Nước Mắt Của TBT Lê Duẩn Và Nỗi đau Tận Cùng Của Người Vợ ông ...
Có thể bạn quan tâm
Năm 1950, khi kết hôn với nhau, ông Lê Duẩn đã tặng cho người vợ thứ 2 của mình – bà Nguyễn Thuỵ Nga – một cuốn sổ tay với lời đề tặng: "Tặng em Nga, người bạn chung tình".
Dưới dòng chữ ấy, bà Nguyễn Thuỵ Nga viết: ‘Sổ này, một kỷ vật đầu tiên của D. cho N – từ đây đời Nga sẽ ghi thêm những trang sách mới. Quyển sổ này sẽ chứa đựng mối tình dài lâu của Nga đối với Duẩn".
Đó là ngày 29.5.1950 – những ngày tháng đầu tiên trong cuộc hôn nhân của họ!
Đúng như lời hứa, bà Nguyễn Thuỵ Nga đã ghi lại tất cả những kỉ niệm đáng nhớ nhất về cuộc hôn nhân của bà, về tình yêu của bà với TBT Lê Duẩn trong cuốn sổ đó. Bà giữ cuốn sổ cho đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay.
Cuốn sổ tay ô Lê Duẩn tặng vợ trong ngày cưới
Nhưng khi bắt đầu viết những dòng đầu tiên về tình yêu lớn nhất và cũng là tình yêu sau cùng của đời mình, bà không biết rằng đó sẽ là mối tình lâu dài, nhưng hạnh phúc thì ngắn ngủi mà đau khổ và gian trân suốt một đời người…
Cuộc gặp đầu tiên của bà Bảy Vân và ông Ba Duẩn là vào năm 1948, lúc ông Ba Duẩn là Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ, bà Bảy Vân là Tỉnh uỷ Viên – Đoàn trưởng phụ nữ cứu quốc tỉnh Cần Thơ. Họ gặp nhau khi ông Ba Duẩn tham dự Hội nghị Tỉnh uỷ Cần Thơ – Hội nghị mà bà Bảy Vân bị đưa ra kiểm điểm và bị buộc chuyển công tác về Sài Gòn khi tổ chức phát giác ra chuyện bà đã đem lòng yêu một người đàn ông có vợ suốt 9 năm trời – kể từ khi bà 14 tuổi.
Suốt hội nghị đó, ông Lê Duẩn im lặng.
Sáng hôm sau, khi bà Bảy Vân được Tỉnh uỷ giao nhiệm vụ lên kiểm tra bữa sáng của đồng chí Bí thư Xứ uỷ xem có gì sai sót hay không, ông Lê Duẩn mời bà cùng ăn sáng và hỏi bà nghĩ sao về cách xử lý của Tỉnh uỷ.
Bà trả lời: "Tổ chức phân công công tác mới, dù nguy hiểm và khó khăn, nhưng em vui vẻ chấp nhận, không băn khoăn gì. Chi xin đừng cấm em yêu người em đã yêu. Xa nhau thì được, nhưng yêu là do trái tim em. Em không thể ép buộc trái tim mình".
Một lần nữa, ông Lê Duẩn lại im lặng!
Hồi đó, vì bị tù đày ở Côn Đảo rồi vì nhiệm vụ cách mạng mà ông Lê Duẩn đã xa gia đình, vợ con ở miền Trung nhiều năm trời.
Ở Đồng Tháp Mười, khi các thành viên khác trong Ủy ban Kháng chiến Nam bộ người nào người đấy đều có nhà cửa (dù chỉ là nhà lá), có người bảo vệ, người nấu bếp thì ông Ba Duẩn chỉ có một chiếc tam bản 4 chèo mà ông ở cùng với thư ký, bảo vệ của mình. Đến cơ quan nào, đến nhà bà mẹ nào, anh em lên nhà ngủ, còn ông ngủ dưới ghe.
Vợ chồng TBT Lê Duẩn khi chuẩn bị kết hôn
Khi gặp bà Bảy Vân lần đầu tiên, ông mặc chiếc quần thủng lỗ chỗ, áo rách cùi chỏ không có ai mạng, chỉ nặng 47 ký, người cao gầy, quắt queo vì thiếu bàn tay chăm sóc của người đàn bà.
