NSƯT Phạm Hồng Linh: Lặng Thầm Sau Mỗi Thước Phim

Tới khi được ngồi trò chuyện cùng ông trong căn phòng nhỏ thoang thoảng hương hoa, tôi mới thấy nhận định của người đồng nghiệp quả chính xác. Căn nhà nhỏ trong ngõ 54B Hàng Chuối không chỉ là nơi gặp gỡ của các văn nghệ sĩ điện ảnh Thủ đô mà còn của nhiều anh em nghệ sĩ phía Nam mỗi khi họ có dịp ra Hà Nội. Có lẽ bởi ai cũng quý mến cái đức tính hồn hậu, cởi mở, chân tình của người nghệ sĩ đã góp phần không nhỏ làm nên những bộ phim tiêu biểu của Điện ảnh Công an nhân dân nói riêng cũng như của Điện ảnh Việt Nam nói chung như "Mưa rơi trên thành phố, "Phía sau vụ án Hồ Con rùa", "Bí mật thành phố cấm", "Người con gái đất đỏ", "Ông cố vấn"...

1. Tính đến nay, NSƯT Hồng Linh đã về hưu được gần chục năm nhưng hiếm khi căn nhà của ông vắng bóng bạn bè. Họ đến để cùng ông ôn lại kỷ niệm những ngày đầu làm nghề, để sống lại những tháng ngày lăn xả vì nghệ thuật không hề toan tính. Những lúc như thế, NSƯT Hồng Linh dường như sôi nổi và trẻ trung hẳn. ít ai biết rằng, nếu không có những bước ngoặt quan trọng thì ông sẽ là một người theo nghiệp thể thao.

Từ một vận động viên thể thao tỉnh Hải Dương, ông trở thành cầu thủ bóng đá của trường Thể dục - Thể thao Hà Nội. Rồi sau đó là cầu thủ đội tuyển Bóng đá Công an nhân dân. Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại, Phạm Hồng Linh được Bộ Công an cử đi học và sau đó về công tác tại Ban Biên tập chương trình phát thanh Vì An ninh Tổ quốc. Rồi ông được cử đi học lớp quay phim "Mặt trận" khóa II tại Trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội nhằm đào tạo gấp đội ngũ quay phim chiến tranh, phục vụ chiến trường.

Là người quay phim chính trong nhiều bộ phim truyện nhựa nổi tiếng nhưng NSƯT Hồng Linh lại khởi nghiệp từ chương trình Truyền hình Vì an ninh Tổ quốc. Ông cũng là một trong 3 nghệ sĩ làm nên những thước phim đầu tiên của chương trình này phát trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.

Năm 1972, Hồng Linh tốt nghiệp loại ưu khóa học quay phim "Mặt trận" cũng là lúc cuộc chiến tranh phá hoại đang diễn ra khốc liệt ở miền Bắc, ông cùng với 2 nghệ sĩ khác là Đào Quang Thép và Mai Thanh làm thành Ban Biên tập truyền hình Vì an ninh Tổ quốc.

Tuổi trẻ sôi nổi, lại được trang bị chuyên môn, kiến thức về quay phim, Hồng Linh háo hức muốn được băng mình vào những chiến trường khốc liệt nhất để ghi lại những thước phim quý báu. Khó một nỗi khi ấy, cả đơn vị còn chưa có máy ảnh, nói gì tới máy quay phim. Cuối cùng, nghệ sĩ Mai Thanh mượn được của bạn bè máy quay phim 16 ly hiệu PAILLARD Rôlex sản xuất từ những năm 50 của thế kỷ trước, chạy bằng dây cót, ống kính đã mốc, thân máy han gỉ phải nhờ cán bộ kỹ thuật sửa giúp. Tổ làm phim khi ấy vẻn vẹn có 3 người do Mai Thanh phụ trách, Đào Quang Thép biên tập và Hồng Linh quay phim quyết định chọn Hải Phòng làm điểm tác nghiệp đầu tiên. Khi ấy, Hải Phòng đang bị không quân Mỹ đánh phá dữ dội, lực lượng phòng cháy chữa cháy phải rất vất vả để chữa cháy, cứu dân. Hơn 3 tháng ăn ngủ cùng các chiến sĩ Công an đất Cảng, cứ nghe còi báo động, anh em chiến sĩ lao ra chữa cháy thì các nghệ sĩ làm phim cũng đội mũ sắt, vác máy quay lên xe đi cùng. Kết quả thu về là hàng trăm mét phim 16mm với những hình ảnh chiến đấu dũng cảm chẳng quản gian khổ hy sinh để chiến thắng giặc lửa của các chiến sĩ Công an Hải Phòng. Tiêu biểu như chiến công dập tắt ngọn lửa hung dữ để cứu người, cứu tài sản Nhà nước ở các khu vực Thượng Lý, bến cảng, kho xăng.

