Nữ Thủ Lĩnh Của Nhiều Dự án Công Nghệ Trọng điểm ở VTSoft 2

Zalo Facebook Twitter Lưu bài viết Bản in Copy link Nữ thủ lĩnh của nhiều dự án công nghệ trọng điểm ở VTSoft 2 ảnh 1Nguyễn Trần Ngọc Linh (áo vàng), nữ thủ lĩnh của nhiều dự án công nghệ trọng điểm ở VTSoft 2. (Nguồn: Viettel)

29 tuổi, Nguyễn Trần Ngọc Linh hiện đang là một trong bảy trưởng trung tâm trực thuộc VTSoft 2, chịu trách nhiệm về năm dự án thuộc lĩnh vực Big Data. Năng động, sáng tạo, tự tin và xinh xắn là ấn tượng mà những người mới gặp cảm nhận về Linh.

Khó khăn chỉ là thứ thách để trưởng thành

Chúng tôi gặp nhau sau những ngày Ngọc Linh tham dự vòng chung kết cuộc thi ASEAN ICT Awards 2016 tại Myanmar. Ngọc Linh kể rằng, 14 tuổi, không giống bạn bè nữ cùng trang lứa, người thích làm bác sỹ, người thích làm giáo viên... Linh nghĩ mình phải là một lập trình viên! Không nghề nào khác!

Nghĩ là làm, cô lao đầu vào học, bất chấp các rào cản về thiếu thốn công nghệ, những cái “chậc lưỡi” của mọi người: con gái ai lại đi làm lập trình viên, làm cái nghề đấy chỉ khổ thôi… Thế nhưng Linh cứ miệt mài, bền bỉ như một chú kiến, rồi cũng tiến tới thành công của đầu đời là Giải nhất Quốc gia môn Tin học, rồi Giải lập trình Sinh viên Nhật Bản...

Tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội loại giỏi, năm 2010, Ngọc Linh đầu quân vào Trung tâm Phần mềm Viễn thông Viettel (cũ) nay là Trung tâm Phần mềm Viettel 1 và 2 (VTSoft1, VTSoft2) với tự tin và khát vọng môi trường làm việc của Viettel sẽ giúp mình thể hiện hết khả năng, kiến thức mình học được trong bao nhiêu năm, sẽ cùng mọi người đưa Viettel phát triển.

“Chân ướt chân ráo” vào làm lập trình viên, lại là con gái nên ngay từ những ngày đầu, Ngọc Linh “bị” các đồng nghiệp nam “đặt nhẹ” sang một bên, chỉ giao các việc nhẹ nhàng, đơn giản, chưa được tham gia các công việc nặng, mang tầm quy mô lớn. Nhưng những thành công ban đầu từ các dự án nhỏ đã giúp năng lực của Ngọc Linh dần được khẳng định.

“Đến năm 2013 mình được làm dự án xây dựng nền tảng cho hệ thống kho dữ liệu kinh doanh tập trung Viettel BI và được giao trọng trách nghiên cứu công nghệ Big Data để phục vụ giải quyết yêu cầu lượng dữ liệu ngày càng gia tăng và bài toán xử lý phức tạp hơn với dữ liệu viễn thông Viettel. Đây có thể nói là cái duyên đầu tiên đưa mình tới lĩnh vực Big Data,” Ngọc Linh nhớ lại.

Mừng vui vô hạn, nhưng lo lắng cũng không hề nhỏ. Bởi vào thời điểm đó, lĩnh vực Big Data còn rất mới đối với Viettel nói riêng và Việt Nam nói chung, thậm chí trên thế giới cũng ít công ty nghiên cứu về nó. Đã vậy, Ngọc Linh còn thử thách với công nghệ mới nhất trong xử lý dữ liệu lớn thời đó là công nghệ Apache Spark, do đó càng khó khăn, vất vả.

Trong quá trình làm gặp rất nhiều lỗi và có những lỗi mắc phải không biết tìm ai để trả lời, lúc bế tắc thực sự, Ngọc Linh đã nghĩ đến việc đề xuất với lãnh đạo bỏ công nghệ này đi, quay lại các công nghệ thường dùng thời ấy, tuy nhiên, với tính “gan lì” của mình và được sự động viên của lãnh đạo, đồng nghiệp, Ngọc Linh đã chịu khó mày mò, tìm hiểu được phần cốt lõi của công nghệ này với các cơ chế xử lý tối ưu để đưa ra một nền tảng ổn định và đáp ứng tốt nhu cầu triển khai Big Data của Tập đoàn.

