Nóng Nga-Ukraine Sáng 7-6: Ukraine Xác Nhận Thông Tin Tướng Nga ...

Tình hình tại Ukraine

. Hãng thông tấn Ukraine Ukrinform ngày 6-6 cho biết các lực lượng phòng thủ của nước này đã đẩy lùi 10 cuộc tấn công của Nga ở miền đông Ukraine. Phía Nga đã tấn công vào hơn 20 khu dân cư ở vùng Donetsk và Luhansk, phá hủy và làm hư hại 48 cơ sở dân sự, bao gồm 42 ngôi nhà, một trường cao đẳng, một trang trại gia cầm và một câu lạc bộ thể thao. Các cuộc tấn công cũng khiến 2 thường dân thiệt mạng và 12 người bị thương.

Trong 24 giờ qua, các lực lượng Ukraine cũng đã phá hủy một xe tăng, ba hệ thống pháo, hai xe chiến đấu bọc thép và hai kho đạn dược cùng hai máy bay không người lái Orlan-10 của Nga ở vùng Donbass.

Phía Nga cũng đã điều đến khu vực Biển Đen hai tàu chiến và một tàu ngầm mang theo 20 quả tên lửa Kalibr, sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào.

. Cùng ngày, Ukrinform dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết hơn 2.500 binh sĩ của nước này đang bị giam cầm sau khi bị bắt giữ và đưa đi khỏi nhà máy thép Azovstal.

Trong khi đó, Bộ chỉ huy chiến lược Ukraine đã xác nhận thông tin Thiếu tướng Nga - ông Roman Kutuzov thiệt mạng trong một trận chiến gần thị trấn Popasna, thuộc vùng Luhansk.

Một chiếc xe tăng của lực lượng vũ trang Ukraine bị Nga phá hủy ở vùng Donbass. Ảnh: SPUTNIK

Một chiếc xe tăng của lực lượng vũ trang Ukraine bị Nga phá hủy ở vùng Donbass. Ảnh: SPUTNIK

. Hãng thông tấn Nga TASS dẫn thông tin từ lãnh đạo nước cộng hòa tự xưng Donetsk - ông Denis Pushilin cho biết lực lượng dân quân do Nga hậu thuẫn đã giành quyền kiểm soát thị trấn Svyatogorsk vào ngày 6-6 và đang dọn dẹp khu vực này.

. Cùng ngày, Đại tá Mikhail Mizintsev - Giám đốc Trung tâm Quản lý Quốc phòng Quốc gia Nga - cho biết các lực lượng vũ trang Nga và các đội rà phá bom mìn đã vô hiệu hóa gần 14.000 thiết bị nổ ở khu vực Donetsk và Luhansk, TASS đưa tin.

"Lực lượng vũ trang Nga và các đội rà phá bom mìn đã thực hiện nhiệm vụ rà phá các thiết bị nổ ở Donetsk và Lugansk. Tổng cộng 13.987 thiết bị nổ đã được tìm thấy và vô hiệu hóa" - ông Mizintsev cho hay.

Ông Mizintsev cho biết thêm rằng kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự vào cuối tháng 2, phía Nga đã sơ tán gần 1,7 triệu người khỏi các khu vực nguy hiểm ở Ukraine mà không có sự tham gia của phía Kiev.

"Bất chấp mọi khó khăn do Ukraine tạo ra, trong 24 giờ qua, 16.533 người đã được sơ tán khỏi các khu vực nguy hiểm sang lãnh thổ Nga mà không có sự tham gia của chính quyền Ukraine, trong đó có 2.166 trẻ em. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự, tổng cộng 1.690.814 người, trong đó có 273.359 trẻ em đã được sơ tán" - ông Mizintsev nói.

Binh sĩ Ukraine đang chuẩn bị hệ thống pháo. Ảnh: UKRINFORM.

