“Nước Mắt Cá Sấu”: Cá Nào Biết Khóc?

“Nó mà cũng tỏ ra thông cảm, thương xót về chuyện ấy à? Ôi dào, tin sao được? Sao lúc trước chẳng thấy nó nói năng gì. Giờ xảy ra lại làm bộ nhân nghĩa. Đúng là nước mắt cá sấu”. Người ta thường hay dùng thành ngữ này để ví sự thương xót giả tạo, một thứ tình cảm giả nhân giả nghĩa của ai đó, có khi dùng che đậy, cốt để lừa gạt người khác. Quả là một thái độ không hay. Có khác gì loài cá sấu độc ác mất hết tính người mà lại tỏ ra có tấm lòng nhân ái đâu:

Rõ loài cá sấu hôi tanh Hại người nước mắt vòng quanh mới kì... (Ca dao)

Vấn đề là, nếu căn cứ vào ngôn ngữ tường minh, có đúng là loài cá sấu “cục súc” kia cũng biết rơi nước mắt như người không hay chỉ là một lối nói “vu vơ” thuận miệng? Mà nếu có thực thì đây quả là một chuyện lạ chưa từng thấy trên đời. Thôi, ta cứ cho là như thế đi. Nhưng nếu lũ cá sấu kia có lúc nào đó khóc thật thì nước mắt của chúng bày tỏ thái độ gì mới được chứ?

Sống ở các vùng nước rừng nhiệt đới, cá sấu là một loại bò sát, to khoẻ, hung dữ và phàm ăn bậc nhất. Có dáng như thằn lằn, da sần sùi, đuôi to dài, hàm răng rộng khoẻ, nhọn hoắt như răng bừa, con vật nào hay người nào không may rơi vào hang ổ của chúng thì chỉ trong nháy mắt sẽ bị cả đàn sấu háu mồi xé cho tan xác. Nhưng có điều khá lạ lùng là, mỗi khi chộp và nuốt chửng con mồi, chú cá sấu hung ác kia thế nào lại chảy những giọt nước “lăn tăn” ra hai bên khoé mắt. Lạ thật.

Chúng ta biết rằng, nước mắt là hiện tượng ai đó thể hiện sự thương cảm trước một sự tình, một nỗi đau, một hoàn cảnh hết sức buồn bã nào đấy. Vui thì cười, buồn thì khóc. Lẽ đời xưa nay vẫn thế phải không? Mà tình cảm này ngẫm ra, chỉ con người có ý thức trước cuộc sống mới có. Ấy vậy mà tụi cá sấu vô tri, hễ đói thì bạ con mồi gì chúng cũng “táp” lại ứa nước mắt khi ăn. Cứ y như là chúng khóc thương cho thân phận con mồi mà chúng vừa phanh thây nuốt sống kia vậy. Thật là điều mỉa mai quá đỗi! Giết người mà lại thương người được sao?

Thực ra, chẳng có một giọt nước mắt thực sự nào ở đây cả. Nước từ mắt thì có. Bởi khi gân cổ lên nuốt con mồi, cơ thể cá sấu phải ráng hết sức, gồng toàn bộ gân cơ trong thân thể, nhất là cơ hàm, để có lực quật chết và nuốt chửng con mồi. Khi vươn cổ lên nuốt, cơ thể cá sấu tiết ra một lượng muối thừa. Lượng muối đó trôi theo tuyến nước mắt tràn nhẹ ra hai bên khoé mắt. Thế thôi. Nhưng nước mắt vô duyên này lại được quan sát như những giọt nước mắt bình thường vốn chỉ có khi có sự thương cảm bột phát của ai đó trên đời. Đây chính là sự khác biệt giữa hiện tượng và bản chất. Và từ đó, người Việt đã sáng tạo ra thành ngữ nước mắt cá sấu mà dân gian ta vẫn quen dùng.

Nhưng trong quá trình sử dụng, người Việt đã ‘chuyển di” thành ngữ này vào những tình huống khác, hoàn toàn chẳng liên quan gì đến lũ cá sấu háu ăn kia nữa. Ở đời có rất nhiều chuyện “na ná” như vậy.

Ví dụ: “Sau khi thử xong quả bom nguyên tử trên đảo Bikini, quân đội Mỹ đã gửi biếu dân địa phương một chục con lợn béo làm quà. Cả một vùng đất đai bị tàn phá với bao nhiêu rủi ro có thể đến mà lại được “tri ân” bằng mấy con lợn kia sao? Đúng là tấm lòng “hảo tâm” lạ kì, một thứ nước mắt cá sấu"; “Kẻ gây ra cái chết thương tâm cho cô bé rồi thản nhiên bỏ chạy cuối cùng cũng bị công an bắt được. Lúc ra toà, hắn hết lời ăn năn hối lỗi đến nỗi nức nở mãi không nói thành lời được. Nhưng thứ nước mắt cá sấu như vậy ai còn lạ gì. Toà vẫn xử nặng để răn kẻ khác”, v.v.

Đúng là trong thực tế, còn không ít người thiếu trung thực trong thái độ ứng xử của mình. Giữa suy nghĩ và việc làm của họ không hề phù hợp “tương thích”, thậm chí có một khoảng cách một trời một vực. Thái độ giả nhân giả nghĩa đó được ví ngang với chuyện các “chàng” cá sấu đen đúa, xù xì đầy hung tợn bỗng nhiên rơi vài giọt nước mắt vô tình, vô duyên và vô cảm.

PGS-TS. Phạm Văn Tình

(Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)

Từ khóa » Cá Nào Biết Khóc