Nỗi Niềm Riêng Của Cha Tôi... - Tuổi Trẻ Online

SaXEtvgh.jpgPhóng to
Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng và cháu nội Phạm Quốc Hoa - Ảnh tư liệu
TT - Căn nhà của anh Phạm Sơn Dương nằm trong một con ngõ của phố Đội Cấn, Hà Nội. Trong căn phòng khách bài trí khá giản dị của một ông giám đốc thời mở cửa - một ban thờ cha và một bộ bàn ghế - anh Dương nhỏ nhẹ kể cho chúng tôi nghe những dòng ký ức về cha mình - cố thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Nỗi niềm riêng

Ngay sau khi tiếp quản thủ đô, trở lại Hà Nội cùng gia đình, tuổi thơ của Phạm Sơn Dương gắn liền với Phủ chủ tịch, anh sống trong đó cùng cha và Bác Hồ.

Nỗi niềm riêng của cha anh cũng có những éo le. Má anh sớm mắc bệnh, tâm lý bất ổn, cha anh coi như không có chỗ dựa của một người vợ. Ngược lại, dù bận việc nước, ông vẫn phải luôn dành thời gian chăm sóc, động viên bà. Sống cùng Bác Hồ, nhưng tuần nào thủ tướng cũng bố trí ngày nghỉ cuối tuần ra thăm vợ, hoặc đón bà vào Phủ chủ tịch chơi. Không ra được vì nhiều việc thì Sơn Dương lại được cho ra thăm mẹ.

Lần nào cũng thế, ông lại gửi ra cho bà một món quà. Anh Dương nhớ mãi một lần, ba đã dặn đi dặn lại là thứ bảy ra mang cho má quả táo. Nhưng mải đọc một cuốn sách hay, quên bẵng, chủ nhật anh mới ra thăm má. Biết chuyện, ông giận, mắng anh một trận ra trò. Lúc đó anh tủi thân lắm, sau này mới biết ba nặng tình với má, nên cái gì đã định làm cho bà mà không làm được, ba day dứt vô cùng.

Hồi trẻ, ba anh có hứa với má là dù có làm cách mạng, đi đâu xa cũng cho má đi cùng. Nhưng thay đổi chiến trường liên tục, bộ chỉ huy cũng không phải lúc nào cũng ổn định một nơi, nên lời hứa của ba không thực hiện được. Má anh đã đi bộ từ chiến khu vượt bao rừng núi Việt Bắc vào miền Nam, nhưng không tìm được ông. Sau, ông lại bị tù ở Côn Đảo thời gian dài. Hai người xa nhau biền biệt, có người nói vì quá hụt hẫng, không đủ sức chịu đựng, bà mới sinh ra bệnh nửa nhớ nửa quên như thế.

Ông đưa bà sang Trung Quốc chữa bệnh cũng không khỏi, lại nghe bác sĩ bảo bà bị bệnh do xa ông thì nay, nếu được gần ông, bệnh sẽ tự lui. Thế là ông xin phép Bác Hồ, rời phủ, mấy tháng trời gần bà, chăm sóc, chuyện trò, nhưng bệnh không thuyên giảm.

Ấn tượng lớn nhất của Dương là ba anh luôn nhẹ nhàng với má. Nhiều lần anh chứng kiến ba ngồi lặng bên vợ hàng giờ, không nói câu nào, còn bà vẫn ngơ quay nhìn đi chỗ khác. Sự chung thủy của ba với má làm tất cả những cán bộ dưới quyền ông cảm phục.

Kỷ luật và một tình yêu ấm áp

Từ nhỏ, phần lớn thời gian anh Dương sống trong Phủ chủ tịch cùng cha, nhưng các chú cùng làm với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng mới là những người được “ủy quyền” dạy bảo. Anh Dương kể chỉ mắc một tội bé xíu thôi, mải chơi chút thôi, nhưng do được cha anh “gửi gắm” kỹ nên không hề có sự ưu ái nào, thậm chí còn nghiêm khắc hơn. Dặn dò không được, mắng mỏ không xong, lơ mơ là bị... “ăn đòn” ngay, đúng kiểu “quân sự”.