Binh sĩ Ukraine đang chuẩn bị hệ thống pháo. Ảnh: UKRINFORM.

Động thái các bên

. Hãng tin Reuters ngày 6-6 dẫn lời Tổng thống Zelensky cho biết Anh đã cung cấp những loại vũ khí mà chính phủ Kiev cần để chống lại cuộc chiến với Nga và cảm ơn Thủ tướng Boris Johnson vì đã "hoàn toàn hiểu rõ" nhu cầu của ông.

"Tôi rất biết ơn Thủ tướng Boris Johnson vì sự hiểu biết đầy đủ về nhu cầu của chúng tôi cũng như sẵn sàng cung cấp cho Ukraine chính xác loại vũ khí mà chúng tôi cần để bảo vệ cuộc sống của người dân" - ông Zelensky nói.

Trước đó cùng ngày, Anh cho biết họ sẽ phối hợp với Mỹ cung cấp cho Ukraine các hệ thống hệ thống tên lửa phóng nhiều lần (MLRS) có thể tấn công các mục tiêu cách xa tới 80 km như một phần trong khoản viện trợ quân sự mới của London dành cho Kiev.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: REUTERS

. Theo đài RT, một số nguồn tin cho biết chính phủ Đức do dự trong việc gửi xe tăng đến Ukraine để hỗ trợ nước này là do Thủ tướng Olaf Scholz lo ngại rằng Kiev có thể trở nên quá tự tin nếu giành nhiều chiến thắng và có thể tiến hành một cuộc tấn công ngược lại vào lãnh thổ Nga.

“Nếu việc đó thành hiện thực, xe tăng Đức sẽ một lần nữa xuất hiện bên trong nước Nga, một điều không thể xảy ra được" - các nguồn tin cho hay, đề cập cuộc xâm lược Liên Xô của Đức Quốc xã vào năm 1941.

Theo đó, nỗi lo sợ rằng vũ khí Đức có thể được đưa vào lãnh thổ Nga “cho thấy sự ngờ vực nhất định của Berlin đối với Tổng thống Zelensky. Và đó cũng là lý do khiến ngành công nghiệp quốc phòng Đức không được phép giao xe tăng chiến đấu” cho Kiev.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái). Ảnh: AFP

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái). Ảnh: AFP

. Hôm 6-6, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ - ông Hugh De Santis đã cho rằng Ukraine sẽ không thể thắng Nga và Mỹ cần phải thuyết phục Kiev đàm phán với Moscow để chấm dứt xung đột, RT đưa tin.

Theo ông, “một chiến thắng của quân đội Ukraine không nằm trong kế hoạch và một kết quả được thương lượng là mục tiêu thực tế duy nhất” để tránh được khả năng xảy ra "một cuộc chiến tranh rộng hơn, trong đó vũ khí hạt nhân hoặc hóa học có thể được sử dụng, làm gián đoạn thêm nền kinh tế thế giới và sự phân cực mới của châu Âu”.

“Mỹ và các đồng minh phải thuyết phục các bên chấm dứt cuộc chiến này” - ông De Santis nhấn mạnh.

Các binh sĩ Ukraine. Ảnh: UKRINFORM

Các binh sĩ Ukraine. Ảnh: UKRINFORM

. Cùng ngày, Tổng thống Zelensky thừa nhận cả thế giới đang ngày càng mệt mỏi vì cuộc xung đột kéo dài giữa Moscow và Kiev. Theo ông, vì muốn “đạt được một kết quả nào đó” mà một số bên đang gây áp lực đối với Ukraine để có thể đạt được bất kỳ hình thức giải quyết hòa bình nào khi các hành động thù địch đang ngày càng gia tăng.

“Tất nhiên, mọi người đều muốn thúc đẩy chúng tôi hướng tới một kết quả nào đó, chắc chắn là bất lợi cho chúng tôi nhưng sẽ có lợi cho lợi ích riêng của họ, cả về tài chính và chính trị” - ông Zelensky nói với các phóng viên.

