NSƯT Bích Hạnh: Bệnh Tật Chỉ Là Một Trạng Thái Tinh Thần

Cho tới nay, sống hơn 60 năm trên đời, NSƯT Bích Hạnh mới có một lần mắc bệnh. Bệnh trọng, thường xuyên phải đi cấp cứu và nằm viện, lại kéo dài suốt ba năm trời. Cuối cùng thì chị cũng vượt qua căn bệnh nguy hiểm, lấy lại sinh lực, mà điều giúp chị vượt qua bệnh tật, không phải do thuốc, cũng không do bác sĩ.

Có nhiều người, sau một tai nạn là gục ngã vĩnh viễn. Nhưng cũng có ít người, tai nạn trong cuộc sống không dập vùi được họ, trái lại, như những cú hích, khiến họ càng tôi rèn bản lĩnh, như vàng thử trong lửa nóng, càng tỏa sáng rực rỡ, vươn tới giành lấy những thành công lớn hơn. NSƯT Bích Hạnh - cô đào cải lương nhan sắc lộng lẫy nhất Bắc Kỳ một thời - là một người trong số ít ỏi đó. Sau thời gian bị bệnh nghiêm trọng, mà căn nguyên gốc là từ tai nạn cuộc đời gây ra, Bích Hạnh đã có một cuộc sống rực rỡ hơn. Nhưng để bạn đọc có thể hiểu chị đã vượt qua tai nạn, chiến thắng bệnh tật như thế nào, thì chúng ta cần biết về cuộc đời của chị, một cuộc đời vất vả, sóng gió nhưng cũng nhiều vinh quang.

NSƯT Bích Hạnh (bên phải) và bạn thân.

Cuối năm 2009, Bích Hạnh phát hiện chồng mình cặp bồ với một cô đào cải lương trẻ hơn chị hàng chục tuổi. Quá bất ngờ, chị tìm mọi cách để điều tra. Càng điều tra, càng có nhiều thông tin, chị càng vỡ lẽ ra một sự thật khủng khiếp. Do chị mải làm kinh tế để lo toan cho cả gia đình, những mong chồng mình được tập trung cho sự nghiệp, con cái được học cao và cũng do quá tự tin vào nhan sắc cũng như khả năng tài chính của mình, mà chị hoàn toàn không biết, không hề linh cảm được, chồng mình có người đàn bà khác. Đau đớn nhất là chồng chị đã có quan hệ bất chính với người phụ nữ ấy cả 10 năm trời. Mọi người trong cơ quan anh, cũng là cơ quan cũ của chị đều biết, vậy mà chị không biết. Cũng cần thông tin thêm, là sau khi chồng chị có hướng phát triển về đường công danh trong một đoàn cải lương, chị đã rút về kinh doanh riêng để có điều kiện kinh tế hỗ trợ chồng phát triển lên cao nữa. Tập trung vào kinh doanh, chị ít khi đi lại, liên lạc với cơ quan cũ. Đáng buồn hơn, khu nhà vườn ở Hòa Lạc (Hà Nội) mà chị mới tậu được, thường bảo chồng khi rảnh thì đi ôtô tới đó chăm nom vườn tược, lại trở thành nơi chồng chị dẫn người đàn bà khác tới “vui vẻ”. Những sự thật không dễ chấp nhận ấy khiến chị suy sụp. Phải chăng chính chị đã mất đi linh cảm, sự nhạy bén đàn bà trong đời sống vợ chồng? Để đến nỗi chồng “đi hoang” chục năm mà chị không hề hay biết?

Mọi thứ bỗng chốc sụp đổ, chị suy sụp tinh thần, đổ bệnh nằm nhà, không thiết kinh doanh. Bởi chính nơi chị từng hy sinh sự nghiệp riêng của mình cho chồng lại là nơi chị bị phản bội. Chồng chị đã lầm lạc với chính một học trò của anh. Lúc ấy, trong đầu chị ong ong biết bao câu hỏi, hàng trăm phương án, nhưng rồi sự đau khổ vẫn át đi tất cả. Huyết áp tăng vọt, có lúc ở mức 180-200. Hai thái dương phình to vì mạch máu căng tức. Chị liên tục phải nhờ con gọi cấp cứu 115 vào bệnh viện. Nằm viện vài ngày, uống thuốc đỡ đi một chút, chị ra viện. Nhưng tình trạng này vẫn liên tục tái diễn, nhiều lần chị phải đi cấp cứu nữa và nguy hiểm hơn, là một thời gian sau, chị lại bị hiện tượng tụt huyết áp, có lần ngã quỵ.