Vốn “nhát đòn”, anh Dương bảo, nên 16 tuổi vào thiếu sinh quân là mừng lắm, nghĩ đơn giản là... không còn bị đòn nữa. Mấy năm dằng dặc, trong khi bạn bè thi thoảng có người nhà đến thăm, Dương ban đầu còn ngong ngóng, sau biết cha quá bận nên không lên thăm được. Mỗi lần có xe báo người nhà lên thăm, Dương biết ngay đó lại là một chú nào đó từng lãnh nhiệm vụ “quản lý” ngày xưa.

Sự nghiêm khắc của ba đã chuẩn bị cho anh một hành trang tốt để trở thành một người lính có kỷ luật. Anh bảo phong tục của người Việt mình, sống ở nhà người khác, người ta quí mình thì cả làng cùng quí. Sơ tán ở nhà dân, không mấy ai biết anh là con của bác Đồng. Nhưng có lần sơ tán ở Thái Nguyên, có người không hiểu sao lại biết. Về sau, chính đoàn quân của anh bị địch tập kích, nên đến giờ nhiều người vẫn nghĩ ba anh có hai con, một người đã hi sinh, người còn lại là anh!

Cha anh luôn tự đặt cho mình những nguyên tắc sống nghiêm ngặt, đặc biệt là lối sống giản dị và việc rèn luyện sức khỏe thường xuyên. Ngày nào ông cũng dậy từ sớm, tập thể dục đều đặn. Những hôm ốm sơ sơ, ông vẫn tập như thường. Từ nhỏ, anh Dương đã được cha gọi dậy tập cùng. Sau này, khi công việc của một giám đốc nhiều khi buộc anh phải thức đến 2, 3 giờ sáng, hôm sau ba vẫn gọi anh 5 giờ tập thể dục.

Hồi nhỏ, anh thấy không cần thiết lắm khi mình có theo nghiệp ngoại giao gì đâu mà ba dạy từng li, từng tí đường ăn nết ở như là chuẩn bị cho con trai “đi sứ” vậy. Ngồi kiểu gì, ăn uống ra sao, nói năng thế nào để cho người đối diện không phải khó chịu. Tất cả cứ “nhiễm dần” vào anh như một thói quen, một phản xạ rất tự nhiên, giúp ích cho anh biết bao trong công việc sau này.

Hạnh phúc nhất đối với hai đứa con của anh Dương là ông nội luôn là người đầu tiên bế cháu khi chúng chào đời. Hai đứa con anh Dương - một trai, một gái - đều được ba anh đặt tên. Cậu con đầu lòng được ông nội đặt tên từ khi trong bụng mẹ, chưa biết là trai hay gái. Đến khi bé chào đời, anh cũng hỏi ba là con trai mà đặt tên là Hoa nghe “nữ tính” quá. Ba anh ôn tồn: “Cháu không phải tên Hoa, mà là tên Quốc Hoa, là bông hoa của Tổ quốc, con à”. Kể cả sau này, cô con gái thứ hai của anh Dương cũng được đặt tên theo ý niệm riêng của ông nội: Quốc Hương.

Anh Dương bảo trong tập sách ảnh về cố thủ tướng Phạm Văn Đồng sắp tới đây phát hành sẽ “bật mí” một thông tin khá thú vị là hầu hết những người đã từng viết thư cho ba anh đều được ông trả lời. Có người viết hàng chục lá thư, tâm sự về những khúc mắc cuộc đời nhờ ba anh giúp đỡ. Ba anh trả lời thư đều đặn, giúp đỡ tận nơi mà không hề biết mặt người đã trao đổi với mình bao nhiêu tâm tư trong suốt một thời gian dài.

