'Nóng' Mùa Hoa Tết - Tuổi Trẻ Online

Nóng mùa hoa Tết - Ảnh 1.

Hoa lay ơn tại huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) đạt giá cao nhất trong 5 năm trở lại đây - Ảnh: M.VINH

Nếu như 2 năm trước, để phục vụ thị trường Tết, vùng hoa Đà Lạt (gồm Đà Lạt và các huyện lân cận) xuống giống khoảng 1.500ha với đủ chủng loại thì năm nay tổng diện tích xuống giống chỉ 50%, đạt khoảng 750ha.

Vùng hoa hồ hởi

Tại trang trại hoa Dalat Hasfarm, công ty trồng hoa lớn nhất Việt Nam, hàng trăm công nhân đang tất bật thu hoạch, đóng gói hoa để vận chuyển phục vụ thị trường Tết. Ông Aad Gordijn, tổng giám đốc công ty, cho biết doanh số hoa tiêu thụ nội địa của công ty dịp Tết Nguyên đán năm 2020 giảm 10% so với năm 2019 và năm nay theo tính toán giảm 20%. Mặc dù thị trường "đảo chiều" so với dự báo đầy lo ngại trước đó nhưng chốt lại công ty chỉ chuẩn bị 10 triệu cành hoa các loại và 1,6 triệu chậu hoa.

Theo Dalat Hasfarm, giá hoa xuất đi từ công ty trung bình tăng 7% nhưng khi đến tay người tiêu dùng, sau khi qua các kênh phân phối có thể tăng hơn 50%. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, phụ trách sản xuất và thu mua của Dalat Hasfarm, nhận định việc giá bán hoa tăng mạnh ở đầu cuối, tức kênh bán lẻ, do sức mua của thị trường chi phối, điều này không thuộc chính sách của công ty.

"Không chỉ riêng tại Dalat Hasfarm mà nhìn chung thị trường hoa Đà Lạt đang sôi động. Ở các làng hoa nông dân thắp đèn canh hoa không giống không khí đìu hiu năm ngoái. Xe tải chờ ở các bãi đậu để vào các vùng canh tác chở hoa nhưng chưa chắc có hoa vì sản lượng, diện tích của vùng hoa Đà Lạt giảm so với trước rất nhiều", ông Nghĩa nói.

Hầu hết các loại hoa chủ lực của Đà Lạt như cúc, salem, cát tường, lily, cẩm chướng... cũng tăng giá mạnh, cao ít nhất gấp hai lần so với thời điểm này Tết 2021.

Ông Đặng Bảo Vinh (chủ tịch Hội Nông dân P.12, làng hoa Thái Phiên), nhận định: "Trung Quốc hạn chế xuất nhập khẩu hàng hóa khiến Đà Lạt gặp khó ở khâu giống đầu vụ nhưng lại trở thành cơ hội cho vùng hoa Đà Lạt trong dịp cận Tết. Khác với năm ngoái, hoa Tết Đà Lạt chỉ đi tới miền Trung, năm nay Đà Lạt cùng với Mộc Châu có thể nói chi phối được thị trường hoa lily và hoa cắt cành nói chung tại khu vực miền Bắc".

Ông Vinh nhìn lạc quan: "Nếu khéo léo, nhiều vựa hoa sẽ nhân cơ hội hoa Trung Quốc đang vắng bóng tại miền Bắc mà tranh thủ quảng bá và gây dựng thói quen dùng hoa Đà Lạt của bà con phía Bắc".

Nóng mùa hoa Tết - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Văn Đức (một chủ vườn mai tại thị xã An Nhơn, Bình Định) phát trực tiếp hình ảnh vườn mai nhà mình lên mạng xã hội để giới thiệu cho người mua - Ảnh: LÂM THIÊN

Hoa nội "cải tiến" lên ngôi

Ông Nguyễn Văn Nghĩa cho biết: "Hoa chậu trở thành xu hướng mua sắm hoa Tết do lượng cư dân ở lại các đô thị lớn tăng so với các năm trước. Nhóm khách hàng này đa số sở hữu căn hộ nhỏ cho nên cần những loại hoa đa dụng: trang trí bàn khách, cúng hoặc để ở lan can các phòng...

Tuy nhiên, có sự thay đổi khá lớn khi càng gần Tết thị trường hoa cắt cành càng sôi động. Chuyện thú vị là năm nay giống hoa ngoại nhập không phải là lựa chọn của người chơi hoa lẫn người sản xuất. Làm mới các loại hoa đã rất quen thuộc lại trở thành xu hướng".

