NSND Viễn Châu: Soạn Giả Kỳ Tài Và "tình Anh Bán Chiếu" - CAND
Có thể bạn quan tâm
- NSND Ngô Y Linh: Âm vang nhịp trống thời gian
- NSND Thanh Hoài: Một thời mê đắm
- NSND Vương Duy Biên: Trong khu vườn nghệ thuật
Đời nghệ sĩ gió sương với cung "Hồn chiến sĩ"
Nghệ sĩ Viễn Châu (tên thật Huỳnh Trí Bá) là con thứ sáu của một gia đình vọng tộc giàu có ở Trà Vinh nhưng lại ham mê đàn ca tài tử. Mặc dù được gia đình thuê những bậc túc nho dạy dỗ từ nhỏ với "Tứ thư - Ngũ kinh" nhưng khi lớn lên, cậu Bảy Bá chỉ sa vào đàn ca sáo nhị. Suốt ngày cậu Bá loanh quanh với nhóm tài tử hát xướng và học lỏm những ngón đàn tài hoa. Nhất là đàn tranh cậu Bá mê như điếu đổ. Nhiều khi quên cả ăn, hai bàn tay tập dạo trên phím đàn cứ như múa vậy.
Ở tuổi 15, Bảy Bá đã làm gia đình và khán giả ngạc nhiên vì những ngón đàn như khóc như than qua cung nhạc buồn hoài vọng. Chúng âm vang não nề về thân phận của con người. Phải vậy chăng mà cậu Bá sớm tham gia cách mạng thể hiện lòng căm thù giặc Pháp khi chúng tái chiếm Đông Dương và xâm lược nước ta (cuối năm 1945).
NSND Viễn Châu. |
Ngay lập tức Bảy Bá viết vở tuồng "Hồn chiến sĩ" để cổ vũ cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Ủy ban kháng chiến tại huyện Trà Cú (Trà Vinh) đã tổ chức biểu diễn lấy tiền góp quỹ cách mạng. Nhưng đến khi Trà Vinh bị giặc Pháp chiếm giữ, Bảy Bá đành bỏ quê Đôn Châu lên Sài Gòn để làm nghệ thuật. Tuy vậy Bảy Bá vẫn bí mật tìm đến Ban công tác thành ở Sài Gòn để hoạt động. Ít lâu sau, Bảy Bá bị giặc bắt cùng một nhóm đang rải truyền đơn cách mạng và chịu tù đầy ở trại giam Cẩm Giang (Tây Ninh-1947). Hai năm sau Bảy Bá mới được thả. Đời nghệ sĩ chuyên nghiệp của Bảy Bá thực sự bắt đầu từ khi viết vở cải lương "Nát cánh hoa rừng" với nghệ danh Viễn Châu (1950).
Cũng bắt đầu từ đây ngón đàn tranh của ông càng tỏ nên thống thiết với hồn chiến sĩ lãng du. Viễn Châu làm sửng sốt người nghe và nhỏ lệ theo tiếng đàn như khóc than. Ông nổi tiếng là một trong ba người chơi đàn cao thủ nhất lúc bấy giờ cùng với Năm Cơ (đàn kìm, sến) và Văn Vỹ (Ghi ta). Sau khi viết vở cải lương "Nát cánh hoa rừng", Viễn Châu được nhiều đoàn hợp tác, đặt hàng viết kịch mục biểu diễn. Cùng với đó là các hãng đĩa băng Sài Gòn đều đến xin thu nhạc. Những ngón đàn của ông hàng ngày vang trên làn sóng phát thanh. Nghệ sĩ Viễn Châu là người vừa chơi đàn, vừa viết vở và còn sáng tác những ca khúc nên rất đắt hàng. Do được học hành chữ nghĩa nghiêm túc, bài bản nên những sáng tác của Viễn Châu khá sâu sắc gây rung động lòng người.
Trong hơn mười năm Viễn Châu tung hoành khắp nơi khắp chốn. Cái tên soạn giả Viễn Châu luôn xuất hiện trong những đêm diễn với các vở nổi tiếng như "Chuyện tình Hàn Mạc Tử", "Chuyện tình Lan và Điệp", "Hoa Mộc lan"; hoặc còn đó là những vở lừng danh: "Sau bức màn thương", "Nát cánh hoa rừng". "Quân vương và thiếp"... Sức làm việc của Viễn Châu thật phi thường với 70 vở tuồng đã được trình diễn. Đó là bao đêm thức trắng viết kịch và sáng tác những bài bản cải lương.
