Nóng Rát Bao Tử: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách điều Trị - YouMed

Nội dung bài viết

  • Khái quát về bao tử và chức năng của bao tử
  • Nguyên nhân của tình trạng nóng rát bao tử
  • Triệu chứng kèm theo với tình trạng nóng rát bao tử
  • Những bệnh lý có thể gây ra nóng rát dạ dày
  • Những biến chứng nếu không được điều trị phù hợp
  • Các phương pháp điều trị phổ biến

Nóng rát bao tử là một trong những dấu hiệu rất thường gặp ở bao tử (dạ dày). Tình trạng nóng rát hầu hết là biểu hiện của một bệnh lý nào đó ở dạ dày. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn tiến nặng và phức tạp hơn. Vì vậy, hãy cùng đọc qua bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên để hiểu rõ hơn về bệnh lý này nhé các bạn!

Khái quát về bao tử và chức năng của bao tử

Khái quát về bao tử

Bao tử là tên gọi dân gian của dạ dày – một phần của hệ tiêu hóa. Dạ dày là một cơ quan được tìm thấy ở phần bụng trên của con người. Nó nằm ngay dưới xương sườn. Nói một cách dễ hiểu, dạ dày là một loại túi tiêu hóa.

Bao tử hay dạ dày là phần tiếp nối của thực quản và nhận thức ăn đã tiêu hóa một phần ở khoang miệng. Do đó, dạ dày đóng vai trò như một cầu nối giữa thực quản và ruột non. Đồng thời là một điểm dừng nhất định dọc theo kênh tiêu hóa của con người.

Bao tử hay dạ dày đóng vai trò như một cầu nối giữa thực quản và ruột non
Bao tử hay dạ dày đóng vai trò như một cầu nối giữa thực quản và ruột non

Dạ dày tiết ra axit và các men để tiêu hóa thức ăn. Các nếp gấp của mô cơ được gọi là niêm mạc dạ dày. Cơ dạ dày co bóp theo chu kỳ, khuấy trộn thức ăn để tăng cường tiêu hóa. Cơ thắt môn vị là một van cơ mở ra để thức ăn đi từ dạ dày xuống ruột non.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tiêu hóa - Gan mật, tải ngay ứng dụng YouMed.

Chức năng của bao tử

Bao tử trước hết là nơi tiêu hóa chính. Trên thực tế, nó là nơi đầu tiên tiêu hóa protein thực sự. Giống như một chiếc túi đàn hồi, dạ dày sẽ cung cấp một nơi cho nhiều lượng thức ăn được nuốt vào để nghỉ ngơi và tiêu hóa. Do đó, dạ dày là nơi lưu trữ. Dạ dày cũng sẽ cung cấp các axit thiết yếu cho thức ăn đã nuốt của con người.

Chức năng của dạ dày là tiêu hóa thức ăn
Chức năng của dạ dày là tiêu hóa thức ăn

Nhiệm vụ thứ ba của dạ dày là đưa hỗn hợp thức ăn đã khuấy đến ruột non để tiêu hóa và hấp thụ thêm. Thời gian để quá trình này diễn ra khi thức ăn là một hỗn hợp lỏng vào khoảng 3 giờ. Nói tóm lại, có thể nhận thấy dạ dày có 3 chức năng cơ bản đó là:

  • Nơi chứa thức ăn đã tiêu hóa từ khoang miệng.
  • Tiết dịch vị phân hủy thức ăn nuốt vào.
  • Đưa hỗn hợp thức ăn sang giai đoạn tiêu hóa tiếp theo tại ruột non.

Ngoài ra, một chức năng khác của bao tử đó chính là tiết ra yếu tố nội tại. Yếu tố này giúp cơ thể hấp thụ vitamin B12 từ thức ăn. Đây là loại vitamin cần thiết của quá trình tạo máu. Những người bị teo dạ dày, cắt dạ dày thường bị thiếu máu do thiếu vitamin B12.

