Nông Dân Vào Vụ Sản Xuất Lúa Trên đất Nuôi Tôm - UBND Tỉnh Cà Mau

Từ đầu tháng 6 đến nay thời tiết mưa nhiều và phân bố khá đều, đã tạo điều kiện thuận lợi để nông dân chủ động rửa mặn, chuẩn bị cho vụ sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm.

Nhiều nơi nông dân áp dụng biện pháp sạ để rút ngắn thời vụ, kết thúc sớm vụ lúa, tránh thiệt hại.

Năm nay, theo lịch thời vụ của Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khâu rửa mặn cần thực hiện ngay từ đầu mùa mưa, tức là từ tháng 6 đến tháng 9 dương lịch. Trong đó, đảm bảo độ mặn trong ruộng ổn định ở mức dưới 2‰ trong thời gian ít nhất 30 ngày trước khi gieo cấy. Tập trung gieo xạ, cấy trong tháng 9, 10 để thu hoạch vào tháng 12 đến tháng 1,2 (dương lịch) năm sau. Theo kế hoạch, năm nay toàn tỉnh Cà Mau xuống giống vụ lúa - tôm với diện tích trên 38.000 ha. Ngoài ra, ổn định duy trì vùng sản xuất lúa - tôm càng xanh quy mô 14.000 ha và sản xuất lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế với quy mô 500 ha tại các xã của huyện Thới Bình. Bên cạnh đó, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa - tôm đặc sản (giống ST 20, ST 24) quy mô khoảng 5.000 ha, tập trung ở các huyện: Thới Bình 3.000 ha, U Minh 1.000 ha, Trần Văn Thời 700 ha, thành phố Cà Mau 300 ha. Nhằm nâng cao năng suất và chất lượng lúa – tôm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khuyến cáo người dân cần đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác. Trong đó, tập trung chuyển đổi cơ cấu giống lúa mùa địa phương dài ngày chất lượng kém sang các giống lúa chất lượng cao, thích ứng với điều kiện đất nhiễm mặn như: OM 2517, lúa lai BT-E1; sử dụng nhóm giống lúa chất lượng cao: OM 5451, OM 6162, Camau 1, Camau 2; giống lúa đặc sản RVT, đài thơm 8, ST20, ST 24... Mở rộng diện tích áp dụng biện pháp sạ, ném mạ để rút ngắn thời vụ, kết thúc sớm vụ lúa, tránh thiệt hại. Những nơi đất thấp trũng, khó tháo nước, rửa mặn chậm, bà con nông dân nên chọn những giống lúa mùa địa phương như: Một bụi lùn, ba bông mẵn, một bụi bờ đìa ... để sản xuất. Ngoài ra, áp dụng các biện pháp cải tạo, rửa mặn, giữ mực nước trên ruộng trong suốt quá trình canh tác lúa - tôm, không để ruộng bị khô, thường xuyên kiểm tra độ mặn để có biện pháp xử lý kịp thời và theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, lượng mưa để chủ động các biện quản lý giữ nước trên ruộng, gia cố bờ bao hạn chế xâm nhập mặn, nhất là thời điểm cuối mùa mưa.

Một số hộ nông dân tận dụng sân vườn để gieo mạ chuẩn bị cho vụ lúa – tôm năm 2019.

Tùy điều kiện từng vùng đất mà bón lượng phân hợp lý. Nên sử dụng các loại phân bón chuyên dùng cho lúa - tôm, phân bón hữu cơ, sinh học để chống chịu điều kiện mặn, giải độc mặn cây lúa, cần bón bổ sung các chất trung lượng: Canxi, magiê, siclic ... hợp chất Brassinoline (Comcat, Nyro), phân bón lá sinh học.... Đối với nông dân cần áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp vào canh tác lúa - tôm, sử dụng các chế phẩm sinh học, không sử dụng thuốc hóa học gây tác động xấu cho môi trường nuôi tôm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thành phố Cà Mau rà soát lại điều kiện về hệ thống thủy lợi, cống đập, kinh mương thủy lợi ở từng vùng, từng khu vực để bố trí sản xuất lúa - tôm cho từng địa bàn huyện, xã, ấp. Xác định những nơi có đủ điều kiện sản xuất, chỉ đạo sản xuất ăn chắc vụ lúa - tôm. Những nơi không đủ điều kiện như: Độ mặn cao, gần cửa sông, ảnh hưởng triều cường, vùng trũng thấp khó tháo nước…không khuyến cáo xuống để tránh thiệt hại.

Từ khóa » Trồng Lúa Nuôi Tôm