Nông Dân Nghĩa Đàn Mạnh Dạn Chuyển đổi Nuôi Bò 3B

Gia đình ông Lê Văn Thái ở xóm Tân Thịnh, xã Nghĩa Thịnh trước đây chỉ nuôi trâu, bò sinh sản, sau nhiều năm nuôi thấy vất vả, hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi tìm hiểu về giống bò lai 3B, ông Thái mạnh dạn chuyển sang nuôi bò lai sin phối giống 3B. Đến nay, sau 2 năm chuyển đổi mô hình cho thấy bò 3B phát triển nhanh hơn gấp nhiều lần bò cỏ truyền thống, thịt ngon, ít dịch bệnh. Cùng một con bò nhưng với bò 3B nuôi 9 tháng bán được từ 30 - 35 triệu đồng, trong khi đó bò cỏ được giá cũng chỉ 17 triệu đồng.

Ngoài bổ sung thức ăn tinh, ông Thái còn trồng cỏ voi để làm thức ăn cho bò 3B.

Theo ông Thái, nuôi bò 3B không khó, bởi đây là giống bò có sức đề kháng, ăn uống tốt nên sản lượng thịt rất cao, bò tăng trưởng nhanh. Quan trọng là quá trình chăn nuôi cần tiêm đủ 2 loại vaccine phòng bệnh lở mồm long móng và tụ huyết trùng. Chuồng trại tuy không cần cầu kỳ quá, nhưng phải đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, bò không cần chăn thả nhiều.

Giống bò 3B, tùy theo người nuôi, trước khi xuất bán khoảng 3 tháng là bắt đầu vỗ béo. Giai đoạn vỗ béo không cho ăn quá nhiều, chỉ cần bổ sung thêm thức ăn tinh. Cũng theo ông Thái, để nuôi bò thịt đạt tăng trọng nhanh, trước tiên phải chọn mua giống tốt. Bò giống nhập chuồng có trọng lượng từ 200 - 250kg trở lên, không dị tật, thân cao, mình dài, vóc dáng khoẻ nhanh nhẹn, cơ bắp phát triển đều, mang màu sắc đặc trưng của giống bò này là xám, xanh xen đốm trắng..

"Những năm trước nuôi giống bò cỏ địa phương, gia đình khá vất vả, thường xuyên phải chăn thả, bò lại hay bị bệnh tật. Từ khi chuyển sang nuôi giống bò 3B thấy nhàn hơn hẳn, cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần" - ông Thái chia sẻ.

Giống bò 3B khá dễ nuôi, sản lượng thịt hơi lớn nên có giá bán cao.

Cũng là hộ nuôi bò 3B nhưng gia đình anh Văn Viết Tiến ở xóm Trống xã Nghĩa Thọ lại chọn cách nuôi vỗ béo. Trước đây, toàn bộ diện tích đất này gia đình anh Tiến trồng mía, sau một thời gian tìm hiểu thấy giống bò 3B được thị trường ưa chuộng, dễ nuôi, hiệu quả cao, anh Tiến mạnh dạn chuyển đổi đất sang trồng cỏ, vay thêm vốn đầu tư chuồng trại, mua 10 con bò 3B về nuôi theo hướng vỗ béo. Theo tính toán của anh, 1 con bò 3B, 5 tháng tuổi có giá 30 triệu đồng, nếu chăm sóc tốt, sau 10 tháng có thể cho lãi 30 triệu đồng. Với kinh nghiệm nuôi bò sẵn có từ trước, nên khi chuyển sang nuôi giống bò 3B, anh Tiến cũng không gặp khó khăn.

“Giống bò 3B rất dễ nuôi, tăng trọng nhanh, ít khi mắc dịch bệnh và có sức đề kháng tốt. Thời gian nuôi từ 18 - 20 tháng là có thể xuất bán, trọng lượng mỗi con bò 3B thời kỳ xuất bán đạt từ 550 - 600kg/con” – anh Tiến cho biết.

Thời gian nuôi từ 18 - 20 tháng là có thể xuất bán, trọng lượng mỗi con bò 3B thời kỳ xuất bán đạt từ 550 - 600kg/con.

Về thức ăn cho bò 3B, anh Tiến đã trồng hơn 1ha cỏ voi để làm thức ăn cho bò, ngoài ra phải bổ sung thức ăn tinh. Những thời điểm vỗ thịt, mỗi 1 con bò có thể ăn từ 5 - 6kg cám/ngày. Để tích trữ thức ăn cho bò vào mùa đông, anh thường lấy cỏ voi cắt nhỏ rồi ủ lên men trong bao nylon, thời gian nửa tháng là có thể sử dụng làm thức ăn cho bò.

Hiện nay, ở Nghĩa Thọ phong trào nuôi bò 3B phát triển khá mạnh, tùy vào điều kiện của từng hộ để phát triển đàn. Hộ nuôi nhiều 25-30 con, hộ ít 1-2 con. Từ mô hình này, đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân nơi đây.

“Nghĩa Thọ là xã vùng sâu, để làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo tiến tới làm giàu, Đảng ủy, chính quyền địa phương xác định chăn nuôi đóng vai trò quan trọng và xác định đưa giống bò 3B vào nuôi thử ở hộ anh Tiến ở làng Trống thấy phát triển, hiệu quả cao, từ đó xã đã nhân rộng mô hình này" - ông Trương Công Cánh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thọ trao đổi.

Nhiều nông dân đến tham quan mô hình chăn nuôi bò 3B của gia đình anh Tiến ở Làng Trống xã Nghĩa Thọ.

Trong những năm gần đây, nhằm giúp hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, các cấp hội nông dân Nghĩa Đàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ các nguồn vốn ưu đãi, hướng dẫn các mô hình sản xuất trên tất cả các lĩnh vực và định hướng phát triển bền vững cho hội viên nông dân như: mô hình nuôi lươn không bùn, gà chuồng lạnh, dưa lưới, dê sinh sản theo hướng hàng hóa và trong năm nay đã xây dựng thành công các mô hình kinh tế điển hình có mô hình nuôi bò 3B.

“Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời gian qua, một số hộ nông dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn chuyển đổi nuôi bò 3B. Qua đánh giá việc nuôi bò 3B cho hiệu quả cao, hội nông dân các cấp cũng đã định hướng tuyên truyền cho hội viên có nhu cầu về phát triển gia súc chuyển sang nuôi giống 3B" - chị Đặng Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghĩa Đàn nói.

Thành công từ mô hình chuyển đổi nuôi bò 3B của nông dân Nghĩa Đàn đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho nông dân các địa phương, từ đó góp phần vào công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Từ khóa » Cách Nuôi Bò 3b Sinh Sản