Vitamin B12 có trong thịt, sữa, trứng, cá
Vitamin B12 có trong thịt, sữa, trứng, cá

Nguyên nhân của tình trạng nóng rát bao tử

Nóng rát bao tử là cụm từ diễn tả tình trạng nóng, đau và rát ở khu vực bao tử. Trong y khoa, vùng nóng rát liên quan đến dạ dày thường được gọi là vùng thượng vị. Trong đó, đau ở điểm thượng vị là biểu hiện đặc trưng của các bệnh lý về dạ dày.

Theo đó, cảm giác nóng rát xảy ra khi bao tử bị kích thích. Có thể là kích thích bởi sự tăng tiết axit quá mức. Và/ hoặc sự giảm tiết chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Nhiều trường hợp, sự kích thích tại chỗ của những thực phẩm ăn vào cũng có thể gây nóng rát dạ dày.

Những nguyên nhân gây nóng rát bao tử gồm có:

Chế độ ăn uống

  • Ăn một số loại thực phẩm: Đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay hoặc béo đôi khi có thể gây khó tiêu hoặc cảm giác đau bụng, nóng rát.
  • Uống rượu bia hoặc các thức uống có cồn gây kích thích niêm mạc dạ dày.
  • Uống các thức uống có chứa chất kích thích như trà, cà phê, ca cao,… Bởi vì những thức uống này có thể gây tăng tiết axit của dạ dày.
  • Ăn các loại thức ăn có vị chua khi bụng đói. Chẳng hạn như cam, chanh, bưởi, cà chua,…
Thức ăn cay nóng làm tăng nguy cơ bị nóng rát bao tử
Thức ăn cay nóng làm tăng nguy cơ bị nóng rát bao tử

Nóng rát dạ dày nguyên nhân từ việc sử dụng thuốc

Một số thuốc khi uống vào có thể gây nóng rát dạ dày. Sự nóng rát có thể là trực tiếp cho thuốc kích ứng niêm mạc dạ dày. Cũng có thể gián tiếp từ tác dụng của thuốc làm tăng axit dạ dày, làm giảm chất nhầy bảo vệ dạ dày.

Một số thuốc thường gặp có thể gây nóng rát bao tử bao gồm:

  • Nhóm thuốc kháng viêm Corticoide như: Prednisolon, Prednisone, Methylprednisolon,…
  • Các thuốc kháng viêm Non Steroid như: Diclofenac, Meloxicam, Naproxen, Aspirin,…
  • Thuốc kháng histamin H1 như: Chlopheniramin, Cetirizin, Fexofenadin,…
  • Thuốc kích thích thần kinh phó giao cảm như: Cisapride, Isopride,…
  • Các thuốc long đờm, làm loãng chất nhầy như: Bromhexin, Acetyl Cystein, Ambroxol,…

Nóng rát dạ dày do thói quen không tốt

Những thói quen không tốt có thể gây nên tình trạng nóng rát dạ dày bao gồm:

  • Ăn không đúng giờ giấc.
  • Ăn nhanh, nhai không kỹ.
  • Thường xuyên nhịn đói hoặc bỏ cử ăn sáng.
  • Hút thuốc lá.
  • Lối sống tĩnh tại, ít vận động thể lực.
  • Mặc quần áo bó quá chặt.
  • Thói quen uống nước ngọt có gas, đặc biệt là lúc bụng đói.
Thói quen ăn không đúng giờ
Thói quen ăn không đúng giờ

Triệu chứng kèm theo với tình trạng nóng rát bao tử

Một số triệu chứng điển hình có thể kèm theo nóng rát dạ dày. Và nhờ những triệu chứng kèm theo này mà các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác bệnh. Một số triệu chứng kèm theo thường gặp bao gồm:

