Nơi Tôi ở, Số Nhà 71... - Báo Nhân Dân

Tôi được về làm việc tại Báo Nhân Dân từ đầu những năm 80 thế kỷ 20.

Hồi đó, tôi chưa biết trong khuôn viên của báo có một cây đa cổ thụ uy nghi, lớn nhất nước (và cũng ít người được biết) vì Báo Nhân Dân được bảo vệ nghiêm ngặt. Báo Nhân Dân trong ấn tượng của tôi ngày ấy là một chốn thâm nghiêm, kỳ vĩ. Mà thật sự thâm nghiêm vì tòa soạn như một thánh đường nằm bên cạnh Hồ Gươm, đối diện với Nhà thờ Lớn, với những biệt thự cổ trầm mặc mà xao động dưới vườn - đúng hơn là cả một rừng cây cổ thụ. Hàng trăm năm tuổi thì có đa, tếch. Tre trúc, mít, nhãn của vườn quê Việt cũng xúm xít ở đây. Tôi ấn tượng nhất là những cây sấu. Không kể đường Phan Đình Phùng, Trần Phú thì cụm sấu ở khuôn viên Báo Nhân Dân được kể là lớn ở Hà Nội. Sấu không thay lá vào mùa đông mà vào tháng 4. Rất nhiều giờ, tôi ngơ ngẩn vì bỗng dưng trong tĩnh lặng hoàn toàn, trút xuống những cơn mưa lá mầu vàng phủ kín mặt sân, vẽ nên cảnh thu vàng Tây phương trong mùa hạ Việt. Lá rụng xong rồi dường gió mới nổi, làm những chiếc lá vừa rơi xuống đất lại bay lên trời xôn xao nuối tiếc bầu không.

n tượng về sự thâm nghiêm không chỉ ở cảnh vật mà thâm nghiêm sâu sắc ở những con người. Ở thời trẻ, tôi và cả các thầy giáo của tôi, chỉ mong được gặp Tố Hữu, Hoàng Tùng, Thép Mới... một lần. Ấy vậy mà bây giờ, hằng ngày tôi được gặp những con người huyền thoại ấy. Tôi không bao giờ có thể quên cái dáng đi cắm cúi, lúc nào cũng suy tư của Tổng Biên tập Hoàng Tùng - cái sự suy tư, luôn bận rộn ấy, khiến tòa soạn không ai dám phiền ông khi không có công việc cần thiết. Tôi càng ít khi thỉnh chuyện nhưng vì làm ở Ban Thư ký - Biên tập nên vẫn nghe ông "nói" thường xuyên, nói một cách hóm hỉnh, sâu sắc trên từng trang bản thảo được Tê-giê (Tg - Tùng) biên tập. Ông phê vào bản thảo của các vị trong Ban Biên tập, Trưởng, Phó ban: Viết thế này mà không sợ công an bắt à? Trước hết, cần xem lại chất lượng sản phẩm này...

Tôi cũng không thể quên được cái dáng đi lúc nào cũng như bay, như lao về phía trước của Thép Mới như thể sắp bắt được tứ lạ, như sắp gặp cố tri. Về sau, ông chủ yếu ở phía nam nhưng thỉnh thoảng ra 71 họp và trực xuất bản. Có lần tôi và chị Kim Toàn đưa bài đến để ông duyệt, ông bảo: "Tớ ký nhưng các cậu phải chịu trách nhiệm đấy nhé"! Càng phải đọc kỹ, không dám sai một dấu phẩy. Tôi nghĩ, với kinh nghiệm lão luyện của ông, với quy trình xuất bản chặt chẽ như ở Báo Nhân Dân, đến cấp ông thì không thể sai sót chính trị. Còn "hay" thì chưa đến lượt các cậu! Bài của ông, ông chăm chút từng ly, từng tí. Bài người khác, ông lướt qua rồi "ký đại", tôi đoán, đó là những bài đăng cũng được, không đăng cũng được...

Tóm lại, mỗi người tôi được gặp ở báo là một bậc thầy về chuyên môn cũng như cách ứng xử trong cuộc sống.

Ông Thép Mới là phóng viên tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng họp tại Việt Bắc từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951; là một trong những người đầu tiên cùng Trường Chinh, Tố Hữu, Hoàng Tùng biên soạn tờ báo Nhân Dân số 1 nên có nhiều câu chuyện hay về truyền thống. Trong số 1 Báo Nhân Dân ra ngày 11/3/1951, có bài tường thuật của ông: "Đại hội của chúng ta".

