Nữ đan Viện Biển Đức Việt Nam

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

Nữ đan viện Biển Đức Việt Nam

NƠI NHỮNG NỮ TU SỐNG ĐỜI CHIÊM NIỆM Thánh Biển Đức (480-547) sáng lập dòng Biển Đức (Ordre de Saint Benoit - OSB) với tinh thần sống ẩn dật trong châm ngôn “Cầu nguyện và Lao động”. Trên thế giới, đời sống chiêm niệm Biển Đức có 418 đan viện, thuộc 21 Tu hội khác nhau chọn làm lẽ sống. Mỗi Tu hội gồm nhiều Tỉnh dòng, mỗi Tỉnh dòng có nhiều đan viện. Tại Việt Nam có 5 đan viện Biển Đức. Và chỉ duy nhất nơi đan viện Thánh Mẫu Maria ở quận Thủ Đức TP.HCM là có các nữ tu Biển Đức Việt Nam sống đời chiêm niệm. Hành trình 60 năm Năm 1953, Đức Giám mục Paul Seitz Kim, địa phận Kon Tum lúc bấy giờ, muốn mời các nữ tu ở đan viện Vanves đến Việt Nam cầu nguyện cho việc truyền giáo và nâng cao trình độ cho thiếu nữ người dân tộc. Ngày 30.6.1954, năm nữ tu đầu tiên là Colomban, Martin, Christine, Marie Boniface và Marie Bénédicte Phan Thị Cúc, đến Buôn Ma Thuột đúng ngày ký hiệp định Genève 20.7.1954. Các chị khởi sự xây dựng đan viện mới vào ngày 19.8.1954. Việc cất nhà nguyện được các nữ tu thực hiện cùng dân làng, theo kiến trúc nhà sàn dân tộc, sau này là Tòa Giám mục Ban Mê Thuột. Các chị đi vào các buôn làng kêu gọi thiếu nữ đến học nhân bản, nấu ăn, may thêu… Trong 10 năm đầu, do chiến tranh và thiếu kinh nghiệm, việc đào tạo hội nhập văn hóa không thuận lợi lắm. Theo lời mời của Đức Tổng Giám mục Sài Gòn Phaolô Nguyễn Văn Bình, 11 nữ tu Biển Đức từ cao nguyên rút về miền Nam ngày 15.2.1967, lập Đan viện Thánh Mẫu Maria tại Thủ Đức. Nữ tu Bénédicte Gautier được Mẹ Bề trên Cả ở Vanves (Pháp) bổ nhiệm phụ trách đan viện này. Các chị mở nhà tĩnh tâm, dạy lớp học tình thương và giáo lý cho dân nghèo trong vùng. Đầu năm 1975, dù đan viện nhận được lời mời di tản sang Úc trước tình hình chiến tranh và xã hội thay đổi nhưng cộng đoàn quyết định ở lại, sống chết cùng vận mệnh quê hương. Sau khi đất nước thống nhất, Mẹ Bénédicte Gautier và các nữ tu nước ngoài phải về Pháp. Nữ tu Emmanuel Lê Thị Hiên làm Bề trên người Việt đầu tiên của Đan viện Thánh Mẫu Maria giai đoạn 1976-1984. Dù đời sống gặp nhiều khó khăn, các nữ tu Đan trưởng Andrê Vũ Thị Tâm (nhiệm kỳ 1984-1995), Agnès Lê Thị Tố Hương (nhận trách vụ Đan trưởng những năm 1995-2013) và Marie Bernard Chu Thị Thủy - Đan trưởng hiện nay vẫn quyết tâm hướng dẫn chị em sống đời đan tu tích cực. Nhà nguyện Đan viện được xây mái ngói vững chắc, một số công trình sinh hoạt, phục vụ tĩnh tâm được hình thành. Nữ tu Emmanuel Lê Thị Hiên cộng tác với nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ, dịch thuật tài liệu Phụng vụ và Kinh Thánh. Đan viện rộng cửa đón nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh đến làm việc trong giai đoạn đầu. Từ năm 2000, được sự đón nhận của giáo phận Đà Lạt, một số chị Biển Đức thay phiên nhau lên canh tác và xây dựng cơ sở mới tại vùng Lộc Nam (xứ Lộc Thành, Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) để phát triển cộng đoàn. Đời sống cộng đoàn Đan viện Thánh Mẫu Maria của dòng Nữ Biển Đức Việt Nam hiện ở số 35/20 đường số 11, khu phố 3, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức TP.HCM, nhận Đức Mẹ Mông Triệu làm bổn mạng, mừng kính vào ngày 15.8. Đời sống cộng đoàn được xây dựng trong tình chị em, tuân phục, tôn kính lẫn nhau, hết sức chịu đựng bệnh tật hồn xác của nhau, không nghĩ đến mình mà tìm điều ích lợi cho người khác. Các nữ đan sĩ sống nghèo triệt để với ba lời khấn Vâng phục, Hoán cải và An định. Tu phục chung là áo chùng có yếm dài phía trước và lúp màu be, được chuyển đổi theo phong tục các địa phương. Tại Việt Nam, nữ tu Biển Đức mặc áo dài và đội lúp màu cà phê sữa nhạt, đeo thánh giá gỗ trơn, bốn chiều bằng nhau. Khi lao động, các chị mặc áo ngắn dài tay. Qua công việc làm vườn các nữ tu khám phá ra vẻ đẹp và quyền năng Chúa tàng ẩn qua cành cây ngọn cỏ, mời gọi con người cộng tác để thiên nhiên ngày thêm đáng yêu hơn. Để sinh sống, các chị may thêu, làm bánh lễ, làm biểu tượng icone, khung ảnh thánh, chuỗi hạt, nến… Một ngày của nữ đan sĩ bắt từ 3 giờ 45, khi tiếng cồng ở cạnh nhà nguyện vang lên đánh thức. Giờ Kinh sáng, nghe tu luật, nguyện gẫm và dâng thánh lễ lúc 6 giờ, sau đó có một giờ học tập và hơn hai giờ lao động. Buổi trưa bắt đầu với Kinh Giờ 6 lúc 11 giờ và khép lại khi đọc Kinh Giờ 9 lúc 13g45’. Ban chiều có một giờ học tập, hơn một giờ lao động và đọc Kinh Chiều, suy niệm Lời Chúa. Buổi tối, các chị sinh hoạt chung, cầu nguyện riêng hoặc đọc sách thiêng liêng cho đến 21g. Đan viện Thánh Mẫu Maria hiện có hơn 90 chị em, trong đó có 50 chị khấn trọn, 21 chị khấn đơn, 12 tập sinh và 11 thỉnh sinh cùng một số em dự tu. Cộng đoàn tuyển chọn thỉnh sinh có bằng tú tài hoặc tương đương, có một nghề càng tốt. Tập sinh sẽ học trong hai năm rồi khấn lần đầu, khấn sinh được đào tạo từ sáu đến chín năm. Tinh thần hiếu khách Khuôn viên đan viện toàn một màu xanh của cỏ, của cây. Những mái nhà tranh, cột gỗ làm nơi nghỉ chân bên bộ bàn ghế mộc mạc. Đời sống đan tu không khép kín với bốn bức tường mà mở ra với tinh thần hiếu khách của cộng đoàn. Theo tu luật, mọi người khách đến với đan viện đều được các chị nhiệt tình đón tiếp như đón tiếp Chúa Giêsu. Trong bầu khí tĩnh mịch và thinh lặng của đan viện, khách hành hương cảm nhận được sự thân thiện, tươi vui lan tỏa, dễ tìm về nội tâm, bổ sức cho tâm hồn. Các chị xây dựng một dãy nhà dành cho