  • Buồn nôn, nôn.
  • Đau quặn bụng.
  • Cảm giác đầy bụng, chướng bụng, khó tiêu.
  • Ợ nóng, ở chua, trớ.
  • Giảm cảm giác ngon miệng.
  • Mệt mỏi, suy kiệt.
  • Hạ huyết áp, chóng mặt, kém tập trung.
  • Tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Một số triệu chứng kèm theo ít gặp hơn bao gồm:
  • Nóng rát ở vùng ngực, tức ngực.
  • Khó thở, ho kéo dài.
  • Nôn ra máu, tiêu phân đen.
  • Đau họng, chảy nước mũi,…
Ợ nóng là triệu chứng thường gặp
Ợ nóng là triệu chứng thường gặp

Những bệnh lý có thể gây ra nóng rát dạ dày

Thông thường, những bệnh lý gây viêm loét dạ dày sẽ gây ra triệu chứng nóng rát bao tử. Những bệnh lý có thể gây nóng rát ở dạ dày bao gồm:

Viêm dạ dày

Bệnh lý viêm dạ dày thường gây nóng rát bao tử. Kèm theo đó là cảm giác buồn nôn và / hoặc đau. Viêm dạ dày có thể do rượu, một số loại thuốc, nhiễm H. pylori hoặc các yếu tố khác.

Loét dạ dày

Là sự bào mòn ở niêm mạc dạ dày. Bệnh lý này thường gây đau và / hoặc chảy máu. Loét dạ dày thường do thuốc kháng viêm, stress hoặc nhiễm vi khuẩn H. pylori gây ra. Cảm giác nóng rát trong loét dạ dày thường xảy ra khi đói. Nóng và đau tăng lên khi ăn no.

Ung thư dạ dày

Bệnh lý ung thư dạ dày là một dạng ung thư không phổ biến ở Hoa Kỳ. Ung thư biểu mô tuyến và ung thư hạch chiếm hầu hết các trường hợp ung thư dạ dày. Trong phần lớn các trường hợp ung thư dạ dày, người bệnh sẽ không có cảm giác nóng rát. Riêng ung thư dạ dày thể loét có thể gây đau và nóng rát ở dạ dày.

Ung thư dạ dày thể loét
Ung thư dạ dày thể loét

Hội chứng Zollinger – Ellison (ZES)

Hội chứng này xảy ra do một hoặc nhiều khối u tiết ra hormone Gastrin dẫn đến tăng sản xuất axit. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản nghiêm trọng và loét dạ dày tá tràng thường là hậu quả của hội chứng này.

Hội chứng Zollinger - Ellison - nóng rát bao tử
Hội chứng Zollinger – Ellison – nóng rát bao tử

Rối loạn tâm căn

Tuy không phải là bệnh lý phổ biến nhưng bệnh này không hề hiếm gặp. Trong rất nhiều trường hợp, người bệnh vì một lý do nào đó mà thường xuyên lo âu. Có thể kèm theo căng thẳng tâm lý, stress, mất ngủ. Khi ấy, người bệnh sẽ có cảm giác nóng rát bao tử, khó chịu ở dạ dày.

Một số bệnh lý khác

Một vài bệnh lý khác ít phổ biến hơn có thể gây nóng rát bao tử bao gồm:

  • Rối loạn dạng cơ thể.
  • Tâm thần phân liệt.
  • Rối loạn hoang tưởng trường diễn (nghi mình bị bệnh lý về dạ dày).
  • Co thắt dạ dày – ruột vô căn.
  • Thủng dạ dày.
  • Chấn thương ở dạ dày.
Thủng dạ dày
Thủng dạ dày

Những biến chứng nếu không được điều trị phù hợp

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, triệu chứng nóng rát bao tử có thể diễn biến ngày một trầm trọng hơn. Thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Những biến chứng thường gặp

  • Rối loạn tiêu hóa.
  • Suy kiệt, suy dinh dưỡng do ăn uống kém.
  • Trào ngược dạ dày – thực quản.
  • Loét biến chứng thủng dạ dày.
  • Ung thư hóa trên nền loét.
  • Viêm dạ dày – ruột mạn tính.
  • Hội chứng ruột kích thích.
  • Xuất huyết dạ dày. Bao gồm các triệu chứng như nôn ra máu, tiêu phân đen.
Xuất huyết dạ dày
Xuất huyết dạ dày

