NSND Lệ Ngọc Và Niềm đam Mê Sân Khấu - Báo Nhân Dân

Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Ngọc sinh năm 1960 trong một gia đình trí thức tại Hà Nội. Cha của bà - nhà giáo, nhà văn, nhà viết kịch Việt Hoài chính là người đã gieo mầm tình yêu sân khấu cho con gái. Khi mới vài tuổi, lần đầu được xem vở diễn Một thời để yêu do cha viết cho Nhà hát Cải lương Hà Nội, NSND Lệ Ngọc đã mê đắm sân khấu. Ðể rồi từ đó, cứ có thời gian, bà lại tới các rạp hát xem diễn tập. Tình yêu sân khấu mỗi lúc một lớn, thôi thúc cô gái 16 tuổi quyết định ghi danh thi tuyển vào cả bốn đơn vị:

Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, nhà hát múa rối, xưởng phim để được làm diễn viên. Bà trúng tuyển ở cả bốn nơi nhưng quyết định đầu quân cho Nhà hát Kịch Việt Nam - nơi có những nghệ sĩ bà rất mực yêu mến, ngưỡng mộ. Với mục đích được từng bước học hỏi, trau dồi kinh nghiệm diễn xuất, Lệ Ngọc không ngần ngại đóng hàng chục vai phụ, thậm chí có cả những vai là trẻ con và những vai chỉ xuất hiện vài phút. Nhưng cũng chính những tháng ngày đó, với đam mê và quyết tâm chinh phục thử thách đã tôi luyện nên một nghệ sĩ kịch nói đầy bản lĩnh với nhiều vai diễn để đời.

NSND Lệ Ngọc chia sẻ, bà không muốn đóng khung mình trong bất cứ một kiểu vai diễn, một tuýp nhân vật nào. Thế nên, người xem luôn bị bất ngờ bởi khả năng biến hóa đến khó tin của NSND Lệ Ngọc trong nhiều vai diễn khác hẳn nhau, khi là người phụ nữ thanh lịch nhưng cam chịu trong Lâu đài cát; người đàn bà tham lam, ít học trong Chia tay hoàng hôn; lúc là cô gái ngây thơ, hết lòng vì chồng trong Huyền thoại Gò Rồng ấp; hay mụ chánh phán hiểm độc, gian xảo trong Cây tre thần...

Ðặc biệt, khả năng diễn xuất tự nhiên, diễn mà như không diễn của NSND Lệ Ngọc đã được chứng minh ở những vở diễn mà bà cùng lúc phải thể hiện nhiều vai. Ấn tượng nhất phải nói tới Người đẹp khách sạn, vở diễn tham dự Liên hoan quốc tế kịch độc diễn tại Băng-la-đét. NSND Lệ Ngọc một mình đã đảm nhận tới sáu vai: ông đại tá, nhà thơ, thương nhân, người hầu, bà chủ khách sạn, đệ tử. Hay ở Ngũ biến, NSND Lệ Ngọc đã biến hóa tài tình với năm vai diễn là năm vị thánh thần với phong cách hoàn toàn khác nhau. Còn ở Thị Nở - Chí Phèo, vở diễn gây tiếng vang lớn với 30 đêm diễn liên tục tại Hà Nội, NSND Lệ Ngọc lại mang đến ngạc nhiên khi đảm nhận hai vai Thị Nở và bà ba Bá Kiến. Một người xấu đến ma chê quỷ hờn, ngây ngô nhưng nhân hậu. Một người thì xinh đẹp nhưng đong đưa, hống hách...

Ở vai nào, NSND Lệ Ngọc cũng diễn xuất linh hoạt, hết mình, lột tả đến tận cùng nội tâm, tính cách nhân vật. Ở bất kỳ thời điểm nào trong nghiệp diễn, bà luôn muốn thách thức chính mình, khám phá giới hạn của mình và từ đó đem đến những trải nghiệm thú vị cho công chúng. Ðể làm được điều này, không những cần bản lĩnh, chuyên môn nghề nghiệp, mà còn cần tình yêu cháy bỏng và sự hy sinh hết mình vì sân khấu của người nghệ sĩ.

Nhắc đến NSND Lệ Ngọc là nhắc đến một gương mặt mang tính thương hiệu của sân khấu kịch - người đã mang về nhiều giải thưởng danh giá ở cả sân khấu trong, ngoài nước. Từ năm 2013 đến 2016, bà liên tiếp được trao Giải diễn viên xuất sắc tại các cuộc thi sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 2015, bà vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2016, với Ngũ biến, bà đoạt giải thưởng "Hoa dâm bụt" dành cho nữ diễn viên xuất sắc nhất Liên hoan sân khấu ASEAN tại Nam Ninh, Trung Quốc... Nhưng người nghệ sĩ đã phải hy sinh rất lớn. Ấy là chuyện NSND Lệ Ngọc phải nuốt nước mắt vào trong khi mang con đi diễn, lúc con mới được vài tháng tuổi. Có lần, con ốm quá, bà đành hủy chuyến lưu diễn đưa con về và suýt phải đối mặt với án kỷ luật. Ấy là khi bà phải gắng gượng chiến đấu với bệnh tật để vẫn có thể cháy hết mình trên sân khấu...

Với bà, sân khấu là duyên và cũng là nghiệp, cái nghiệp không thể buông bỏ hay dừng lại. Thế nên, sau khi về hưu, bà đã thành lập Sân khấu kịch Lệ Ngọc - sân khấu xã hội hóa đầu tiên ở khu vực phía bắc. Nhiều người cho rằng bà mạo hiểm bởi duy trì một đơn vị sân khấu tư nhân vào lúc sân khấu nói chung đang lâm vào khủng hoảng là cả thách thức lớn. Nhưng sự mạo hiểm ấy của bà đã được trả lời bằng sự ra đời và thành công của hàng loạt vở diễn độc đáo gắn mác "sân khấu Lệ Ngọc" như Cải lão hoàn đồng, Kim Tử, Tấm Cám, Thị Nở - Chí Phèo... Mới đây nhất, khi các đơn vị nghệ thuật trên cả nước đều hoạt động trầm lắng vì tình hình dịch Covid-19, sân khấu Lệ Ngọc vẫn ra mắt thành công vở diễn Cây tre thần với thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ môi trường.

Xác định hướng đi xuyên suốt là khai thác mạch nguồn văn hóa dân gian Việt Nam, với sự đầu tư cả về chất lượng nội dung và nghệ thuật, những vở diễn của sân khấu Lệ Ngọc không những nhận được sự yêu mến của công chúng trong nước với những suất diễn liên tục; mà còn được công chúng quốc tế hưởng ứng nhiệt liệt. NSND Lệ Ngọc đã đưa sân khấu Lệ Ngọc lưu diễn quốc tế theo lời mời ở nhiều quốc gia như: Pháp, I-ta-li-a, Bu-tan...

Bà cho biết: Dù bất đồng về ngôn ngữ nhưng với sự hỗ trợ của hệ thống phụ đề, ca-tơ-lô, đặc biệt là sự đầu tư về diễn xuất, các vở diễn vẫn được khán giả quốc tế yêu thích. NSND Lệ Ngọc cũng cho biết, sân khấu Lệ Ngọc đang nhận được nhiều hợp đồng đặt hàng vở diễn từ nhiều đơn vị.

Từ khóa » Tiểu Sử Nsnd Lệ Ngọc