Họ Phạm của niềm tin

QtV5RqSy.jpgPhóng to
Bác Đồng với cán bộ, già làng Ba Tơ - Ảnh tư liệu
Ông Phạm Văn Sáu, nguyên bí thư Huyện ủy Ba Tơ, Quảng Ngãi giai đoạn 1963-1970, như cây lim già trên đỉnh Cao Muôn. Ông là biên niên sử của làng Teng, xã Ba Thành. Ông đưa chúng tôi về những ngày đầu năm 1969...

Một buổi sáng tháng 4-1969, dưới tán lá rừng, bản Nước Y, xã Ba Sơn (nay là xã Ba Vinh) nằm dưới chân núi Cao Muôn, Huyện ủy Ba Tơ đã mở cuộc họp bàn đối phó với đối phương. Cuộc họp trở nên sôi nổi khi đến phần phát động phong trào trong quần chúng cần phải noi gương các anh hùng, liệt sĩ, những cán bộ cách mạng kiên trung.

Các đồng chí trong ban thường vụ phân tích: Ở Quảng Ngãi mình có Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông đã từng lập trại sản xuất ở Sơn Hà, vận động đồng bào dân tộc H’Re sản xuất để có lúa gạo, khoai mì cho đồng bào dân tộc ăn no, góp công sức cho cuộc kháng chiến chống Pháp và từng thay mặt Chính phủ tặng ông Hương Mục Gia thủ lĩnh của phong trào “Nước Xu Đỏ” huân chương quân công hạng nhì. Tên tuổi của ông lan rộng khắp miền tây Quảng Ngãi.

Ông Sáu biết tấm lòng của đồng bào dân tộc H’Re đối với Đảng và uy tín của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng trong lòng đồng bào dân tộc thiểu số của ông. Lấy họ Phạm là giữ lấy niềm tin.

Dưới chân núi Cao Muôn - nơi mà năm 1945, sau khi đội du kích Ba Tơ chiếm huyện lỵ tiến về đây lập căn cứ rồi sau đó tỏa về trung châu đánh chiếm đồng bằng, sau 24 năm lại là nơi khởi đầu cuộc vận động đổi họ thể hiện rõ tấm lòng son sắt thủy chung với Đảng. Ông Phạm Văn Đoàn, nguyên bí thư Đảng ủy xã Ba Sơn nay trở thành già làng sống ở xã Ba Vinh dưới chân núi Cao Muôn, kể: “Chẳng có văn bản, nghị quyết nhưng là niềm tin...”.

Từ bản Nước Y, xã Ba Sơn (nay là xã Ba Vinh) chuyện đổi họ lan qua Ba Lang, Ba Điền, Ba Da còn nhanh hơn đôi cánh bay của con chim trời, rồi lan rộng khắp cả huyện miền núi Ba Tơ.

Những đứa trẻ sinh ra đầy tuổi, đồng bào dân tộc H’Re bắt con gà, chặt đoạn đót làm lễ cúng Giàng, rồi cha mẹ chúng giờ có thêm câu vái: “Nó là con cháu ông Đồng đó. Lớn lên nó sẽ đi theo cách mạng. Đã theo thì theo đến cùng”.

Những người con của buôn làng mang họ Phạm đã chiến đấu anh dũng. Máu của họ đã tô ngọn cờ chiến thắng. Năm 1972, huyện Ba Tơ được giải phóng trở thành hậu phương vững chắc để những đoàn quân tỏa về đánh chiếm đồng bằng.

Hòa bình, một lần về thăm Ba Tơ, bác Đồng đã ân cần gặp các già làng, con em đồng bào dân tộc thiểu số. Bác nói: “Đồng bào các dân tộc thật tốt, thật trung thành với cách mạng. Phải làm sao giữ cho rừng luôn tươi xanh và làm cho đời sống của bà con ngày càng khá lên, trả ơn, trả nghĩa cho dân...”.

Từ khóa » Ca Sĩ Minh Châu Con Dâu Phạm Văn đồng