Đặc biệt ông là người có công cải biên cải lương khi kết hợp tân nhạc với làn điệu vọng cổ. Đó là một sắc thái mới lạ mà ông chịu biết bao chỉ trích và bị cho là kẻ phá nát nhạc truyền thống. Nhưng ông vẫn kiên trì theo đuổi hàng chục năm. Cái mới lạ đã được khán giả đón nhận và các nghệ sĩ có đất sáng tạo trong làn hơi và giọng ca. Trong giới cải lương coi ông là cha đẻ của thể loại "Tân cổ giao duyên".
Kỷ lục gia bản ca vọng cổ
Điều rất kỳ lạ ở chỗ soạn giả Viễn Châu viết ứng tác rất nhanh theo đơn đặt hàng của các hãng băng đĩa và yêu cầu của các nghệ sĩ cải lương. Như ta đã biết một ca khúc luôn gắn liền với tên tuổi của ai đó. Nếu nghệ sĩ thành công mới được nhập xới cải lương. Đặc biệt với những ca sĩ mới vào làng nghề luôn mong mỏi có bài hát riêng cho mình. Hàng chục nghệ sĩ đều tìm đến Viễn Châu xin bài.
Soạn giả Viễn Châu bao giờ cũng nghe thử giọng hát để đánh giá mức độ phù hợp với nội dung và những bài ca sẽ được viết ra. Hầu hết họ đã gặp may vì có ông thẩm định và viết bài riêng làm cho nổi bật chất giọng của mình. Nếu có tài năng thực sự, các nghệ sĩ mới được phân vai trong các vở diễn. Nhiều cái tên đã thành danh qua bản ca vọng cổ của ông như "Tình anh bán chiếu" (Út Trà Ôn); "Tiếng trống tàn canh" (Thành Được); "Quan âm Thị Kính" (Lệ Thủy); Hay như "Tu là phúc cội" (Minh Cảnh). "Lắng tiếng chuông ngân" (Thanh Nga), "Áo đắp mộ người yêu" (Ngọc Giầu)...
Sự ưu ái của soạn giả Viễn Châu với các nghệ sĩ đã tạo dựng được khá nhiều ngôi sao trẻ thập niên 60. NSND Ngọc Giầu đã có lần khẳng định: "Không có Viễn Châu là không có Ngọc Giầu cũng như gần hết các tên tuổi cải lương nổi tiếng của thời hoàng kim trên sân khấu cải lương". Nhiều người còn nói ông "xuất khẩu thành vọng cổ". Nghệ sĩ Hữu Phước nhớ lại khi mới đi ca, tuy có giọng nhưng chưa có bài để thu đĩa nên đã đặt ông viết ngay trước khi vào thu. Đây là cuộc gặp gỡ tình cờ khi soạn giả Viễn Châu đến Hãng đĩa Hồng Hoa chơi.
Ngỡ nói cho vui nhưng không ngờ Viễn Châu nhận lời liền. Sau khi nghe thử giọng hát Hữu Phước, ông nhíu mắt trong mơ tưởng rồi thảo liền ba câu đầu vọng cổ. Lời ca vang lên da diết thể hiện tình cảm của một người con đi xa nhớ đến mẹ ở quê hương. Ông đưa cho Hữu Phước cùng ban nhạc vào phòng thu trước rồi ở ngoài viết tiếp ba câu sau. Đúng là thu đi thu lại thấy mỹ mãn, Hữu Phước trở ra cũng là lúc Viễn Châu hoàn chỉnh xong bản vọng cổ sáu câu. Đó chính là bài ca "Nhớ mẹ" nổi tiếng cho đến tận ngày nay.