Theo Phòng kinh tế TP Đà Lạt, đào đông, mai Mỹ, diên vĩ, huệ tây, oải hương, hoa bâng khuâng, hoa hoàng anh, hoa lan Nam Phi, hoa hạnh phúc (astilbe)... thuộc chủng hoa ôn đới có giá mềm, dưới 250.000 đồng/chậu được nhập và chào bán nhưng không nhiều như các năm do liên quan đến thủ tục phòng chống dịch giữa các nước. Cái khó của việc nhập giống lẫn hoa đã thúc đẩy các nhà vườn, chủ trang trại đầu tư cho các giống hoa đã rất quen thuộc, thậm chí được xếp vào hàng "quê kiểng" như thược dược, thu hải đường, lily, hoa chuối, sống đời, cúc...

Tuy vậy, các nhà vườn đã đầu tư từ khâu giống để thân cây nhỏ so với giống gốc. Cách làm này để có sản phẩm phù hợp bán cho khách ở chung cư, cư dân có thu nhập tầm trung.

Dù hoa giống cũ nhưng đa số được tác động kỹ thuật cao để hoa nở to hơn, màu khác biệt so với giống cũ, thậm chí trên một chậu nhưng nhiều hoa có màu khác nhau...

Ông Trần Trung Huy (nông dân phường 7, Đà Lạt) cho biết: "Sau khi đầu tư làm mới giống hoa cũ, chúng tôi nhận thấy đây là cách làm thú vị vì trong cách xây dựng sản phẩm có hàm ý gợi lại Tết xưa. Dù giống quen nhưng vẫn có cái lạ ở màu hoa, kích cỡ để tạo sự ngạc nhiên cho người mua".

Ông Nguyễn Hoàng Đức (giám đốc Công ty hoa L’amour, TP Đà Lạt) cho biết người tiêu dùng có tâm lý mua hoa cận Tết để hoa tươi, nhưng thực tế hoa bán ở các cửa hàng lẻ đã qua một chuỗi phân phối, tính từ thời gian rời vườn khoảng 4 ngày. Do đó, từ sau 23 tháng chạp đa số hoa chào bán ở các cửa hàng dành cho dịp Tết, người dùng có thể mua sớm và bảo quản đúng cách.

Nóng mùa hoa Tết - Ảnh 3.

Nguồn: UBND TP. Đà Lạt - Đồ họa: N.KH.

Hoa lay ơn sáng giá, thoát cảnh giải cứu

Nếu như thời điểm này năm trước, người trồng loại hoa lay ơn ở huyện Đức Trọng (lân cận Đà Lạt, vùng hoa lay ơn lớn nhất Lâm Đồng) trông chờ giải cứu thì nay cảnh đó không còn. Tết này, hoa lay ơn trở nên khan hiếm, giá cao ngất ngưởng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thậm chí, nhiều nhà vườn còn dự báo cận Tết, loại hoa này cùng nhiều loại hoa khác sẽ còn tăng cao hơn nữa và có thể sẽ xác lập kỷ lục.

Hiện tại, hoa lay ơn ở huyện Đức Trọng đang được thương lái tới thu mua với giá 25.000 - 50.000 đồng/bó 10 cành, cao gấp 5-7 lần so với thời điểm này năm trước. Ông Nguyễn Văn Vinh, một gia đình trồng hoa lay ơn ở xã Hiệp An (huyện Đức Trọng), cho biết có người còn ứng trước để giành quyền mua vườn hoa của ông. Với giá bán như hiện nay, người trồng hoa lay ơn Tết tại huyện Đức Trọng đang có lãi khoảng 60 triệu đồng/1.000m2 sau 3 tháng chăm sóc. Giá hoa tăng khiến nhiều gia đình tiếc nuối khi vụ Tết năm nay trồng rau thay vì trồng hoa. Toàn bộ vùng hoa lay ơn Đức Trọng chỉ trồng 20ha (chỉ đạt 20% so với vụ Tết năm 2021).

Đầu tư công nghệ làm mới giống hoa nội địa

Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho biết một số doanh nghiệp đang theo đuổi chương trình giống nhập cũng chuyển sang giống nội nhưng đầu tư ứng dụng công nghệ trồng mới để có sản phẩm mới. Đơn vị này cho biết kala lily là giống nhập châu Âu phổ biến trong 4 năm gần đây cũng không được trồng trong năm nay. Hoa tulip dịp Tết năm nay cũng không xuất hiện nhiều ở các chợ hoa.

Hội hoa xuân Tao Đàn chạy nước rút

Theo kế hoạch tổ chức Hội hoa xuân lần thứ 42 và chợ hoa Tết Nhâm Dần năm 2022 của UBND TP.HCM, năm nay người dân được miễn phí vé vào cổng hội hoa xuân.

Ngày 23-1 (21 tháng chạp âm lịch), nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM cùng các đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thành các tiểu cảnh trang trí, sân khấu, gian hàng tại công viên Tao Đàn khi chỉ còn 4 ngày nữa Hội hoa xuân Nhâm Dần sẽ mở cửa đón khách.

