Nỗi Lo Khi Chủ Doanh Nghiệp Bỏ Trốn

noi lo khi chu doanh nghiep bo tron Những kinh nghiệm hay về giải quyết quyền lợi người lao động khi doanh nghiệp bị phá sản

Kéo theo nhiều hệ lụy

Mới đây vào sáng 12/8, gần 3.000 công nhân lao động Công ty TNHH Kai Yang (quận Kiến An, TP Hải Phòng) vẫn đi làm như bình thường. Thế nhưng, khi đến làm việc, họ đã rất bất ngờ khi nhận được thông tin lãnh đạo chủ chốt của công ty này là người Đài Loan đột ngột “biến mất”, các nhà xưởng đóng cửa, ngừng hoạt động. Đáng chú ý, người lao động chưa được thanh toán tiền lương tháng 7 (theo đúng lịch sẽ thanh toán vào mùng 10 hàng tháng), BHXH cũng mới chỉ được chốt đến hết năm 2018.

noi lo khi chu doanh nghiep bo tron
Hàng ngàn công nhân Công ty TNHH Kai Yang hoang mang khi hay tin chủ doanh nghiệp bỏ trốn. (ảnh: SL)

Chị Nguyễn Thị L., công nhân phân xưởng may cho biết, cách đây mấy ngày, công ty vẫn còn thông báo chậm lương tháng 7 từ 1-2 ngày. Nay chủ doanh nghiệp bỗng dưng “biến mất” khiến công nhân rất hoang mang. Từng có gần chục năm làm việc tại Công ty Kai Yang, chị Lê Thị M. cho biết, từ trước đến nay, việc chi trả lương cũng như chính sách khác vẫn đúng thời hạn. Công ty vẫn đang có nhiều đơn hàng thi công, nên người lao động cũng không nghi ngờ gì về việc công ty đóng cửa.

Theo đại diện của người lao động, khoảng 8 giờ sáng 12/8, một số phân xưởng đã mở cửa cho công nhân vào lấy đồ cá nhân. Ngoài việc lãnh đạo chủ chốt người nước ngoài “biến mất”, toàn bộ máy móc, thiết bị, hàng hóa trong các xưởng không có sự thay đổi và đang được bảo vệ nghiêm ngặt, tránh hiện tượng phá hoại hay trộm cắp.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng và Liên đoàn Lao động quận Kiến An đã kịp thời có mặt, phối hợp với chính quyền địa phương và Công đoàn để bàn phương án giải quyết. Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng chỉ đạo Công đoàn Công ty thông báo với người lao động ổn định tâm lý, tư tưởng, tạm thời nghỉ việc trong ngày 12/8 để chờ thông tin từ phía doanh nghiệp.

Về việc này, sáng 15/8, Đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có buổi làm việc tại Công ty TNHH Kai Yang. Qua nắm bắt tình hình doanh nghiệp, đồng chí Trần Thanh Hải yêu cầu Ban chấp hành tiếp tục rà soát các trường hợp ốm đau, thai sản,… tránh tình trạng bỏ sót quyền lợi người lao động đồng thời, duy trì liên lạc với công ty mẹ tại Đài Loan, kịp thời thông tin tới Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng và cơ quan liên quan để nắm bắt tình hình doanh nghiệp, có phương án giải quyết kịp thời.

Được biết, Công ty TNHH Kai Yang Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Đài Loan, chuyên sản xuất giầy xuất khẩu. Hiện tại Công ty đang quản lý, sử dụng 2.357 lao động, trong đó hơn 90% lao động là người Hải Phòng. Ngoài nợ lương người lao động, Công ty nợ BHXH từ tháng 5/2019, nợ kinh phí công đoàn từ tháng 3/2019,...

Thực tế cho thấy, việc chủ doanh nghiệp “biến mất” không còn xa lạ. Năm 2018, vụ bỏ trốn của chủ Công ty TNHH KL Texwell Vina, 100% vốn Hàn Quốc, ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai vào dịp cận tết Nguyên đán cũng khiến hàng nghìn công nhân lao đao. Tổng số tiền lương còn nợ của vụ việc này là 13,7 tỷ đồng, 16,3 tỷ đồng tiền BHXH, ảnh hưởng đến 1.900 người lao động.