Những lúc tỉnh táo hơn, chị tìm cách thuyết phục chồng suy nghĩ lại, về với vợ con. Nhưng chồng chị đã lầm lạc, đã đi quá xa và không thể trở lại. Anh vẫn tiếp tục quan hệ bất chính với người phụ nữ kia, thậm chí công khai hơn. Anh đòi ly dị, bán nhà, chia tài sản để có thêm nhiều tiền ăn chơi và chu cấp cho tình nhân. Thậm chí, khi về nhà, anh còn cố tình gây hấn trong gia đình, những mong điều đó sẽ khiến chị thêm căng thẳng, chán nản mà chấp nhận ly dị.

Chính lúc chạm đáy của sự đau khổ và tuyệt vọng, chị đã gượng dậy. Chị dành thời gian suy nghĩ lại nhiều điều. Cuốn phim cuộc đời chầm chậm tái hiện trong đầu chị.

Cha Bích Hạnh có ba người vợ, sinh cả thảy 19 người con. Bích Hạnh là con thứ hai của bà vợ ba và từ bé sớm phải lăn lộn với cuộc đời, đối diện với đồng tiền.

Ngay từ nhỏ, tuổi chưa vượt qua 2 con số, đồng tiền đối với Bích Hạnh đã không phải chuyện khó. Hầu như suốt cả cuộc đời, tiền là thứ chị có thể chiếm giữ và xoay trở nó thành công. Sinh ra ở làng quê thuộc Bắc Ninh trong thời chiến tranh, dù còn cắp sách tới trường và tuổi chưa lên 10, Bích Hạnh đã biết đi làm và kiếm được những đồng tiền đầu tiên. Việc sớm làm quen với tiền tạo cho chị kỹ năng kinh doanh, có thể nhìn thấy lợi nhuận từ bất cứ thứ gì, việc gì.

Một cô bé dưới 10 tuổi thì có thể làm được việc gì kiếm ra tiền? Bích Hạnh tết dây bẹ ngô, bện thảm. Tết dây bẹ ngô chăm chỉ đến mòn vẹt cả ngón tay. Bích Hạnh làm say sưa, mang cả hàng về nhà làm thêm buổi tối, nên mỗi ngày tết được tới 54 sợi dây ngô, kiếm được nhiều tiền hơn cả. Cạo gừng, bóc lạc, sàng than, mò cua, kéo vó tôm... làm nhiều đến mức ngón tay nhỏ nhắn luôn chảy máu... Có những đêm cô bé Bích Hạnh, đang tuổi ăn tuổi ngủ mà có thể thức suốt đêm canh kéo 30 cái vó tôm, rạng sáng, đổ tôm ra thúng, ánh bình minh hắt lên mình tôm đỏ óng ánh thật đẹp. Vẻ đẹp và niềm vui đó, sau hơn nửa thế kỷ, đến bây giờ vẫn còn đọng lại nơi người phụ nữ ngoại lục tuần.

Có tiền, cô bé năng động không chỉ có thể thỏa mãn những nhu cầu cá nhân, mà còn chia sẻ với mẹ, với anh chị em đông đúc trong nhà. Được giúp đỡ mọi người trong gia đình bằng những đồng tiền do mình làm ra là niềm vui lạ của một cô bé như Bích Hạnh.

Lớn lên, nhan sắc rờ rỡ khiến Bích Hạnh sớm thành một ngôi sao mới của Đoàn cải lương Kim Phụng. Cô đã lên như diều gặp gió thuận. Đoàn Kim Phụng được coi như nhận được báu vật quý hiếm trong lúc đoàn đang đói ngôi sao. Cũng trong lúc ấy, Bích Hạnh lấy chồng, sinh hai con. Nghề nghiệp của cô đang ở thời kỳ rực rỡ nhất. Cô là con át chủ bài của Đoàn cải lương Kim Phụng. Cô có thể đóng đủ các thể loại vai, từ cổ chí kim, từ trẻ tới già, từ thiện tới ác, từ nông thôn tới thành thị... vai nào cũng xuất sắc. Không phải diễn viên nào cũng có thể đóng đa dạng như vậy, rất lâu làng cải lương mới kiếm được một diễn viên thuộc hạng “A hoa” như Bích Hạnh. 4 lần tham gia hội diễn sân khấu, cả 4 lần Bích Hạnh đoạt Huy chương Vàng. Cô cũng vinh dự nhận danh hiệu NSưT ngay trong đợt xét đầu tiên danh hiệu này, đợt xét được coi là khó khăn nhất trong lịch sử của sự kiện.

