Nức Tiếng Mãng Cầu Bà Đen - Nông Sản Việt

Vì sao mãng cầu Bà Đen nổi tiếng?

Vùng đất Nam Bộ xưa nay nổi tiếng là vựa trái cây lớn nhất của cả nước. Tại Tây Ninh, mãng cầu Bà Đen là một đặc sản. Chiếm tới hơn 40% thị phần mãng cầu cả nước, mãng cầu Bà Đen đang được xem là một trong những mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế lớn của địa phương.

Những vườn mãng cầu VietGAP quanh chân núi bà đen. Ảnh: Trần Trung.

Những vườn mãng cầu VietGAP quanh chân núi bà đen. Ảnh: Trần Trung.

Theo người dân địa phương, mãng cầu được trồng tại nhiều nơi trên cả nước. Tuy nhiên, chỉ ở Tây Ninh, đặc biệt là khu vực quanh chân núi Bà Đen thì loại cây này mới phát huy hết được phẩm chất của mình bởi khu vực núi Bà Đen có khí hậu quanh năm ôn hòa, ban ngày nhiều nắng nhưng không quá gay gắt, đêm kéo dài và nhiệt độ thấp tạo sự kích thích và thúc đẩy mãng cầu ra hoa.

Đặc biệt, chính sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm ở đây bình quân khoảng từ 8 – 10 độ C và sự chênh lệch nhiệt độ giữa các mùa trong năm khoảng từ 1,5 – 3 độ C đã tạo sự ổn định khí hậu, giúp mãng cầu có thể ra hoa kết trái quanh năm. Bên cạnh đó, vùng núi Bà Đen còn có chất đất xám điển hình trên nền phù sa cổ, cùng với địa hình triền núi dốc thoai thoải không úng nước nên rất thích hợp cho việc trồng mãng cầu, một loại cây trồng nông và không chịu được ngập.

Vùng núi Bà Đen còn có chất đất xám điển hình trên nền phù sa cổ giúp mãng cầu nơi đây có được những phẩm chất khác biệt từ hương vị, chất lượng. Ảnh: Trần Trung.

Vùng núi Bà Đen còn có chất đất xám điển hình trên nền phù sa cổ giúp mãng cầu nơi đây có được những phẩm chất khác biệt từ hương vị, chất lượng. Ảnh: Trần Trung.

Từ khí hậu, thổ nhưỡng tạo nên hình thái và chất lượng trái mãng cầu nơi đây có nhiều khác biệt. Theo đó, trái mãng cầu Bà Đen có hình khối cầu dạng trái tim tròn, trước khi chín có màu xanh lục, khi chín màu xanh sáng hơi vàng. Vỏ ngoài trái có nổi nhiều múi núm chỏm hoặc lì, giữa các núm có khe, khi chín thì nở lớn ra thành các rãnh màu trắng.

Mỗi trái có đường kính trung bình trên dưới 7,8 cm, trọng lượng trung bình đạt gần 200 gram; số trái trung bình mỗi kg khoảng 5 trái; năng suất trung bình mỗi cây khoảng 10 kg. Thịt trái mãng cầu Bà Đen chiếm khoảng 70% trái, có màu trắng ngà, các múi dính liền nhau. Độ ngọt (tính theo độ Brix) khoảng 25%. Mãng cầu Bà Đen có hương thơm hoa hồng, có tỷ lệ đạm, đường tổng, năng lượng (calories) cao với độ PH trung tính. Ngoài ra trong thịt trái mãng cầu còn có chứa nhiều nguyên tố vi lượng như kali, sắt, canxi, magiê, natri, kẽm, đồng, măng-gan…

Trái mãng cầu Bà Đen có hình dạng đẹp và bắt mắt. Ảnh: Trần Trung.

Trái mãng cầu Bà Đen có hình dạng đẹp và bắt mắt. Ảnh: Trần Trung.

