Nước Giải Khát C2 Và Rồng đỏ Bị “quy Kết” Nhiễm Chì: Đánh Tráo Khái ...

Gần đây, trên một số trang mạng xã hội có đăng tải thông tin về một phiếu kiểm nghiệm nguyên liệu citric acid của Công ty TNHH URC Việt Nam có hàm lượng chì vượt ngưỡng và “quy kết” sản phẩm nước giải khát của công ty này nhiễm chì khiến người tiêu dùng hoang mang. Sáng ngày 10/5, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết, chiều ngày 9/5, cơ quan chức năng đã lấy mẫu nguyên liệu tại nhà máy và mẫu nước giải khát C2 và Rồng đỏ trên thị trường để kiểm tra.

Gửi mẫu đến các viện kiểm nghiệm khác nhau để đảm bảo tính khách quan

Những ngày qua, cộng đồng mạng lan truyền thông tin 2 sản phẩm này nhiễm độc chì vượt quá mức cho phép. Cụ thể, C2 có hàm lượng chì 0,087mg/l, Rồng đỏ có hàm lượng chì 0,085mg/l, trong khi tiêu chuẩn cho phép chỉ là 0,05mg/l. Nguyên nhân được cho là do URC sử dụng acid citric kém chất lượng, bị nhiễm độc chì nặng từ nhà cung cấp của Trung Quốc.

Phiếu kết quả kiểm nghiệm nguyên liệu có hàm lượng chì vượt ngưỡng (ảnh trái) không có nghĩa là các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường bị nhiễm chì.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) đã chủ động chỉ đạo Chi Cục ATVSTP TP. Hà Nội lấy 5 mẫu sản phẩm C2, 5 mẫu sản phẩm Rồng đỏ ngẫu nhiên trên thị trường thuộc các lô sản xuất khác nhau, đồng thời, Cục ATTP cũng tiến hành lấy mẫu nguyên liệu citric acid tại nhà máy Công ty TNHH URC Việt Nam để kiểm nghiệm hàm lượng chì và yêu cầu đơn vị kiểm nghiệm trả kết quả nhanh nhất có thể để công bố.

Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, kết quả lan truyền trên mạng là kết quả xét nghiệm nguyên liệu. Tuy nhiên không thể dựa vào đó để khẳng định sản phẩm kém chất lượng. Để đảm bảo khách quan, tất cả các mẫu nguyên liệu tại nhà máy và mẫu C2, Rồng đỏ trên thị trường sẽ được gửi đến các viện kiểm nghiệm khác để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm hàm lượng chì trong C2 và Rồng đỏ sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất.

TS. Nguyễn Thanh Phong cũng cho biết thêm, định kỳ 6 tháng, công ty vẫn gửi mẫu lên Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia để kiểm tra và tất cả hàm lượng đều ở mức cho phép.

Thông tin liên quan đến ATTP đều phải xác minh và công bố

Sau khi có nghi vấn C2 và Rồng đỏ nhiễm chì vượt ngưỡng cho phép, mới đây, đại diện URC Việt Nam đã lên tiếng khẳng định, đây là thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận và làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Qua tìm hiểu thông tin, được biết, định kỳ 6 tháng, nhà sản xuất  URC Việt Nam  đều gửi mẫu sản phẩm để kiểm tra tiêu chuẩn. Tháng 1/2016, nhà sản xuất chủ động gửi mẫu (trà xanh C2 lô sản xuất 11/1/2016 và nước tăng lực Rồng đỏ lô sản xuất 14/1/2016)

đến Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia (tên viết tắt NIFC) và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (tên viết tắt Quatest 3). Kết quả từ NICF (số 1599.1600) phát hiện hàm lượng chì và kết quả từ Quatest 3 (số KT3-01330TP6/1 và KT3-01488TP6/1) không phát hiện hàm lượng chì.

Sản phẩm trà xanh C2 sẽ được lấy mẫu kiểm nghiệm tại nhiều đơn vị độc lập để đảm bảo kết quả khách quan.

Vì kết quả không đồng nhất, Công ty URC Việt Nam đã chủ động gửi các mẫu đối chiếu (trà xanh C2 lô sản xuất 4/2/2016 và nước tăng lực Rồng đỏ lô sản xuất 19/2/2016) đến các trung tâm đo lường kiểm tra chất lượng là NIFC, Quatest 1 và Quatest 3. Kết quả từ NIFC (số 2379, 2380) thì phát hiện hàm lượng chì và kết quả từ Quatest 1 (số 2016/750 TN4/01,02) và Quatest 3 (KT3-01328TP6/1, KT3-01490TP6/1) thì không phát hiện hàm lượng chì.