Nhưng người chồng đầu của Bích Hạnh không thông cảm với lịch diễn liên miên của vợ nên họ chia tay. Bích Hạnh tập trung toàn tâm sức cho nghề diễn, trở thành một cái tên được người trong giới nể phục, được khán giả khao khát. Bích Hạnh được một bạn diễn trẻ hơn si mê. Chị tái giá với anh, sinh thêm hai con nữa.

Trong suốt quá trình đi diễn, khi bạn diễn nghỉ ngơi thì Bích Hạnh tranh thủ đi buôn bán để kiếm thêm tiền cho gia đình đông đúc của mình, với chồng và bốn đứa con. Dư dả thì lại giúp đỡ họ hàng hai bên. Điều kỳ lạ là cho đến giờ, Bích Hạnh không hiểu tại sao mình có nhiều sức lực để làm việc liên tục, chăm chỉ, kéo dài không ngơi nghỉ trong suốt cuộc đời như thế. Và cho dù vất vả tới đâu, chị cũng không bao giờ bị bệnh nặng, có chăng chỉ hắt hơi, sổ mũi, cảm cúm thông thường. Mà kể cả có ốm mệt chị vẫn không bỏ diễn, bỏ kinh doanh.

Thế mà chỉ vì cú sốc tình cảm trong gia đình, đã khiến chị bệnh nặng, không đi làm nổi. Thời gian bệnh lại kéo dài. Sau khi suy nghĩ, chị nghiệm ra rằng mình không phải là người có thể chất yếu ớt. Bệnh tật này là do trạng thái tinh thần bất ổn mang lại. Sẽ không có thầy thuốc nào, dược phẩm nào có thể chữa lành cho chị, ngoại trừ chính bản thân chị. Chị chỉ có thể khỏi bệnh được, nếu chị dứt hẳn được khổ đau.

Nhưng làm thế nào để chấm dứt được buồn đau?

Chị quyết định không níu kéo nữa. Xác định người đàn ông này không phải là chồng mình nữa rồi, mình đã hết duyên với anh ấy. Nếu không có chồng, thì chị có làm sao không? Chị ngạc nhiên nhận ra rằng, lâu nay mình đâu cần ngủ cùng chồng, ăn cùng chồng nữa. Nếu không có anh ta, chị càng nhẹ hơn vì không cần chu cấp tài chính cho chồng nữa, cũng không cần quan tâm những sai trái anh ta gây ra mà chị phải mất công sửa chữa giùm. Chị bỗng thấy nhẹ tênh.  Vả lại, chị đã có 8 người con tính cả dâu, rể, 9 đứa cháu nội, ngoại. Chị có thể hoàn toàn hạnh phúc với đàn con, cháu đông đúc, ngoan và đáng yêu này. Tại sao chị phải níu kéo một người đàn ông chỉ còn mang đến đau khổ?

Khi không cần điều mang lại đau khổ đó nữa, thì đau khổ cũng bỗng dưng rời chị mà đi, và chị lành bệnh, một cách tự nhiên.

3 năm đã trôi qua kể từ ngày Bích Hạnh vượt qua cú sốc cuộc đời và bệnh trọng, chị trở nên tươi tắn, trẻ trung hơn nhiều so với tuổi. Ai gặp chị cũng nghĩ chị mới ngoài 40 tuổi. Hàng ngày, sau bữa sáng ưa thích và một chầu cà phê vui vẻ với người bạn thân gắn bó hơn bốn thập kỷ, chị thả bước trên phố tới nơi làm việc, hút theo biết bao ánh nhìn ngưỡng mộ. Cô đào cải lương từng hút khán giả tới rạp thập niên 80-90 thế kỷ trước, nay hút theo mình nhiều đàn ông. Điều kỳ lạ ở chị, là chính lúc này, chị lại thấy mình đẹp, mình hấp dẫn hơn so với thời còn trẻ. Trong số danh sách dài những người đàn ông ngưỡng mộ, chị cũng chọn một người xứng đáng nhất để yêu. Chỉ yêu thôi. Dành những gì tốt đẹp nhất cho nhau. Còn lại thì tôn trọng tự do của nhau. Tự do, tận hưởng cuộc sống như mình muốn mới là điều quan trọng nhất với Bích Hạnh lúc này. Đó chính là hạnh phúc mà cuộc đời thưởng cho chị sau quãng đời dài chị đã sống, làm việc và cống hiến hết mình cho người khác và cho nghệ thuật cải lương.

Từ khóa » Tieu Su Ca Si Bich Hanh