Nông Sản Việt Chinh Phục Châu Âu

Nông sản Việt chinh phục châu Âu

Với chất lượng tốt, lợi thế về mặt thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã và đang xâm nhập thị trường khó tính bậc nhất thế giới.

Dự báo xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU trong năm 2021 tiếp tục tăng trưởng khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 đang được kiểm soát và các biện pháp hạn chế dần được nới lỏng tại các quốc gia trong khối EU.

Tăng mạnh xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ yếu

Kể từ khi EVFTA chính thức có hiệu lực (1/8/2020), kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt những kết quả ấn tượng. Hiện, EU đứng thứ 3 (chiếm 10,1% thị phần, sau khu vực châu Á (46,5% thị phần) và châu Mỹ (27,0% thị phần).

Chỉ tính riêng tháng 5/2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU đạt 23.000 tấn với trị giá 105 triệu USD, tăng 48,5% về lượng và tăng 44,7% về trị giá so với tháng 5/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt hơn 390 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020. “Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới EU trong quý III/2021 sẽ tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 bởi nhiều nước của EU đang mở cửa trở lại, hoạt động kinh tế đang hồi phục mạnh mẽ” - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định.

Những lô hàng xuất khẩu vải thiều đầu tiên sang thị trường châu Âu

Xuất khẩu cà phê sang EU cũng đang khởi sắc trở lại, trong đó, trong 5 tháng đầu năm, bên cạnh thị trường Mỹ thì Đức và Ý là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 14% và 7,6%. EU cũng là thị trường lớn thứ 2 tiêu thụ hạt điều của Việt Nam, đạt trên 33.800 tấn, tương đương hơn 173 triệu USD, chiếm 21% trong tổng lượng và chiếm 18,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của cả nước.

Đáng chú ý, hiện EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau, quả Việt Nam. Ngoài các loại trái cây đã được xuất khẩu nhiều năm, trong tháng 6/2021, EU cũng đã nhập quả vải tươi của Việt Nam. Tổng Giám đốc Công ty CP Pacific Foods Chung Trí Phong chia sẻ: “Sau chuyến hàng khởi đầu thuận lợi đưa trái vải Thanh Hà (Hải Dương) cập cảng hàng không Cộng hòa Czech, công ty tiếp tục xuất khẩu lô vải thiều từ vùng nguyên liệu nổi tiếng Lục Ngạn tại Bắc Giang vào EU theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP. Việc tiếp cận thành công thị trường cao cấp đã nâng vị thế của sản phẩm, mở ra cơ hội cho quả vải đến với thị trường mới. Pacific Foods đã mất 3 năm để tìm hiểu, đàm phán các thủ tục và điều kiện kỹ thuật cho việc xuất khẩu vải sang EU”.

Cùng với lô vải thiều đầu tiên vào Czech và Pháp, các loại trái cây khác như: Thanh long, mít, xoài, nhãn, bưởi… cũng đang được Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đẩy mạnh xúc tiến thương mại để xuất khẩu sang các quốc gia trong khối EU.

Vượt rào cản, chinh phục bằng chất lượng

Nông sản xuất khẩu vào EU thường có giá cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của thị trường và luôn giữ được sự ổn định về giá mua cũng như sản lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường này không phải dễ vì yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm rất khắt khe; những tiêu chuẩn, đòi hỏi của EU cũng ngày càng cao, tần suất giám sát, kiểm tra cũng cao hơn các thị trường khác.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) Trần Ngọc Quân cho rằng, nông sản là mặt hàng được bảo hộ tại EU, do đó DN phải đối mặt với nhiều biện pháp bảo hộ khi xuất khẩu sang khối này. Cùng với đó, các nước EU có quy định rất cao và chặt chẽ về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu, nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng nông sản. Còn theo chuyên gia Tổ chức xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển Hà Lan (CBI) Nguyễn Ngọc Sơn, việc DN trong nước không tuân thủ đầy đủ và nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc là khá phổ biến. Đã có trường hợp, năm nay DN tuân thủ các quy định, đủ điều kiện xuất khẩu, nhưng sang năm không tuân thủ nữa và bị dừng hợp đồng xuất khẩu. Như vậy, ý thức tự giác tuân thủ quy định của DN trong nước còn hạn chế cũng chính là rào cản cho mở rộng thị phần của nông sản Việt tại EU.

