Nộp Hồ Sơ Yêu Cầu Và Nhận Phiếu Lý Lịch Tư Pháp Trực Tiếp Tại Sở Tư ...

I. NỘP HỒ SƠ YÊU CẦU CẤP PHIẾU LÝ LỊCH TƯ PHÁP

1. Thành phần hồ sơ

1.1. Trường hợp yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 hoặc yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2

Hồ sơ gồm có:

- Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp (Mẫu số 03/2013/TT-LLTP);

- Bản chụp (khi nộp hồ sơ phải xuất trình bản chính để đối chiếu) hoặc bản sao có chứng thực(1) giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu đang còn giá trị sử dụng của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp;

- Bản chụp (khi nộp hồ sơ phải xuất trình bản chính để đối chiếu) hoặc bản sao có chứng thực(2) sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú, giấy chứng nhận tạm trú, thẻ thường trú, thẻ tạm trú. Riêng giấy chứng nhận thường trú hoặc giấy chứng nhận tạm trú có thể nộp bản chính.

1.2. Trường hợp ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 hoặc cha, mẹ của người chưa thành niên yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho con chưa thành niên

Hồ sơ gồm có:

- Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp (Mẫu số 04/2013/TT-LLTP);

- Bản chụp (khi nộp hồ sơ phải xuất trình bản chính để đối chiếu) hoặc bản sao có chứng thực(3) giấy chứng minh nhân dân(4) hoặc hộ chiếu đang còn giá trị sử dụng của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp và Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được ủy quyền.

- Bản chụp (khi nộp hồ sơ phải xuất trình bản chính để đối chiếu) hoặc bản sao có chứng thực(5) hoặc bản chính giấy chứng nhận thường trú hoặc giấy chứng nhận tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

- Văn bản ủy quyền làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp công chứng (6).

Trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền nhưng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ cha, mẹ, vợ, chồng, con như: giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh hoặc sổ hộ khẩu.

2. Nơi nộp hồ sơ và thời gian nộp hồ sơ

- Cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ tại: Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau.

- Thời gian nộp: Giờ hành chính các ngày làm việc.

3. Lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp

3.1. Mức lệ phí:

- Lệ phí cấp Phiếu LLTP: 200.000 đồng/lần/người.

- Lệ phí cấp Phiếu LLTP đối với học sinh, sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ: 100.000 đồng/lần/người (7).

- Trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu LLTP là người thuộc hộ nghèo hoặc người cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật thì được miễn lệ phí cấp Phiếu LLTP (8).

- Trường hợp yêu cầu cấp trên 02 Phiếu lý lịch tư pháp trong một lần yêu cầu thì kể từ Phiếu thứ 3 trở đi phải nộp thêm 3.000 đồng/Phiếu.

3.2. Cách thức nộp: Nộp trực tiếp tại Sở Tư pháp.

4. Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp

- Không quá 10 ngày làm việc kể từ thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp;

- Không quá 15 ngày làm việc kể từ thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong trường hợp: (1) Người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài; (2) Người nước ngoài; (3) Trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích.

II. NHẬN PHIẾU LÝ LỊCH TƯ PHÁP

1. Nơi nhận Phiếu lý lịch tư pháp: Trụ sở Sở Tư pháp.

2. Đối tượng nhận Phiếu lý lịch tư pháp

2.1. Đối tượng nhận Phiếu lý lịch tư pháp số 1:

- Người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp;

- Người được ủy quyền làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp;

- Người được ủy quyền nhận Phiếu;

- Cha, mẹ, vợ, chồng, con của người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

2.2. Đối tượng nhận Phiếu lý lịch tư pháp số 2: Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 phải trực tiếp nhận Phiếu lý lịch tư pháp.

3. Các giấy tờ cần thiết khi nhận Phiếu Lý lịch tư pháp

Người đến nhận Phiếu phải xuất trình Phiếu hẹn trả kết quả cấp Phiếu lý lịch tư pháp và giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu.

Trường hợp cá nhân trực tiếp yêu cầu cấp Phiếu nhưng ủy quyền cho người khác nhận Phiếu thì ngoài các giấy tờ trên, người được ủy quyền phải nộp giấy ủy quyền nhận Phiếu lý lịch tư pháp có công chứng(9).

Trường hợp người nhận Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người yêu cầu cấp Phiếu thì không cần phải có giấy ủy quyền nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ cha, mẹ, vợ, chồng, con như giấy chứng nhận kết hôn, giấy khai sinh hoặc sổ hộ khẩu.

Lưu ý:

(1)(2)(3)(5) Chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc chứng thực tại Phòng Tư pháp cấp huyện của Việt Nam hoặc chứng thực tại cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài;

(4) Trường hợp người dưới 14 tuổi có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì phải xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ như Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu,…;

(6)(9) Công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng hợp pháp của Việt Nam ở trong nước hoặc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.

Trường hợp ủy quyền theo quy định của pháp luật nơi người nước ngoài là công dân hoặc thường trú thì văn bản ủy quyền phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch ra tiếng Việt. Trừ trường hợp được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài liên quan là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo quy định của pháp luật Việt Nam.

(7) (8) Trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu LLTP thuộc đối tượng được miễn, giảm lệ phí cấp Phiếu LLTP theo quy định của pháp luật thì phải có giấy tờ chứng minh như Thẻ sinh viên, Giấy chứng nhận hộ nghèo,..../.

Từ khóa » Tờ Khai Yêu Cầu Cấp Phiếu Lý Lịch Tư Pháp (mẫu Số 04/2013/tt-lltp)