Núi Cánh Diều Và Nhà Máy điện Ninh Bình
Có thể bạn quan tâm
Núi Cánh Diều ở Ninh Bình còn có tên là núi Ngọc Mỹ Nhân. Núi có tên là Ngọc Mỹ Nhân là theo huyền thoại, do một tiên nữ giáng trần, hoá đá mà thành núi. Đứng từ phía Bắc, mạn Cao Bồ nhìn về nam hoặc đứng ở Cầu Yên nhìn về bắc núi có hình dáng một cô gái nằm ngửa. Có đầy đủ thể hình của một cô gái đẹp! Chân núi có đền Tiên Sơn thờ Tiên Nữ. Núi có tên Cánh Diều là theo truyền thuyết dân gian, khi Cao Biền, tướng của nhà Đường cuối thế kỷ thứ 9 làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ cai trị nước ta. Cao Biền thường bay trên diều giấy, trấn yểm các huyệt đạo đế vương nước ta. Đến núi Ngọc Mỹ Nhân, diều không qua khỏi, rơi xuống núi. Nên dân gian gọi là núi Cánh Diều. Việc trấn yểm của Cao Biền cũng chỉ dừng lại ở đây. Đất Nam Định và Thanh Hoá trở vào vẫn còn Huyệt Đạo Đế Vương.
Khoảng đầu thập niên 1970, TQ giúp ta xây dựng nhà máy nhiệt điện, giải quyết nhu cầu điện năng cấp bách lúc bấy giờ. Phía bạn muốn chọn núi Cánh Diều. Cho rằng thuận lợi cho việc bảo vệ nếu có tấn công bằng không quân. Phía ta thì muốn xuôi về hạ lưu sông Đáy để thuận lợi cho vận chuyển than và tránh ô nhiễm bụi than cho thị xã Ninh Bình lúc đó. Trong sâu xa còn có một lý do mà chỉ có các bậc cao niên lúc đó dỉ tai với chúng tôi. Đó là lý do tâm linh: vấn đề huyệt đạo của núi Cánh Diều. Nhưng lý do này không ai dám nêu chính thức. Nếu nêu lên thì bị coi là mê tín dị đoan. Một điều cấm kỵ lúc bấy giờ. Cuối cùng thì yêu cầu về bảo vệ đã thắng. Nhà máy nhiệt điện đã được xây dựng ở ngay chân núi Cánh Diều! Khi xây dựng xong thì ống khói của nhà máy điện lại cao gần bằng hai núi
Cánh Diều! Các bậc cao niên ở Ninh Bình dẫn chúng tôi ra Cầu Yên nhìn về phía bắc. Thì ôi thôi! Ống khói nhà máy giống như một cái "dương vật" đâm thẳng vào đúng "chỗ hiểm" của Ngọc Mỹ Nhân! Người già thì nói núi Cánh Diều bị "yếm". Người trẻ thì nói Ngọc Mỹ Nhân bị "hãm hiếp"...!!! Thật là buồn!!!
Khi nhà máy nhiệt điện đi vào hoạt động, khói bay mù trời. Than đốt cháy không hết, theo khói, theo xỉ, theo nước làm mát được nước mưa cuốn trôi chạy theo ra sông Sào Khê . Than lắng đọng lại. Người dân vớt lên để dùng, gọi là than qua lửa. Một thời, than qua lửa nuôi sống nhiều người ở Ninh Bình. Nhờ than qua lửa, với nguồn đá vôi sẵn có ở đây, các lò vôi mọc lên như nấm ở hai bên bờ sông Sào Khê!
Đến cuối thập niên 1990, các nước nối lại viện trợ, nhờ công nghệ tiên tiến mới khắc phục được tình trạng bụi than!
Khoảng năm 2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam muốn mở rộng nhà máy điện Ninh Bình lên thêm 600MW sử dụng vốn vay của Nhật Bản. Đầu tư mở rộng thì lợi thế hơn nhiều. Vừa tiết kiệm vốn lại làm nhanh hơn. Hai bên đã xem xét lập dự án để thu xếp vốn vay. Các anh lãnh đạo Ninh Bình biết tin, có công văn phản đối. Thủ tướng Chính phủ triệu tập họp. Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam bảo vệ ý kiến mở rộng nhà máy nhiệt điện Ninh Bình. Các anh ở Ninh Bình báo cáo Thủ tướng về chiến lược phát triển của Ninh Bình trong thời gian tới là phát triển du lịch. Nếu làm nhà máy nhiệt điện ở đây thì không thể nào phát triển du lịch. Vì núi Cánh Diều là một điểm du lịch hấp dẫn. Tôi ủng hộ ý kiến của Ninh Bình. Và nói thêm:”- Báo cáo Thủ tướng, ngoài lý do phát triển du lịch, còn có một lý do khác là tâm linh….”. Tôi mới kể lại toàn bộ câu chuyện từ khi làm nhà máy nhiệt điện 100MW hồi đầu thập niên 1970. Ý kiến của các bậc cao niên ở Ninh Bình ra sao. Khi xây dựng xong thì ý kiến của mọi người dân đều cho là Ninh Bình bị yểm và Ngọc Mỹ nhân bị hãm h…như thế nào cho thủ tướng và mọi người nghe. Thủ tướng cùng với lãnh đạo bộ Công Thương, EVN vẫn e ngại phía Nhật Bản đã làm công việc chuẩn bị khá lâu. Thuyết phục bạn chuyển địa điểm sẽ khó. Tôi nhận việc thuyết phục phía Nhật Bản.