Những biến chứng ít gặp hơn

  • Hẹp môn vị.
  • Các bệnh lý mạn tính do trào ngược như: Viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi.
  • Trầm cảm, mất ngủ, lo âu.
  • Thiếu máu.
  • Suy giảm trí nhớ,…
Thiếu máu
Thiếu máu

Các phương pháp điều trị phổ biến

Tùy theo bệnh lý gây ra nóng rát bao tử mà hướng điều trị sẽ khác nhau. Tuy nhiên, tốt hơn hết là bạn nên đến khám tại bác sĩ chuyên khoa Nội tiêu hóa. Tại đây, các bác sĩ sẽ thăm khám, thực hiện một số xét nghiệm cần thiết. Sau đó, họ sẽ đưa ra chẩn đoán xác định và có hướng điều trị phù hợp.

Xem thêm: Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu có nguy hiểm không?

Điều trị nội khoa

Hầu hết các trường hợp nóng rát bao tử sẽ đáp ứng khá tốt với điều trị nội khoa. Người bệnh sẽ uống thuốc theo toa do bác sĩ chỉ định. Các nhóm thuốc có thể bao gồm:

  • Trung hòa axit dịch vị. Chẳng hạn như Maalox, Phosphalugel, Gastrogel,…
  • Ức chế tiết axit như: Omeprazole, Esomeprazole, Pantoprazole,…
  • Kháng histamin H2 như: Ranitidin, Cimetidin, Famotidin,…
  • Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: Misoprostol, Sucralfat, Bismuth,…
  • Kháng sinh diệt Helicobacter pylori. Điển hình như: Amoxicillin, Clarithromycin, Lovofloxacin, Metronidazole,…
  • Nội soi dạ dày cầm máu trong xuất huyết dạ dày.

Điều trị ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa chỉ được áp dụng trong những trường hợp điều trị nội khoa thất bại. Hoặc trong một số bệnh lý cần phải phẫu thuật, chẳng hạn như:

  • Ung thư dạ dày.
  • Thủng dạ dày.
  • Xuất huyết dạ dày thất bại với điều trị nội khoa.
  • Phẫu thuật cắt bỏ khối u tiết Gastrin trong hội chứng Zollinger – Ellison.

Xem thêm: Trào ngược dịch mật có phải là trào ngược dạ dày thực quản?

Điều trị không dùng thuốc

Người bệnh có thể làm giảm tình trạng nóng rát bao tử bằng cách thay đổi lối sống hàng ngày. Cụ thể đó là:

  • Hạn chế thức ăn cay nóng, nhiều chất béo, nhiều dầu mỡ.
  • Từ bỏ hút thuốc lá.
  • Hạn chế rượu bia và các thức uống có chứa chất kích thích.
  • Luyện tập thể dục thể thao.
  • Ngủ đủ giấc, sống vui vẻ, lạc quan.
  • Tập thói quen ăn uống đúng giờ, ăn chậm, nhai kỹ.
  • Khám sức khỏe định kỳ để tầm soát và phát hiện sớm các bệnh lý ở dạ dày. Từ đó có hướng điều trị kịp thời.
Từ bỏ thói quen hút thuốc lá
Từ bỏ thói quen hút thuốc lá

Nói chung, triệu chứng nóng rát bao tử do rất nhiều nguyên nhân gây nên. Thường gặp nhất là thói quen ăn uống thiếu khoa học và các bệnh lý ở dạ dày. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho dạ dày, chúng ta nên tập thói quen ăn uống điều độ. Đồng thời khám sức khỏe định kỳ để được bác sĩ điều trị sớm các bệnh lý ở dạ dày.

Xem thêm: Khó tiêu chức năng: Những điều bạn cần biết!

Từ khóa » Bụng Nóng Rát đầy Hơi