Nữ Anh Hùng LLVTND Việt Nam, Liệt Sĩ Võ Thị Sáu: Đã Có Nơi Thờ ...

In bài Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nữ Anh hùng LLVTND Việt Nam, liệt sĩ Võ Thị Sáu: Đã có nơi thờ chu đáo, trang trọng, xứng tầm tại Côn Đảo
Mặt chính Đền thờ Côn Đảo. Ảnh: NGỌC MINH

Đó là ý kiến của cán bộ, nhân dân tỉnh BR-VT nói chung, huyện Côn Đảo nói riêng tại Lễ di dời tượng Nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, liệt sĩ Võ Thị Sáu từ Miễu Tiên sư về Đền thờ Côn Đảo sáng 13-8-2016.

NGHI LỄ TRANG NGHIÊM

Đồng chí Hồ Văn Lợi, Giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết, trong ngày diễn ra Lễ di dời, mặc dù 10 giờ mới vào nghi lễ chính thức, nhưng từ sáng sớm, những người dân và trưởng Ban điều hành các khu dân cư đã đến thắp nhang cho Cô Sáu ở bàn thờ tại Miễu Tiên sư, hỗ trợ Ban tổ chức lễ một số phần việc và cùng tham dự đoàn di dời bàn thờ, tượng Cô Sáu về nơi thờ mới. Đồng chí Đặng Minh Thông, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì nghi lễ với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, cán bộ, công chức huyện. Bên cạnh đó, cùng với đại diện Ban điều hành 10 khu dân cư, còn có hơn 200 người dân và du khách đến thăm Côn Đảo cũng về tham dự lễ, làm cho nghi lễ càng thêm long trọng.

Đồng chí Nguyễn Anh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết thêm: “Chương trình tổ chức Lễ di dời được chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc. Bao gồm việc thỉnh bàn thờ và bức tượng Cô Sáu về Đền thờ Côn Đảo và thực hiện các nghi lễ an vị trong không khí hết sức nghiêm trang, tôn kính. Sau khi tượng và bàn thờ Cô Sáu đã an vị, rất nhiều người dân và du khách đến thắp nhang, chiêm bái”. Đồng chí Nhựt cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND, Thường trực Huyện ủy đã ban hành Thông báo kết luận số 151-TB/HU ngày 2-8-2016 chỉ đạo UBND huyện tổ chức, thông tin, báo cáo rộng rãi đến toàn thể CBCC, người dân và khách du lịch về chủ trương chuyển việc thờ Nữ anh hùng LLVTND, liệt sĩ Võ Thị Sáu từ Miễu Tiên sư về Đền thờ Côn Đảo. Và ngày 9-8-2016, UBND huyện cũng đã ban hành Thông báo số 184/TB-UBND về việc “Di dời việc thờ cúng Nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu tại Nhà tưởng niệm về thờ cúng tại Đền thờ Côn Đảo” đến các cơ quan, đơn vị khu dân cư và thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân Côn Đảo và khách du lịch hiểu, tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội. Ngay sau khi hoàn thành lễ chuyển địa điểm thờ Nữ anh hùng LLVTND liệt sĩ Võ Thị Sáu từ Miễu Tiên sư về Đền thờ Côn Đảo, Ban Quản lý di tích Côn Đảo đã niêm yết thông báo tại Miễu Tiên sư để người dân và khách du lịch biết.

NGƯỜI DÂN ĐỒNG THUẬN

Theo bà Phạm Thị Tám, Trưởng BQL Di tích Côn Đảo, Miễu Tiên sư tại Côn Đảo là nơi người dân nơi đây lập ra để thờ vị thần hoàng có công khai lập ra vùng đất Côn Đảo. Nơi đây hiện chỉ có 1 ngôi nhà ngói chưa đầy 100m2. Tuy với tất cả sự khiêm tốn về vật chất như vậy, nhưng trong nhiều năm qua, với sự tôn kính của người dân và du khách dành cho Cô Sáu, chính quyền địa phương đã mượn Miễu để làm nơi đặt bàn thờ tạm cùng với nhiều hình ảnh tư liệu về Cô Sáu để nhân dân về chiêm bái. Bà Phạm Thị Tám cho hay: “Khi có chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho di dời bàn thờ Cô Sáu về Đền thờ Côn Đảo, bà con nhân dân của huyện, cán bộ nhân viên BQLDT Côn Đảo rất mừng và bắt tay vào việc phối hợp thực hiện các bước chuẩn bị cho nghi lễ này. Bàn thờ Cô Sáu và bức tượng bằng đá trắng (do du khách tặng năm 1996) được thỉnh về nhà Tiền đường Đền thờ Côn Đảo. Bức tượng do Hội LHPN tỉnh tặng năm 2012 và các tủ đựng cùng với sính lễ của người dân cúng Cô được di dời về nhà Hữu vu của Đền thờ. Còn toàn bộ hình ảnh triển lãm về Cô được đưa về Sở Cò, vốn là nơi lưu giữ các hiện vật kỷ niệm về cuộc đời Cô Sáu lâu nay”.