Sau này, rất nhiều lần tôi vào Phòng Tư liệu - Thư viện để ngắm tờ Nhân Dân số 1. Nó được trình bày bởi họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung rất mực thước mà hiện đại. Góc trái, trên cùng là Quốc hiệu: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nó xác nhận đây là một loại "văn" chính thức của Nhà nước. Tư tưởng coi Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân Dân là có từ ngày đó. Nó thể hiện Đảng-Dân-Nước là một, trong đó Nhân Dân là trung tâm. Tên Báo Nhân Dân là từ ý của Bác Hồ, trở thành Nghị quyết của Đảng:

"Để tuyên truyền chủ nghĩa và động viên đảng viên và quần chúng nhân dân thực hành chính sách của Đảng, Đại hội quyết định Đảng Lao động Việt Nam xuất bản một tờ báo, lấy tên là Nhân Dân, cơ quan trung ương của Đảng.

Báo Nhân Dân ra hằng tuần, khi nào có điều kiện sẽ ra hằng ngày.

Đối tượng chính của Nhân Dân là đảng viên ở các chi bộ và quần chúng nhân dân".

Tôi đã học được cách viết, đặc biệt là cách đặt tít, ngay trong số đầu. Tít bài Thép Mới cho thấy đây không chỉ là Đại hội của Đảng mà là đại hội của toàn dân, đại hội của sự đoàn kết, phấn khởi, cùng nhau quyết tâm đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, góp sức gìn giữ hòa bình và dân chủ thế giới, và tiến đến chủ nghĩa xã hội.

Tít bài của đồng chí Trường Chinh trên trang nhất: "Hồ Chủ tịch, người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta" là một đánh giá chính thức của Đảng, là một kiểu văn bia không thể thêm bớt, thay đổi trật tự từ.

Đồng chí Hoàng Tùng - đương nhiên, cùng với Thép Mới, Trần Kiên, Nguyễn Hữu Chỉnh, Hà Đăng, Hữu Thọ, Phan Quang... tôi thấy thân cận với nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bác Hồ cũng biết tên nhiều phóng viên Báo Nhân Dân.

Điều ấy, cho thấy, Báo Nhân Dân được lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của Đảng, Bác Hồ.

Ban Biên tập đầu tiên của báo gồm tám người thì có đến năm vị là Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Lê Văn Lương. Ba ủy viên còn lại là Trần Quang Huy, Hà Xuân Trường, Quang Đạm. Trường Chinh trực tiếp làm Chủ nhiệm. Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cao nhất thường viết bài cho báo.

Đây là một truyền thống, một thế mạnh để Báo Nhân Dân thật sự là cơ quan ngôn luận của Đảng, làm nên chất lượng hàng đầu của Báo Nhân Dân. Tiếc rằng, truyền thống này không phải lúc nào cũng giữ được. Viết trên báo Đảng cần nhà báo giỏi, nhưng cần có những tên tuổi có thẩm quyền!

BÁO Nhân Dân có nhiều truyền thống và cách làm nghề đặc biệt, cho tôi những bài học vô giá.

Đến nay, tôi vẫn cảm phục các nhà báo Hữu Thọ, Trần Minh Tân... từ những Tỉnh ủy viên, Trưởng ty, Phó ty mà từ bỏ những chức vụ ấy để chỉ được làm phóng viên của Báo Nhân Dân. Dù có thể trở thành lãnh đạo, làm Tổng Biên tập thì các nhà báo Hồng Hà, Hà Đăng, Hữu Thọ, Hồng Vinh, Đinh Thế Huynh, Thuận Hữu... đều coi nhiệm vụ chủ yếu của mình, con người cá nhân của mình là cây bút. Hoàng Tùng khi nghỉ hưu chỉ nhận cho mình một chức danh, chức danh ông cảm thấy vẻ vang nhất là Người viết báo. Có lẽ tư tưởng ấy có trong nhiều những người làm Báo Nhân Dân nên tôi thấy các cây bút Phạm Thanh, Đỗ Quảng, Thế Long, Quang Trang, Kim Dung, Nghiêm Thanh, Bùi Minh Sơn... thất, bát thập vẫn viết hăng như lúc trẻ; nhất là các bác Hà Đăng, Phan Quang, hơn 90 tuổi vẫn viết báo, in sách nhiều hơn lúc đương chức.

Báo Nhân Dân có chủ trương và luôn có khát vọng tập trung cho mình một đội ngũ làm báo vừa hồng vừa chuyên; một mặt kiên trung, mặt khác phải có trình độ cao, xứng tầm với yêu cầu mà Đảng đặt ra và nhân dân hoài vọng. Sau năm 1954, ngoài việc tuyển dụng một số trí thức Việt kiều như Hoàng Tuấn Nhã, từ miền nam có Hồ Dưỡng, rồi Hà Đăng, Đặng Minh Phương... Lại có lớp học sinh Hà Nội như Đỗ Quảng, Trần Truyền, Phạm Duy Phùng..., bắt đầu nghề báo bằng việc bán báo, sau trở nên những cây bút nổi tiếng.