quý khách đến cấm phòng, linh thao. Nhiều linh mục, tu sĩ và các đoàn thể tìm đến đây như một địa điểm lý tưởng để tĩnh tâm. Giữa ồn ào náo nhiệt của đô thị, các nữ tu tạo điều kiện cho anh chị em mình tìm được sự bình an tâm hồn. Đan viện Thánh Mẫu Maria cũng là địa điểm đối thoại liên tôn, đón tiếp các tăng, ni, Phật tử đến chúc mừng, thăm viếng trong các ngày lễ lớn của Công giáo như Giáng Sinh, khấn dòng. Dịp Vu Lan, những lễ lớn của các chùa lân cận cũng thấy thấp thoáng tà áo dài các nữ tu đến hiệp thông. Vào giờ cơm, có những người khách nghèo và các bé học sinh bước vào xin, đều được cộng đoàn san sẻ cho họ ấm lòng. Các đan sĩ không ra ngoài làm công tác từ thiện, nhưng vẫn đóng góp với chính quyền địa phương trong việc giúp đỡ người neo đơn, góp quỹ xóa đói giảm nghèo. Một góa phụ trở nên đấng sáng lập dòng Bà Margueritte Waddington Delmas (1870 - 1952) là người Anh giáo, đưa gia đình có 6 con đến lập nghiệp ở Paris, nước Pháp. Sau khi chồng qua đời được 5 năm, bà đã xin gia nhập Công giáo, sống đời tận hiến phụng sự Chúa theo lời mời gọi của đan sĩ Biển Đức Jean Besse (1861-1920). Bà được Tòa Thánh chấp thuận cho lập dòng nữ Biển Đức Truyền giáo thuộc quyền giáo phận vào ngày 24.6.1921, sống đời đan tu với tinh thần hiếu khách. Năm 1928, cộng đoàn di chuyển nhà Mẹ về Vanves. Năm 1934, lập thêm đan viện tại Madagascar (châu Phi). Đến ngày 30.12.1987, được nâng lên là dòng tu thuộc quyền Đức Giáo hoàng với tên gọi dòng nữ Biển Đức Thánh Bathilde. Nữ Biển Đức Thánh Bathilde thuộc Tu hội Subiaco, hiện diện ở Pháp, Việt Nam, Madagascar và Benin (Châu Phi) với khoảng 200 nữ tu. Định kỳ ba năm, Mẹ Tổng quyền sẽ đến thăm các cộng đoàn. Nữ Biển Đức Việt Nam cũng có mặt trong những sinh hoạt chung: Tổng Tu nghị Hội dòng Nữ Biển Đức Thánh Bathilde triệu tập bảy năm một lần, Đại hội Nữ Biển Đức quốc tế bốn năm một lần, Đại hội Nam Nữ Biển Đức Đông Á mỗi hai năm, Gặp gỡ Liên đan tu Biển Đức-Xitô Việt Nam hàng năm... VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1974 ra ngày 12.09.2014, trang 20 và 21.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ Đăng ký: Đăng Nhận xét (Atom)

Lưu trữ Blog

  • ▼  2014 (88)
    • ▼  tháng 9 (8)
      • Phái đoàn Tòa Thánh Vatican sang Việt Nam họp vòng...
      • Niềm vui Trung Thu 2014
      • Nữ đan viện Biển Đức Việt Nam
      • Lễ Đính hôn Tấn Phương + Ngọc Lê 8.9.2014
      • Công giáo Việt Nam 5 Châu tháng 8.2014
      • 1 năm ra mắt ca đoàn Mân Côi Trung Lao miền Nam
      • Lễ nhận giáo phận Mỹ Tho của Đức Giám mục Phêrô Ng...
      • Gx Chính tòa TP.HCM từ giã Giám mục Phêrô Nguyễn V...

Giới thiệu về tôi

Vu Do Hoang tuan Xem hồ sơ hoàn chỉnh của tôi

Từ khóa » đan Viện Biển đức Nữ Thủ đức