Đưa mãng cầu vào chuỗi, lợi cả đôi đường

Hiện tại, các xã ven chân núi Bà Đen và vùng phụ cận đã trở thành vùng chuyên canh mãng cầu lớn nhất cả nước với diện tích khoảng 5000 ha. Tuy là cây truyền thống của địa phương nhưng cũng có thời gian, mãng cầu bị người tiêu dùng, đặc biệt là người dân trồng loại cây này quay lưng vì lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khiến sản phẩm không có đầu ra. Đứng trước khó khăn đó, người dân địa phương đã từng bước thay đổi tập quán canh tác, bắt tay nhau liên kết sản xuất. Từ đó, các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) lần lượt ra đời. Trong đó, HTX mãng cầu Thạnh Tân là một trong HTX tiên phong  tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất, đưa sản phẩm sạch đến tận tay người tiêu dùng.

Ông Hà Chí Mãng (áo Trắng) giới thiệu mô hình canh tác mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP với đối tác. Ảnh: Trần Trung.

Ông Hà Chí Mãng (áo Trắng) giới thiệu mô hình canh tác mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP với đối tác. Ảnh: Trần Trung.

 “Với tiêu chí “4 không” gồm: không sử dụng thuốc trừ sâu bằng hóa chất, không phun thuốc tăng trưởng, không bón phân vô cơ, không thuốc bảo quản; và “4 đúng”: đúng phân thuốc hữu cơ sinh học, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách.  Mục đích của hướng canh tác này là không chỉ chú trọng phát triển sản xuất ở hiện tại mà còn tính tới tương lai trong việc cải tạo đất, làm cho đất ngày càng màu mỡ, tốt hơn, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững trên vườn cây của người nông dân. Một điều quan trọng nữa là sản phẩm mà nông dân làm ra sẽ được thị trường đón nhận, nâng niu hơn sản phẩm thông thường”, ông Mãng chia sẻ.

Nhờ quy trình chăm sóc chuẩn,1 ha mãng cầu có thể mang lại cho các thành viên HTX lợi nhuận khoảng 200-300 triệu đồng/năm. Ảnh: Trần Trung.

Nhờ quy trình chăm sóc chuẩn,1 ha mãng cầu có thể mang lại cho các thành viên HTX lợi nhuận khoảng 200-300 triệu đồng/năm. Ảnh: Trần Trung.

Ông Mãng cho biết thêm, nhờ đẩy mạnh liên kết, sản phẩm của HTX đã được đưa vào các hệ thống siêu thị và cửa hàng nông sản sạch. Sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Với sự hiệu quả của mô hình sản xuất, HTX đã thu hút được 18 thành viên chính thức và 190 hộ liên kết với diện tích canh tác 90 ha, tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng các kỹ thuật tiến tiến như áp dụng công nghệ tưới để tiết kiệm nước, bảo quản để chậm chín… Là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao so với nhiều loại cây khác. Nếu được đầu tư, canh tác bài bản, 1 ha mãng cầu có thể mang lại cho người nông dân lợi nhuận khoảng 200-300 triệu đồng/năm.

Chế biến sâu, đưa mãng cầu vươn xa

Theo ông Mãng, để mãng cầu vươn xa, bên cạnh thay đổi phương thức canh tác, trăn trở của ông cũng là nỗi niềm chung của những người trồng mãng cầu nơi đây là mãng cầu có nhược điểm là chín rất nhanh, việc xuất bán sản phẩm đến địa phương khác hoặc ra nước ngoài cũng là bài toán khó. Nếu mãng cầu chín rộ, sẽ dẫn đến thị trường thừa hàng, cung vượt cầu, ắt giá cả sẽ sụt giảm… Từ lâu, ông đã “để ý” và quan tâm đến lĩnh vực chế biến thực phẩm từ nông sản tại địa phương. Do đó, ông Mãng nung nấu ý định chế biến trái mãng cầu thành nhiều loại sản phẩm như trái mãng cầu đóng hộp, nước ép mãng cầu, kẹo mãng cầu và rượu mãng cầu…

Công trình nhà máy chế biến và nhà trưng bày sản phẩm đã hoàn thành chuẩn bị được đưa vào hoạt động. Ảnh: Trần Trung.

Công trình nhà máy chế biến và nhà trưng bày sản phẩm đã hoàn thành chuẩn bị được đưa vào hoạt động. Ảnh: Trần Trung.