NSND Viễn Châu với cây đàn tranh huyền ảo. |
Kiểu sáng tác "Đo ni đóng giày" cho các nghệ sĩ đó mà Viễn Châu đã tạo nên một đội ngũ nghệ sĩ cải lương rất tài năng. Thật đặc biệt ông còn có công tạo dựng được những tên tuổi chuyên hát vọng cổ "Hài". Gương mặt nổi bật vào cuối thập niên 60 là cái tên lừng danh Văn Hường. Nghệ sĩ này luôn duyên dáng gây cười làm say mê bao người qua các bài bản: "Đêm tân hôn", "Tôi đi làm rể", "Vợ tôi tôi sợ", "Vợ tôi nói tiếng Tây"... Đây quả là lĩnh vực sáng tạo mới của soạn giả Viễn Châu khi vận dụng được sự gắn kết giữa tân nhạc và vọng cổ. Đến nay không ai ngờ ông đã sáng tác được tới 2.000 bản ca vọng cổ gắn bó với hàng trăm nghệ sĩ cải lương miền Nam. Đặc biệt trong số này có bản "Tình anh bán chiếu" mà ai cũng đều nhớ đến.
Niệm khúc "Tình anh bán chiếu"
Người đặt hàng cho soạn giả Viễn Châu viết bài cho giọng ca Út Trà Ôn lại chính là Giám đốc Hãng đĩa Hoa Hồng (vào năm 1951). Soạn giả Viễn Châu có lần đã tâm sự rằng, tuy nhận lời nhưng chưa thể viết ngay vì bận việc. Ít lâu sau tình cờ khi theo thuyền đi từ Cà Mau tới ngã Bảy bến chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang) thì dừng chân lên bờ. Chợt ông nhìn thấy một anh chàng bán chiếu ngồi thẫn thờ trên bến với những chiếc chiếu hoa mới. Khi đó trên sông lại diễn ra cảnh một lễ cưới rộn rã tưng bừng. Gương mặt anh bán chiếu buồn man mác nhìn theo hình bóng cô dâu. Bất ngờ một câu chuyện tình lỡ làng lóe lên trong tâm tưởng của soạn giả Viễn Châu.
Lời bài ca được cất lên với nỗi ai oán của người bán chiếu đối với cô gái mà mình đã đem lòng yêu mến. Anh đã ngày đêm dệt chiếu hoa theo lời đặt hàng của nàng. Nhưng khi trở lại nơi hẹn biết tin cô đã đi lấy chồng. Lòng chàng buồn muôn nỗi như dòng sông cuộn sóng. Trên đường về Sài Gòn đêm ấy, soạn giả Viễn Châu viết xong bi khúc "Tình anh bán chiếu". Út Trà Ôn lập tức gây chấn động làng cải lương miền nam qua bản vọng cổ này. Bởi ca khúc mang tâm trạng muôn thuở về tình yêu. Đó là sự tiếc nuối và niềm đau khôn dấu với hình ảnh "Sông sâu bên lở bên bồi/ Tình anh bán chiếu muôn đời không phai".
Từ khóa » Các Bài Vọng Cổ Của Soạn Giả Viễn Châu
-
Tuyển Tập “Soạn Giả Viễn Châu 100 Bài Vọng Cổ đặc Sắc”, Một Công ...
-
Vua Vọng Cổ VIỄN CHÂU - Tuyển Tập Tân Cổ Cải Lương Dễ Nghe ...
-
Soạn Giả Viễn Châu - 8 Trích Đoạn Ca Cổ Cải Lương Để Đời Đặc ...
-
Vua Vọng Cổ Viễn Châu - Tuyển Tập Tân Cổ, Trích Đoạn Cải ...
-
Soạn Giả Viễn Châu - Kho Tàng Vọng Cổ Việt Nam
-
Viễn Châu (NSND) (Tác Giả, Soạn Giả Cải Lương) - Lời Vọng Cổ
-
Những Bài Tân Cổ Hay Nhất Của Viễn Châu
-
Soạn Giả Viễn Châu Với 2.000 Bài Vọng Cổ Sống Trong Lòng Giới Mộ ...
-
Sách Soạn Giả Viễn Châu - 120 Bài Vọng Cổ Đặc Sắc
-
Tìm Hiểu Về 120 Bài Vọng Cổ đặc Sắc Của Soạn Giả Viễn Châu
-
Sách Soạn Giả Viễn Châu 120 Bài Vọng Cổ đặc Sắc
-
“Soạn Giả Viễn Châu – 100 Bài Vọng Cổ đặc Sắc”- Quyển Sách Quý
-
Sách - Soạn Giả Viễn Châu - Tác Giả Và Tác Phẩm Vọng Cổ