Nữ Anh Hùng Cắm Tiêu Hơn 1.200 Quả Bom Nơi "yết Hầu" Ngã Ba ...

Đội mưa bom đi cắm tiêu

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Vĩnh Lộc (H.Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), cha mất sớm, La Thị Tám phải nghỉ học giữa chừng để phụ giúp mẹ lo việc gia đình. Năm 1967, khi vừa tròn 18 tuổi, cô gái trẻ La Thị Tám đã viết đơn tình nguyện xin gia nhập đội Thanh niên xung phong đóng tại xã Đồng Lộc (H.Can Lộc). Cô được phân công vào đơn vị C2 chủ lực thuộc ngành Giao thông vận tải Hà Tĩnh, tham gia đảm bảo giao thông thông suốt để chi viện kịp thời sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường miền Nam trên tuyến Quốc lộ 15A lịch sử.

Anh hùng La Thị Tám bồi hồi nhớ về Ngã ba Đồng Lộc cách đây hơn nửa thế kỷ, đó là những năm 1967 - 1968, đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang đánh phá miền Bắc. Lúc bấy giờ, Đồng Lộc là một trong những trọng điểm đánh phá khốc liệt nhất, tất cả mọi tuyến đường nối với tiền tuyến đều bị bom đạn quân thù cắt đứt. Độc tuyến cuối cùng chỉ còn lại con đường chiến lược 15A và nhất thiết phải qua Ngã ba Đồng Lộc vì đây là "yết hầu" tiếp tế vũ khí, khí tài, lương thực cho chiến trường miền Nam.

Chính vì vậy, không quân Mỹ đã dội hàng ngàn tấn bom, đạn các loại xuống trọng điểm này. Đồng Lộc bị xới tung, đất, đá lởm chởm bởi trung bình mỗi mét vuông đất ở đây phải chịu đựng 3 quả bom. Giặc Mỹ muốn biến Đồng Lộc thành những bãi hoang tàn. Tuy nhiên, trái tim Đồng Lộc vẫn giữ vững nhịp đập, vẫn nối liền mạch máu giao thông thông suốt cho những đoàn xe vận tải quân sự nối tiếp nhau trên đường ra trận.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm và tặng quà cho Anh hùng La Thị Tám nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ

Trong những ngày tháng chiến đấu đó, nhiệm vụ mà La Thị Tám đảm nhiệm hết sức nguy hiểm, ngày đêm đối diện với cái chết. Vốn ít tuổi nhất tiểu đội, lại có dáng người nhỏ nhắn nên cô được phân công nhiệm vụ đứng trên một quả đồi cao, nằm bên trái của Ngã ba Đồng Lộc để đếm số lượng bom kẻ thù trút xuống. Suốt 200 ngày đêm ròng rã, cô đã đếm và cắm tiêu được 1.205 quả bom.

Hình tượng người con gái kiên trung hàng ngày khoác tấm vải dù ngụy trang, tay cầm ống nhòm đứng trên chiếc chòi dựng tạm bên sườn núi như một biểu tượng hùng dũng của tuổi trẻ Việt Nam. Hình tượng đó đã in sâu vào ký ức của hàng triệu người dân Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Nguồn cảm hứng của thi ca

Hình ảnh La Thị Tám và câu chuyện bi tráng về những cô gái Ngã ba Đồng Lộc đã khiến nhạc sĩ Doãn Nho trong một lần hành quân qua hết sức xúc động đã sáng tác nên ca khúc "Người con gái sông La". Giai điệu ca khúc mang âm hưởng của mảnh đất miền Trung ngọt ngào, da diết, thân thương nhưng cũng đầy bi tráng, oai hùng.

Mùa đông năm 1970, lần đầu tiên khi nghe bài hát này qua sóng phát thanh, nữ Anh hùng La Thị Tám đã xúc động đến bật khóc. Tuy nhiên, bà bảo: "Chiến công đó là của tập thể, của đồng đội, những người con gái Quân khu Bốn vốn kiên cường, bất khuất. Chiến công ấy không phải là của riêng tôi".

Nữ Anh hùng La Thị Tám - nguyên mẫu trong nhạc phẩm "Người con gái sông La"

Mỗi khi gợi lại quá khứ hào hùng tại Ngã ba Đồng Lộc, khuôn mặt bà bỗng bừng sáng. Có lẽ hồi ức của tuổi mười tám, đôi mươi, thời La Thị Tám băng qua lửa đạn của kẻ thù để "đếm từng loạt bom rơi..." và ký ức của những năm tháng ngủ hầm, cơm vắt cùng đồng đội bám đường, chia lửa với tiền tuyến, đã trở thành luồng sinh khí kỳ diệu luôn chảy trong huyết quản của bà. Ghi nhận những đóng góp to lớn cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, cuối năm 1968, La Thị Tám vinh dự được Bác Hồ gửi tặng Huy hiệu của Người và ngày 22-12-1969, khi vừa tròn 20 tuổi, La Thị Tám được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của một nữ Thanh niên xung phong nơi tuyến lửa, La Thị Tám trở về quê hương, lập gia đình với một người lính ở cùng tỉnh rồi chuyển về công tác tại cơ quan Dân - Chính - Đảng của Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Trên cương vị công tác mới, nữ Anh hùng La Thị Tám lại tiếp thêm ngọn lửa cách mạng cho bao thế hệ học tập và noi theo.

Cho đến bây giờ, mỗi khi có ai nhắc đến những thành tích của "Người con gái sông La" trong chiến tranh, bà La Thị Tám lại cười hiền: "Thực ra, tôi chỉ là một cái cớ, một trong muôn ngàn thí dụ cho anh Doãn Nho sáng tác. Thành tích anh hùng ấy được kết tinh từ tập thể anh hùng. Trong cuộc chiến tranh cứu nước, cả dân tộc ta đều là anh hùng. Dòng máu anh hùng đó không bao giờ ngừng chảy trong lòng dân tộc, không chỉ trong thời chiến mà cả trong thời bình hiện nay" - nữ Anh hùng La Thị Tám cười hiền chia sẻ.

Văn Tình

Từ khóa » Tiểu Sử Hùng Sò