Nới Room Ngoại Lên 100%: Thị Trường Tăng Cả Lượng Lẫn Chất

Đáng chú ý, theo nguồn tin của Kinh tế chứng khoán Việt Nam, trong số này, Công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) đã quyết định nới room ngoại lên 100% mở đường cho việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hiện BMI đã trình Bộ Tài chính phương án nới room này.

Trong trường hợp cụ thể, cơ cấu cổ đông của BMI hiện nay gồm có SCIC sở hữu xấp xỉ 51%, Tập đoàn AXA (Pháp) và cổ đông lớn nước ngoài khác sở hữu trên 20%. Nếu nguồn vốn của BMI được chuyển nhượng thành công cho nhà đầu tư ngoại, đây là thương vụ đầu tiên một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có sự tham gia với quyền chi phối vốn của doanh nghiệp nước ngoài.

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán KIS cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức cập nhật “điều kiện tiếp cận thị trường” cho các ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có lĩnh vực bảo hiểm. Theo đó, quy định “không hạn chế” đối với tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Đặc biệt, Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 02/7/2021 cũng nêu rõ bảo hiểm không thuộc 7 lĩnh vực Nhà nước sẽ nắm 65% vốn điều lệ sau chuyển đổi cổ phần hóa, thoái vốn. Đây là chìa khóa mở rộng cánh cửa cho doanh nghiệp ngoại sở hữu doanh nghiệp tốt trong nước.

Để có những phân tích và đánh giá sâu về sự kiện này, Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Quốc Hưng - chuyên viên Cao cấp Công ty Chứng khoán MB (MBS):

PV: Liên quan đến chủ trương thoái vốn ngành Bảo hiểm của Nhà nước, theo ông triển vọng của cổ phiếu bảo hiểm nói chung và BMI nói riêng ra sao?

Nới room ngoại lên 100%: Thị trường tăng cả lượng lẫn chất
Ông Ngô Quốc Hưng - chuyên viên Cao cấp Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Ông Ngô Quốc Hưng: Về vấn đề này, Bộ Tài chính đề nghị Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước bán vốn tại Tập đoàn Bảo Việt, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, nộp tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 20/12/2021. Đến nay dù vẫn đang trong giai đoạn cuối của lộ trình, tuy nhiên hầu hết cổ phiếu bảo hiểm trên sàn chứng khoán đều tăng mạnh so với đầu năm 2021.

Năm 2021, BMI đặt mục tiêu doanh thu là 5.025 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 277 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện 2020. So với kế hoạch đề ra, BMI đã thực hiện được 84% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.

Tổng tài sản của BMI tính đến ngày 30/09/2021 đạt hơn 7.138 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm chủ yếu do tài sản tái bảo hiểm tăng 52%, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 10% cùng với tiền và các khoản tương đương tiền tăng 72%. Trong khi đó, nợ phải trả hơn 4.860 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Trong đó, dự phòng nghiệp vụ hơn 3.876 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm.

Với diễn biến khả quan về giá cũng như thanh khoản cao (khối lượng giao dịch bình quân 20 phiên gần nhất) như ở các cổ phiếu như: BVH (1,3 triệu cp/phiên), BMI (818.500 cổ phiếu/phiên), MIG (795.000 cổ phiếu/phiên),… nhóm cổ phiếu bảo hiểm đã và đang nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư và dòng tiền lớn trên thị trường hiện nay.

Tóm lại, cho đến khi một số vướng mắc trong quy trình thoái vốn ở các doanh nghiệp bảo hiểm được hoàn thiện phù hợp với điều kiện thực tế, cổ phiếu bảo hiểm tiếp tục được hưởng lợi từ yếu tố thoái vốn nhà nước cũng như yếu tố nội tại của ngành với tăng trưởng ổn định, được coi là “của để dành”, bên cạnh đó là cú huých nhờ Luật Kinh doanh bảo hiểm đang được sửa đổi. Do vậy, nhiều khả năng các cổ phiếu bảo hiểm sẽ có sự phân hóa cao hơn và đi theo diễn biến câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp.

PV: Nếu chủ trương thoái vốn thành công, theo ông “bên này”, tức Nhà nước, thị trường, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi gì?

Ông Ngô Quốc Hưng: Thoái vốn Nhà nước là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, với mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước, tạo động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán, tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh.

Nếu chủ trương thoái vốn thành công, nhà nước sẽ có thêm nguồn thu cho ngân sách để phục vụ đầu tư trung và dài hạn, giảm vai trò “làm kinh tế” của nhà nước, thay vào đó nhà nước tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp thông qua các chủ trường chính sách. Bên cạnh đó, việc nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu cũng giúp các doanh nghiệp lên sàn dễ dàng hơn đối với các doanh nghiệp chưa niêm yết.

Doanh nghiệp sẽ có thêm các lợi ích riêng như: công khai, minh bạch quản trị công ty, đa dạng hóa cổ đông, nhiều cổ đông chiến lược có thể đóng góp lớn vào quá trình phát triển doanh nghiệp. Qua đó, doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán sẽ được mở rộng về quy mô khi tăng cả về số lượng doanh nghiệp niêm yết, vốn hóa thị trường, đưa thị trường tiệm cận với thông lệ quốc tế, tạo ra sự minh bạch và công bằng cho các nhà đầu tư nội địa và nước ngoài. Đây là một trong những điều kiện để xét nâng hạng, thị trường chứng khoán có thêm hàng hóa chất lượng và nhà đầu tư (trong nước và nước ngoài) có thêm cơ hội đầu tư mới tiềm năng.

PV: Vậy còn cơ hội cho “bên kia”, tức phía mua lại vốn thoái là các nhà đầu tư nước ngoài là gì?

Ông Ngô Quốc Hưng: Theo tôi các nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội đặc biệt khi lần đầu sở hữu tỷ lệ tối đa chi phối đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Và đây được coi là những doanh nghiệp bền vững, có tiềm năng. Việc tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ khiến tiềm lực doanh nghiệp mạnh lên, cùng với bộ máy nhân sự và hệ thống quản trị chuyên nghiệp từ các quốc gia phát triển sẽ giúp họ mở rộng kinh doanh và tăng trưởng lợi nhuận vững chắc. Ngoài ra, khi có sự bảo đảm uy tín từ nhà đầu tư ngoại, tính thanh khoản và giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp sẽ được đảm bảo hơn bao giờ hết.

Cổ phiếu bảo hiểm đà tăng liên tục

Theo đánh giá của ông Ngô Quốc Hưng, kể từ đầu năm cho tới nay, chỉ số Vn-Index đã tăng 30,75% trong khi một số cố phiếu bảo hiểm tăng mạnh hơn so với thị trường như: BMI (+82,76%), MIG(+66,73%), PVI (+59,52%), BIC (+31,30%),…được ví là “của để dành” (ổn định, đầu tư dài hạn), thì việc cổ phiếu bảo hiểm hấp dẫn theo quán tính tăng chung cũng là điều không quá bất thường. Đà tăng của cổ phiếu được hỗ trợ bởi yếu tố nội tại của doanh nghiệp bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Thống kê cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp bảo hiểm đều cho thấy tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm 2021 tốt hơn hẳn so với cùng kỳ 2020 như: BMI (+18,9%), MIG (+51,6%), PVI (+28,7%), BVH (+284%)…

Từ khóa » Bmi Nới Room Ngoại