Nội Soi Phế Quản Có Chẩn đoán được Bệnh Lao Phổi Không? | Medlatec

1. Khái niệm và phân loại nội soi phế quản

nội soi phế quản là kỹ thuật nội soi giúp quan sát được bên trong đường hô hấp thông qua một thiết bị gọi là ống nội soi. Ống nội soi được đưa vào đường hô hấp qua miệng, mũi hoặc lỗ mở khí quản. Thiết bị này có dạng ống nhỏ, một đầu có gắn camera và đèn hỗ trợ sáng giúp bác sĩ có thể quan sát rõ bên trong đường hô hấp, đầu kia có thiết kế tay nắm điều khiển.

Với công nghệ hiện đại thì việc nội soi phế quản ngày càng phổ biến để chẩn đoán các vấn đề trong đường hô hấp. Ngoài ra, trong quá trình nội soi, bệnh nhân được gây mê hoặc gây tê nên rất ít có cảm giác đau hay khó chịu.

nội soi phế quản

Quá trình nội soi cho bệnh nhân

Kỹ thuật nội soi phế quản có 2 loại:

Nội soi ống cứng: cấu tạo ống nội soi cứng, thường được sử dụng trong trường hợp tiến hành phẫu thuật, lấy dị vật trong đường hô hấp, với camera, đèn và đầu dò cứng cho phép kiểm soát tốt các thao tác, các công cụ hỗ trợ như dao cắt, dao điện có thể kiểm soát chảy máu hiệu quả; tuy nhiên phương pháp này gây khó chịu cho bệnh nhân nên cần gây mê hoặc gây tê.

Nội soi ống mềm: cấu tạo ống dò nhỏ và mềm hơn, thích hợp trong các trường hợp cần chẩn đoán các triệu chứng bệnh đường hô hấp, ống loại này có thể luồn sâu vào phế quản với đèn trợ sáng và camera giúp tiếp cận vị trí cần chẩn đoán, bệnh nhân thoải mái hơn, thời gian tiến hành nội soi cũng nhanh hơn thường chỉ mất dưới 15p vì vậy phương pháp này thường được sử dụng phổ biến trong nội soi chẩn đoán bệnh hô hấp.

2. Nội soi phế quản để làm gì?

Bạn thường được chỉ định nội soi sau khi được bác sĩ thăm khám và phát hiện một số dấu hiệu bất thường của đường hô hấp. Mục đích của kỹ thuật này là:

  • Quan sát và hỗ trợ chẩn đoán một số bệnh thường gặp tại đường hô hấp như: Viêm phổi, viêm phế quản, u phổi, u khí quản,…

  • Hỗ trợ lấy dị vật bên trong đường thở, xử lý vết thương.

  • Kiểm tra mức độ phát triển của khối u trong ung thư phổi, ung thư phế quản.

  • Thu thập các mẫu sinh thiết để làm các xét nghiệm cần thiết.

  • Hỗ trợ phẫu thuật các dị tật trong đường hô hấp (dị dạng, hẹp đường hô hấp).

  • Kiểm soát dịch viêm, chảy máu, dịch tràn từ các cơ quan khác.

  • Điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị trong.

nội soi phế quản

Nội soi có thể phát hiện nhiều bệnh ở đường hô hấp

3. Nội soi phế quản Lao phổi

Lao phổi là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Theo thống kê, Việt Nam đứng top 20 nước có tỷ lệ nhiễm bệnh lao lớn nhất thế giới.

Nguyên nhân của bệnh là do trực khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis, bệnh gây ra chủ yếu trên phổi nên được gọi là lao phổi, ngoài ra bệnh còn xuất hiện trên các cơ quan khác. Ngày nay bệnh lao phổi dần được kiểm soát bởi sự phát triển của vaccine tuy nhiên vấn đề đáng lo ngại là sự kháng thuốc của vi khuẩn.

