Nội Soi Bàng Quang - Bệnh Viện FV

NỘI SOI BÀNG QUANG LÀ GÌ?

Thủ thuật này được sử dụng để khảo sát bàng quang. Bác sĩ sẽ đưa một ống soi nhỏ, đầu có gắn camera và đèn đi qua niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể) vào bàng quang. Các dụng cụ nhỏ dùng để phẫu thuật cũng có thể được luồn qua ống soi này để điều trị đồng thời các bệnh lý về bàng quang.

Có 2 phương pháp nội soi bang quang

Nội soi bàng quang bằng ống mềm: sử dụng ống soi bàng quang nhỏ (đường kính bằng đầu bút chì), dễ uốn cong và bệnh nhân sẽ tỉnh táo trong khi thực hiện.

Nội soi bàng quang bằng ống soi mềm

Nội soi bàng quang bằng ống cứng: sử dụng ống soi bàng quang có đường kính lớn hơn, khó uốn cong và bệnh nhân sẽ được gây mê hoặc gây tê nửa dưới cơ thể trong quá trình làm thủ thuật.

Nội soi bàng quang bằng ống cứng

Bác sĩ có thể quan sát trực tiếp vào ống soi bàng quang và cũng có thể xem các hình ảnh được hiển thị trên màn ảnh hoặc màn hình máy tính. Cả hai loại ống soi bàng quang đều có kênh thao tác phụ để đưa nhiều loại dụng cụ nhỏ vào. Ví dụ như bác sĩ có thể lấy một mẫu mô nhỏ (sinh thiết) từ niêm mạc bàng quang bằng dụng cụ ‘gắp’ nhỏ được đưa qua kênh thao tác phụ.

Ống soi bàng quang mềm là loại ống thường được sử dụng nhất. Do đặc tính mềm dẻo nên ống có thể dễ dàng đi dọc theo đường cong của niệu đạo. Ngoài ra, đầu ống mềm nên có thể di chuyển dễ dàng giúp bác sĩ khảo sát toàn bộ lớp niêm mạc trong của bàng quang. Tuy nhiên, ống soi bàng quang cứng lại cho phép đưa vào kênh thao tác phụ nhiều loại dụng cụ khác nhau cần thiết cho các thủ thuật khác nhau. Thủ thuật sinh thiết lớn hoặc cắt bỏ khối u, gọi là cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo (TURBT), thường được thực hiện bằng ống soi bàng quang cứng.

TẠI SAO CẦN NỘI SOI BÀNG QUANG?

Để giúp chẩn đoán

Nội soi bàng quang có thể được thực hiện để tìm nguyên nhân gây ra các triệu chứng như:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu thường xuyên;
  • Có máu trong nước tiểu (tiểu máu);
  • Tiểu không tự chủ;
  • Phát hiện các tế bào bất thường trong mẫu nước tiểu;
  • Đau dai dẳng khi đi tiểu;
  • Khó tiểu – có thể do phì đại tuyến tiền liệt hoặc hẹp niệu đạo.

Nội soi bàng quang cũng có thể được thực hiện để theo dõi diễn tiến bệnh. Ví dụ như một số bệnh nhân cần nội soi bàng quang định kỳ sau khi điều trị khối u bàng quang. Điều này giúp phát hiện sớm tình trạng tái phát để có thể điều trị trước khi khối u lan rộng.

Để điều trị hoặc thực hiện một số thủ thuật

Bằng cách đưa các dụng cụ khác nhau vào kênh thao tác phụ, bác sĩ có thể:

  • Lấy sỏi từ bàng quang. Nếu sỏi kẹt ở vị trí cao hơn – trong niệu quản – bác sĩ có thể đưa ống soi bàng quang đến tận niệu quản. Niệu quản là ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang;
  • Lấy mẫu nước tiểu từ mỗi niệu quản. Điều này giúp kiểm tra tình trạng nhiễm trùng hoặc khối u liên quan đến mỗi bên thận;
  • Cắt bỏ polyp hoặc khối u khỏi niêm mạc bàng quang;
  • Đặt một ống nhỏ (stent) vào niệu quản bị hẹp. Ống này giúp lưu thông nước tiểu nếu hẹp niệu quản;
  • Tiêm thuốc vào bàng quang;
  • Chụp X-quang chuyên dụng cho niệu quản và thận. Bác sĩ có thể tiêm chất tương phản vào niệu quản dẫn lên thận. Điều này giúp hiển thị lên hình ảnh X-quang và cho biết các vấn đề của thận hoặc niệu quản;
  • Cắt bỏ tuyến tiền liệt (bằng cách sử dụng một loại ống soi bàng quang đặc biệt có thể “cắt” từng chút một tuyến tiền liệt).

ĐIỀU GÌ XẢY RA TRONG KHI NỘI SOI BÀNG QUANG BẰNG ỐNG MỀM?

Nội soi bàng quang thường được thực hiện cho bệnh nhân ngoại trú hoặc bệnh nhân điều trị trong ngày. Điều này có nghĩa là bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày. Nội soi bàng quang bằng ống mềm thường được thực hiện khi bệnh nhân tỉnh táo. Một số bệnh nhân được dùng thuốc an thần để giúp thư giãn.