NSƯT Hồng Linh nhớ lại: "Lần quay ở kho xăng Hải Phòng, địch đánh bom mù mịt. Nhóm làm phim nằm ngay giữa vòng lửa đạn, bom hất mỗi người một nơi. Anh Đào Quang Thép đeo túi phim và tài liệu, tôi ôm máy quay phim bị ném xuống một hố bom cũ, rất may là máy chạy bằng dây cót nên không việc gì". Những thước phim quý giá này đã góp phần làm nên bộ phim "Các chiến sĩ Công an chữa cháy Công an thành phố Hải Phòng" được phát trên sóng Truyền hình Việt Nam vào tối ngày 10/8/1972. Ngày này đã được lấy làm ngày phát sóng đầu tiên của chương trình Vì an ninh Tổ quốc.

Từ buổi "ra quân" với những thước phim được dư luận đánh giá cao, "3 chàng lính ngự lâm" tiếp tục một loạt chương trình mang tên "Đèn đỏ, đèn xanh" nhằm hướng dẫn tuyên truyền an toàn giao thông và những tiểu phẩm vui. Năm 1973, ông cùng các đồng nghiệp táo bạo làm phim "Chú rể đi đâu" với sự tham gia của các nghệ sĩ Đào Mộng Long, ái Vân, Hải Đăng. Bộ phim được phát nhiều lần trên sóng truyền hình và được đông đảo nhân dân yêu thích.

2. Đến nay NSƯT Hồng Linh đã có 40 năm gắn bó với Truyền hình và Điện ảnh Công an nhân dân. Phần lớn những bộ phim tiêu biểu của Điện ảnh Công an nhân dân do nghệ sĩ Hồng Linh trực tiếp bấm máy. Mỗi bộ phim với ông là một chuyến đi dài và để lại những kỷ niệm khó quên. Khi quay phim "Tội và tình" (kịch bản Lê Tri Kỷ, đạo diễn Trần Phương), ông đã có 3 tháng trời “ăn ngủ” ở trại Ba Sao (Hà Nam). Thậm chí, chiều 30 tết, ông còn ở chợ hoa Nguyễn Huệ (TP HCM) để quay những cảnh còn lại của bộ phim "Đứa con kẻ tử thù". Vừa vác hành lý lên tàu Thống Nhất, ông bất ngờ khi được nhân viên nhà ga tặng quà. Hóa ra, ông là vị khách cuối cùng trên chuyến tàu cuối cùng của năm đi từ Nam ra Bắc.

Bộ phim "Đằng sau vụ án hồ con rùa" (đạo diễn Trần Phương) để lại trong ông một kỷ niệm đáng nhớ khác. Bộ phim phản ánh chiến công của Lực lượng Công an đập tan âm mưu chiến tranh phá hoại của các thế lực thù địch tại TP HCM với những cảnh quay được Hồng Linh thể hiện khá ấn tượng. Sau khi chiếu bản đầu tiên cho các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an xem, đồng chí Phạm Hùng có ý kiến chỉ đạo: "Đây là một bộ phim tốt, vì vậy Bộ Công an muốn chiếu đồng loạt ở 54 tỉnh, thành vào đúng ngày 19/8 nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Lực lượng CAND". Ngặt một nỗi, ở thời điểm đó, chúng ta chỉ có thể in được cùng lúc 10 bản phim.

