Nước Biển

Bí mật về nước biển

Trong nước biển có gì?

Ai cũng biết rằng nước biển rất mặn. Độ mặn trung bình của nước biển là khoảng 3.5%, nghĩa là trong 1 lít nước biển (1000 mL) có 35 gram muối hòa tan. Mặc dù nhìn chung nước biển có độ mặn như vậy, nước biển ở những nơi khác nhau trên thế giới có thể có độ măn khác nhau. Trong 5 đại dương trên Trái đất, nước biển Đại Tây Dương có độ mặn cao nhất. Trên thực tế, độ mặn của nước biển ở gần xích đạo và ở hai cực thường có giảm đi. Xích đạo là nơi có lượng mưa rất lớn, nước ngọt từ những cơn mưa mang đến vùng biển này giúp nước biển loãng hơn. Tương tự như vậy, ở hai cực, nước ngọt từ những tảng băng tan ra cũng làm giảm độ mặn của nước biển. Bên cạnh đó, độ mặn của nước biển còn phụ thuộc vào lượng nước sông đổ ra biển và tốc độ bay hơi.

Nước biển không chỉ có muối mà còn chứa rất nhiều chất khí hòa tan như Ni-tơ, Ôxy, Cacbon đioxit (CO2 ) và các chất dinh dưỡng như Ni-tơ (ở dạng nitrat NO3 -), phốt pho (ở dạng phốt phát PO3 - ), kali (K), silica (ở dạng SiO3 - ), sắt (Fe),.v.v.. Ni-tơ tuy là chất khí chiếm nồng độ cao nhất, nhưng rất ít sinh vật biển của thể sử dụng chất khí này. Ôxy được các động vật biển sử dụng cho quá trình trao đổi chất, tập trung chủ yếu ở bề mặt nước tiếp xúc với không khí. Lượng ôxy có trong nước biển phụ thuộc vào thực vật phát triển trong đó, chủ yếu là tảo, bao gồm thực vật phù du, cỏ biển. Hoạt động quang hợp ban ngày của các thực vật này sản sinh ra ôxy và hòa vào nước biển. Ở đới biển sâu, ánh sang mặt trời không thể xuyên đến cho thực vật phát triển, do đó có rất ít ôxy hòa tan. Ở độ sâu 100 mét, ôxy gần như không còn tồn tại. Khí Cácbon đioxit trong nước biển cao gấp nhiều lần trong khí quyển. Lượng khí Cácbon đioxit có ảnh hưởng trực tiếp đến độ pH (độ chua/kiềm) của nước biển.

Nước biển thật là quý!

Nước biển cung cấp môi trường sống và dinh dưỡng cho hàng tỉ sinh vật biển, từ những loài tảo nhỏ bé đến loài cá voi khổng lồ.

Nước biển hấp thu 80-90% sức nóng từ mặt trời và phân bố đều sức nóng này xung quanh Trái đất. Trên thực tế, các đại dương có khả năng hấp thu sức nóng hơn bầu khí quyển đến 1000 lần. [2]

Nước biển đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ khí CO 2 từ không khí. Nhờ gió và sóng, khí CO 2 chìm và hòa tan vào trong nước, sau đó được các thực vật sống dưới biển như tảo, vi tảo,... hấp thu.

Nước biển và hơi nước từ biển giúp điều hòa khí hậu ven biển, giúp các vùng này mát mẻ hơn vào mua hè và ấm áp hơn vào mùa đông.

Nếu tắm biển thường xuyên, nước biển có thể giúp chúng ta tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, chống được các bệnh như đau đầu, cảm cúm... Ngoài ra, tắm nước biển cũng thúc đấy quá trình vận chuyển máu đi khắp cơ thể, làm đẹp da, dưỡng da,… Hãy tắm biển khi bạn có cơ hội ra biển nhé!

Từ khóa » Thành Phần Muối Trong Nước Biển