NÚI RỒNG - SÔNG MÃ - CẦU HÀM RỒNG. - UBND Tỉnh Thanh Hóa

Từ xưa Núi rồng - Sông Mã là điểm hẹn cuốn hút du khách, những bậc danh thần như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Nguyễn Trãi và cả những vị vua thi sĩ như Trần Nghệ Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông; những danh sĩ Bắc Hà như Ngô Thì Sĩ, Phan Huy Ích, Ninh Tốn cho đến những nhà thơ cận hiện đại như Sầm Phố, Tản Đà, Xuân Diệu, Huy Cận, Trinh Đường và biết bao tài tử giai nhân khác phải “nao lòng” cảm tác trước cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng nơi đây.

Năm 1487, vua Lê Thánh Tông sau khi về quê bái yết Sơn Lăng, ghé thăm động Long Quang, trước cảnh trời mây non nước thấy lòng dạ bồi hồi, sai khắc 4 vần thơ lên đá để lưu truyền (đó là ngày 20-2 âm lịch -1487).

Ngày mùng 1 tháng giêng năm Cảnh Thống thứ 4 (1501) vua Lê Hiến Tông từ Thăng Long đi Lam Kinh, ghé chơi núi Rồng làm thơ đề vịnh khắc trên đá.

Cầu Hàm Rồng nối 2 bờ vui Thanh Hóa.Cầu Hàm Rồng nối 2 bờ vui Thanh Hóa.

Núi Rồng là tên gọi của dãy núi (99 ngọn) kéo dài từ ngã ba Giàng đến làng Đông Sơn (nên còn có tên là núi Đông Sơn). Các dãy núi uốn lượn quây quần bên hữu sông Mã, bên tả có một hòn núi đứng riêng gọi là núi Ngọc (hay núi Nít). Tuỳ theo hình thù và sự tích mỗi ngọn núi đều có tên gọi riêng biệt. Ngọn núi cuối cùng có hình như đầu Rồng vươn lên để ngậm hạt Ngọc nên được gọi là núi Hàm Rồng (tên chữ Hán là Long Hạm).

Đứng trên đỉnh núi Rồng cao hơn 100 mét có thể phóng tầm mắt nhìn ra “bốn phương tám hướng”, dường như sông núi làng quê xứ Thanh đều chầu về nơi “rồng thiêng ngự trị”. Phía Nam và Tây Nam là những ngọn núi nổi tiếng như núi Nhồi, núi Long, núi Hổ, núi Ngọc, núi Kim Đồng...

Dưới chân núi Rồng có động Hàm Rồng (còn gọi là động Long Quang), cảnh trí tuyệt đẹp là nơi du khách đặt “bàn trà bếp rượu” trong các cuộc du lãm.

Trên đỉnh núi Rồng có đường xuống động Tiên (tức Bạch Tiên Nương), lại có lối đi sang động Rồng và các hang động khác trong dãy núi 99 ngọn.

Sự tích núi Rồng gắn liền với sự tích sông Mã, núi do “Rồng thiêng” mà thành, sông bởi “Ngựa thần” mà nên. Đời vua Minh Mệnh thứ 17 (1836), sông Mã được khắc hình tượng vào “Anh Đỉnh”. Đến thời Tự Đức thứ 3 (1850), sông Mã được chép vào “Điện lễ” để thờ cúng và được phong “thần”. Trong bài thơ “Tây tiến”, nhà thơ Quang Dũng đã lột tả tính cách của sông Mã qua câu thơ “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.

Sông Mã bắt nguồn từ dãy núi Phu Huổi Luông, tỉnh Lai Châu chảy đến gần ngã ba Bông, chia làm hai dòng, dòng hướng Đông chảy ra cửa biển Bạch Câu, dòng quay hướng Nam để đón tiếp sông Chu (ngã ba Giàng). Hai ngã ba cách nhau khoảng chừng 10 km.

Ngã ba Bông một vùng mênh mông trời nước, nơi giáp ranh nhiều làng quê nhỏ của các huyện Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hoá, Hoằng Hoá, Hậu Lộc. Ở đây đã hình thành câu ca:

“Đến đây ta hát với người

Hát lên năm huyện mười làng đều nghe”.

Ngã ba Giàng là lỵ sở huyện Tư Phố, thời Trần, Lê là Trấn, Sở Thanh Hoá, phù sa sông Mã bao đời nay làm đẹp đồng, đẹp bãi, đẹp xóm, đẹp làng, hai bờ sông bát ngát “dâu xanh, mía tím, ngô vàng”.

