Nước Mắm Trong ẩm Thực Người Việt
Có thể bạn quan tâm
Trong các loại gia vị của người Việt thì nước mắm đóng một vai trò quan trọng. Chỉ với một chai nước mắm nguyên chất, các bà nội trợ có thể chế biến thành biết bao món ngon. Với nguồn thủy hải sản phong phú, người Việt có nhiều loại nứơc chấm ngon, từ mắm ruốc, mắm tôm, mắm nêm , mắm tép … mà chủ lực là nước mắm. Trong mâm cơm của người Việt bao giờ cũng phải có một chén nước mắm , dù là nước mắm nguyên chất để làm cho món ăn thêm đậm, hay chén nước mắm pha tùy loại thức ăn cần phải chấm. Chén nước chấm để chính giữa bàn ăn cũng là biểu tượng cho một sự chia sẻ của cả nhà. Trước đây, nước mắm chỉ hiện diện trong bữa ăn người Việt, nhưng nay nước mắm đã đi khắp nơi trên thế giới. Ở đâu có cộng đồng người Việt thì ở đấy nước mắm ngự trị trên các kệ hàng một cách kiêu hãnh. Và không chỉ người Việt, nhiều người nước ngoài cũng đã quen thuộc và yêu thích thứ nước chấm mặn mà, đậm đà này. Nước mắm- loại nước chấm quốc hồn quốc túy- không chỉ là một loại gia vị mà đã trở thành một biểu tượng của ẩm thực Việt.
i) Cách dùng nước mắm của người Việt
Người Việt dùng nước mắm để nấu và cả để chấm. Khi làm gia vị thì đơn giản chỉ là cho vào lúc xào hay nấu, nhưng không phải món nào cũng cho vào và cũng không phải cho vào lúc nào cũng được. Có những loại canh cho nứơc mắm vào sớm sẽ bị chua, có những loại thực phẩm lại phải cho vào ngay từ đầu , nếu cho sau mùi nước mắm sẽ làm giảm hương vị của món ăn … Có những món làm từ mắm đơn giản mà tuyệt ngon. Mùa mưa mà ăn cơm với mắm kho quẹt cho thêm chút ớt và tiêu thì bao nhiêu tô cơm cũng hết. Mà có gì đâu, chỉ là nước mắm, thêm chút đường (nếu ai thích ăn hơi ngòn ngọt), xíu xiu ớt băm nhỏ và tiêu, tất cả cho vào cái nồi đất, đặt lên bếp riu riu lửa, nước mắm cũng sôi riu riu. Đến khi mắm quẹo lại thì cho một thìa mỡ nước vào quậy dều. Chỉ thế thôi mà đủ sức làm cho người ăn hân hoan xin thêm chén nữa..
Món thịt kho, cá kho mà không có nước mắm sẽ nhạt nhẽo làm sao. Những cái cánh gà khiêu khích vị giác của người ăn bằng mầu sắc đằm thắm bóng bẩy và cái mùi thơm thơm quyến rũ của nước mắm. Và đĩa gỏi nếu thiếu cái mặn mòi của nước mắm e rằng đành phải gọi nó là salad của Tây. Mùi tuy hơi nồng, sắc chỉ là một mầu hổ phách trong vắt, nhưng nước mắm đã đi vào tâm hồn người Việt đằm thắm đậm đà… Nếu món ăn Tây tự hào vì các loại nước xốt, món nào phải đúng xốt đó, thì người Việt cũng không kém phần cầu kỳ, tinh tế trong chén nước chấm. Trong các loại nước chấm thì nước mắm là thứ nước chấm chủ đạo của món ăn Việt. Nếu kể tới những thứ nước chấm khác nữa thì danh sách chắc chắn phải dài không thua xốt Tây.
Mắm việt
Nước mắm Việt Nam làm từ cá biển đã vang danh với mùi vị đặc trưng mà bây giờ một số sách, báo nước ngoài viết bằng tiếng Anh, Pháp, đặc biệt là sách dạy nấu ăn bắt đầu sử dụng nguyên văn “sauce nuoc mam” chứ không xài “fish sauce” hay “la saumure” nữa.