Ngay sau cuộc họp tôi gặp Đại sứ Nhật Bản cùng các cộng sự của ông. Tôi đã nói với đại sứ về nguyên do phải di chuyển nhà máy nhiệt điện 600MW do Nhật Bản giúp xây dựng ra khỏi địa điểm dự kiến. Lý do về đảm bảo môi trường sống, môi trường cho phát triển du lịch. Đặc biệt là lý do tâm linh và cũng là mong muốn của người dân.
Đại sứ Nhật Bản nói:
- Về lý do môi trường đảm bảo yêu cầu cho du lịch thì việc đặt nhà máy nhiệt điện ở địa điểm hiện tại thì công nghệ của Nhật Bản hoàn toàn đàm bảo. Sẽ không có việc chất thải làm ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt của người dân. Còn về lý do tâm linh và ý nguyện của người dân thì chúng tôi phải nghiêm túc xem xét. Viện trợ của Nhật Bản luôn luôn lấy tiêu chí đảm bảo phù hợp với mong muốn, yêu cầu của người dân làm tiêu chí đầu tiên!
Sau cuộc họp với đại sứ, tôi và đại sứ Nhật Bản đã cử một đoàn xuống khảo sát hiện trường và thăm dò ý kiến của dân. Phía Nhật Bản cử tham tán kinh tế và trưởng Đại diện Jica tại Hà Nội. Tôi cử Vụ trưởng và chuyên viên vụ Kinh tế đối ngoại cùng đi khảo sát. Tôi dặn anh em phải đưa bạn đến Cầu Yên, đứng trên cầu nhìn về phía bắc. Mọi người làm đúng như vậy. Đứng trên cầu nhìn về phía bắc. Nhìn đúng hình Ngọc Mỹ Nhân bị "hãm hiếp"... Mọi người gọi điện cho tôi và cùng cười!
Khi đi về em vụ Kinh tế đối ngoại báo cáo với tôi: tình hình rất tốt. Đại sứ và Bộ trưởng sẽ làm việc với nhau để quyết định. Vài hôm sau tôi và Đại sứ Nhật Bản gặp lại nhau. Mọi người nghe lại báo cáo của nhóm khảo sát, xem lại ảnh chụp. Tôi và Đại sứ Nhật Bản cùng xem lại ảnh chụp ở hiện trường. Tôi và đại sứ vốn rất thân nhau. Tôi đã nói đùa: "Sao mà giống thế! Chỉ không thấy người đàn ông ở đâu!" Mọi người cùng cười!
Đại sứ chỉ vào cái ống khói trên ảnh, hỏi tôi:
- Sau này các ông sẽ làm gì với cái này?
- Chúng tôi sẽ đập bỏ toàn bộ khi hết hạn sử dụng. Sẽ xây dựng tại đây một công viên cây xanh khoảng 500 ha phục vụ người dân và du lịch. Khôi phục lại nguyên trạng ban đầu. Để có thể đứng ngắm Ngọc Mỹ Nhân Thuần Khiết!!!
Đại sứ Nhật Bản:
- Chúng tôi ủng hộ đề xuất của các ông. Chúng ta sẽ lựa chọn địa điểm mới cho nhà máy nhiệt điện 600MW.
Viện trợ phát triển của Nhật Bản luôn lấy tiêu chí phục vụ yêu cầu và mong muốn của người dân làm tiêu chí hàng đầu! Chúng ta sẽ cùng nhau lựa chọn địa điểm mới.
Sau đó hai bên liên quan của Việt Nam và Nhật Bản đã thống nhất chọn Thái Thụy - Thái Bình làm địa điểm mới cho nhà máy nhiệt điện 600MW.
Tôi vừa gọi điện xuống Ninh Bình hỏi thăm. Nhà máy điện Ninh Bình cũ sẽ được dọn bỏ trong năm nay. Công viên cây xanh sẽ được xây dựng. Ngọc Mỹ nhân sẽ được giải thoát sau khoảng 50 năm bị "hãm hiếp"...
Cảm ơn phía Nhật Bản đã ủng hộ chúng tôi!
Cảm ơn viện trợ phát triển của Nhật Bản lấy nhân dân làm mục tiêu ưu tiên hàng đầu!
Thế mới là "lấy dân làm gốc".
VHP - Nguyên Bộ Trưởng Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư
Theo Trái tim người lính
Từ khóa » Hình ảnh Núi Cánh Diều Ninh Bình
-
Huyền Thoại Núi Cánh Diều – Ninh Bình
-
Núi Ngọc Mỹ Nhân – Wikipedia Tiếng Việt
-
Du Lịch Núi Ngọc Mỹ Nhân
-
Huyền Thoại Núi Ngọc Mỹ Nhân - Du Lịch Ninh Bình
-
Núi Ngọc Mỹ Nhân | .vn
-
Núi Ngọc Mỹ Nhân - Núi Cánh Diều
-
Di Tích Lịch Sử Núi Cánh Diều ở Ninh Bình - Tiếp Thị Sài Gòn
-
Núi Ngọc Mỹ Nhân – Du Học Trung Quốc 2022 - Wiki Tiếng Việt
-
Núi Ngọc Mỹ Nhân - Thành Phố Ninh Bình - Wikimapia
-
Núi Cánh Diều Và Nhà Máy điện Ninh Bình - Ontopwiki
-
Núi Ngọc Mỹ Nhân ở Ninh Bình - TripHunter
-
Núi Cánh Diều, Núi Ngọc Mỹ Nhân, Ninh Bình
-
Giới Thiệu Chung - UBND Thành Phố Ninh Bình