Đầu những năm 20 của thế kỷ XX, Hàm Rồng vang dậy tiếng đồn, khiến xa gần nô nức như một chốn đô hội, là một trung tâm phát triển thủ công nghiệp và hàng hoá.

Năm 1899 (sau khi bình định xong nước ta), chính quyền thuộc địa Pháp quyết định đặt đường ray xe lửa từ Hà Nội đến bờ sông Mã (tại chân núi Ngọc). Tháng 1 năm 1905, chuyến xe lửa đầu tiên vượt qua sông Mã bằng chiếc cầu sắt treo lơ lửng trên sông như nối “đầu Rồng” với “mắt Ngọc” làm cho cảnh trí nơi đây trở thành tuyệt tác.

Năm 1947, thi hành chính sách “Tiêu thổ kháng chiến” nhân dân Thanh Hoá tạm thời “hạ cầu treo Hàm Rồng xuống dòng sông Mã” biểu thị quyết tâm cao đi vào cuộc kháng chiến “trường kỳ gian khổ”. Ngày 26 tháng 11 năm 1962, cầu Hàm Rồng được quyết định khởi công xây dựng lại. Đúng vào ngày 19 tháng 5 năm 1964, cầu Hàm Rồng mới được khánh thành. Cây trụ cầu như chàng lực sĩ gồng lên vai gánh bổng hai hòn núi Ngọc, đầu rồng để núi và sông mãi mãi lung linh trong trời huyền thoại.

Điều ngac nhiên của dân tộc và bạn bè là sức chịu đựng kỳ diệu của cây cầu trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước...

Giới quân sự Mỹ cho rằng: Từ Hà Nội vào đến đường mòn Hồ Chí Minh có tới 60 điểm ách tắc - Hàm Rồng là một “điểm tắc lý tưởng" vì đó là đầu nút của khu vực “cán xoong”. Đánh phá Hàm Rồng sẽ ngăn chặn có hiệu quả việc chi viện của miền Bắc cho miền Nam ruột thịt. Chính vì vậy, sau sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” (ngày 5-8-1964), L. Giôn-xơn đã đưa ra kế hoạch “Sấm rền” đánh phá một số nơi trên miền Bắc như Quảng Bình, Hàm Rồng, Hải Phòng... bằng các lực lượng không quân hỗn hợp hiện đại. Nhưng đế quốc Mỹ đã bị thất bại ngay trận đầu ngày 3 tháng 4 năm 1965. Ngày này, quân dân Thanh Hoá đã cùng với không quân nhân dân Việt Nam bắn cháy 47 máy bay “siêu tốc”. Cầu Hàm Rồng vẫn sừng sững hay như một sự thách đố về niềm tự hào và sức mạnh Việt Nam. Sau sự kiện này, các hãng thông tấn báo chí phương Tây đưa tin bình luận về chuyện “thầm sấm Mỹ” bị MIG- 17 của Bắc Việt Nam “chọc tiết” và gọi ngày 4 tháng 4 năm 1965 là “ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ”. Bao du khách và đoàn khách nước ngoài đến Hàm Rồng được chứng kiến tận mắt chiếc cầu trụ sau mỗi lần mưa bom bão đạn vẫn đứng uy nghiêm, bình thản soi ánh thép xuống dòng sông Mã trong xanh.

Mi-khai-in-Lin-xki (Liên Xô cũ) nói: “Cầu Hàm Rồng như một thần thoại phi thường”. Còn Béc-tin Xvan Trôm nói: Đây là “Đài chiến thắng”. M.Đa-ga-ren (Mỹ) nói: Đó là “Chiếc cầu đẹp nhất”. Cầu Hàm Rồng xứng đáng là kỳ quan của thời đại Hồ Chí Minh.

Năm 2000, được sự đầu tư giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản, cầu mới Hoàng Long vượt sông Mã được khánh thành. Phố xá quanh khu vực Hàm Rồng được xây dựng ngày càng đông vui.

Điều hiển nhiên là địa danh Núi Rồng - Sông Mã - Cầu Hàm Rồng không chỉ của riêng Thanh Hoá. Ở đây còn có “làng Đông Sơn”, làng quê ấy xuất hiện từ thuở Hùng Vương. Tại đậy, khảo cổ học đã phát hiện được các di vật tiêu biểu của thời đại đồng thau, đặc biệt với “trống đồng Đông Sơn” mang phong cách nghệ thuật riêng biệt toả ánh hào quang của “văn hoá Đông Sơn” trên bầu trời Đông - Nam Á. Núi Rồng - Sông Mã - Cầu Hàm Rồng xứng đáng là biểu tượng tự hào của xứ Thanh.

 

Từ khóa » Núi Hàm Rồng ở Thanh Hóa