Theo kế hoạch tổ chức Hội hoa xuân lần thứ 42 và chợ hoa Tết Nhâm Dần năm 2022 của UBND TP.HCM, năm nay người dân được miễn phí vé vào cổng hội hoa xuân thay vì phải mua vé 30.000 đồng như mọi năm.

Nóng mùa hoa Tết - Ảnh 6.

Gấp rút chuẩn bị các tiểu cảnh, chăm sóc hoa cho Hội hoa xuân tại công viên Tao Đàn - Ảnh: LÊ PHAN

Ghi nhận cùng ngày, phía ngoài công viên đã dựng các poster chào mừng. Bên trong công tác thi công, trang trí đang được gấp rút hoàn thiện. Từ cổng vào trên đường Trương Định, đơn vị thi công đang dựng phần cổng chào, hoàn thiện phần khung sắt để lắp hoa trang trí trong những ngày tới. Phía bên trong khu vực sân khấu, các gian hàng, khu trưng bày, vui chơi cho trẻ em… cũng đang được hoàn thiện. Đội chăm sóc cây xanh tất bật chuyển các chậu hoa cúc, hướng dương để trang trí đường đi, tại các đảo hoa.

Ông Trần Văn Tý, nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM, cho biết mọi người đang cố gắng làm gấp rút để việc chuẩn bị xong trước 1-2 ngày so với thời điểm khai trương, khi cần thì có thể điều chỉnh lại, nhất là các khâu chưa đạt yêu cầu thì sẽ có thời gian. "Hội hoa xuân năm nay không bị gián đoạn do dịch bệnh khiến anh em chúng tôi nôn nao không khí Tết hơn cả. Một tháng trước đây anh em đều thấp thỏm vì sợ phải hoãn", ông Tý bộc bạch.

Còn chị Trần Thị Phương Tú - phụ trách kỹ thuật tại Hội hoa xuân 2022 - cho biết quy mô đã giảm chỉ còn một nửa so với các năm. Tuy nhiên phía công ty vẫn nỗ lực thực hiện đầy đủ, đa dạng các tiểu cảnh trang trí, các khu vui chơi để phục vụ người dân vui xuân, đón Tết.

Về phần tiểu cảnh dự kiến trong ngày 24 âm lịch sẽ xong, còn các "kỳ hoa dị thảo" sẽ được vận chuyển tới trưng bày ngày sau đó. "Trong thời gian diễn ra hội hoa xuân, anh em công ty chúng tôi vẫn sẽ túc trực tưới, chăm sóc hoa và cây xanh để đảm bảo các tiểu cảnh, đường hoa luôn tươi tốt, khoe sắc", chị Tú chia sẻ.

Ông Lê Công Phương, giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM, cho biết theo kế hoạch, Hội hoa xuân Tết Nhâm Dần 2022 chủ đề "Xuân quê hương - Ấm tình nhân ái" được tổ chức từ ngày 27-1 đến 6-2 (25 tháng chạp đến mùng 6) tại công viên Tao Đàn. Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, hội hoa xuân được xây dựng các phương án, biện pháp tổ chức đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Du khách đến tham quan phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế, đo thân nhiệt...

TP.HCM: hoa chưa bán được nhiều

Tại chợ hoa công viên Gia Định, quận Phú Nhuận, Gò Vấp, nhiều gian hàng hoa đã tụ tập về đây để phục vụ người dân. Anh Huỳnh, một chủ gian hàng hoa cúc, cho biết tình hình bán hàng vẫn còn chậm, người dân chưa mua nhiều so với thời điểm này của các năm. "Hiện nay chỉ có vài gia đình tới xem, một số công ty tới mua về chưng tại trụ sở. Hoa cúc, mai, tắc, hướng dương… vẫn chưa bán được nhiều. Tôi nghĩ năm nay chắc sát Tết người dân mới đi mua", anh Huỳnh nhận định.

Chủ nhiều gian hàng tại công viên cũng cho biết thêm người mua vẫn còn lác đác.

Phía ngoài công viên, đội ngũ xe ba gác chở thuê hoa túc trực đợi các đơn vận chuyển, tuy nhiên theo ghi nhận, số đơn hàng vẫn chưa có nhiều. Đa số người dân chỉ mua vài chậu hoa nhỏ có thể tự chở về bằng xe máy.

Chạy nước rút cho Hội hoa xuân Nhâm Dần tại công viên Tao Đàn Chạy nước rút cho Hội hoa xuân Nhâm Dần tại công viên Tao Đàn

TTO - Sáng 23-1 (21 tháng chạp âm lịch), các đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thành tiểu cảnh trang trí, sân khấu, gian hàng tại công viên Tao Đàn khi chỉ còn 4 ngày nữa Hội hoa xuân Nhâm Dần sẽ mở cửa đón khách.

Từ khóa » Hoa Dơn Tết 2021