Nồng độ Acid Uric Trong Máu Bao Nhiêu Là Bị Gout? | Medlatec

1. Acid uric là gì?

Acid uric là sản phẩm chuyển hóa tự nhiên trong cơ thể, có nguồn gốc từ quá trình dị hóa adenine và guanidine của các acid nucleic hay nói cách khác nó là sản phẩm chuyển hóa của các chất có nhân purin. Có trọng lượng phân tử 169 dalton. Nguồn chính tạo ra acid uric gồm cả nội sinh và ngoại sinh:

- Nguồn gốc ngoại sinh từ thức ăn hàng ngày cung cấp cho cơ thể chứa purin khoảng 100-200mg/ ngày. Một số thực phẩm đồ uống có chứa nhân purin như: nội tạng động vật, cá biển, hải sản, bia rượu,…

- Nguồn gốc nội sinh do quá trình chuyển hóa acid nucleic trong cơ thể khoảng 600mg/ ngày. Quá trình chuyển hóa này diễn ra chủ yếu tại gan và một phần nhỏ diễn ra tại niêm mạc ruột.

Ảnh 1: Xét nghiệm acid uric máu

2. Mục đích của xét nghiệm acid uric

Acid uric trong cơ thể được lọc qua thận và đào thải ra ngoài theo đường nước tiểu hoặc mồ hôi, 95% được tái hấp thu ở ống lượn gần và được bài xuất ở các ống lượn xa. Do nguồn thức ăn chúng ta cung cấp cho cơ thể hàng ngày chứa nhiều chất đạm hay uống nhiều bia rượu khiến lượng acid uric tăng cao hoặc do chức năng của thận suy giảm làm thận không thể lọc hết dẫn đến gia tăng nồng độ acid uric trong máu gây tăng sự lắng đọng của các tinh thể urat tại các khớp và mô mềm. Đây là nguyên nhân chính gây nên bệnh Gout.

Xét nghiệm kiểm tra nồng độ acid uric trong máu dùng để chẩn đoán bệnh Gout cũng như theo dõi đáp ứng của bệnh trong quá trình điều trị. Ngoài ra, xét nghiệm giúp theo dõi quá trình điều trị của bệnh nhân ung thư đang hóa trị, xạ trị, đánh giá chức năng thận.

Ảnh 2: Biểu hiện bệnh Gout ở các khớp ngón chân

3. Xét nghiệm acid uric có ý nghĩa gì?

Mẫu bệnh phẩm dùng trong xét nghiệm là huyết tương được tách từ máu toàn phần chống đông Heparin. Các bạn nên nhịn ăn từ 4 - 8 tiếng và không sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng hay các chất kích thích, đồ uống có cồn trước khi làm xét nghiệm để đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác.

- Giới hạn nồng độ acid uric ở người bình thường là:

+ Đối với nam giới: 210 - 420 umol/L.

+ Đối với nữ giới: 150 - 350 umol/L.

Khi nồng độ acid uric cao hơn mức cho phép ở trên cảnh báo cơ thể đang tạo ra nhiều acid uric hoặc chức năng thận bị suy giảm. Ở giai đoạn đầu khi nồng độ acid uric máu tăng cao sẽ chưa xuất hiện các triệu chứng lâm sàng, chưa phải là bệnh Gout mà chỉ gọi là “ Tăng acid uric máu”. Tuy nhiên, khi nồng độ này tăng cao kéo dài dẫn đến tích lũy các tinh thể urat tại các khớp gây ra “cơn gout cấp” với biểu hiện chính là đau khớp dữ dội đặc biệt đau về đêm.

Ảnh 3: Xét nghiệm góp phần đánh giá chức năng thận

4. Nguyên nhân gây tăng acid uric máu gồm:

- Tăng sản xuất acid uric:

  • Tăng acid uric máu tiên phát (30% bệnh nhân Gout thuộc loại vô căn).

  • Phá hủy tổ chức.

  • Gia tăng chuyển hóa tế bào: u lympho, ung thư.

  • Thiếu máu do tan máu: sốt rét, thiếu G6PD.

  • Thực phẩm chứa nhiều purin: nội tạng, thịt đỏ, cá, bia,...

  • Béo phì.

  • Nhịn đói, ăn kiêng, tập thể dục quá sức.

- Giảm đào thải acid uric qua thận:

  • Suy thận.

  • Nghiện rượu.

  • Dùng thuốc lợi tiểu.

  • Tổn thương các ống thận xa.

  • Các thuốc gây giảm tải acid uric qua nước tiểu: aspirin, thuốc lợi tiểu,...

  • Nhiễm toan.

- Tác nhân di truyền: theo nghiên cứu bệnh Lesch- Nyhan do trong cơ thể không có enzym HPRT1 làm tăng acid uric trong máu và gây nên bệnh Gout.

- Các nguyên nhân khác:

  • Nhiễm độc thai nghén và tiền sản giật.

  • Suy giáp.

  • Chấn thương.

  • Ngộ độc chì.

5. Cần làm gì để điều trị tăng nồng độ acid uric trong máu?

Bạn không nên quá lo lắng khi thấy kết quả xét nghiệm nồng độ acid uric trong máu tăng. Nếu thấy nồng độ acid này tăng kèm theo triệu chứng tại khớp, thận thì việc bạn cần làm là điều chỉnh chế độ ăn uống của mình sao cho phù hợp để không tạo ra thêm acid uric bằng cách giảm bớt đi lượng purin vào cơ thể.

- Cụ thể, bạn nên hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều chất đạm như hải sản (mực, cua, tôm), các loại thịt đỏ (bò, trâu, dê), nội tạng (phổi, gan).

- Bổ sung nước: nên uống 1 - 1.5 lít nước/ ngày nhằm hạn chế sự kết tủa của muối urat và tăng khả năng lọc thải acid uric.

- Giảm cân: nên duy trì cân nặng chuẩn theo chỉ số BMI cho phép nhằm giảm áp lực lên các khớp. Lưu ý không nên giảm cân bằng cách nhịn ăn mà thay vào đó nên tập luyện khoa học.

- Không dùng bia rượu và đồ uống có ga.

- Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh: không thức khuya, tránh căng thẳng, vệ sinh cơ thể giúp lưu thông khí huyết, ngủ đủ giấc.

- Vận động phù hợp: có thể đi bộ nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày, tập yoga,... những bài tập này sẽ giúp tăng cường trao đổi chất.

Ảnh 4: Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây vào bữa ăn hàng ngày

Tuy nhiên, khi đã thay đổi chế độ ăn mà nồng độ acid uric trong máu vẫn tăng thì việc sử dụng thuốc là cần thiết và việc này nên nghe theo hướng dẫn của bác sĩ. Đối với bệnh nhân ung thư đang hóa trị, xạ trị sẽ được bác sĩ dự phòng tăng lượng acid uric để tránh tình trạng suy thận cấp.

Bệnh Gout hiện nay ngày càng phổ biến vì thế xét nghiệm kiểm tra nồng độ acid uric là rất quan trọng. Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là một trong những bệnh viện uy tín hàng đầu Việt Nam với 24 năm kinh nghiệm hình thành và phát triển cùng đội ngũ bác sĩ tâm huyết giàu kinh nghiệm, hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại bậc nhất. Đến khám sức khỏe tại MEDLATEC bạn sẽ luôn an tâm về chất lượng. Liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng 1900565656 để đặt lịch khám và tư vấn sớm nhất.

Từ khóa » Công Thức Của Axit Uric