Bệnh nhân cần mặc áo choàng bệnh viện và nằm ngửa trên bàn điều trị. Lỗ niệu đạo (cuối dương vật hoặc vùng ngoài âm đạo) và vùng da lân cận phải được làm sạch. Sau đó, cho chất bôi trơn vào lỗ niệu đạo. Chất bôi trơn thường chứa thuốc tê để làm tê niêm mạc niệu đạo. Điều này giúp ống soi bàng quang có thể đi vào niệu đạo và ít gây khó chịu nhất có thể.

Sau đó, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng đẩy ống soi vào bàng quang. Bác sĩ sẽ khảo sát cẩn thận niêm mạc của niệu đạo và bàng quang. Nước cất vô trùng sẽ được đưa qua kênh thao tác phụ trong ống soi để từ từ làm đầy bàng quang. Điều này giúp bác sĩ khảo sát niêm mạc của bàng quang dễ dàng hơn. Khi bàng quang đầy, bệnh nhân cảm thấy muốn đi tiểu, điều này có thể làm bệnh nhân cảm thấy khó chịu.

Nội soi bàng quang bằng ống mềm mất khoảng 5-10 phút nếu chỉ khảo sát bên trong bàng quang. Thời gian này có thể lâu hơn nếu bác sĩ thực hiện thủ thuật – ví dụ như lấy mẫu mô (sinh thiết) từ niêm mạc của bàng quang. Sau đó, ống soi bàng quang được kéo nhẹ nhàng ra ngoài. Bác sĩ có thể cho bệnh nhân biết kết quả khảo sát bên trong bàng quang ngay sau thủ thuật. Nếu có sinh thiết, mẫu bệnh phẩm sẽ được gửi đi xét nghiệm và khảo sát dưới kính hiển vi. Kết quả sinh thiết sẽ gửi lại cho bác sĩ sau vài ngày.

ĐIỀU GÌ XẢY RA TRONG KHI NỘI SOI BÀNG QUANG BẰNG ỐNG CỨNG?

Thủ thuật này được thực hiện trong phòng mổ. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn trước lịch hẹn. Hướng dẫn này bao gồm lời khuyên về chế độ ăn uống và những việc cần làm đối với các loại thuốc đang dùng.

Bệnh nhân thường phải nhịn ăn uống vài giờ trước khi nội soi bàng quang bằng ống cứng. Bệnh nhân cũng phải sắp xếp người đưa về nhà, vì bệnh nhân không được lái xe trong vòng 24 giờ.

Bệnh nhân sẽ được gây mê hoặc gây tê nửa dưới cơ thể (gây tê tủy sống) trong quá trình thủ thuật.

Thủ thuật có thể kéo dài đến 30 phút.

Khi thủ thuật kết thúc, bệnh nhân sẽ được đưa đến khu vực hoặc phòng hồi tỉnh.

Bệnh nhân sẽ được đặt một ống nhựa mỏng, gọi là ống thông tiểu, vào bàng quang để giúp thông tiểu. Ống này sẽ được rút ra trước khi bệnh nhân xuất viện.

CÁC BIẾN CHỨNG CÓ THỂ XẢY RA?

Hầu hết các trường hợp nội soi bàng quang đều không xảy ra vấn đề gì. Trong 24 giờ tiếp theo, bệnh nhân có thể cảm thấy nóng rát nhẹ khi đi tiểu và cảm thấy muốn đi tiểu nhiều hơn bình thường. Ngoài ra, nước tiểu có thể có màu hồng do chảy máu ít, đặc biệt là khi có sinh thiết.

Các biến chứng bao gồm:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: là biến chứng thường gặp nhất trong những biến chứng khi soi bàng quang. Đây là tình trạng nhiễm trùng của bàng quang, thận hoặc  niệu quản;
  • Không thể làm rỗng bàng quang: bệnh nhân thường được yêu cầu làm rỗng bàng quang trước khi xuất viện để đảm bảo bệnh nhân có thể thực hiện được, nhưng đôi khi bệnh nhân sẽ cảm thấy khó tiểu sau khi về nhà. Đây có thể là dấu hiệu của sưng niệu đạo hoặc tuyến tiền liệt (một tuyến nhỏ ở nam giới);
  • Tổn thương bàng quang, gây chảy máu nhiều.

Sau khi nội soi bàng quang, bệnh nhân phải thông báo cho bác sĩ nếu:

  • Đau hoặc chảy máu nhiều;
  • Đau hoặc chảy máu kéo dài hơn 2 ngày;
  • Có các triệu chứng nhiễm trùng, như sốt, đau lưng dưới hoặc đau hông;
  • Không thể làm rỗng bàng quang;
  • Nước tiểu có mùi hôi.

TÁI KHÁM

Mẫu sinh thiết được lấy trong quá trình nội soi bàng quang sẽ được khảo sát dưới kính hiển vi. Kết quả sinh thiết có thể mất đến 2 tuần để hoàn thành.

Khi tái khám, bác sĩ sẽ giải thích cho bệnh nhân về những phát hiện, nếu có cũng như việc có cần điều trị chuyên sâu và tái khám hay không.

Từ khóa » Cách Khám Cầu Bàng Quang