Để đến hôm nay, công nghệ đó chính là nền tảng của Hệ thống Phân tích xử lý Big Data theo thời gian thực (Viettel Realtime Big Data Analytics – vRTAP) đang phục vụ rất nhiều dự án lớn của VTSoft2.

Bên cạnh đó, hai chứng chỉ quốc tế uy tín trong lĩnh vực Big Data cũng là thành quả ghi nhận cho quá trình mày mò, tự làm chủ công nghệ của Ngọc Linh.

Thành công chỉ là hành trang để bước tiếp

Với khả năng đã được kiểm nghiệm qua những dự án thực tế, Ngọc Linh đã được ban lãnh đạo tin tưởng, giao trọng trách đứng đầu Trung tâm Phân tích dữ liệu lớn - BDA (Big Data Analytics) trực thuộc VTSoft2.

Hiện nay, đây là nơi đang nghiên cứu và triển khai năm dự án về Big Data tại Viettel: Hệ thống kho dữ liệu tập trung Viettel BI; Hệ thống Kho dữ liệu tri thức khách hàng (Customer Insight); Hệ thống BI Chi Nhánh; Hệ thống Quản lý chiến dịch (Campaign Management); Hệ thống Giám sát thông tin trực tuyến (Social Media Monitoring Center). Những dự án này đã và đang góp phần không nhỏ vào nhiều lĩnh vực của Tập đoàn như kinh doanh, truyền thông, chăm sóc khách hàng...

Ngoài ra, Ngọc Linh cho biết thêm: “Trong sáu tháng cuối năm 2016, chúng tôi sẽ triển khai một số hệ thống lớn như là Kho dữ liệu kinh doanh tập trung (Viettel BI - swap chuyển hệ thống BI ZTE), Quản lý chiến dịch (Campaign Management) cho Viettel Telecom với mong muốn sẽ tạo ra hệ thống tối ưu, hiệu quả nhất góp phần vào công tác hỗ trợ kinh doanh.”

Những cố gắng, nỗ lực không biết mệt mỏi của Ngọc Linh và nhóm Big Data VTSoft2 đã bước đầu “kết quả ngọt,” cuối tháng 4/2016, vượt qua 90 đề cử phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin từ 67 doanh nghiệp, hai phần mềm Hệ thống giám sát thông tin trực tuyến (SMMC), Kho dữ liệu thi thức khách hàng (Viettel Customer Insight) đã được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) trao danh hiệu Sao Khuê 2016.

Chỉ sau đó một thời gian, đầu tháng 08/2016, phần mềm Customer Insights đã vượt qua hơn 100 sản phẩm từ chín nước ASEAN trở thành một trong hai sản phẩm đại diện cho Việt Nam tham dự Chung kết cuộc thi công nghệ thông tin - TT AICTA 2016 (ASEAN ICT Awards 2016 tại Myanmar, “đây chính là thành quả đáng khích lệ để anh chị em Big Data cố gắng làm việc hơn nữa trong tương lai,” Linh nhấn mạnh.

Thế nhưng, không dừng lại ở đó, Ngọc Linh còn có một đích đến xa hơn, đầy thử thách, đó là đưa Trung tâm BDA trở thành trung tâm công nghệ cao có khả năng quản trị nền tảng Big Data và tham gia vào các tổ chức xây dựng nền tảng Big Data trên quy mô toàn cầu.

Hiểu rõ cần phải làm gì để đạt được mục đích này, Ngọc Linh rất chú trọng vào công tác đào tạo, nâng cao tay nghề, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân và các đồng nghiệp. Bên cạnh việc quản lý các dự án, Ngọc Linh còn chủ động tìm kiếm, đề xuất các khóa học hay mời các chuyên gia Big Data từ Mỹ, Australia về giảng dạy. Đồng thời, cô còn cùng mọi người tổ chức các nhóm nhỏ học tập, trao đổi kinh nghiệm về Big Data, xung phong làm “giảng viên” dạy các môn như khai phá dữ liệu, cấu trúc dữ liệu giải thuật, công nghệ tổ chức và xử lý dữ liệu lớn. Đặc biệt, cô còn mở lớp luyện tiếng anh TOEIC cho các đồng nghiệp để đạt được mức mà Tập đoàn yêu cầu.

