Nổi Mề đay Có Thể Là Dấu Hiệu Gan Suy Yếu - VnExpress Sức Khỏe

Theo BS.CKI Hoàng Đình Thành (Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), mề đay là rối loạn phổ biến với khoảng 20% dân số. Tổn thương mề đay điển hình là mảng ban đỏ, ngứa dữ dội. Mề đay đôi khi đi kèm với phù mạch, sưng sâu hơn trên da. Tình trạng nổi mề đay có thể kéo dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.

Bệnh nổi mề đay thường được phân loại theo thời gian gồm 2 loại. Giai đoạn cấp tính kéo dài không quá 6 tuần, thường bùng phát đột ngột và tự biến mất. Giai đoạn mạn tính kéo dài trên 6 tuần, ngắt quãng theo từng đợt và có nhiều triệu chứng nặng nề. Bác sĩ Thành cho biết, có nhiều nguyên nhân gây nổi mề đay, trong đó có liên quan đến yếu tố nội sinh, cụ thể là chức năng gan.

"Một trong những vai trò quan trọng của gan là chống độc, bảo vệ cơ thể bằng cách chuyển hóa, làm giảm độc tính, biến các chất độc thành không độc hoặc ít độc rồi thải ra ngoài. Tuy nhiên, các yếu tố độc hại từ bên ngoài như thực phẩm nhiễm độc, rượu bia, lối sống không khoa học và phản ứng sinh hóa ngay từ bên trong cơ thể khiến tế bào Kupffer (đại thực bào nằm ở xoang gan) hoạt động quá mức, làm sản sinh các chất gây viêm... Từ đó, tế bào gan bị hoại tử và suy giảm chức năng gan. Lúc này, độc tố trong gan và cơ thể tích tụ lâu ngày dễ dẫn tới các triệu chứng như nổi mề đay, mẩn ngứa, mụn nhọt...", bác sĩ Thành giải thích.

Nổi mề đay không chỉ gây ngứa ngáy, khó chịu mà còn gây mất thẩm mỹ. Ảnh: Shutterstock

Nổi mề đay không chỉ gây ngứa ngáy, khó chịu mà còn gây mất thẩm mỹ. Ảnh: Shutterstock.

Những lưu ý khi nổi mề đay thường xuyên

Theo bác sĩ Thành, nổi mề đay không chỉ khiến người bệnh bị ngứa, khó chịu mà tình trạng nặng còn gây sưng mạch ở khí quản, vùng họng dẫn tới khó thở, thở gấp, thậm chí nghẹt thở. Nếu mề đay xuất hiện ở đường tiêu hóa có thể gây đau quặn bụng, nôn ói, tiêu chảy. Khi mề đay xảy ra ở tổ chức não, dễ gây phù nề não, rất nguy hiểm. Do đó, nếu nổi mề đay tái đi tái lại nhiều lần với các triệu chứng nguy hiểm trên, người bệnh cần đi khám để được thực hiện các xét nghiệm cần thiết và điều trị.

Để cải thiện tình trạng nổi mề đay tại nhà, người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau:

Tránh gãi: gãi không những không làm dịu cơn ngứa, không giúp người bệnh dễ chịu mà ngược lại còn gây ngứa nhiều hơn và vùng da nổi mề đay có thể lan rộng. Nếu người bệnh gãi nhiều có thể gây trầy xước da, dễ nhiễm khuẩn và khiến các vết mề đay trở nên nghiêm trọng hơn.

Không nên sử dụng hóa mỹ phẩm: làn da khi bị nổi mề đay dễ kích ứng hơn bình thường, do đó tiếp xúc với hóa mỹ phẩm dù có thành phần dịu nhẹ nhất cũng có thể gây dị ứng.

Bác sĩ Thành chia sẻ thêm, theo kinh nghiệm dân gian, khi bị nổi mề đay cần kiêng gió. Ngày nay, khoa học kiểm chứng chỉ những trường hợp dị ứng nổi mề đay do sự thay đổi của thời tiết mới cần hạn chế ra ngoài và tránh gió (gió trời, máy quạt, máy lạnh) thổi trực tiếp. Những trường hợp nổi mề đay do những nguyên nhân khác không cần kiêng gió. Tuy nhiên, khi đi ra ngoài vẫn cần mặc áo khoác, che chắn những chỗ nổi mề đay để tránh tác động của bụi bẩn, vi khuẩn có hại gây ảnh hưởng đến vùng da nổi mẩn.

Trong chế độ ăn uống, người thường xuyên nổi mề đay cần tránh các nhóm thực phẩm dễ gây dị ứng như sữa, trứng, hạt, đậu (phộng, nành), hải sản, lúa mì... Thực phẩm chứa nhiều đường, muối, nhiều gia vị cay nóng, dầu mỡ cũng cần kiêng. Người bệnh nên lựa chọn một số thực phẩm tốt như các loại cá, cà chua, cà rốt, chứa nhiều vitamin A... Các loại hạt hạt, chuối, gạo lứt, rau xanh chứa nhiều vitamin B...; thực phẩm giàu vitamin C như ớt chuông, quả kiwi, súp lơ trắng, dưa lưới vàng, cà chua, khoai tây... cũng có lợi.

Ngoài ra, rượu, bia, thuốc lá... là nguyên nhân làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nếu bị nổi mề đay mà vẫn tiếp tục sử dụng các chất kích thích sẽ khiến tình trạng bệnh nặng hơn và sẽ tái phát nhiều lần.

Thực đơn đầy đủ dưỡng chất giúp cơ thể khỏe mạnh, hỗ trợ tốt cho quá trình đào thải độc tố và hạn chế gây nổi mề đay. Ảnh: Shutterstock.

Thực đơn đầy đủ dưỡng chất giúp cơ thể khỏe mạnh, hỗ trợ tốt cho quá trình đào thải độc tố và hạn chế gây nổi mề đay. Ảnh: Shutterstock.

Một số lưu ý khác trong sinh hoạt cho người bệnh như: kiểm tra xem bản thân có bị dị ứng với tác nhân nào đó ngoài môi trường sống hay không (như phấn hoa, bụi mịn, cao su...). Nếu có, bạn cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với chúng. Giảm thiểu nguy cơ bị côn trùng đốt bằng cách tránh xa các tổ ong, sử dụng sản phẩm chống côn trùng hiệu quả và an toàn để xua đuổi côn trùng đi.

Bác sĩ Thành cho biết thêm, khi bị dị ứng nổi mề đay, người bệnh thường được chỉ định điều trị bằng thuốc tây y để giảm triệu chứng, tiêu viêm, hạn chế tình trạng sưng đỏ và ngứa ngáy bằng nhóm thuốc kháng histamin, thuốc chống viêm, thuốc chống dị ứng... Với trường hợp dị ứng nổi mề đay do mắc bệnh lý về gan, bệnh nhân có thể tăng cường khả năng giải độc, khử độc, kiểm soát hoạt động của tế bào Kupffer bằng những hoạt chất như tinh chất Wasabia và S. Marianum. Hai loại thảo dược này có tác dụng giảm mẩn ngứa, mụn nhọt, tăng cường hoạt động tế bào gan, góp phần tăng khả năng chống độc trước các tác nhân gây hại.

Ngọc An

  • Nguy cơ suy gan vì 3 thói quen thường gặp
  • Bảo quản thực phẩm không đúng cách gây hại gan
  • Lưu ý khi dùng nước thanh nhiệt mát gan thời dịch

Từ khóa » Dị ứng Gan Nổi Mề đay