Chị em phụ nữ Nam Bộ ở chiến khu nhìn ông xót xa. Họ nói với ông:
-Anh Ba phải lấy vợ để có người chăm sóc anh Ba. Nếu anh Ba không lấy vợ, chị em chúng tôi cũng kiên quyết không lấy chồng".
Dù được các đoàn thể phụ nữ giới thiệu với rất nhiều cô gái Nam bộ xinh đẹp, nết na, ông Ba Duẩn vẫn một mực chối từ.
Nhưng sau bữa ăn sáng với bà Bảy Vân, ông Ba Duẩn trở về cơ quan Xứ Ủy ở Đồng Tháp, nói với ông Lê Đức Thọ:
-Nếu có cưới vợ, thì tôi thích lấy người tình nghĩa thủy chung như chị Nga!
Sau này, khi ông Sáu Thọ có dịp xuống Cần Thơ công tác, ông Sáu Thọ đã giúp ông Ba Duẩn ngỏ ý với bà Bảy Vân:
-Anh Ba muốn hỏi chị làm vợ. Chị hãy nghĩ kĩ và nên ưng anh ấy. Anh ấy xa gia đình 20 năm nay, hầu như không có tin tức gì. Anh Ba trong lớp lãnh đạo hiện nay là người rất thông minh, sáng suốt, được gọi là ông "200 bougies" (200 ngọn nến). Nếu có người ở cạnh chăm sóc thì anh sẽ trở thành "400 bougies". Chị lấy anh ấy cũng là vì Đảng, vì cách mạng.
Dù hoàn toàn bất ngờ vì lời đề nghị đó, nhưng mỗi lần gặp gỡ sau này, bà Bảy Vân lại dành cho ông Lê Duẩn thêm nhiều thiện cảm. Một năm sau kể từ lời đề nghị của ông Sáu Thọ, bà Bảy Vân chính thức thành vợ ông Ba Duẩn.
Cuộc hôn nhân của họ không nhận được nhiều sự ủng hộ của một số chị em phụ nữ Nam Bộ. Vì yêu quý đồng chí Ba Duẩn, họ một mực nghĩ rằng, "anh Ba" xứng đáng với một người phụ nữ đẹp và một lý lịch trong sạch. Mà bà Bảy Vân năm ấy 25 tuổi, gầy gò, nhỏ bé, không phải người xinh đẹp nổi bật, lại có một "quá khứ" bị kiểm điểm vì yêu người có vợ. Không ai cho rằng, bà là sự lựa chọn xứng đáng với đồng chí Bí thư Xứ ủy mà họ yêu quý.
Nhưng ông Ba Duẩn lại chọn bà Bảy Vân qua tình yêu và sự chung thuỷ của bà với một người đàn ông khác. Còn bà, bà chọn ông qua tình cảm lớn lao mà ông dành cho đồng bào, đồng chí, chọn ông vì nghĩ rằng lấy ông cũng là một điều tốt cho cách mạng, lấy ông là sự hi sinh mà bà có thể làm cho sự nghiệp giải phóng miền Nam.
Trong đám cưới giữa chiến khu, ông Ba Duẩn làm một bài thơ tặng người vợ mới cưới. Bài thơ đó, ông nói rằng, ông thấu hiểu và chia sẻ với mối tình đầu không thành của bà, cùng với lời nhắn nhủ, dù là mối tình thứ hai, nhưng ông sẽ là mối tình trọn đời, không gì chia cắt được.
Những năm tháng hạnh phúc nhất của bà Bảy Vân và ông Ba Duẩn là khi họ cùng nhau hoạt động ở chiến khu. Hồi đó, dù đi đâu, ông Ba Duẩn cũng đưa vợ đi cùng. Có những ngày phải đi công tác một mình, khi vừa về đến căn cứ, thấy vợ mình đã đứng đó đợi tự lúc nào, ông bước nhanh đến bế bổng vợ lên, hôn bà trước mặt cô giao liên và các chú thư ký không chút ngại ngần. Mỗi chiều, họ cùng nhau xuống suối tắm, kì lưng cho nhau.