Nhiều chuyên gia nhận định, có muôn vàn rào cản về pháp lý, do đó buộc DN phải chủ động tìm hiểu thông tin và đáp ứng đầy đủ, ổn định các quy định mới có thể xuất khẩu bền vững. Do khoảng cách địa lý xa, chi phí tiếp cận thị trường cao, DN cũng cần nghiên cứu về chi phí, rủi ro để cân bằng được bài toán xuất khẩu. DN có thể xây dựng những câu chuyện xung quanh quy trình sản xuất nông sản xuất khẩu nhằm tạo sự khác biệt cho nông sản Việt trên thị trường EU.

Ngoài ra, số lượng quốc gia có hiệp định thương mại tự do với EU không ít, nhưng tập trung vào sản xuất nông sản thì không nhiều. Điều này thấy, cánh cửa thị trường EU đã rộng mở cho nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, để bước qua cánh cửa này, DN trong nước cần đặc biệt chú ý đến chất lượng sản phẩm. Không chỉ ở giai đoạn vận chuyển mà phải kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quy trình sản xuất. Minh bạch về nguồn gốc xuất xứ giúp nhà nhập khẩu thuận lợi phân luồng an toàn thực phẩm.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Chỉ ra điểm thuận lợi đối với nông dân và DN tham gia xuất khẩu nông sản vào thị trường EU, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, hiện nay, các viện nghiên cứu của Việt Nam đã đầu tư nghiên cứu những giải pháp, công nghệ hiện đại trong bảo quản, chế biến. Trong đó, nhiều công nghệ bảo quản Việt Nam đã tự sản xuất được góp phần giảm chi phí nên không chỉ các DN, chủ trang trại mà ngay cả những hộ nông dân vẫn có khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại trong thu hoạch và bảo quản nông sản. Theo đó, thời gian bảo quản của nhiều mặt hàng trái cây tươi đã tăng lên đáng kể. Nhờ vậy, nhiều loại trái cây, rau củ tươi của Việt Nam đã xuất khẩu thuận lợi vào thị trường EU bằng đường biển nên giảm chi phí rất nhiều so với giai đoạn trước đó chủ yếu xuất khẩu bằng đường hàng không.

Để tăng trưởng xuất khẩu nông sản sang EU trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, hiệp hội triển khai và hướng dẫn các DN thực hiện hiệu quả EVFTA để tận dụng tối đa cơ hội thị trường. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT - cơ quan được giao chủ trì về sản xuất tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp liên quan đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị và chất lượng nông sản cũng như xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, các DN cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc, đồng thời xây dựng và bảo vệ được thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu sang EU bền vững. Đặc biệt, cần chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng và chuẩn bị các biện pháp đối phó với các vụ kiện về phòng vệ thương mại thông qua việc theo dõi tình hình thị trường, giá cả, các điều kiện trong giao thương, nâng cao năng lực.

"Với nền tảng chất lượng sản phẩm được chú trọng nâng cao, nhiều sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, cùng với tận dụng ưu đãi thuế quan theo cam kết trong EVFTA đang tiếp sức cho nông sản chủ lực Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh so với các đối thủ chưa có hiệp định thương mại tự do với EU như: Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia..." - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam.

"Một yêu cầu quan trọng khi muốn xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU mà DN Việt Nam ít chú ý là trách nhiệm của DN đối với xã hội và môi trường, uy tín của thương hiệu và thương hiệu của quốc gia. Vấn đề trách nhiệm xã hội của DN cần thực hiện sớm như: Tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải carbon, sử dụng vật liệu tái sinh, sử dụng năng lượng mặt trời, cải thiện nguồn nước… và nhất là các chuẩn mực áp dụng với nhân viên và đối tác kinh doanh trong nước lẫn nước ngoài" - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.

kinhtedothi.vn

https://congthuong.vn/nong-san-viet-chinh-phuc-chau-au-159634.html

Từ khóa » Eu Hạn Chế Nhập Nhiều Mặt Hàng Công Nghiệp Và Trợ Giá Cho Nông Sản