Núi Thơ Niềm Tự Hào Của Người Dân Thành Phố | .vn

Đứng trên đỉnh núi, từ lầu Nghinh Phong nhìn ra bốn hướng quanh ta, mới thấy hết vẻ hoành tráng, thơ mộng của đất trời cố đô, của Ninh Bình một vùng quê có bề dầy lịch sử và truyền thống văn hiến lâu đời.

Xa xa là cả một vùng non nước Hoa Lư, sông núi giăng thành, mây bay như tuyết, như sương, tạo nên vẻ bẵng lẵng kỳ ảo như một bức tranh thủy mặc. Trước mặt là Thành phố Ninh Bình đang trên đường đô thị hóa, hiện đại hóa với vóc dáng những công trình, những con đường được xây dựng ở qui mô ngày một bề thế, kiểu dáng khá đa dạng, tiên tiến hơn.

Dòng sông Đáy mênh mang vẫn đêm ngày cần mẫn vỗ sóng vào chân núi, lời ru của dòng sông vẫn cất lên cùng với thời gian, hòa trong thanh âm của gió tạo nên bản hòa ca nhiều chương khúc mà sức thấm đượm của nó mãi còn với thiên nhiên, với các thế hệ ông cha cháu con trên dải đất này.

Mặt phía Nam núi, là dòng Vân Sàng như một dải lụa, xanh êm, vắt qua trung tâm Thành phố và cùng với những truyền thuyết, huyền thoại trên con sông lịch sử này, đã tạo nên sự hấp dẫn mãnh liệt với du khách khi vừa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng, vừa được nghe những câu chuyện, mà qua bao năm tháng vẫn giữ nguyên được giá trị nhân bản và sự hứng khởi của người nghe.

Trên dải đất Ninh Bình vốn có nhiều núi non hang động đẹp nhưng hầu như không có núi nào "đẹp và thơ" như núi Thúy. Ông Trạng Bồng Vũ Phạm Khải - một trong 5 danh nhân văn hóa của Ninh Bình, quê Văn Bồng (Khánh Hải, Yên Khánh) đã từng có nhận xét: " Ninh Bình có nhiều ngọn núi nổi tiếng, núi Dục Thúy là một trong số đó".

Trải mấy thăng trầm, biến cải, từ ngàn năm xưa đã có nhiều tên gọi khác nhau về núi Thúy, mà tên nào cũng gợi lên vẻ đẹp, vẻ thơ như Băng Sơn, Lạc Thủy, Sơn Thủy, Hải Đài…

Ở một vị trí khá độc đáo, ngay ngã ba sông Đáy, sông Vân cùng với dáng núi tựa như con chim đang vỗ cánh bay lên đã làm cho không ít người đến đây say đắm ngọn núi, dòng sông chợt nảy ra những liên tưởng thú vị.

Một lần quan Thái phó triều Trần Trương Hán Siêu, tác giả của bài "Phú Bạch Đằng Giang" nổi tiếng, đứng ngắm núi Thúy, ông thấy núi có hình con chim trả đang tắm ở bên dòng sông xanh, nên đặt tên là Dục Thúy Sơn.

Vua Minh Mệnh trên đường tuần du Bắc Hà vào năm 1820, đã ghé thăm núi, trước cảnh non bồng nước nhược, làm cho ông vua Triều Nguyễn vốn nổi tiếng hào hoa đã không nén nổi cảm xúc của lòng mình và đặt cho tên núi là Hồ Thanh Sơn rồi cho xây thành Ninh Bình ở phía Tây chân núi. Cùng với thời gian, nhân dân địa phương thấy cảnh núi đẹp, thơ mộng, non nước hữu tình, càng ngắm càng say nên gọi là hòn Non Nước.

Núi Non Nước vốn là ngọn núi đẹp, thơ mộng, đầy ắp những cảm xúc thi ca nên đời nối tiếp đời nhiều vị quân vương, hoàng đế, tao nhân mạc khách khi có dịp đi qua Ninh Bình đều tìm đến đây thăm thú, thưởng ngoạn cảnh sơn thủy hữu tình và không ít người đã đề thơ, tạc thơ vào vách đá.