Khi bà Bảy Vân về Sài Gòn sinh con gái đầu lòng Vũ Anh, những ngày tháng xa vợ, ông Lê Duẩn thường viết những lời nhớ nhung vào cuốn sổ nhỏ ông tặng vợ mình. Không một ai ngoài bà Bảy Vân được đọc những dòng ấy. Bởi khi phải giao cuốn sổ cho thư ký cầm lúc di chuyển căn cứ, ông đã xé những trang giấy đó cất riêng.
Những ngày tháng hạnh phúc đó kết thúc khi bà Bảy Vân đưa con ra miền Bắc tập kết. Năm 1957, trước khi ông Lê Duẩn ra Bắc để thay ông Trường Chinh làm Bí thư thứ Nhất, BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, một số cán bộ của Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam – những người từng ủng hộ và chứng kiến đám cưới của bà Bảy Vân và ông Lê Duẩn đã yêu cầu bà ly dị ông, để không vi phạm hôn nhân một vợ một chồng ở miền Bắc.
Ngày 11, tháng 6 năm 1957, bà Bảy Vân viết một lá thư xin ly dị chồng, nhét vào bao thư. Bao thư để dòng chữ: "Sau khi gia đình khó khăn, tôi viết đơn gửi Trung ương xin ly dị ". Nơi nhận là Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.
Nhưng năm 1957, khi ra Bắc và gặp lại vợ, biết được ý định của tổ chức và bức thư của bà Bảy Vân, ông Lê Duẩn kiên quyết không đồng ý ly dị.
Một buổi chiều ở số 6 Hoàng Diệu, bên khung cửa sổ, ông Ba Duẩn gối đầu trên đùi bà Bảy Vân trong lúc bà nhổ tóc bạc cho chồng. Nước mắt ông chảy dài:
Trong hoàn cảnh nào chúng ta lấy nhau, giờ trong hoàn cảnh nào chúng ta lại bỏ nhau khi đã có hai đứa con? Cho dù anh là Tổng Bí thư đi nữa mà phải bỏ vợ con mình, thì lòng anh không bao giờ yên ổn. Việc đó không đúng với tấm lòng người Cộng sản. Người Cộng sản thì phải có thuỷ, có chung, có tình, có nghĩa. Người Cộng sản không yêu vợ mình, không thương con mình, thì sao có thể yêu nhân dân, yêu đất nước?
Khi ông Ba Duẩn kiên quyết không chịu ly dị vợ và bà Bảy Vân cũng không nghe lời khuyên của nhiều người mà bỏ chồng, thì ở miền Bắc, bà Bảy Vân bị một số chị em trung Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam ghét bỏ. Bà Bảy Vân ra miền Bắc không chỉ với tư cách vợ của Bí Thư Xứ ủy Nam Kỳ (và sau này trở thành Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam), bà còn là Tỉnh uỷ viên, là cán bộ trung cấp, có tiêu chuẩn chế độ riêng. Nhưng mọi chế độ đó, kể cả việc được khám bệnh ở Bệnh viện Việt Xô cũng bị cắt bỏ. Trong hồi ký, bà viết rằng, những năm tháng đó, dù là vợ của TBT trong một cuộc hôn nhân được Bác Hồ chấp thuận, bà vẫn có cảm giác mình như tội đồ trong mắt người xung quanh.
Nhưng nếu như bà Bảy Vân là người vợ mà vì tình yêu, ông Lê Duẩn không muốn bỏ. Thì bà Lê Thị Sương, người vợ đầu của ông - lại là người mà vì tình nghĩa - ông cũng không thể bỏ.
Suốt cuộc đời mình, ông Lê Duẩn không bao giờ giấu diếm tất cả con cái trong gia đình một điều: rằng cuộc hôn nhân đầu tiên của ông với bà Lê Thị Sương là một cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt. Nhưng dù không thể dành cho người vợ đầu tình yêu của một người đàn ông dành cho một người đàn bà, ông Ba Duẩn dành cho bà Lê Thị Sương sự trân trọng, biết ơn và khâm phục.
