Nụ Cười Mới đi Vào Lòng Người - Tuổi Trẻ Online

Nụ Cười Mới đi vào lòng người

g0egt8RZ.jpgPhóng to
Cảnh trong vở kịch Ra giêng anh cưới em - Ảnh: Hồng Sơn

TT - Trong Liên hoan sân khấu xã hội hóa toàn quốc 2006, Công ty TNHH Nụ Cười Mới tham gia với một tư thế khá rụt rè bằng hai vở kịch hài không có gì “ghê gớm”: Ra giêng anh cưới em và Người nhà quê.

Ấy vậy mà lại được khen mới tài!

Cả hai vở diễn đều có câu chuyện nhẹ nhàng, các tình huống hài trơn tru, dễ hiểu, dễ cười, những xử lý sân khấu về âm thanh, ánh sáng, cảnh trí cũng vô cùng đơn giản đến mức... không có gì để nhớ.

Như trong Ra giêng anh cưới em, người ta đã cười đến ngả nghiêng chuyện ông Sáu Bảnh cáu kỉnh khó ưa đúng chất một ông già Nam bộ. Bình thường thế thôi mà thu hút đến gần 3.000 khán giả ngồi chật kín sân khấu Trống Đồng - một kỷ lục về khán giả và doanh thu (hơn 500 triệu đồng/đêm) đối với một vở kịch dài.

Còn trong Người nhà quê lại là những tình huống cười ra nước mắt về chuyện cha mẹ trở thành những người "đã ở rất lâu nơi quê nhà" trong mắt của con cái khi xã hội ngày càng hiện đại. Chính cái bình dị, gần gũi, "đặc sản" dân dã ấy đã đi vào lòng người xem và thay đổi một quan niệm cũ mòn, cứng nhắc thường thấy trong các hội diễn, liên hoan nghệ thuật xưa nay: hay đánh giá cao những gì to tát, lớn lao, mang tính thời đại, đôi khi hơi... khó hiểu (!) mà "làm lơ" những cái tưởng nhỏ nhặt nhưng cũng rất ý nhị, sâu xa. NSƯT Trần Minh Ngọc phát biểu trong buổi tọa đàm sau vở diễn: "Đừng coi tấu hài là một cái gì rẻ rúng. Nó vẫn là một loại hình nghệ thuật hẳn hoi, quan trọng là ta làm tấu hài như thế nào".

Cái được thứ hai của Nụ Cười Mới chính là Hoài Linh. Cùng với những diễn viên trẻ, Hoài Linh đã thật sự làm chủ được sân khấu khi điều khiển cảm xúc gần 3.000 khán giả, muốn họ cười hoặc khóc chỉ qua một câu thoại, một hành động diễn mà như chơi của anh. Thậm chí trong đêm diễn có xảy ra sự cố nhỏ: Hoài Linh trong vai Sáu Bảnh giơ cao cái búa (xốp) hù dọa Năm Cự nhưng không hiểu sao lưỡi búa lại rơi tọt xuống chỗ... khán giả, tưởng sẽ bị sượng nhưng anh vẫn tỉnh queo xuống lượm lên diễn tiếp, còn bồi thêm một câu: “Búa gì mà dỏm vậy nè!”.

Đó là cái cách của Hoài Linh: diễn mà như không diễn, cứ bưng nguyên cuộc đời xù xì, mộc mạc lên sân khấu rồi nhìn bằng con mắt hóm hỉnh, chân thành. NSND Ngọc Phương bày tỏ: “Trong liên hoan này, lối diễn của Hoài Linh không có nhiều học thuật nhưng chính tài năng và sự lao động miệt mài của anh đã lay động tôi. Tôi nhớ Linh từng tâm sự anh xa quê hương 13 năm nhưng chỉ có năm năm quay về mới được sống trọn vẹn với nghề...”.

Nụ Cười Mới đã có một ngôi sao làm vốn, có vài "nụ cười" để lận lưng, có cái mới trong cách nghĩ, cách làm nhưng lại chưa có một nơi ổn định để thực hiện những điều đó. Họ vẫn chưa thể sáng đèn hằng đêm như các sân khấu chuyên nghiệp khác mà chủ yếu đánh lẻ ở sân khấu ca nhạc Trống Đồng, nhà hát Hòa Bình, rạp Hưng Đạo, sân khấu 126, kịch Sài Gòn. Cũng có một điểm diễn chính ở công viên Lê Thị Riêng nhưng cứ tối dựng rạp diễn thì sáng phải tháo ra để bà con vào... tập thể dục. Bấp bênh và manh mún.

Những lo âu này, qua liên hoan Hữu Lộc và Hoài Linh đã “được lời như cởi tấm lòng”, vì khi nói ra thì Hội Sân khấu TP.HCM hứa sẽ chịu trách nhiệm với sự tồn tại của công ty, Cục Nghệ thuật biểu diễn bảo sẽ tạo điều kiện để đoàn ra Bắc diễn, nhiều vị đầu ngành thì khẳng định: “Các bạn cần gì cứ đề xuất, chúng tôi sẽ hỗ trợ hết lòng”. Đó cũng lại là một thành công bất ngờ của một sân khấu tư nhân “em út” rồi. Giải thích điều này, tác giả Lê Duy Hạnh nói: “Bởi vì những gì ở đó đang đi vào lòng người, thế thôi!”.

HOÀNG OANH

Từ khóa » Nụ Cười Ghê Gớm