Từ những trăn trở và sự đam mê thôi thúc ông Mãng tiến hành xây dựng đề án xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm từ trái mãng cầu. Vừa qua, HTX được UBND tỉnh phê duyệt với tổng số vốn đầu tư hơn 13 tỷ đồng, trong đó vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2019- 2020 hỗ trợ 10,5 tỷ đồng, HTX đối ứng phần còn lại. Dự án gồm các hạng mục, nhà máy xử lý bảo quản chậm chín trái mãng cầu và nhà máy chế biến, đóng hộp nước mãng cầu theo tiêu chuẩn HACCP công suất 2-5 tấn trái/ngày, cửa hàng giới thiệu sản phẩm…

"Do ảnh hưởng dịch Covid-19, hiện tiến độ xây dựng nhà máy đã hoàn thành 90%, dự kiến cuối năm nay, nhà máy đi vào hoạt động, qua đó giải quyết một lượng lớn đầu ra cho trái mãng cầu của HTX và người trồng mãng cầu trong vùng dự án, chấm dứt tình trạng mãng cầu bán giá thấp do không bảo quản được lâu, qua đó còn giúp nâng cao giá trị trái mãng cầu, cải thiện thu nhập cho người nông dân", ông Mãng cho biết thêm.

Công ty cổ phần NATANI thu mua mãng cầu của người dân trong vùng liên kết để sơ chế, chế biến. Ảnh: Trần Trung.

Công ty cổ phần NATANI thu mua mãng cầu của người dân trong vùng liên kết để sơ chế, chế biến. Ảnh: Trần Trung.

Bên cạnh HTX Thạnh Tân, với vùng nguyên liệu liên kết mãng cầu được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 100 ha, tại các xã Tân Bình, Thạnh Tân (TP. Tây Ninh), xã Phan (huyện Dương Minh Châu) và khu vực quanh núi Bà Đen, công ty cổ phần NATANI cũng đã và đang chế biến sâu sản phẩm nâng cao giá trị trái mãng cầu địa phương. Hiện các sản phẩm của công ty đã được đưa ra thị trường và được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt.

Các sản phẩm chế biến sâu của công ty cổ phần NATANI xuất hiện tại nhiều của hàng OCOP. Ảnh: Trần Trung.

Các sản phẩm chế biến sâu của công ty cổ phần NATANI xuất hiện tại nhiều của hàng OCOP. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Nguyễn Thế Tân, Giám đốc công ty cổ phần NATANI, hiện nay, sản phẩm mãng cầu của công ty đã có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn trong nước như: Aeon (Nhật), E-mart (Hàn Quốc), BigC, Co.opMart; các chuỗi cửa hàng tiện ích như Bách Hoá Xanh, VinMart… cùng thị trường một số tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Ngoài thị trường trong nước, một số công ty đang hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của NATANI để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nga và các nước Trung Đông. Tuy nhiên, lượng hàng xuất khẩu chưa nhiều, hiện tại chiếm khoảng 20% tổng sản lượng.

“Chiến lược phát triển của công ty là trái cây tươi chiếm khoảng 30% sản lượng, còn 70% sẽ đưa qua những sản phẩm chế biến sau thu hoạch như mứt, nước ép, rượu vang… để đa dạng hoá sản phẩm cũng như nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, phát triển bền vững trái mãng cầu Tây Ninh”, ông Tân chia sẻ.

UBND tỉnh Tây Ninh vừa tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP Tây Ninh năm 2021, qua đó đánh giá xếp loại được 18 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Trong đó, 3 sản phẩm từ trái mãng cầu gồm trái mãng cầu, rượu mãng cầu và nước ép mãng cầu được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đánh giá đạt hạng 4 sao.

“Được chứng nhận OCOP là bước ngoặt quan trọng góp phần nâng cao giá trị sản phẩm mãng cầu, sau mãng cầu trên thị trường. Địa phương kỳ vọng, thông qua chương trình sẽ làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự tin, sáng tạo khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân, hướng người dân vào kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo ra nhiều công ăn việc làm ở khu vực nông thôn…”, ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh nhấn mạnh.

Từ khóa » Cầu Bà Sản