Bà Lê Thị Sương (bên trái) và bà Bảy Vân - hai người vợ của cố TBT Lê Duẩn.
Thời còn hoạt động cách mạng, có khi 7-8 năm trời mới về nhà được một lần, ông Ba Duẩn thường đề nghị bà Lê Thị Sương đi tìm người chồng khác. Nhưng lần nào bà cũng im lặng và lắc đầu.
Khi ông Ba Duẩn hoạt động ở miền Nam, bà Lê Thị Sương ở Quảng Trị thay ông chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ chồng. Lúc bố chồng bà bị địch bắt, bà cắt mái tóc dài chấm đất bán lấy tiền đi thăm nuôi cha chồng. Những ngày chiến tranh, bà gánh bố chồng trong một bên thúng, một bên thúng còn lại gánh hai đứa con nhỏ đi chạy giặc, hai đứa con lớn hơn đi đằng sau, bước thấp bước cao đi đến nơi sơ tán.
Vì không thể rời bỏ cả hai người phụ nữ: một người vì tình yêu, một người vì ân tình báo đáp một đời không hết, nên cuộc hôn nhân của cố TBT Lê Duẩn là cuộc hôn nhân nhiều đau khổ cho cả ba người, kể cả chính ông. Trong thư gửi cho bà Bảy Vân, ông viết: "anh và chị rất ít nói chuyện với nhau, trừ những lúc nói chuyện về việc học hành của con cái…".
Nhưng người đau khổ hơn cả, hy sinh nhiều hơn cả và thiệt thòi nhiều hơn cả là bà Bảy Vân.
Vì không được sự thừa nhận của người vợ đầu, vì sự phản đối quyết liệt từ những người con riêng của chồng, nên giữa lúc mang thai đứa con thứ 3, bà Bảy Vân xin sang Trung Quốc du học và một mình sinh con nơi xứ người, với hy vọng xa cách sẽ làm dịu đi những sóng gió trong cuộc hôn nhân của bà. Những chuyến công tác của TBT Lê Duẩn sang Bắc Kinh là những lần hiếm hoi bà được sống cạnh ông.
Chụp ở Bắc Kinh năm 1960, cùng với ông Chu Ân Lai và ông Xuân Thuỷ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Ở Bắc Kinh, bà viết thư về cho người vợ đầu của chồng. Trong lá thư đó, bà Bảy Vân xin với bà Lê Thị Sương: "Anh ấy lớn nhất là anh cả. Chị là chị của em. Em là em út của hai người. Em mong rằng chúng ta có thể cùng nằm một giường nói chuyện vui vẻ, đầy tình thương. Vì chúng ta là một gia đình cách mạng, có một tình thương cách mạng, em tin rằng người khác thì không thể, nhưng chúng ta có thể sống với nhau như vậy".
Dẫu là vậy, thì ước ao đó của bà Bảy Vân không bao giờ thành sự thật. Trở về nước sau 5 năm đi học nước ngoài, bà Bảy Vân hiểu rằng sẽ chẳng có cơ hội nào để bà có thể thực sống bên cạnh chồng mình như một người vợ thực sự. Nên năm 1964, giữa lúc chiến trường miền Nam khốc liệt nhất, bà theo đoàn tàu không số vào Nam, để lại người chồng bà yêu mà không thể ở cạnh, để lại 3 đứa con ở miền Bắc. Bà ra đi để ông Lê Duẩn bớt đi những gánh nặng, giằng xé trong gia đình, chuyên tâm vào việc lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng miền Nam.
Ngày chia tay, ông Lê Duẩn nằm cạnh vợ, lại nước mắt chảy dài. Ông nói: "Thôi cuộc đời chúng mình đã vậy. Chúng mình cùng lấy lý tưởng làm lẽ sống, để vẫn được gần nhau. Vì chúng mình không thể ở cạnh nhau, anh mong em phấn đấu trở thành anh hùng".
Nhưng một người đàn bà như bà Bảy Vân có lẽ thời khắc đó không tha thiết nhiều đến việc mình có thể trở thành anh hùng hay không.