ii) Khẩu vị nước mắm ba miền
Khẩu vị của nước mắm nguyên chất, ở cả ba miền không khác nhau bao nhiêu. Nhưng chuyển sang nước mắm pha thì bắt đầu có sự khác biệt rõ nét. Miền Bắc thích nước mắm pha loãng với nước thêm giấm, chanh và ít đường. Nhưng bí quyết ở chỗ nước để pha nước mắm nếu muốn ngọt đậm phải dùng đúng thịt thăn heo nấu hớt bọt thật trong, nếu có thêm con tôm he cho vào nước càng thanh hơn. Rồi dùng nước này pha với nước mắm ngon và các thứ đã kể trên. Nam bộ thì dùng nước dừa xiêm, trái dừa phải vừa nạo, non quá nước chua, còn để già rám nước sẽ chát. Mang nước dừa nấu cô với ngọn lửa riu riu còn hai phần ba hoặc phân nửa là vừa, dĩ nhiên là khi nấu phải hớt bọt cho trong nước. Sau đó dùng nước dừa pha với nước mắm và chanh, đường. Trừ nước mắm pha với nước luộc tôm của Huế để ăn bánh nậm, bèo, bột lọc… còn lại khẩu vị các nơi khác ở miền Trung thích giữ sự đậm đà của nước mắm nên chỉ cho ít chanh, đường mà không thêm nước để pha loãng. Một số địa phương cũng có nước mắm pha, chủ yếu để làm giảm độ mặn và tăng thêm hương vị chứ không pha loãng như hai miền kia. Như nước mắm ngò của Nha Trang, người ta dùng ngò rí giã nhuyễn rồi mới cho nước mắm, chanh, đường vào. Đặc biệt ớt cho vào chén nước mắm ngò phải là ớt hiểm còn xanh thì chén nước mắm mới thơm nồng, xanh biếc một màu. Vùng Phan Thiết thì có nước mắm cà và nước mắm thơm. Cà lựa trái chín mọng, luộc qua nước sôi, bỏ hạt và lớp vỏ ngoài. Rồi cho vào cối quết với ớt sừng, tỏi thật mịn, sau đó cho nước mắm và đường vào. Nước mắm cà đặc sắc nhờ độ xốp và sánh như một món xốt màu đỏ cam bắt mắt. Nước mắm thơm khi chế biến phải chọn trái thơm chín vàng, vì thơm chín vị chua, ngọt, mùi thơm lẫn màu sắc vừa tới nhất. Vắt nước thơm, nấu sôi hớt bọt thật kỹ. Lúc nước thơm sóng sánh thì cho nước mắm, đường vào đánh đều là được. Chén nước mắm ánh màu vàng nền nã toả hương thơm ngan ngát. Ớt là gia vị không thể thiếu trong chén nước mắm của người Việt. Còn tỏi thì tuỳ ý thích, đa số nước mắm pha có đủ cả hai vị. Nhưng cách cho ớt vào chén nước mắm pha ở ba miền khác nhau chút ít. Miền Bắc thường cắt từng khoanh ớt đều tăm tắp cho vào nước mắm. Miền Trung giằm ớt khi ăn để tận hưởng mùi cay nồng của ớt hoà cùng nước mắm. Còn Nam bộ thì giã hoặc băm nhuyễn ớt để lấy vị cay và màu đỏ giúp chén nước mắm thêm hấp dẫn.