Việc phát hiện bệnh nhân nhiễm lao phổi bằng các phương pháp xét nghiệm đờm mang lại kết quả không chắc chắn. Trong khi đó, kỹ thuật nội soi kết hợp sinh thiết lấy mẫu để làm các xét nghiệm mô học, tế bào học lại mang ý nghĩa quyết định trong chẩn đoán bệnh lao. Nếu kết quả tìm thấy cấu trúc nang lao trong mẫu bệnh phẩm thì kết luận bệnh nhân dương tính với vi khuẩn lao.

nội soi phế quản

Nội soi kết hợp sinh thiết rất có ý nghĩa trong chẩn đoán lao phổi

4. Nội soi phế quản có nguy hiểm không?

Kỹ thuật nội soi phế quản thực hiện dễ dàng và nhanh chóng, kết hợp với kỹ thuật và thiết bị nội soi ngày càng được cải tiến nên thường an toàn, ít gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu thực hiện không đúng phương pháp hoặc bệnh nhân hạn chế hợp tác thì vẫn có thể mắc phải một số biến chứng nguy hiểm trong và sau quá trình nội soi.

Những biến chứng có thể mắc phải:

  • Thiết bị cứng làm tổn thương đường hô hấp.

  • Bệnh nhân có các khối u gây hẹp đường hô hấp, khó thở, phù nề.

  • Rối loạn hô hấp và tuần hoàn.

  • Dị ứng với thuốc hỗ trợ.

  • Có thể gây Viêm phổi, viêm phế quản.

  • Rất ít khả năng gây tràn khí màng phổi, co thắt thanh- khí quản.

  • Gây đau họng, khản tiếng hoặc ho.

Ngoài ra, nếu bệnh nhân có các vấn đề dẫn đến không ngửa đầu được thì cũng có thể gây ảnh hưởng xấu tới kết quả nội soi. Hoặc trong quá trình nội soi sinh thiết, mẫu bệnh phẩm lấy ra ít, không đủ cho các xét nghiệm liên quan cũng gây nhiều khó khăn trong công tác chẩn đoán.

5. Cần lưu ý những gì khi thực hiện nội soi phế quản?

Trước khi nội soi:

  • Bệnh nhân cần nhịn ăn uống trong vòng 6 - 12h trước khi thực hiện thủ thuật.

  • Không sử dụng các thuốc kháng viêm, thuốc chứa aspirin, thuốc chống đông máu.

  • Nếu có sử dụng thuốc khác trước nội soi cần thông báo với bác sĩ.

  • Nghỉ ngơi thư giãn trước khi thực hiện nội soi và nên đi cùng người thân.

Sau khi nội soi:

  • Nội soi sử dụng thuốc an thần hoặc một số thuốc gây tê nên sau khi tiến hành xong cần nghỉ ngơi trong 30 - 60 phút để thuốc hết tác dụng theo đề nghị của bác sĩ.

  • Ngay sau khi nội soi xong, không ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì nhằm tránh sặc, nghẹn vì đường hô hấp đang phản ứng chậm với các kích thích.

  • Sau một thời gian theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân có thể ăn uống trở lại và nên uống một ngụm nước trước khi ăn.

  • Nên nhổ nước bọt cho đến khi nuốt lại được.

  • Không sử dụng các thuốc qua đường hô hấp như hít, ngửi và đặc biệt không hút thuốc lá.

  • Không lái xe cho đến khi hết tác dụng thuốc an thần.

  • Nhận phác đồ điều trị và thực hiện theo chỉ định của bác sĩ.

nội soi phế quản

Không hút thuốc lá sau khi vừa nội soi phế quản

Có thể thấy rằng, nội soi phế quản là một phương pháp rất có ý nghĩa trong hỗ trợ chẩn đoán các bệnh về hô hấp, đặc biệt là bệnh lao. Đồng thời bạn cũng cần nắm rõ những chú ý khi thực hiện kỹ thuật này để hạn chế xảy ra những biến chứng có hại cho sức khỏe. Nếu có các thắc mắc, vui lòng liên hệ với MEDLATEC chúng tôi qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn miễn phí.

Từ khóa » Hình ảnh Nội Soi Phế Quản Trong Ung Thư Phổi