Năm 1974, gặp lại con trai Kiên Thành và con gái Vũ Anh giữa Moscow.
Khi đoàn tàu không số cập bến miền Nam, trước lúc chia tay, những anh em, đồng chí trên tàu hỏi bà:
-Chị có viết thư cho anh Ba thì tụi em chuyển ra?
Và bà trào nước mắt.
Khi chia tay, con gái Vũ Anh của bà mới 14 tuổi tay run bần bật trong tay mẹ, rồi chạy như điên loạn ngoài đường, gào khóc vì phải xa mẹ. Con gái đến tuổi trưởng thành mà bà không được ở cạnh để dìu dắt con thành một người đàn bà. Đó là nỗi đau không tả xiết của của người mẹ.
Khi chia tay, con trai thứ của bà – Lê Kiên Thành mới 9 tuổi, ngày nào cũng dắt theo cậu em Kiên Trung 7 tuổi đi từ số 6 Hoàng Diệu sang số 4 Huyện Thanh Quan, nhòm qua ô cửa khoá, để xem bà đã đi chưa, mà bà không thể mở cửa gặp con, vì sợ rằng nếu gặp rồi thì không đủ can đảm rời bước. Mãi đến 10 năm sau, bà mới có dịp đoàn tụ con khi tất cả đã trưởng thành giữa Moscow đầy tuyết trắng.
Trong hồi ký, bà viết, bỏ lại 3 đứa con ở miền Bắc, bà như cầm dao cùn cắt từng khúc ruột của mình. Làm sao bà có thể viết thư cho chồng, nói với ông hết những điều trong lòng bà mà không làm ông bận lòng?
Nên cuối cùng, bà chỉ viết một bức thứ ngắn ngủi với vài lời từ biệt và một bài thơ đối lại bài thơ ông Lê Duẩn đã viết tặng bà trong ngày cưới.
Trong số những người vợ của các Ủy viên Bộ Chính trị ngày đó, chỉ có một mình bà Bảy Vân là phải rời bỏ chồng con, dấn thân vào nơi chiến trường khốc liệt nhất.
Ở Miền Nam, cái đầu của bà Bảy Vân luôn được giặc treo thưởng. Giặc vẽ hình bà treo giữa chợ kèm theo hàng chữ: "Nguyễn Thụy Nga - tên mới là Nguyễn Thị Vân, vợ của lãnh tụ số 1 Cộng sản Bắc Việt nằm vùng"…
Bà Bảy Vân ở chiến trường Nam bộ những năm 1960.
Nên, lẽ thường người đàn bà xa chồng, xa con sẽ để trong ví mình bức ảnh của chồng con để ngắm nhìn mỗi khi nhung nhớ, thì thay vào đó, bà Bảy Vân để trong ví mình tấm hình của một viên sĩ quan Cộng hoà mà bà nhận là cháu ruột. Tấm hình đó đã hơn một phen cứu bà thoát chết.
Ở U Minh, bà nhận được thư của con gái Vũ Anh viết: "Thời gian trôi đi vùn vụt nhưng sao con vẫn thấy chậm. Đã mấy cái Tết rồi mẹ con mình phải xa nhau mẹ nhỉ? Con muốn mình chóng lớn để vào Nam đánh Mỹ cùng mẹ. Nhưng con chỉ sợ con sẽ không kịp lớn nữa. Sao mẹ không đẻ con sớm vài năm, để mẹ con mình có thể cùng nhau đánh giăc?". Mà bà vẫn phải nuốt nước mắt vào lòng.
Ở U Minh, bà bị sốt rét rừng. Nỗi nhớ con và chiến trường khốc liệt khiến bà bạc tóc. Nhưng bà không bao giờ kêu khóc. Trong bức thư gửi cho con trai Kiên Thành từ rừng U Minh, bà kẹp vào đó một con muỗi to bằng đốt ngón tay, một sợi tóc bạc và bình thản kể về cuộc sống đầy nguy hiểm và khốc liệt của mình.