Ngọc Linh hy vọng với tất cả các việc làm của mình sẽ là động lực truyền cảm hứng cho mọi người cùng học tập, cùng nghiên cứu, từ đấy dần dần tiến tới mục tiêu xây dựng một trung tâm Big Data mang tâm quốc tế.

29 tuổi, là nữ quản lý duy nhất trong bảy trung tâm trực thuộc VTSoft2, với 20 con người, năm dự án lớn về Big Data đang triển khai, Ngọc Linh nhiều lúc “cảm thấy công việc thực sự là áp lực, song cũng rất thú vị và đầy thách thức, đòi hỏi mình phải luôn cố gắng học hỏi, tìm tòi nghiên cứu, cập nhật các tri thức mới về công nghệ thông tin đương đại, đặc biệt, phải luôn giữ cái tâm, giữ sự kiên định trong nghề để làm ra sản phẩm tốt nhất cho khách hàng,” Linh cho biết thêm.

Làm việc ở Viettel, đó là một môi trường đầy thử thách, đòi hỏi sự nỗ lực, vươn lên không ngừng của mỗi cá nhân nhưng chính vì thế mà người Viettel nói chung và người Phụ nữ Viettel nói riêng sáng tạo hơn, tự tin hơn, trưởng thành nhanh hơn. Và những nỗ lực, cống hiến không biết mệt mỏi đó luôn được lãnh đạo các đơn vị, Tập đoàn ghi nhận, tưởng thưởng xứng đáng, cũng như tạo điều kiện tốt nhất để phát huy tối đa tiềm năng sẵn có của từng cá nhân./.

Trong kỷ nguyên số hóa, Big Data ngày càng được sử dụng rộng từ thương mại, tài chính, viễn thông, y tế, giao thông vận tải cho tới an ninh và nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống. Big Data cho phép các doanh nghiệp có được nguồn thông tin chính xác, hữu ích qua việc phân tích dữ liệu, đánh giá thói quen, tâm lý, nhu cầu của khách hàng để làm cơ sở cho các hoạt động kinh doanh, marketing. Qua đó, các doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh nhất, hiệu quả nhất đến đúng đối tượng khách hàng mục tiêu, giúp giảm chi phí, thúc đẩy quá trình phát triển, tối ưu hóa sản phẩm, ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ tới khách hàng. Ví dụ như hệ thống BI Chi Nhánh (là hệ thống hỗ trợ khai thác số liệu nhanh cho các đơn vị và các chi nhánh thuộc VTT), nếu như trước đây, sử dụng quy trình cũ, thời gian cho một yêu cầu số liệu thường mất 2-3 ngày, áp dụng BI Chi Nhánh thời gian chỉ còn 10 phút, khả năng đáp ứng 2.500 yêu cầu/tháng (gấp 30 lần so với lấy thủ công). Còn đối với hệ thống Quản lý chiến dịch đã đáp ứng theo mức 2-5 phút thay vì dữ liệu cước trễ một ngày như hiện tại. Nhờ đó, trong vòng một tháng, hệ thống đã góp phần kích thích tăng khách hàng mới sử dụng 3G, qua đó tăng trưởng gần 27 tỷ đồng doanh thu data, đồng thời kích thích tăng thêm 6,6 tỷ đồng doanh thu thoại (theo số liệu báo cáo của Tổng công ty viễn thông Viettel tháng 03/2016). Hay hệ thống Giám sát thông tin trực tuyến (Social Media Monitoring Center - SMMC) tự động gửi báo cáo; phát hiện, phân tích, sàng lọc các thông tin tiêu cực, khủng hoảng về khách hàng trên mạng... giúp doanh nghiệp kiểm soát và xử lý được các vấn đề một cách nhanh chóng. Hiện nay, hệ thống này đang được áp dụng cho Viettel và hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam.

(Vietnam+)

Từ khóa » Nguyễn Ngọc Linh Viettel