NS Hồ Bắc Và Kỷ Niệm Viết Hợp Xướng 'Ca Ngợi Tổ Quốc' - VietNamNet

Nhạc sĩ Hồ Bắc rất vui tâm sự “Ca ngợi tổ quốc là chủ đề xuyên suốt cả cuộc đời sáng tác của tôi. Thật hạnh phúc khi tôi vào tuổi 85 lại được VietNamNet dàn dựng tác phẩm này trong chương trình hòa nhạc Điều còn mãi vào ngày 2/9 tới đây".

Hạnh phúc vì Điều còn mãi năm nay đã trở lại

"Điều còn mãi" bắt đầu rất tốt nhưng chưa đủ Chúng ta còn thiếu những chương trình như Điều còn mãi Bàn tròn trực tuyến về hòa nhạc Điều còn mãi

Hợp xướng “Ca ngợi tổ quốc” là một trong những tác phẩm nổi tiếng được nhạc sĩ Hồ Bắc sáng tác chào mừng 15 năm ngày Quốc Khánh (1945-1960) Năm nay “Ca ngợi tổ quốc” sẽ được vang lên trong chương trình Điều Còn Mãi chiều ngày 2/9. Ông rất vui tâm sự “Ca ngợi tổ quốc là chủ đề xuyên suốt cả cuộc đời sáng tác của tôi. Thật hạnh phúc khi tôi vào tuổi 85 lại được VietNamNet dàn dựng tác phẩm này”.

{keywords}
Nhạc sĩ Hồ Bắc

Kỷ niệm về những ngày tháng năm xưa

Nhạc sĩ Hồ Bắc vui vẻ tiếp chúng tôi trong căn hộ ấm áp ở Mỹ Đình. Ông kể lại những kỷ niệm xưa: “Chuẩn bị kỷ niệm 15 năm ngày Quốc khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, anh em nhạc sĩ đài TNVN gồm Phạm Tuyên, Lưu Cầu, Lê Lôi và mình bàn nhau làm một tác phẩm thật ý nghĩa chào mừng sự kiện vẻ vang này. Cuối cùng thống nhất viết hợp xướng, mỗi người một chương. Hồi đó có phong trào quyết 'Phá xiềng ca khúc, âm nhạc phải có tác phẩm hợp xướng, giao hưởng".

Thể loại hợp xướng trước đó có ba tác phẩm “Sóng cửa Tùng” - Doãn Nho, “Tiếng hát người chiến sĩ Biên thùy” – Tô Hải, “Lửa rực cháy”– Hồng Đăng được dư luận đánh giá rất cao.

Bà Thục Hiền, phu nhân nhạc sĩ Hồ Bắc kể: “Hồi đó ông nhà tôi đang bị sốt rét, di chứng từ hồi ở bộ đội, người gầy đét. Trong căn nhà chật chội, ông loay hoay trằn trọc hàng đêm liền với cây đàn guitar, tập giấy chép nhạc và cây bút bên cạnh. Biết ông đang bí, cả nhà cứ một phép chẳng dám nói to. Tôi chỉ lo thuốc thang, cơm nước tẩm bổ cho ông ấy. Rồi nhà tôi qua cơn sốt, người thấy khỏe hơn. Một hôm thấy trang viết nhạc của ông ấy đầy những nốt nhạc và tiếng đàn ghi ta thánh thót tôi mới thấy yên dạ”.

Nhớ lại chuyện cách đây 55 năm nhạc sĩ trầm tư kể: “Mình qua cơn ốm, thấy người đã khỏe liền vào cơ quan (Ban ca nhạc Đài TNVN) hỏi ra thấy 3 bạn đều đang “thai nghén” tác phẩm, ai trông cũng đăm chiêu lắm. Tối hôm ấy, anh bạn cùng đơn vị bộ đội ngày trước đưa mẹ già ra Hà Nội thăm, bà là người đã chăm sóc mình khi bị ốm trên đường hành quân. Bà nói về thăm con ở Hà Nội, nghe tin mình ốm, giục đưa mẹ đến thăm mình. Tình cảm của bà khiến mình cảm động vô cùng.

{keywords}

Sinh nhật 80 tuổi của nhạc sĩ Hồ Bắc.

Tiễn bà mẹ và anh bạn đồng ngũ về, đêm ấy những hình ảnh những bà mẹ già đã chăm sóc bộ đội ngày ấy với tình quân dân gắn bó, tha thiết ùa về: Những dặm đường hành quân thời chống Pháp qua bao thôn làng, bao máu xương đã đổ trên mỗi thước đất quê hương… Rồi những năm hòa bình đi thực tế sáng tác, thấy quê hương đổi mới những vạt lúa vàng rực rỡ nhẹ rung trong nắng mai, những đoàn thuyền chở đầy ắp hàng dong buồm trên dòng sông. Và những bản làng đã từng qua nay các nàng áo hoa rực rỡ xuống chợ như hiện ra trong mắt mình”.