Kết hôn với một người chồng như ông Ba Duẩn, bà đã chọn cho mình một số phận khó khăn và thách thức nhất, cũng là số phận mà bà sẽ buộc phải hy sinh nhiều nhất. Mà đó cũng là những gì mà ông Ba Duẩn chờ đợi và hy vọng ở bà, như trong bức thư ông viết cho bà:
"Người đàn bà là một linh hồn để xoa dịu những đau đớn của con người.
Em phải là người đàn bà ấy.
Người đàn bà là một bài thơ, một bản nhạc hay, một bông hoa tươi đẹp thơm tho, một luồng gió mát, một biển cả mênh mông.
Em phải là người đàn bà ấy.
Người đàn bà là người có hằng hà sa số tình thương, là người bạn tốt nhất, đẹp nhất của người chồng.
Em phải là người đàn bà ấy…".
Và bà đã trở thành người đàn bà ấy - vì tình yêu và sự kỳ vọng của ông Ba Duẩn.
Khi cả khu căn cứ bị giặc càn năm 1972, đồng đội đưa cho bà một quả lựu đạn cùng với lời dặn nếu địch bắt được thì nổ lựu đạn tự sát. Ôm quả lựa đạn trong tay và đau đớn nghĩ rằng sẽ không còn cơ hội gặp lại 3 đứa con, đó là lần duy nhất trong đời bà oán trách chồng, oán trách số phận hẩm hiu, cay đắng của mình.
Bà Bảy Vân xa chồng, xa con vào miền Nam từ năm 1964 và sống ở miền Nam cho đến tận lúc bà qua đời vào ngày 26/10/2018. Nếu tính đến lúc TBT Lê Duẩn qua đời năm 1986, cuộc hôn nhân của ông bà kéo dài 36 năm. Nhưng những ngày thực sự được sống bên nhau hạnh phúc chỉ có 3 năm ngắn ngủi. Còn hơn 30 năm sau này, thời gian mà bà được sống cạnh chồng mình chỉ tính bằng ngày – những ngày rất ít ỏi trong những lần rất hiếm hoi mà bà có thể gặp chồng trong cảnh người Nam kẻ Bắc.
Có rất nhiều người thắc mắc, năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, tại sao TBT Lê Duẩn - người có quyền lực cao nhất lúc ấy lại không thể đưa bà Bảy Vân ra miền Bắc, để vợ chồng có thể đoàn tụ?
Rõ ràng là ông có thể, nhưng ông đã không làm thế. Vì nếu bà Bảy Vân ra miền Bắc, thì tất cả những người còn lại trong gia đình sẽ đau khổ. Ông Lê Duẩn nói với bà: "Vì em là người có học nhất, là người đàn bà phụ nữ nhất, hiểu anh nhất, nên anh mong em có thể là người vì anh mà hy sinh nhiều nhất…".
Năm 1948, giữa rất nhiều cô gái Nam bộ trẻ hơn, nổi bật hơn, xinh đẹp hơn, ông Lê Duẩn đã chọn bà Bảy Vân, có lẽ là vì ông cảm nhận được bà là người phụ nữ có thể vì người đàn ông của mình mà hy sinh nhiều hết mức có thể, thậm chí là tất cả những gì mình có. Như trực giác mách bảo, ông Lê Duẩn hiểu rằng, ở cạnh một người Cộng sản như ông, người phụ nữ nào cũng phải chịu đựng thiệt thòi.
Nên khi mà cả đất nước thống nhất, những người vợ trên khắp đất nước được sum họp với chồng, gia đình đoàn tụ, thì chỉ có một mình bà Bảy Vân với cuộc hôn nhân và mối tình không bao giờ có ngày thống nhất – vẫn phải sống cảnh người Nam kẻ Bắc.
Chỉ có mình bà, dù chồng là TBT nắm trong tay quyền lực cao nhất, nhưng giữa những ngày chiến tranh biên giới Tây Nam, bà vẫn làm việc ở Tỉnh uỷ An Giang – một trong những nơi khốc liệt nhất của cuộc chiến - giữa những cánh đồng mà đi đâu cùng đầy những xác người.
Cả cuộc đời mình, bà chưa một lần hé răng kêu than với con cái về những thiệt thòi đó.