Những cán bộ địa phương, có năng lực viết báo, đều được Tổng Biên tập Hoàng Tùng can thiệp với Trung ương cho về làm việc tại Báo Nhân Dân.

Những sinh viên xuất sắc của các trường đại học, nhất là Trường đại học Tổng hợp Hà Nội như Phạm Thanh, Vũ Công Thạo, Trung Đông, Thế Long, Hồng Vinh, sau này là Đức Lượng, được ưu tiên tuyển dụng, đều trở thành những cây bút xuất sắc, những lãnh đạo chủ chốt của báo.

Những phóng viên từ các báo khác như chị Lê Minh, anh Hàm Châu, Lê Quang Trang, Đinh Như Hoan... đều góp cho báo những chất lượng mới, phong cách mới.

Theo sáng kiến của nhà báo Quang Đạm, vào giữa những năm chiến tranh chống Mỹ còn ác liệt, Báo Nhân Dân đã tuyển chọn những học sinh cấp ba xuất sắc nhất ở các địa phương vào một lớp đại học học ngay tại báo, do Trường đại học Kinh tế quốc dân, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội và Báo Nhân Dân đào tạo. Những anh chị đó, vừa có kiến thức tổng hợp, vừa gắn lý luận với thực tiễn nên trưởng thành nhanh chóng, sau này đều trở thành những cây bút, tay máy chủ lực, cán bộ chủ chốt của báo như Kim Anh, Kim Dung, Kim Khúc, Khắc Thuyết, Đinh Luyện, Cao Việt Hòa, Tuấn Sửu...

Tôi cũng gắn bó và hết sức cảm phục các anh các chị là những người lính từ các chiến trường trở về như Trần Khâm, Kông Ngoạn, Mai Nhiễu, Kim Sẵn, Bích Học, Mậu Sảo, Tự Thông, Bảo Khánh, Quốc Anh..., người được viết, người làm "binh nhất, binh nhì" trong khối không biên tập, ngày đêm phục vụ tờ báo với đồng lương và thu nhập thấp nhất nhưng bao giờ cũng giữ vững phẩm chất người lính Cụ Hồ, luôn đặt danh dự và yêu cầu công việc lên trên hết.

★★★

Cây đa già mỗi xuân lại trổ bừng muôn lộc mới. 40 năm làm việc tại Báo Nhân Dân, tôi lại thấy và xiết bao vui mừng trước một thế hệ người làm báo năng động, trẻ trung, ngoại ngữ phổ cập và tràn đầy năng lượng hiện nay. Người ta thường nói, không gian sống của người già thường ở quá khứ, còn của tuổi trẻ là ở ước mơ. Chúng ta có thể có nhiều điều khác nhau, nhưng mơ ước cho Báo Nhân Dân, cho đất nước đi lên thì là một. Và khi nhắc đến Báo Nhân Dân, đến số nhà 71 Hàng Trống thì sự thân thương, ấm áp, tự hào tự nhiên thức dậy trong lòng.

Nhân kỷ niệm 71 năm Báo Nhân Dân ra số đầu, xin được gửi tới những người làm Báo Nhân Dân một tâm sự bằng thơ:

Nơi tôi ở, số nhà 71

Phố Hàng Trống-phố tranh, nhà và phố như tranh

Báo Nhân Dân, bao lớp người thân thuộc

Qua trang tin, thấy đất nước trong mình

Nơi tôi ở, cây đa già tỏa bóng

Những vầng trán thâm nghiêm.

Tiếng đồng chí ân tình

Trang giấy trắng dội sóng cồn biển lớn

Vén mây trời thắp sáng một niềm tin.

Nơi tôi ở ánh đèn không tắt

Dù đạn bom, dù mưa gió bão bùng

Mỗi mai sớm ngẩng cao nhìn Tháp Bút

Hồ Gươm lòng cứ thế mãi xanh trong

Khi đánh giặc, khi dựng xây đất nước

Khi Giá lương tiền, khi Đổi mới cam go

Tờ báo Đảng như một người xung kích

Dám dấn thân để vạch sáng cơ đồ.

Lương nhà báo nhìn ra còn eo hẹp

Báo chưa hay, day dứt đêm ngày

Chống tiêu cực, nhiều phen cay cực

Điều Đảng cần, Dân muốn - tính sao đây?

Nơi tôi ở, số nhà 71

Vườn thâm nghiêm lưu bóng những nhân tài

Nơi tôi luyện lòng trong và bút sắc

Nơi bao người thân thiết của lòng tôi…

Từ khóa » đa 71