Nửa Mưa, Nửa Nắng Là Em... - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

Nửa mưa nửa nắng, là em;Nắng thưa mưa nhặt, vườn thêm bùi ngùiLòng anh: quả lựu chín mùi,Lắm khi vừa vỡ vừa cười - đó em 1961

“Tứ tuyệt là một thể thơ rất khó, phải tập trung, hàm súc, và cần có một sáng tạo gì như là một sự bất ngờ, một uẩn khúc trong 4 câu". (Trích "Dao có mài có sắc" - NXB Văn học, 1963)

"Lục bát là thể thơ tưởng như rất dễ, nhưng thật là khó viết, vì viết rất khó hay. Làm sao cho giản dị thanh thoát và không tầm thường, dung tục... Riêng bản thân tôi rất ít viết lục bát, vì rất sợ nó, tôi biết mình sẽ dễ thất bại" (Trích "Công việc làm thơ" - NXB Văn học, 1984).

Đó là những ý kiến của Xuân Diệu tâm sự về nghề, nhân một lần ông biểu dương thơ tứ tuyệt của Chế Lan Viên và khen thơ lục bát của Huy Cận.

Vậy mà bài thơ trên lại phải tổng hợp hai cái "khó" ấy: Vừa là thơ tứ tuyệt, vừa được viết theo thể lục bát (và được chụp in trang trọng ngay đầu "Tuyển tập Xuân Diệu" - NXB Văn học, 1983, dưới dạng bút tích). Phải chăng, với riêng bài này, Xuân Diệu thực sự tin vào thành công của mình?

ở đời, trong tự nhiên cũng như trong tâm tính con người, không gì đáng sợ bằng sự thất thường. Nắng mưa bất thần có thể làm con người sinh bệnh. Nóng lạnh đột ngột có thể làm vỡ cốc. Và sự đỏng đảnh, "lấp lửng" của "phía này", chính là nguyên nhân gây nên sự dằn vặt, đau khổ của "phía khác", khi yêu! Thơ Nguyễn Bính trước đây từng than:

Gió mưa là bệnh của giờiTương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

Xuân Diệu khác với Nguyễn Bính - ông không đơn phương. Cái "nửa mưa nửa nắng" dẫu khi "thưa" khi "nhặt" trên vườn tình, thì vẫn còn níu lại một quan hệ, rọi một tia hy vọng. Song, đó mới chính là cái làm cho con người đa cảm, nhất là đa cảm như Xuân Diệu phải héo hon sầu khổ. ở đây Xuân Diệu ví lòng mình: "Lòng anh: quả lựu chín mùi" thật là sáng tạo. Quả lựu chịu nhiều thất thường mưa nắng, dồn nén đến một lúc nào đó vỡ bung ra, phô những hạt lựu - như răng cười (xưa người ta vẫn ví các bà các cô có hàm răng hạt lựu). Vỡ mà vẫn như cười!... Liên tưởng này của Xuân Diệu làm tôi nhớ tới một chuyện: Có người đàn bà thật hảo tâm, rất quý trẻ con, song hễ cứ mỗi lần bế đùa, cười nựng chúng là chúng lại khóc thét, vì bộ răng vẩu của bà trông ghê quá! Đó là một bi kịch! Song, khi người ta bên trong "như vỡ mảnh gương trong lòng" (vẫn thơ Xuân Diệu), mà bên ngoài cứ phải cười tươi, đóng bộ dạng cười (một thứ Guynplên - nhân vật trong tiểu thuyết "Thằng cười" của Víchto Huygô) thì thực chất lại còn bi kịch hơn!

Bài thơ chỉ với 4 câu mà có mở, có khép, có "bài binh bố trận", và giỏi là vẫn giữ được cái hơi lục bát rất quyến rũ (mấy chữ mưa - nắng- em của câu 1 và mấy chữ thưa - nhặt - thêm của câu 2 đã tạo ra sự luyến láy rất lý thú. Đây là hai câu thơ có sự cài vần ở mức độ hiếm thấy trong thơ ta), có thể nói ứng xử nghệ thuật của tác giả đã đạt tới trình độ diệu nghệ (đúng như những tiêu chuẩn ông đặt ra). Người ta nói "Sợ của nào - hay là ghét, ở trường hợp Xuân Diệu, sợ thì đúng hơn - trời trao của ấy". Bài thơ này là một minh chứng cho hiện tượng đó chăng?

Từ khóa » Bài Thơ Về Quả Lựu