Tháng 6/1985, nghệ sĩ Hồng Linh mang bản phim gốc sang CHDC Đức với trọng trách là trước ngày 19/8 phải có đủ 54 bản phim mang về. Hơn 2 tháng trời túc trực ở xưởng phim nước bạn, ông chỉ canh cánh nỗi lo làm sao hoàn thành nhiệm vụ được giao. In được bản phim nào, ông lại gửi máy bay đưa về Việt Nam. Tới khi NSƯT Hồng Linh cùng bản phim cuối cùng về tới sân bay Nội Bài cũng là lúc cả nước chuẩn bị tưng bừng kỷ niệm ngày 19/8. Ông thở phào nhẹ nhõm. Bộ phim "Đằng sau vụ án hồ con rùa" đã lập một kỷ lục chưa từng có là công chiếu đồng loạt vào ngày 19/8 và tạo nên một cơn sốt vé trên khắp cả nước. Không chỉ có vậy, bộ phim cũng mang lại một nguồn lợi nhuận kha khá để Điện ảnh CAND đầu tư làm tiếp một số phim như "Người không mang họ", "Bí mật thành phố cấm", "Đứa con kẻ tử thù"...

Nghệ sĩ Hồng Linh chia sẻ, phần lớn kiến thức ông có được nhờ tự học. Ông không ngại học hỏi anh em, bè bạn dù có vất vả đến mấy. Ngày ấy, khi biết tin đạo diễn, NSND Trần Vũ quay "Đến hẹn lại lên" ở Bắc Ninh, ông đã bắt xe sang đó âm thầm theo dõi suốt quá trình làm phim để học hỏi kinh nghiệm.

Hồng Linh là một tay máy mà các đạo diễn như Lê Dân, Trần Phương, Trần Vũ… rất tín nhiệm vì không chỉ truyền tải hết ý tưởng của các đạo diễn mà còn chịu khó tìm tòi những góc quay mới. Cho tới bây giờ, bộ phim "Người con gái đất đỏ" (kịch bản: Hữu Ước, đạo diễn: Lê Dân) là một trong những đỉnh cao trong cuộc đời làm phim của ông. Nhiều người trong nghề vẫn còn ấn tượng với cảnh chị Võ Thị Sáu dắt ngựa ra bãi cát khi bình minh bắt đầu hé rạng trên biển. Để quay được cảnh này, ông và đoàn làm phim đã phải dậy từ 3h sáng để đón mặt trời. Chờ mãi không thấy mặt trời đâu, cả đoàn quyết định tháo máy để chờ ngày khác thì bất ngờ mặt trời từ từ nhô lên khỏi mặt nước. Hồng Linh vội vàng lắp lại máy quay, ghé máy sát mép nước, vừa quay vừa phải giữ để sóng biển không bắn vào ống kính. Cảnh quay này đã trở thành một cảnh tiêu biểu thường được phát khi có dịp giới thiệu về phim.

3. NSƯT Hồng Linh luôn tâm niệm, nghệ thuật đi lên từ sự nghiêm túc. Với ông, sự cẩu thả trong nghề là điều không thể chấp nhận. Máy móc có thể trang bị được nhưng sự tâm huyết với nghề thì không thể có máy móc nào thay thế được. Trong quá trình quay phim "Người con gái đất đỏ", ông cùng đạo diễn vất vả lắm mới quay được cảnh hàng chục xe cam nhông vượt qua suối. Không ngờ, trong quá trình in tráng lại bị mất điện, thế là công lao của cả đoàn đổ xuống sông xuống biển. Ông lặn lội cùng cả đoàn quay lại cho bằng được.

Với NSƯT Hồng Linh, chỉ cần được làm nghề đã là hạnh phúc, dù sau này ông là Đại tá, Phó giám đốc Điện ảnh Công an nhân dân. Nhiều người, sau một thời gian quay phim, họ chuyển sang làm đạo diễn thì Hồng Linh vẫn trung thành với ống kính máy quay. Khi được hỏi, tại sao ông không chuyển sang làm đạo diễn bởi vị trí ấy sẽ được nhiều người biết tới hơn, nghệ sĩ Hồng Linh lý giải, ông đã trót đam mê với chiếc máy quay nên những thứ khác đều không quan trọng...

Từ khóa » Phim Việt Nam Vụ án Hồ Con Rùa