Nước Anh Trước Nhiều Trắc Trở Vì Brexit - Công An Nhân Dân

  • Lựa chọn nào cho châu Âu sau Brexit không thỏa thuận?
  • Britain, EU strike pessimistic tone in post-Brexit trade talks
  • Anh và EU liên tục cảnh báo khiến Brexit lại lâm thế "nghẹt thở"
  • Anh - EU cùng “chạy nước rút” tới Brexit

Một hành trình dài đằng đẵng

Cuộc đàm phán về thỏa thuận Brexit bắt đầu vào ngày 29 tháng 3 năm 2017, khi Vương quốc Anh khởi động tiến trình rút khỏi EU theo Hiệp ước của Liên minh châu Âu dành cho các thành viên của mình. Ở thời điểm đó, người ta cho rằng thời hạn 2 năm theo điều 50 của bản hiệp ước sẽ là đủ cho một cuộc chia tay và mọi chuyện có thể chấm dứt vào ngày 29 tháng 3 năm 2019.

Ban đầu, tiến độ của Brexit diễn ra khá nhanh sau khi Chính phủ Anh dưới sự điều hành của Đảng Bảo thủ đặt quyết tâm rất cao cho việc thực hiện kế hoạch này. Một thỏa thuận bao gồm giai đoạn chuyển tiếp đã phác thảo các mục tiêu cho mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU được ký kết vào tháng 11 năm 2018. Ở thời điểm đó, không chỉ Anh mà cả EU đều muốn đẩy nhanh tiến trình đàm phán để sớm ổn định lại.

Thế nhưng, khúc mắc lại nảy sinh từ vấn đề kinh tế khi các Hiệp định thương mại tự do giữa EU và các thành viên của Vương quốc Anh có nhiều khác biệt. Nó đòi hỏi cần thêm nhiều thời gian đàm phán hơn nữa. Một nỗ lực trì hoãn tới từ phía Chính phủ Anh đã kéo dài thời hạn ban đầu thêm 2 tuần tới giữa tháng 4 năm 2019 nhưng vẫn không thu được kết quả. Để rồi chính EU, sau bao tranh cãi đã phải chấp nhận một thời hạn mới cho đàm phán vào ngày 31 tháng 10 năm 2019. Cuộc đàm phán thất bại này đã khiến cho bà Theresa May phải rời ghế thủ tướng vào tháng 7 năm đó.

Chính phủ mới của nước Anh được thành lập với tân thủ tướng Boris Johnson cũng đặt quyết tâm rất cao cho việc hiện thực hóa kế hoạch rời khỏi EU này. Thậm chí, ông Boris Johnson còn không ít lần tuyên bố sẵn sàng để nước Anh rời EU mà không cần có thỏa thuận, hay còn gọi là "Brexit cứng". Nhưng chính các nghị sĩ bao gồm cả các nghị sĩ của Đảng Bảo thủ đã đứng lên ngăn cản hành động này của Thủ tướng Johnson. Để rồi thời hạn lần thứ hai lại trôi qua bằng một đề xuất gia hạn 3 tháng nữa tới tháng 1 năm nay.

Đại dịch COVID-19 sau đó đã làm người ta tạm quên đi cuộc đàm phán rắc rối này, nhưng kỳ thực một thời hạn chót vẫn được ấn định vào ngày 31 tháng 12 năm nay khi mà nước Anh buộc phải rời EU theo đúng lộ trình. Để đạt được điều đó, 2 tuần trước thời điểm chia tay chính thức, thỏa thuận Brexit phải được ký kết giữa lãnh đạo Anh và EU để đảm bảo không có hỗn loạn xảy ra. Những cuộc gặp ở cấp cao nhất đã được tiến hành liên tục trong 2 tuần đầu tháng 12 này trong đó cuộc gặp hôm 13 tháng 12 vừa rồi có ý nghĩa quyết định. Có điều, cho đến lúc này vẫn chưa có thỏa thuận nào được đặt lên bàn ký kết, cuộc đàm phán có thể nói đã thất bại và bây giờ người ta mới nhìn rõ những rắc rối mà kế hoạch rời EU đem đến cho cả hai bên.

Bài toán khó cho nước Anh

Khi nước Anh quyết định rời khỏi EU, chính EU mới là những người bị sốc nặng. Liên minh tồn tại hơn nửa thế kỷ đã bị chối ngay sát những ngày kỷ niệm trọng đại nhất của mình. EU mất đi uy tín và vị thế đến mức người ta nói đến việc nó có thể tan rã. Nhưng EU đã nhanh chóng ổn định lại dưới sự lãnh đạo của Pháp và Đức. Với họ, việc nước Anh rời đi dường như lại đem đến ưu thế trong việc lãnh đạo một EU thống nhất hơn. Điều đó đã thúc đẩy EU nhanh chóng đưa ra những quyết định cứng rắn với nước Anh để yêu cầu tiến trình đàm phán Brexit có thể diễn ra nhanh chóng, vì "một EU bền vững và ổn định" như cách mà họ lý giải.

