Nông Nghiệp Phát Huy Vai Trò Bệ đỡ Của Nền Kinh Tế Trong đại Dịch

Sản xuất nông nghiệp trong những năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn. Thành tựu lớn nhất là đã đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia, từ một nước có một nền nông nghiệp lạc hậu vươn lên trở thành một nước có nền nông nghiệp hàng hóa, có vị trí đáng kể trong khu vực và trên thế giới. Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng đến hầu hết các ngành các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Trước những khó khăn đó, ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.

Điều đó thể hiện rõ nét nhất trong tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực duy nhất tăng trưởng dương trong ba trụ cột của nền kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ với mức tăng 1,04%; trong khi đó khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển so với cùng kỳ năm trước: năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản đạt khá. Ngành nông nghiệp tăng 3,32%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,3%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm.

Có được kết quả đó chủ yếu do sản xuất nông nghiệp trong 9 tháng năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, cùng với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tích cực, gieo trồng giống lúa mới cho giá trị kinh tế cao dần thay thế giống lúa truyền thống, kết quả sản xuất các vụ lúa đều cho kết quả khả quan. Vụ đông xuân năm 2021 đạt được thành tựu lớn với năng suất đạt cao nhất từ trước đến nay. Diện tích thu hoạch lúa đông xuân năm 2021 cả nước đạt 3.006,5 nghìn ha, bằng 100,5% vụ đông xuân năm trước với năng suất đạt 68,6 tạ/ha, tăng 2,2 tạ/ha, sản lượng đạt 20,63 triệu tấn, tăng 755,1 nghìn tấn. Năng suất và sản lượng lúa tăng hầu hết ở các địa phương trên cả nước. Tại các địa phương phía Bắc, diện tích thu hoạch lúa đông xuân đạt 1.086,4 nghìn ha, bằng 99,1% vụ đông xuân năm trước do năng suất đạt 64,5 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha nên sản lượng đạt 7.004,1 nghìn tấn, tăng 128,7 nghìn tấn. Tại các địa phương phía Nam: Diện tích thu hoạch lúa đông xuân 2021 đạt 1.920,1 nghìn ha, tăng 23,4 nghìn ha so cùng kỳ; năng suất thu hoạch đạt 71 tạ/ha, tăng 2,5 tạ/ha; sản lượng đạt 13,63 triệu tấn, tăng 626,4 nghìn tấn. Một số địa phương có năng suất và sản lượng lúa đông xuân tăng nhiều so với cùng kỳ như: Kiên Giang năng suất tăng 3 tạ/ha, sản lượng tăng 43,8 nghìn tấn; Long An tăng 1,4 tạ/ha và tăng 28,4 nghìn tấn; Ninh Thuận tăng 1,6 tạ/ha và tăng 38,7 nghìn tấn.

 Kết quả sản xuất vụ hè thu năm nay tăng khá so với năm trước. Diện tích gieo trồng lúa hè thu năm 2021 cả nước ước đạt 1954 nghìn ha, tăng 8,8 nghìn ha, bằng 100,5% so với vụ hè thu năm 2020; năng suất lúa hè thu ước đạt 56,5tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha, bằng 102,2%; sản lượng ước đạt 11,03 triệu tấn, tăng 282,7 nghìn tấn. Trong đó, tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích gieo trồng lúa hè thu ước đạt 1.509 nghìn ha, giảm 15,1 nghìn ha; do năng suất ước đạt 56,6 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha nên sản lượng ước đạt 8,55 triệu tấn, tăng 76,7 nghìn tấn. Năng suất gieo trồng lúa hè thu sơ bộ tăng trên hầu khắp các vùng, trong đó tăng cao nhất ở vùng Bắc Trung Bộ đạt 51,4 tạ/ha, tăng 3,6 tạ/ha, tiếp theo là vùng Tây Nguyên: đạt 55,9 tạ/ha, tăng 1,7 tạ/ha. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 56,6 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha, đây là vùng có sản lượng lúa hè thu cao nhất nước với 8.546,9 nghìn tấn, chiếm 77,7% so với sản lượng của cả nước, tăng 76,7 nghìn tấn. Nhiều địa phương có năng suất tăng cao so với vụ hè thu trước là Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau. Diện tích và sản lượng lúa hè thu tăng ở vùng Bắc Trung Bộ diện tích tăng 2,4%, sản lượng tăng 10,2%; vùng Duyên hải miền Trung tăng 13,1% và tăng 12,2%, trong đó các địa phương tăng nhiều là: Khánh Hoà tăng 11,2 nghìn ha và tăng 66,7 nghìn tấn; Bình Định tăng 3,2 nghìn ha và tăng 20,7 nghìn tấn; Quảng Ngãi 2,7 nghìn ha và tăng 15,3 nghìn tấn.