Đến đây, đi từ chân núi lên lầu Nghinh Phong, thơ khắc kín vách núi, cả ở nơi chênh vênh lơ lửng ở sườn non, trông ra mặt sông Đáy. Càng nhìn ngắm càng thấy vẻ kỳ công của người xưa đâu chỉ say làm thơ mà còn dũng cảm treo mình ở những vị trí hiểm yếu để khắc thơ vào vách đá.

Trương Hán Siêu đã dày công phát hiện vẻ đẹp tự nhiên của núi, ông đã có câu đề tự nổi tiếng mô phỏng phong cảnh núi Thúy "Sơn sắc chính y y" (Sắc núi đúng như núi).

Trương tiên sinh là người đầu tiên làm thơ về núi và tạc thơ vào núi. Tiếp đó, ông còn tạc cả một bài kí dài "Linh Tế Tháp kí" sau khi trùng tu lại tháp Linh Tế vào năm Quí Mùi, Thiệu Phong thứ 3 (năm 1443).

Ngô Thi Sĩ, một nhà thơ, một nhân sĩ nổi tiếng khác của đất nước khi đến với núi đã phải kinh ngạc mà thốt lên "Vũ trụ dĩ lai" (Từ khi có vũ trụ đã có núi này). Ông Nguyễn Nghi thì cho rằng "Anh chung giục trùng thanh khu" (Anh tài chung tiếng trong khu).

Lê Thánh Tông, một vị vua tài hoa, hay chữ và nổi tiếng thơ hay, đứng đầu "Tao Đàn Nguyên Súy" say cảnh núi non ngoạn mục của núi Non Nước mà "Tìm ngôi chùa cổ, rẽ gió trèo lên đọc tấm bia hoang, chiều muộn mới trở về".

Nguyễn Trãi khi đến đây đã không nén nổi cảm xúc khi thấy núi như một tuyệt tác của thiên nhiên mà trời đất đã ưu ái ban tặng cho con người, dưới con mắt ông núi như "Bông sen nở trên mặt nước, cảnh tiên sa xuống trần gian".

Đến nay, người ta đã tìm thấy trên dưới 40 bài thơ được khắc trên sườn Non Nước với nhiều thể loại khác nhau, nhiều nhất là loại thơ 4 chữ (tứ tuyệt), ngũ ngôn (năm chữ), tám câu (bát cú), thất ngôn (bảy chữ). Những bài thơ đều thiên về tả cảnh, tả tình gửi gắm niềm tâm sự riêng tư, suy ngẫm về sự hưng vong và nhân tình thế thái…

Tác giả của những bài thơ nổi tiếng ấy thường là các bậc đế vương, các danh nhân đất nước như: Trần Nhân Tông, Lê Hiền Tông, Phạm Sư Mạnh, Trương Hán Siêu, Nguyễn Du, Ngô Thi Sĩ…

Chuyện xưa kể lại rằng, Vua Trần Anh Tông (1293-1314) là ông vua văn võ toàn tài, vừa ngự thuyền đánh giặc vừa đến những nơi danh lam thắng cảnh, neo thuyền lại thăm thú, thưởng ngoạn, vịnh cảnh, đề thơ.

Một lần qua cảng Phúc Thành, nhà vua đã trèo lên tận đỉnh núi Non Nước đứng nhìn cảnh non sông cẩm tú của cố đô Hoa Lư, ông đã viết bài "Chinh Chiêm thành hoàn châu bục mạc phúc thành cảng" (Đi đánh Chiêm thành trở về đậu thuyền ở cảng Phúc Thành).

Cảnh trí Phúc Thành- Non Nước hiện lên với gốc đa cổ thụ, với những cây thông già thấp thoáng bóng trăng tinh kì phấp phới, thuyền chiến giăng kín mặt sông, chiêng trống vang lừng, gươm giáo chói lòa, cảnh trí vừa thơ mộng, hào hùng đã tạo cho tài thơ của nhà vua như được chắp cánh bay lên cùng với non nước trời mây, làm cho hồn thơ thêm lai láng…

Thơ viết về Non Nước rất nhiều, kể tới hàng trăm, số bài thơ được khắc trên vách núi chiếm một phần trong số những thi phẩm trên. Đây cũng là trường hợp hiếm có, không phải núi non, hang động nào được xếp loại danh thắng cũng có chuyện khắc thơ như vậy.

Lê Liêu

Từ khóa » Núi Khắc Thơ ở Ninh Bình