Nước Anh, từng là nền kinh tế lớn thứ hai trong EU. Dù không cùng sử dụng đồng euro, nhưng sức mạnh tài chính của nước Anh là nguồn lực đáng kể để EU có thể lớn mạnh như ngày nay. Ngược lại, EU cung cấp thị trường mở cùng lực lượng lao động chất lượng đến từ những thành viên mới để thúc đẩy kinh tế Anh. Trong thời gian dài, sự thịnh vượng của kinh tế Anh được hỗ trợ từ EU và ngược lại. Vậy nhưng, cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 đã chia đôi cuộc tình, đặt hai bên trước một thử thách lớn.

Như đã nói, về chính trị, đối nội hay đối ngoại, giữa EU và Anh có thể dễ dàng đưa ra tiếng nói chung. Bởi dù có rời khỏi EU, Anh vẫn là một phần của châu Âu, cùng với phần lớn các quốc gia EU là thành viên của NATO nên có chung nhiều quan điểm. Nhưng ở khía cạnh kinh tế, thứ vô cùng nhạy cảm thì mọi thứ sẽ khó phân định hơn rất nhiều.

Việc Anh rời khỏi EU ngay lập tức đem đến thiệt hại ước tính 80 tỷ USD mỗi năm cho doanh nghiệp hai phía vì những khoản thuế mà hai bên sẽ phải chịu trong đó hơn 50 tỷ được áp lên các doanh nghiệp Anh. Chưa nói đến những yếu tố về thị trường và lao động, khoản thiệt hại này đủ lớn để cả hai bên phải ngay lập tức cân nhắc một Hiệp định thương mại tự do mới nhằm đảm bảo cho việc giao thương giữa hai bờ eo biển Manche vẫn có thể diễn ra bình thường. Nhưng cái khó lại nảy sinh khi bản thân Vương quốc Anh cũng gồm nhiều quốc gia khác nhau, với cơ cấu kinh tế khác biệt đòi hỏi những thỏa thuận khác nhau. Chính điều này đã khiến cho nỗ lực của Chính phủ Anh để đàm phán một thỏa thuận thương mại chung trở nên vô cùng trắc trở.

Cho đến lúc này, từ những phát biểu của lãnh đạo cả hai bên thì có họ vẫn kiên trì cho giải pháp đàm phán một Brexit "chấp nhận được". Thỏa thuận về thương mại, nghề cá và cạnh tranh là những điểm cốt tử buộc những nhà đàm phán phải bỏ thêm nhiều công sức. Nhưng dù có thêm nhiều nữa thì cũng hơn là để viễn cảnh Brexit cứng trở thành hiện thực.

Brexit bao giờ kết thúc?

Brexit thực chất là một thỏa thuận nhằm hạn chế tác động xấu của việc Anh rời EU với cả hai, trong đó mấu chốt là ở vấn đề thương mại để giảm thuế, tránh thiết lập hạn ngạch như các quy định bắt buộc. Không có thỏa thuận kinh tế thì sẽ không có Brexit thực thụ. Bởi dù nói cứng đến mấy thì EU cũng không thể phớt lờ những thiệt hại mà mình phải chịu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cũng đang tàn phá nền kinh tế của khu vực này. Có thể Brexit sẽ lại được gia hạn thêm lần nữa để hai bên có thể tìm ra giải pháp tốt nhất. Thế nhưng sẽ rất khó có giải pháp đủ tốt, bởi lúc này nước Anh cũng đang ở ngã ba đường.

Nền kinh tế nước Anh đã bắt đầu suy thoái từ năm 2019 báo hiệu một tương lai đen tối khi họ chính thức rời khỏi EU thời gian tới. Mối quan hệ kinh tế song phương trị giá gần 1000 tỷ USD trở thành cứu cánh cho nước Anh trong bối cảnh các thị trường trên khắp thế giới đang đóng lại với họ. Bản thân người dân Anh cũng đang nghi ngờ chính mình sau khi nhìn thấy những rắc rối mà Brexit có thể mang lại cho họ.

Không còn tự do đi lại, không còn người lao động EU, không còn thị trường mở,... nước Anh sẽ bị thiệt hại nặng nề. Nước Anh sẽ trở thành một ốc đảo thực sự bên rìa châu Âu khi cuộc chia tay diễn ra. Nhưng điều đó thì lại không thể không diễn ra được, bởi ngày 31 tháng 12 tới sẽ là lúc mà giai đoạn chuyển tiếp kết thúc. Anh chắc chắn sẽ rời EU sau ngày đó để trở về vị trí độc lập của mình. Sự níu kéo lúc này sẽ nhằm để cứu vãn nền kinh tế và có thể cả hy vọng mong manh nào đó của nước Anh về một quy chế đặc biệt cho phép họ vẫn tham gia vào cộng đồng châu Âu như trước đây. Nếu vậy thì, việc Anh rời EU lại dường như chẳng có ý nghĩa gì.

Một sai lầm của quá khứ đang đem đến những rắc rối mà 3 đời thủ tướng Anh cho đến lúc này vẫn chưa thể giải quyết được. Một bài học thực sự đau đớn đối với nước Anh.

Từ khóa » đàm Phán Brexit Là Gì