Sau đó, công ty tiếp tục gửi mẫu cùng lô sản xuất đến Trung tâm NIFC và kết quả xét nghiệm (số 3598, 3599) thì không phát hiện hàm lượng chì.

Lần thứ 4, Công ty URC gửi mẫu nguyên liệu acid citrid đến cả 5 đơn vị kiểm nghiệm là NIFC, Quatest 3, Trung tâm SGS (số KD16042104A9), Trung tâm Eurofins (số KD16043250/KQ), Trung tâm ASE (số BMNM 02/3-LBH 03) để kiểm tra đối chiếu. Tất cả đều không phát hiện hàm lượng chì. Chỉ duy nhất kết quả từ NIFC (số 3034, 3600) là có hàm lượng chì.

Được biết, hiện tại Công ty URC đã chủ động gửi mẫu nguyên liệu acid citrid lần 2 và mẫu sản phẩm cho NIFC và Trung tâm Kiểm nghiệm độc lập quốc tế đặt tại Singapore http://www.setsco.com/setsco/ và đang chờ kết quả.

Qua đây cho thấy, nhà sản xuất đã quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng bởi khi có các kết quả kiểm nghiệm khác nhau, nhà sản xuất đã chủ động gửi mẫu đi kiểm nghiệm tại các phòng kiểm nghiệm khác nhau. Về vấn đề này, Cục ATTP cũng cho rằng, việc chủ động kiểm nghiệm nguyên liệu, sản phẩm trước khi sản xuất, kinh doanh là quyền của các nhà sản xuất, vì trên thực tế nhiều nhà sản xuất, kinh doanh chủ động kiểm soát, kiểm nghiệm sản phẩm, nguyên liệu trước khi sản xuất hoặc nhập khẩu. Nếu không đạt chất lượng họ có thể chủ động không sản xuất hoặc không ký kết hợp đồng nhập khẩu. Cơ quan quản lý chỉ có thể xử lý nếu tổ chức, cá nhân nào cố tình đưa nguyên liệu hoặc sản phẩm không bảo đảm chất lượng vào sản xuất, kinh doanh. “Quan điểm của Cục trước bất cứ thông tin liên quan đến lĩnh vực ATTP đều phải kiểm tra, xác minh và công bố khách quan, chính xác, minh bạch, với mục tiêu số một là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bên cạnh đó cũng phải bảo đảm những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp”- TS. Nguyễn Thanh Phong cho biết.

Ngày 10/5, ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế đã ký Quyết định số 67/QĐ-TTrB về việc thành lập đoàn công tác tiến hành khảo sát một số nội dung liên quan đến bảo đảm ATTP của Công ty TNHH URC Việt Nam. Đoàn khảo sát do ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó chánh Thanh tra Bộ Y tế làm Trưởng đoàn. Đoàn công tác sẽ làm việc với Công ty TNHH URC Việt Nam (bao gồm cả một số cơ sở sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH URC Việt Nam) để tìm hiểu các nội dung liên quan đến bảo đảm ATTP của công ty. Sau đó tổng hợp báo cáo với Chánh thanh tra Bộ đầy đủ các nội dung khảo sát và các ý kiến đề xuất phục vụ cho việc triển khai thanh tra ATTP tại Công ty TNHH URC Việt Nam theo Kế hoạch thanh tra số 1047/KH-BYT ngày 20/11/2015 đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt. Theo Quyết định này, thời gian khảo sát tại Công ty URC Việt Nam là 15 ngày. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết thêm, đây là đợt thanh tra theo kế hoạch thanh tra năm 2016 đã được lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt từ cuối năm 2015. Cũng trong năm nay, Thanh tra Bộ Y tế sẽ tiến hành thanh, kiểm tra về ATTP tại 4 công ty sản xuất, kinh doanh nước giải khát: Công ty TNHH nước giải khát Coca Cola Việt Nam; Công ty nước giải khát Pepsico Việt Nam; Công ty TNHH URC Việt Nam; Công ty cổ phần thực phẩm Quốc tế Wonderfarm.

Từ khóa » Khát C2