Nông Dân Hà Nam Bội Thu Ngày Nắng Rát Nhờ Trồng Sen Lấy Hạt

Chú thích ảnh
Hàng năm, cứ từ tháng 5 đến tháng 7, ông Phạm Văn Ngọc và nhiều gia đình ở xã Chuyên Ngoại lại tất bật vào vụ thu hoạch sen.

Rẽ những thân sen mọc tốt cao quá đầu người, tìm những cành sen đã gần như ngã gục xuống mặt đầm, ấy là những cành có đài sen mây mẩy chín đúng vụ, chị Nguyễn Thị Liên nhanh tay hái lấy đài sen gần tầm tay. Tay kia chị thoăn thoắt bẻ lá gần đấy vừa để đánh dấu những chỗ thu hoạch rồi vừa để tránh... đi lạc giữa đầm sen rộng lớn.

Chú thích ảnh
Do sen mọc trong bùn lầy, thân cây lại có nhiều gai nên người hái phải mặc áo dài tay, đeo bao tay, đi ủng lội nước.

Đẩy thuyền thu hoạch đài sen ở vùng đầm vốn cải tạo từ khu ruộng trũng, ông Phạm Văn Ngọc cho biết: “Một ngày mỗi người hái được 2 - 3 thuyền. Mỗi thuyền khoảng 30kg đài sen, nếu thuê người hái thì công vào khoảng 300.000 đồng/người”. Giữa cái nắng gắt của ngày hè tháng 7, những người trồng sen xã Chuyên Ngoại vẫn mải miết thu hoạch đài sen cho kịp mùa vụ. Bởi sen ưa sống ở những vùng chiêm trũng nên người nông dân phải dầm mình cả ngày dưới bùn nước để thu hoạch đài sen. Công việc vất vả, nhưng khi thu hoạch được nhiều sen, thu nhập tốt, ai nấy đều vui mừng, phấn khởi.

Chú thích ảnh
Người nông dân dậy từ sáng sớm để thu hoạch được những đài sen thật tươi.
Chú thích ảnh
Công việc vất vả, nhưng thu nhập khá nên ai nấy đều vui mừng, phấn khởi.

Trồng sen cho năng suất và giá thành cao hơn trồng lúa, lại ít phải chăm bón. Vì vậy, nhiều năm trở lại đây, một số hộ dân tại Duy Tiên (Hà Nam) như các xã Chuyên Ngoại, Mộc Nam và Mộc Bắc đã chọn những vùng đất trũng để trồng sen kết hợp thả cá, nuôi tôm thay vì chuyên canh trồng lúa.

Chú thích ảnh
Những đài sen trĩu nặng cho thu hoạch sau 3 tháng ươm trồng.

Độ trung tuần tháng 2 âm lịch, khi mùa xuân còn đang phủ hương xanh cho đất trời, người trồng sen bắt đầu cấy vụ mới. Sen được ươm bằng ngó, sau khi ngó sen lớn, sẽ đem ra ruộng cấy. Theo kinh nghiệm của người trồng sen, kỹ thuật cấy sen cũng khá giống với cấy lúa, chỉ khác là khoảng cách các ngó sen sẽ thưa hơn trồng lúa, khoảng 1 - 2m/một cây. Loài hoa "trong bùn không đục" cứ thế vươn sức sống giữa đầm, chẳng cần tốn nhiều công chăm bón như trồng lúa. Chỉ sau 3 tháng (khoảng tháng 5 âm lịch), khi những bông hoa phớt hồng vừa tàn đã là lúc trĩu nặng những đài sen.

Chú thích ảnh
Nông dân sử dụng thuyền để thu hoạch sen ở những đầm sen ngập nước.

Thời gian thu hoạch đài sen kéo dài trong khoảng 60 ngày. Để đảm bảo kịp thu hoạch những đài sen chín đúng vụ, tươi màu, căng tròn, người dân nơi đây luôn tất bật ra ruộng mỗi ngày bất kể nắng hay mưa.

Chú thích ảnh
Đài sen sau khi hái sẽ nhanh chóng được chuyển về nhà bóc tách lấy hạt.
Chú thích ảnh
Người dân thồ từng bao tải đài sen về nhà.

Không giống như những nơi khác, khai thác kinh tế từ việc bán hoa sen, chè sen hay cho khách tham qua, chụp ảnh, nơi đây, phần mang lại giá trị kinh tế cao nhất cho người dân chính là hạt sen.

Chú thích ảnh
Đài sen thu hoạch về sẽ được phân loại thành sen lão và sen chè.
Chú thích ảnh
Sen chè sau khi được tách vỏ và thông tâm sen sẽ được đóng túi bán ra thị trường.

Hạt sen phơi khô, đạt tiêu chuẩn phải có phấn trắng ngoài vỏ, để khi cho vào máy chặt hạt sen mới không bị nát. Giá hạt sen dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, hạt càng to, mẩy tròn giá lại càng cao. Theo chị Lê Thị Minh: “Nhà chị có 10 mẫu trồng sen. Trung bình mỗi ngày thu hoạch rộ từ 1 - 2 tạ sen chè thu nhập vào khoảng 1,5 triệu - 2 triệu đồng/ngày”. Như vậy, gia đình chị Minh có thu nhập tới hàng trăm triệu một vụ sen.

Chú thích ảnh
Sen Hà Nam bùi, ngọt và được ưa chuộng trên thị trường.

Từ khóa » đầm Sen ở Hà Nam