Vụ lúa mùa đang thực hiện trên khắp các địa phương với nhiều thuận lợi. Tính đến trung tuần tháng Chín, cả nước đã gieo cấy được 1.577,4 nghìn ha lúa mùa, bằng 99,8% cùng kỳ năm trước. Đến nay, lúa mùa tại các địa phương phía Bắc đang trong giai đoạn trỗ bông, trà lúa sớm đang trong giai đoạn vào chắc và chín, đã cho thu hoạch được 133,6 nghìn ha, chiếm 12,2 % diện tích gieo trồng ước cả năm và bằng 104,7% so cùng kỳ. Với điều kiện thời tiết diễn biến thuận lợi, năng suất lúa mùa năm 2021 của các tỉnh phía Bắc đạt khoảng 57,7 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha so cùng kỳ.

Không chỉ có lúa, đóng góp vào tăng trưởng của nông nghiệp bao gồm cây trồng lâu năm. Năng suất và sản lượng cây trồng lâu năm đều đạt khá: sản lượng điều 9 tháng năm 2021 ước tính đạt 365,2 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; hồ tiêu đạt 275,6 nghìn tấn, tăng 2,3%; cao su đạt 822,8 nghìn tấn, tăng 2,6%; chè búp đạt 865,2 nghìn tấn, tăng 1,8%. Sản lượng thu hoạch một số cây ăn quả chủ yếu hầu hết đều tăng so với cùng kỳ năm trước: Xoài đạt 801,1 nghìn tấn, tăng 6,7%; thanh long đạt 1.030,5 nghìn tấn, tăng 1,7%; cam đạt 689,7 nghìn tấn, tăng 3,8%; bưởi đạt 511,3 nghìn tấn, tăng 6,1%; chuối đạt 1.779,2 nghìn tấn, tăng 2,6%; nhãn đạt 544,4 nghìn tấn, tăng 7,8%; vải đạt 366,2 triệu tấn, tăng 16,5%. Nhiều loại cây được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sang thị trường Ôt-xtrây-lia, Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm sản đạt 9 tháng năm 2021 đạt 17,7 tỷ USD, tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước ở mức 17,6%, trong đó kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,8 tỷ USD, tăng 11,1%.

Chăn nuôi cũng là lĩnh vực then chốt đóng góp vào tăng trưởng chung của khu vực nông nghiệp. Chăn nuôi cung cấp thực phẩm cho người dân và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Chăn nuôi 9 tháng đầu năm phát triển ổn định, sản phẩm chăn nuôi tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 9 tháng, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 3.060,9 nghìn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 332,4 nghìn tấn, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 1.402,7 nghìn tấn, tăng 4,3%; duy nhất sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 86,6 nghìn tấn, giảm nhẹ ở mức 0,4%; sản lượng sữa bò tươi đạt 856,6 nghìn tấn, tăng 11%; sản lượng trứng gia cầm đạt 12,8 tỷ quả, tăng 4,3%.

Trong 9 tháng năm 2021 mặc dù bị ảnh hưởng lớn của dịch covid-19 làm đứt gãy tạm thời chuỗi cung ứng sản xuất – chế biến – tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản nhưng nguồn cung nông sản vẫn dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và cho xuất khẩu. Nông nghiệp đã phát huy vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đặc biệt nông nghiệp cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến góp phần đẩy nhanh tăng trưởng ngành công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Từ khóa » đất Nước Sản Xuất Nông Nghiệp