Càng những năm sau này, bà Bảy Vân càng hiểu rằng, sẽ không bao giờ còn có cái ngày mà bà có thể cùng chồng mình sống dưới một mái nhà. Bà viết cho chồng một lá thư vào cuốn sổ tay ông tặng bà ngày cưới - một lá thư bà không bao giờ gửi. Đó là những dòng chữ cuối cùng trong cuốn sổ tay lưu giữ toàn bộ tình yêu của cuộc đời bà.
Năm 1986, khi chuẩn bị Đại hội VI, ông Lê Duẩn có nói với bà Bảy Vân: "Xong việc này rồi anh sẽ về miền Nam nghỉ, ở gần em". Bà trở về miền Nam đợi chồng. Nhưng ông Lê Duẩn không bao giờ có cơ hội trở về như lời ông đã hứa. Ông mất chỉ sau đó một thời gian ngắn, khi bà không thể kịp ra miền Bắc gặp ông lần cuối.
Khi Lê Kiên Thành - con trai ông Lê Duẩn và bà Bảy Vân trao cho tôi cuốn sổ tay của bà và toàn bộ những lá thư mà bà Bảy Vân và ông Lê Duẩn viết cho nhau trong nhiều chục năm trời, tôi đã giải đáp được phần nào một điều mà tôi băn khoăn: ông Lê Duẩn có phải là một người hạnh phúc không?
Tôi nhận ra rằng, cuộc đời của vị TBT từng nắm quyền lâu nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản dù vinh quang nhưng không ít buồn bã - những điều mà ông chỉ có thể chôn giấu trong lòng hay tâm sự với người vợ suốt đời xa cách của mình, chứ không thể nói được với ai.
Một buổi chiều mùa hè năm 1986, Lê Kiên Trung - con trai út của TBT Lê Duẩn lên thăm ông giữa lúc ông đang ốm bệnh. Ông nắm lấy tay con: "Ở lại đây với ba, ba cô đơn quá."!
Ngày hôm sau, ông mất. Lúc đó, bà Bảy Vân đang ở cách xa ông 2000 cây số.
Nội dung: Tô Lan Hương Thiết kế: Đỗ Linh Ảnh: NVCC Theo Trí Thức Trẻ13/12/2018 Theo Trí Thức Trẻ Copy link Link bài gốc Lấy link Có thể bạn quan tâmÔng Lê Kiên Thành - con trai cố TBT Lê Duẩn: "Mẹ tôi và những nỗi đau không nói hết thành lời”
Bà Nguyễn Thị Vân, phu nhân cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần
Từ khóa » Tổng Bí Thư Lê Duẩn Có Máy Vợ
-
Lê Duẩn – Wikipedia Tiếng Việt
-
Phu Nhân Cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn Từ Trần - Báo Tuổi Trẻ
-
Đoạn Sóng Gió Trong Cuộc Hôn Nhân Của Tổng Bí Thư Lê Duẩn
-
Chuyện đời Riêng Của Cố Phu Nhân TBT Lê Duẩn - Sputnik
-
Vợ Tổng Bí Thư Lê Duẩn Tố Cáo... - Zombie - Đổi Mới Cuộc Sống
-
Về Câu Chuyện Tình Của Con Gái Tổng Bí Thư Lê Duẩn Với Viện Sĩ ...
-
Bài 1. Lê Duẩn Cũng 2 Vợ Và Không Nói Chuyện Và Không Cho Vợ Cả ...
-
Người Vợ Miền Nam Của Cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn
-
Người Vợ Miền Nam Của Cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn - Kỳ 3 - Tiền Phong
-
Tổng Bí Thư Lê Duẩn Có Mấy Vợ
-
Thương Tiếc Nhà Báo Nguyễn Thị Vân, Phu Nhân Cố Tổng Bí Thư Lê ...
-
Hé Lộ Phu Nhân Tổng Bí Thư LÊ DUẨN Và Câu Chuyện Nỗi Đau ...
-
Bà Lê Thị Sương Vợ Lê Duẩn - .vn
-
“Một Nửa Thế Giới” Trong Mắt Cố TBT Lê Duẩn