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến cuối năm 2018, số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là 6.760 tỷ đồng. Riêng đối với doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, rút giấy phép kinh doanh, chủ bỏ trốn là 2.270 doanh nghiệp, với số nợ bảo hiểm xã hội phải tính lãi khoảng 147 tỷ đồng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của khoảng 17.728 người lao động.

Về nguyên nhân, phần đông do các doanh nghiệp khó khăn về kinh tế do lựa chọn ngành nghề đầu tư không phù hợp, dẫn đến trốn tránh nghĩa vụ về thuế. Thậm chí, có những doanh nghiệp FDI kinh doanh không lành mạnh, lợi dụng kẽ hở của pháp luật Việt Nam cũng như chính sách “trải thảm đỏ” trong thu hút đầu tư của nhà nước để tận dụng ưu đãi, chiếm đoạt tiền lương, các khoản trợ cấp của người lao động rồi bỏ trốn.

Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng này, còn có nhiều nguyên nhân, trong đó có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi chưa phát hiện chưa kịp thời vụ việc, đặc biệt là sự phối hợp giữa cơ quan thuế và BHXH,… Bên cạnh đó, việc đề ra các giải pháp phòng ngừa cũng còn hạn chế, nhất là chế tài xử phạt nợ lương, BHXH.

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý

Thực tế cho thấy, việc giải quyết quyền lợi cho người lao động trong những trường hợp doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn còn rất nhiều vướng mắc, trong đó có nguyên nhân về khoảng trống pháp lý và trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan.

Luật sư Nguyễn Văn Dũng – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Hiện nay, quy định về “Chủ doanh nghiệp bỏ trốn” trong pháp luật hiện hành nói chung và Luật Doanh nghiệp nói riêng gần như đang bị “bỏ ngỏ”; chưa có các chế định cụ thể đối với hiện tượng này.

Duy nhất chỉ có Thông tư liên tịch 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 27/2/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23 tháng 2 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế thì có nêu đến việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn.

Cụ thể, nội dung thông tư này nêu: Doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn là doanh nghiệp không có người đại diện hợp pháp đứng ra giải quyết quyền lợi của người lao động và được Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan được Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh ủy quyền xác định.

Tuy vậy, lại chưa có văn bản pháp luật nào quy định về doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, quy định từ khái niệm doanh nghiệp có chủ bỏ trốn đến quy trình tổ chức thanh lý tài sản, đến việc giải quyết chế độ chính sách cho người lao động; trả các khoản nợ có liên quan đến BHXH, BHYT, nợ các tổ chức tín dụng… Điều này tạo ra “kẽ hở” để một số chủ doanh nghiệp lợi dụng, trốn tránh trách nhiệm tài chính với người lao động và nhà nước.

Theo một số chuyên gia, việc quan trọng hiện nay là cần nhanh chóng bổ sung các quy định pháp lý, các chế tài để ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm phạp luật để giải quyết tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động, nhất là khi tiến hành tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, BHXH và các cơ quan hữu quan tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, công tác thanh tra, kiểm tra về BHXH, tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ BHXH; Giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành đẩy mạnh công tác thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH của cơ quan BHXH, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Ông Young Mo Yoon – chuyên gia của tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam thì cho rằng, doanh nghiệp phá sản không phải diễn ra ngay lập tức mà luôn có dấu hiệu trước đó. Cơ quan BHXH cần theo dõi, giám sát nghĩa vụ đóng bảo hiểm của doanh nghiệp, nếu 2 - 3 tháng mà doanh nghiệp không đóng thì phải có hành động để xử lý, giải quyết.

Đối với các cơ quan quản lý cũng tương tự như vậy, cần tăng cường giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Khi nhận thấy các dấu hiệu doanh nghiệp bị phá sản mà không có ứng phó ngay lập tức thì sẽ dẫn đến hậu quả lớn hơn: Doanh nghiệp không trả lương, trả chế độ cho người lao động và bỏ trốn. Theo ông Young Mo Yoon, cần có các giải pháp có thể ứng phó ngay từ giai đoạn trước khi doanh nghiệp phá sản.

Việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn luôn tiềm ẩn những hệ lụy tiêu cực đối với người lao động cũng như tình hình an ninh trật tự tại các địa phương có vụ việc diễn ra. Chủ động ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động mà còn là cơ sở bảo đảm cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

H. Phong – Song Linh

Từ khóa » Chủ Công Ty Bỏ Trốn