Ông không tiết lộ chính xác những bên nào đã và đang gây áp lực lên Ukraine để đạt được một thỏa thuận hòa bình với Nga. Bản thân Tổng thống Zelensky cũng như các quan chức hàng đầu khác của Ukraine đã nhiều lần loại trừ mọi khả năng nhượng bộ và khẳng định sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ.

Phái đoàn các chính trị gia Estonia đến thăm TP Malyn thuộc tỉnh Zhytomyr và các TP Bucha và Irpin ở tỉnh Kiev, Ukraine, vào ngày 6-6. Ảnh: UKRINFORM

Phái đoàn các chính trị gia Estonia đến thăm TP Malyn thuộc tỉnh Zhytomyr và các TP Bucha và Irpin ở tỉnh Kiev, Ukraine, vào ngày 6-6. Ảnh: UKRINFORM

. Theo Ukrinform, Phó chủ tịch đảng Cải cách của Estonia - ông Hanno Pevkur và một phái đoàn các chính trị gia nước này đã đến thăm TP Malyn thuộc tỉnh Zhytomyr và các TP Bucha và Irpin ở tỉnh Kiev vào ngày 6-6 vừa qua để trực tiếp chứng kiến những tổn thất mà Ukraine phải gánh chịu sau các cuộc giao tranh với Nga.

"Xem ảnh và đọc tin tức trên các hãng truyền thông là một chuyện, việc đến và tự mình chứng kiến những gì đã xảy ra là một chuyện khác” - ông Pevkur chia sẻ và khẳng định thêm rằng Estonia sẽ giúp Ukraine xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị phá hủy.

"Tôi muốn chúng ta cùng nhau - Estonia, Ukraine và các quốc gia khác - nhớ lại những gì đã xảy ra và hướng tới tương lai. Chúng tôi muốn cho Ukraine thấy rằng g rằng các đối tác của họ sẽ luôn ở bên hỗ trợ họ không chỉ ngày hôm qua và hôm nay, mà còn trong tương lai” - ông Pevkur nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: TASS

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: TASS

. Theo TASS, trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 6-6, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết phương Tây càng cung cấp nhiều loại vũ khí cho Kiev thì Moscow sẽ càng đẩy mạnh chiến dịch quân sự của mình.

"Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo Mỹ, Anh và các thành viên NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) khác. Tổng thống Vladimir Putin cũng đã bình luận về sự xuất hiện của các loại vũ khí mới. Tôi chỉ có thể nói thêm rằng càng nhiều loại vũ khí được cung cấp cho Ukraine, chúng tôi sẽ càng đẩy mạnh chiến dịch của mình để chống lại mối đe dọa đối với Nga" - ông Lavrov nhấn mạnh.

. Cũng theo TASS, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - ông Triệu Lập Kiên cho rằng cộng đồng quốc tế cần tạo điều kiện để giải quyết tình hình phức tạp do cuộc khủng hoảng Ukraine gây ra.

"Chúng tôi tin rằng cần tạo điều kiện thuận lợi cho mọi nỗ lực nhằm giải quyết tình hình khủng hoảng một cách hòa bình. Cộng đồng quốc tế nên tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine" - ông Triệu nói.

Theo ông, Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực của Moscow và Kiev nhằm giải quyết những khác biệt: "Chúng tôi kêu gọi thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine".

TP Severodonetsk, tỉnh Luhansk, miền đông Ukraine chìm trong khói đen từ các cuộc giao tranh giữ lực lượng Kiev và Moscow. Ảnh: AFP

Nóng Nga-Ukraine chiều 6-6: Ukraine lại thất thế ở Severodonetsk, Moscow nói lãnh thổ bị tấn công

KHÔI CHƯƠNG Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Vì Sao Xảy Ra Chiến Tranh Giữa Nga Và Ukraine