Ông mỉm cười hiền hậu: “Thế là mình bật dậy, cảm xúc trào dâng. Rồi tự giam mình trong căn nhà nhỏ 14 Nguyễn Thiện Thuật gần nửa tháng trời. Mình như luôn chìm trong cảm giác trái tim rộn ràng, người nóng bừng, lúc thì ghi vội lên trang giấy khi những âm thanh ùa đến, lúc thì trăn trở với các giai điệu, hay ca từ chưa ưng ý”.

Khi viết đến nốt nhạc cuối cùng thì ông cũng lả đi vì kiệt sức.

“Khi viết những dòng nhạc “Quê hương yêu dấu có những người dân cần lao yêu thương/ Đã bao máu xương đổ xuống quê hương cho đồng tươi tốt” thì mình không kìm được xúc động, những giọt nước mắt tràn cả xuống tờ giấy chép nhạc. Mình vừa viết vừa lau nước mắt".

Ngày 2/9/1960, Nhà Hát Lớn lộng lẫy cờ hoa, bản hợp xướng “Ca Ngợi tổ quốc” được dàn hợp xướng Đài Tiếng nói Việt Nam trình bày. Từng nốt nhạc vang lên, từng giai điệu của dàn hợp xướng vang lên và giọng nam cao tuyệt đẹp của ca sĩ Trần Khánh vang lên, khiến cả khán phòng im lặng tinh khiết. Bản nhạc kết thúc, trong mắt các nghệ sĩ và cả những người nghe cùng rưng rưng một niềm hạnh phúc. Và người nhạc sĩ tròn 30 tuổi đời tác giả của bản hợp xướng tuyệt vời đó ngồi khiêm tốn ở góc khuất nước mắt đầm đìa, những giọt nước mắt hạnh phúc!”.

Sau đó, bản hợp xướng “Ca Ngợi tổ quốc” được nhiều đoàn dàn dựng và đặc biệt nhiều đoàn văn nghệ nghiệp dư: sinh viên, học sinh các trường đại học, các đơn vị dàn dựng đều rất thành công.

Kỷ niệm với "Ca ngợi tổ quốc"

Nhạc sĩ Hoàng Dương nhận xét: “Cùng với thời gian, tình yêu quê hương của Hồ Bắc trải rộng cùng tình yêu đất nước và hình thành một phong cách mới trong những sáng tác tiếp theo, đó là phong cách chính luận mà điển hình là hợp xướng Ca ngợi Tổ quốc rung động lòng người suốt mấy chục năm kể từ khi tác phẩm ra đời".

{keywords}

"Ca ngợi Tổ Quốc" (Nhạc sĩ Hồ Bắc) do Hợp Ca Quê Hương trình bày ngày 27/4/2015 tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo kể lại: “Chính tôi đã nhiều lần chỉ huy dàn nhạc không chuyên của bà con kiều bào Việt Nam tại Pháp mỗi dịp đón giao thừa. Hợp xướng Ca Ngợi tổ quốc luôn là tiết mục “đinh” mà các 'ca sĩ' có cả ông, bà, bố, mẹ và con cùng tham gia và lần nào cũng mang lại niền hân hoan nhớ tới quê hương đất mẹ lúc giao thừa của người con xa xứ". Đặc biệt năm nay kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước, tiết mục hợp xướng bốn bè Ca ngợi Tổ Quốc (Nhạc sĩ Hồ Bắc) do Hợp Ca Quê Hương trình bày ngày 27/4/2015 tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp với sự chỉ huy: Nguyễn Ngân Hà.

NSƯT Tuyết Thanh tâm sự: “Năm 2000, dàn nhạc Đài TNVN dưới sự chỉ huy của NS Đỗ Hồng Quân ghi hình trên nóc tòa nhà Hanoi Tower truyền hình trực tiếp đón giao thừa thiên niên kỷ mới.