iii) Nước mắm không làm từ cá biển
Ngoài nước mắm làm bằng cá biển, một số vùng nhờ sự ưu đãi của thiên nhiên với nguồn sản vật dồi dào, người dân địa phương còn chế biến nước mắm tôm, nước mắm mực, nước mắm cua đồng, nước mắm cua gạch son… Chẳng hạn nước mắm cua đồng của vùng Sóc Trăng. Hàng năm vào tháng 5 âm lịch, nước vừa nổi ngập đồng là lúc cả xóm làng rủ nhau đi bắt cua. Tối đến cua đồng bắt cặp đen nghẹt cả mặt ruộng trống đang chờ sạ lúa, cua bắt đến lúc mỏi tay, không còn thùng chứa nữa thì ngưng. Cua mang về bóc mai rửa sạch, giã nhỏ trộn với tỏi, thính gạo, đường, muối hột rồi nhận vào diệm hoặc thau đem phơi nắng khoảng tuần lễ. Lúc cua trở màu đỏ au thì đem nấu nước mắm. Công đoạn nấu rất quan trọng, tốn cả ngày trời, phải hớt thật sạch bọt và xác cua thì nước mắm mới để được lâu. Nước mắm nấu xong có màu đỏ cánh gián trong vắt, vị ngọt đậm, mùi khá nặng không thể lẫn với bất cứ thứ nước mắm nào khác. Nước mắm cua đồng dùng để nêm nếm, ăn với canh chua cá lóc… ngon hết biết. Nước mắm cua gạch son miệt U Minh, là một kiểu nước chấm tươi quá xá cầu kỳ. Từ khi muốn ăn cho đến khi được ăn phải chờ mất đúng một tuần. Cua gạch son rửa sạch, bỏ vào hũ, rồi muối đúng bảy ngày. Sau đó lấy ra đánh tan gạch cua với lòng đỏ trứng gà, đường, trộn với thịt cua được lấy từ con cua đã muối. Một con cua chỉ làm được bốn chén nước chấm nhỏ, do đó khi được chia phần, mạnh ai nấy “ôm” chén nước mắm của mình chấm với bánh tráng cuốn, vì muốn có chén thứ hai thì ráng… chờ 7 ngày nữa. Nước chấm cua gạch son không thể làm nhiều để dành được, vì sang ngày thứ tám thì chúng chuyển mùi, đổi vị để trở thành mắm như ba khía. iv) Mắm nào món đó
Canh chua dứt khoát phải ăn với nước mắm y, có khi cho chút chanh, ớt, nếu dùng bất kỳ thứ nước chấm nào khác cũng đều hỏng. Bánh cuốn, chả giò, bánh xèo, cơm tấm phải ăn với nước mắm pha chua ngọt. Nước mắm ngò, nước mắm cà, nước mắm thơm xem ra có duyên nợ với cá biển, mực, ốc vì nó làm tăng hương vị hải sản lại dễ tiêu hoá. Món cá thì lại khác, mỗi loại cá đều có một thứ nước mắm khác nhau. Cá trê nướng thì có nước mắm gừng, cá rô thì nên ăn bằng nước mắm xoài, hay nước mắm me thì chuyên trị các món lươn… Thử dùng cá trê nướng chấm nước mắm chua ngọt xem, miếng cá trở nên nhàn nhạt, xam xảm, cái mùi cá trên sau bữa ăn cứ ám ảnh khẩu vị thật khó chịu. Còn lỡ dùng nước mắm gừng với cá hú, cá tra thì… khó lòng nuốt nổi. Nhiều món ăn, ngon hay dở, được quyết định bởi chất lượng chén nước mắm. Cái hồn của món ăn Việt chính là nước mắm. Nấu phải nêm bằng nước mắm, cá kho, thịt kho ướp bằng nước mắm, chiên, xào, nướng, luộc… với bất cứ món ăn nào cũng phải có nước mắm. Nước mắm đã thấm vào huyết quản của mỗi người từ thuở bé thơ cho đến lúc trưởng thành, nó đã hình thành và ảnh hưởng sâu sắc đến khẩu vị của từng người. Cho dù đi bất cứ đâu họ không thể nào quên được hương vị đậm đà tinh tế trong chén nước mắm quê nhà. Đó chính là một phần của đất nước, con người là hương vị quê nhà trong ký ức không thể phai mờ của từng người Việt.
Từ khóa » Chén Nước Mắm Là Gì
-
Ý Nghĩa Của Chén Nước Mắm Trong Mâm Cơm Gia đình Việt
-
Ý Nghĩa Của Chén Nước Mắm Trong Mâm Cơm Gia đình Việt - Ẩm Thực
-
Ý Nghĩa Của Chén Nước Mắm Trong Văn Hóa Việt Nam Còn, Nước ...
-
Chén Nước Mắm
-
Top 15 Chén Nước Mắm Là Gì
-
Nước Mắm Trong Bữa Cơm Của Người Việt - Báo Thanh Niên
-
Bỏ Thói Quen Chấm Chung Chén Nước Mắm?
-
Chén Nước Chấm - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
-
Nước Mắm - Gói Trọn Tinh Túy ẩm Thực Việt Trong Chiếc Chén Nhỏ Gắn ...
-
Độc Đáo Với Cách Pha Nước Mắm Của Các Vùng Miền
-
Tìm Hiểu Về Nước Mắm: Quy Trình Sản Xuất Và Sản Phẩm Uy Tín
-
Nước Mắm – Wikipedia Tiếng Việt
-
Nước Chấm – Wikipedia Tiếng Việt
-
Nước Mắm Nhĩ Là Gì? Bạn Biết Gì Về Nước Mắm Nhĩ