Sau khi nghi lễ hoàn thành, BQL Di tích Côn Đảo cũng đã chủ động bố trí thêm ca trực gồm 2 nhân viên đón tiếp khách đến viếng và hành lễ tại Đền thờ Côn Đảo từ 17h đến 22h mỗi ngày (trước đây chỉ có 2 ca, từ 7h00-11h30 và 13h30-17h00). Bà Cao Thị Hiền, Phó Ban Điều hành Khu dân cư 2 cũng cho hay: “Có một số du khách chưa biết tin nên vẫn cứ đến viếng Cô Sáu tại Miễu Tiên sư, đã được người dân gần Miễu dẫn khách lên tận Đền thờ. Có một đoàn giáo viên ở miền Tây sau khi được hướng dẫn vào Đền thờ Côn Đảo đã hết lời trầm trồ rằng, Đền xây dựng ở vị trí đẹp, khu vực đặt bàn thờ Cô Sáu trang nghiêm, ấm cúng, giúp người đến viếng Đền thờ, cùng lúc thắp nhang cho các anh hùng liệt sĩ hy sinh ở Côn Đảo và thắp nhang cả cho bàn thờ Cô Sáu nằm trong gian Tiền đường là rất thuận tiện”. Bà Phạm Thị Tám cho biết thêm: “Trong 10 ngày qua kể từ ngày thỉnh bàn thờ Cô Sáu về Đền thờ Côn Đảo, chúng tôi rất vui khi thấy bà con trong huyện cũng như du khách đến thăm, viếng Đền rất đông, nhưng hết sức trật tự, nghiêm trang dưới sự hướng dẫn của nhân viên BQLDT trực tại Đền”.

Tuy nhiên, theo đề xuất của Ban liên lạc Cựu tù chính trị Trại 1-6B Côn Đảo, nên đưa bàn thờ Nữ AHLLVTND liệt sĩ Võ Thị Sáu về Sở Cò - nơi đang lưu giữ các hiện vật hoạt động và tù đày của Cô Sáu, để phát huy được giá trị di tích này. Về vấn đề này, đồng chí Hồ Văn Lợi phân tích: “Sở Cò là Di tích quốc gia đặc biệt, nơi Cô Sáu từng bị lưu giữ lại một đêm trước khi ra đi. Việc tổ chức nhà trưng bày hiện vật của Cô Sáu tại đây là rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, Sở Cò nằm trong khu vực trung tâm hệ thống Nhà tù Côn Đảo, là trụ sở phục vụ cho bộ máy cai trị của Nhà tù Côn Đảo. Đây là di tích nhà tù, không phải là nơi thờ cúng. Do đó, việc đưa bàn thờ Cô Sáu về đây là không phù hợp với nghi thức thờ cúng truyền thống dân tộc; không đúng với tinh thần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn; Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của ông cha ta. Mặt khác, tỉnh đã đầu tư xây dựng Đền thờ Côn Đảo khang trang, uy nghiêm với mục đích thờ cúng, tôn vinh, ghi nhớ công ơn đốivới tất cả các Anh hùng liệt sĩ và đồng bào yêu nước từ khắp mọi miền Tổ quốc đã chiến đấu và anh dũng hy sinh tại Côn Đảo, thì việc thờ Nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu ở đây là hợp tình, hợp lý”.

Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu trong Công văn số 1135-CV/TU cũng nhấn mạnh: “Đền thờ Côn Đảo là công trình nghệ thuật kiến trúc văn hóa tiêu biểu được đầu tư xây dựng nhằm tri ân, tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ, các bậc tiền nhân đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước của Côn Đảo; đồng thời cũng là địa điểm giao dục truyền thống Cách mạng cho thế hệ trẻ, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo. Liên quan đến việc bố trí không gian thờ cúng trong Đền thờ Côn Đảo, Thường trực Tỉnh ủy đã có Thông báo kết luận số 1189-TB/TU ngày 31-3-2014, trong đó yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo Sở VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, thiết kế, bố trí không gian thờ cúng cho phù hợp. Trong đó cần rà soát, thống kê đầy đủ danh sách các đồng chí là lãnh tụ của đất nước, những anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sĩ để bố trí vào Đền thờ Côn Đảo, bảo đảm sự trang trọng, thể hiện được vai trò, thành tích của các đồng chí; chuyển việc thờ cúng Nữ AHLLVTND - liệt sĩ Võ Thị Sáu vào Đền thờ với ý nghĩa đưa người Anh hùng liệt sĩ tiêu biểu cho các nữ liệt sĩ về thờ cúng cùng với đồng đội, đồng chí, bảo đảm việc thờ cúng được chu đáo, trang trọng hơn”.

Tọa lạc trên diện tích 30.000m2 ngay phía trước Nghĩa trang Hàng Dương, có mức đầu tư 120 tỷ đồng từ nguồn vốn Nhà nước và từ sự đóng góp của nhiều doanh nghiệp, đồng bào cả nước, Đền thờ Côn Đảo được đánh giá là công trình nghệ thuật kiến trúc đẹp, uy nghi với sự đóng góp từng viên đá, ngói gốm, cột gỗ được chế tác, gia công từ các nghệ nhân của các tỉnh trong cả nước. Là công trình của những tấm lòng, là nghĩa cử của những người con Việt Nam dâng lên các bậc tiền nhân, Đền thờ Côn Đảo từ năm 2011 đã chính thức trở thành nơi thờ phụng 2.147 chiến sĩ Cách mạng đã hy sinh tại nhà tù Côn Đảo trong những năm từ 1930-1975 và trở thành điểm đến tâm linh của du khách trong và ngoài nước khi đến thăm Côn Đảo.

ĐỖ HOÀNG(nguồn: baobariavungtau.com.vn)

© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH BÀ RỊA VŨNG TÀU Đơn vị chủ quản: Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Ghi rõ nguồn "www.baria-vungtau.gov.vn" khi bạn phát hành thông tin từ website này

Từ khóa » đền Thờ Cô Võ Thị Sáu