Đêm giao thừa may lại không mưa nhưng gió mạnh ở trên cao khá rét, thế mà anh chị em nghệ sĩ đều hát với tất cả sự dâng hiến và đều rất ấm lòng (dù biết rằng phần âm thanh đã được thu trước rất kỹ lưỡng, việc thu hình trên nóc tòa tháp chỉ để mình họa). Mình đã được nghe dàn hợp xướng hát bài này lần ra mắt đầu tiên 1960, chỉ mơ ước được cùng đứng vào hát trong dàn hợp xướng đó. Thế rồi với bao nỗ lực cố gắng, mình trở thành ca sĩ tham gia cùng các anh chị nghệ sĩ Đài TNVN. Dù đã hát cả ngàn lần bài hát này rồi nhưng mỗi lần cất lên câu hát Kìa giải Trường Sơn uốn mình quanh ven bờ biển xanh. Lòng cảm thấy trào dâng niềm xúc động".

Cảm xúc của nhà báo Tô Hoàng là cảm xúc của một người lính về bản hợp xướng này: “Cánh trinh sát thuộc bộ tư lệnh Mặt trận Tây nguyên thường chọn những cây đại thụ trên đỉnh đồi làm đài quan sát. Gọi là “đài” cho oai thế thôi chứ thực ra chỉ vài gióng cây gác qua gác lại trên lại mấy chạc cây và những dây rừng chắc khỏe xoắn bện lại có gài những thanh ngang làm chỗ đặt chân để leo lên. Ngồi tít trên cao, thêm sự trợ giúp của ông nhòm bội số lớn có thể nhìn rõ máy bay Mỹ ở chỗ nào, pháo Đắc Tô, Tân Cảnh, Diên Bình đang bắn ở đâu và phát hiện được những chiếc trực thăng Mỹ bay sát sạt ngọn cây, dưới bụng đung đưa một cái thùng gỗ và bất ngò …đáy thùng bật mở, những tên biệt kích áo quần rằn ri nhảy xuống.

Vào một ngày xuân đầy nắng năm 1969, tôi leo lên đài quan sát như vậy. Tít trên cao, tôi như reo lên vì đất trời sông núi mở ra mênh mang, ngút ngàn tầm nhìn, bỗng anh bạn cũng trực trên đài quan sát chợt cất tiếng hát nho nhỏ Kìa dải Trường Sơn uốn mình quanh ven bờ biển xanh…

Tôi đã được nghe những giai điệu của bài Ca ngợi tổ quốc này từ lúc còn học lớp 10 trong ánh đèn rực rỡ của nhà hát lớn đúng vào năm 1960 lịch sử khi bài hát này vừa ra đời. Tôi đã ngồi lặng bên chiếc đài Orionton dưới căn hầm chữ A ở đất lửa Vĩnh Linh nghe như nuốt từng lời ngợi ca vẻ hùng tráng, linh thiêng của đất nước tôi, cùng sức mạnh kiên cường của dân tộc tôi.

Tôi cũng đã nhẩm hát theo giai điệu bài hát này khi hành quân vượt đèo cao, thác dữ trên dải Trường Sơn nhưng tôi chưa bao giờ nghe bài hát mà lòng dạ bồi hồi, ngất ngây tràn đầy cảm xúc dạt dào như ngồi trên đài quan sát sáng xuân ấy".

Nhạc sĩ Hồ Bắc sinh năm 1930 tại làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, 15 tuổi đã là cán bộ Việt Minh phụ trách Thiếu nhi tuyên truyền cách mạng rồi chuyển vào bộ đội là cán bộ âm nhạc của Văn công sư đoàn 316, Tổng cục Hậu cần. Từ năm 1956, nhạc sĩ Hồ Bắc chuyển về Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, ông làm việc ở đây cho đến khi nghỉ hưu (năm 1990).

Nhạc sĩ Hồ Bắc suốt đời tận tụy với công việc. Ông được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (1997), Huân chương Kháng chiến hạng nhất… và rất nhiều giải thưởng Huân, huy chương cao quý khác. Nhạc sĩ Hồ Bắc không được qua lớp chính quy về Âm nhạc với vốn tiếng Pháp và tiếng Anh vững ông hoàn toàn tự học qua sách vở và đĩa nhạc, với tâm hồn nhạy cảm và tài năng trời phú ông đã sáng tác nhiều thể loại: từ ca khúc, hợp xướng, nhạc sân khấu, nhạc phim. Năm 2001, ông được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (cho các tác phẩm: Làng tôi, Giữ mãi tuổi xuân, Ca ngợi Tổ quốc, Sài Gòn quật khởi và Bến cảng quê hương tôi).

Nguyễn Phú Cương

Trân trọng cảm ơn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam-VietinBank (nhà tài trợ Kim cương), Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài gòn - Sabeco (Tài trợ Đồng). Đơn vị hỗ trợ kinh phí tổ chức: Công ty Cổ phần Truyền thông VietNamNet (VIETNAMNET JSC). Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội tài trợ địa điểm Nhà hát Lớn Hà Nội.

Từ khóa » Ns Hồ Bắc