận biết khi thăm khám bằng tay
Nổi hạch sau tai có thể nhận biết khi thăm khám bằng tay

Triệu chứng nổi hạch sau tai và gáy

Nổi hạch sau tai là một biểu hiện dễ dàng nhận biết. Người bệnh có thể nhận thấy khi chải đầu, soi gương. Người thân, gia đình cũng có thể vô tình phát hiện khi quan sát bệnh nhân.

Đôi khi, hiện tượng nổi hạch sau tai nhỏ và không đau có thể được phát hiện khi bạn đi khám vì một vấn đề sức khỏe khác. Điều quan trọng là lưu ý những triệu chứng đi kèm với tình trạng này có gợi ý nguyên nhân khác hay không. Những biểu hiện có thể rất đa dạng và sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng nguyên nhân khác nhau.

Các triệu chứng của hiện tượng nổi hạch sau tai đi kèm đáng chú ý bao gồm:

  • Sờ vào hạch có cảm giác cứng.
  • Hạch sưng và đau.
  • Mức độ di động của hạch kém. Thường được đánh giá thông qua động tác thăm khám của bác sĩ điều trị.
  • Có tình trạng sốt kèm theo.
  • Cảm giác khó nuốt, vướng khi nuốt.
  • Vùng da xung quanh hạch sưng trở nên nóng và đỏ.
  • Chảy nước mũi, ho khan hay ho có đàm hoặc đau họng. Kèm theo khó thở.
  • Tình trạng sụt cân mới xảy ra gần đây.

Đôi khi người bệnh không có bất kì triệu chứng nào ngoài một khối u nhỏ mọc lên ở sau tai. Chưa thể loại trừ các u khác không phải là hạch. Khối u nhỏ dưới da, không triệu chứng kèm theo thường gặp nhất là u mỡ.

Nguyên nhân gây nổi hạch sau tai

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng hạch nổi sau tai. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hiện tượng nổi hạch sau tai. Tác nhân rất đa dạng từ virus, vi khuẩn, nấm,… Thường gặp là nhiễm trùng từ đường hô hấp, răng miệng. Tuy nhiên, cũng có thể là một tình trạng nhiễm trùng toàn thân. Triệu chứng đi kèm điển hình là sốt. Ngoài ra còn có các triệu chứng đặc trưng tùy theo cơ quan nhiễm bệnh.

Khi điều trị dứt điểm tình trạng nhiễm trùng, hạch sẽ dần trở lại bình thường. Trong các trường hợp nhiễm trùng mạn tính, hạch sưng thường kéo dài. Nhưng đa phần chúng không gây nhiều phiền toái cho người bệnh.

Tình trạng viêm nhiễm có thể xảy ra ngay tại hạch. Lúc này, hạch không chỉ sưng to mà còn nóng đỏ, đau nhức rõ. Nếu để lâu có thể kèm theo tình trạng mưng mủ trong hạch.

Chấn thương vùng đầu mặt cổ

Một tình trạng chấn thương vùng đầu cổ, sau tai hay gáy có thể khiến nổi hạch sau tai và đau. Cơ thể sẽ huy động nhiều loại tế bào đến nơi có vết thương để làm nhiệm vụ bảo vệ cơ thể. Cơ chế này gây ra hiện tượng viêm vùng gần chấn thương. Sự lưu thông dịch và các tế bào trong mạch bạch huyết cũng tham gia vào cơ chế này. Vì thế mà hạch vùng gần nơi chấn thương có thể sưng to.

Phản ứng dị ứng

Phản ứng dị ứng có thể xảy ra với nhiều tác nhân tùy từng cơ địa bệnh nhân. Phấn hoa, lông chó mèo, hóa chất,.. là những tác nhân gây dị ứng thường gặp. Nổi hạch sau tai là một trong các triệu chứng có thể gặp khi cơ thể có phản ứng dị ứng.

Dị ứng phấn hoa có thể là một nguyên nhân gây nổi hạch sau tai
Dị ứng phấn hoa có thể là một nguyên nhân gây nổi hạch sau tai

Rối loạn miễn dịch

Như đã đề cập, hệ thống mạch và các hạch bạch huyết là một phần trong hệ thống miễn dịch của cơ thể. Hệ miễn dịch rối loạn có thể kéo theo sự lưu thông dịch bị ứ trệ, khiến hạch bạch huyết sưng to. Đặc biệt là với các bệnh tự miễn như Lupus ban đỏ hệ thống hay bệnh viêm giáp Hashimoto,…

Những nguyên nhân bệnh lí khác

Một số nguyên nhân khác cũng có thể có triệu chứng nổi hạch sau tai:

  • Thủy đậu.
  • HIV.
  • Bệnh lyme: Một bệnh viêm nhiễm do bị ve đốt. Vết cắn của ve bị nhiễm khuẩn là hình thức lây. bệnh lyme cho con người. Bệnh gây viêm trên nhiều cơ quan trong cơ thể: khớp, tim, hệ thần kinh.
  • Viêm họng hạt.
  • Bệnh lao.
  • Thương hàn: một bệnh lí nhiễm khuẩn đường tiêu hóa gây tiêu chảy.
  • Các bệnh lí ung thư nói chung và ung thư hạch nói riêng.

Nổi hạch ở sau tai có nguy hiểm không?

Bản thân hiện tượng nổi hạch ở sau tai thường không gây quá nhiều phiền toái cho người bệnh. Đôi khi bệnh nhân không hề cảm thấy khó chịu gì ngoài nhận thấy một khối to lên sau tai. Vì vậy mà các nguyên nhân ẩn sau nó thường dễ bị bỏ qua.

Đa số các trường hợp nổi hạch nói chung không do các vấn đề nguy hiểm. Tuy nhiên, việc chú ý các biểu hiện kèm theo để phát hiện và điều trị kịp thời nguyên nhân luôn luôn cần thiết. Đặc biệt là với các bệnh như lao, thương hàn, HIV, ung thư.

Cách điều trị nổi hạch sau tai

Bản chất nổi hạch sau tai là một triệu chứng chứ không phải một bệnh lí riêng biệt. Vậy nên phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thế. Đa phần hạch sẽ trở lại tình trạng bình thường sau khi đã điều trị dứt điểm bệnh nguyên chứ không cần can thiệp đặc biệt trên hạch. Trường hợp viêm mưng mủ tại hạch, bác sĩ có thể cho rạch và dùng kháng sinh sau tháo mủ.

Khi phát hiện một khối u sau tai nghi là hạch, người bệnh không nên tự ý điều trị như chích lể hay làm mọi cách cho hạch xẹp. Bởi lẽ, những việc này có nguy cơ gia tăng nhiễm trùng tại hạch. Hơn nữa, điều đó còn làm chậm trễ việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lí tiềm ẩn.

Bản chất của hiện tượng nổi hạch sau tai rất đa dạng. Mức độ nguy hiểm của tình trạng này phụ thuộc vào nguyên nhân bệnh lí đằng sau nó. Thường gặp là do viêm nhiễm, dị ứng, chấn thương và rối loạn miễn dịch. Hạch thường bình thường trở lại sau khi nguyên nhân được giải quyết. Hãy thường xuyên lưu tâm đến các biểu hiện của cơ thể và thăm khám kịp thời. Đó là chìa khóa vàng để phát hiện nhanh và điều trị đúng các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Từ khóa » Nổi Hạch ở Gần Tai Trái