Nước Mắt Nghề Shipper

Công việc của shipper tưởng nhẹ nhàng, đơn giản, dễ kiếm tiền, nhưng thực tế đây là một nghề đầy thử thách, đối mặt nhiều rủi ro.

Chừng mươi năm về trước, nói đến từ ship hàng, hẳn nhiều người còn ngơ ngác. Còn hiện nay, đó lại là từ được dùng hằng ngày. Sự bùng nổ về công nghệ đang làm đời sống thay đổi từng ngày. Hiện nay, nhu cầu được phục vụ của mọi người ngày càng tăng. Chỉ cần nhấc máy lên thực hiện một cuộc điện thoại, là ngay lập tức đơn hàng của khách đã được nhận và xử lý tức thì, hàng hóa, đồ dùng, đồ ăn uống có thể tới ngay “chân công trình” sau thời gian ngắn. Chính vì vậy, nghề shipper là một trong những nghề được nhiều người tham gia. Công việc không chỉ dành cho các bạn trẻ muốn kiếm thêm thu nhập ngoài phụ cấp gia đình, mà nhiều nhân viên văn phòng hay các bác hưu trí cũng làm tranh thủ. Cái nghề một nắng hai mưa này ấy thế mà cũng nhiều nỗi gian truân.

Shipper cũng cần có uy tín

Một shipper nếu may mắn có thể nhận được rất nhiều đơn hàng trong một ngày. Nếu biết sắp xếp khéo léo lộ trình, họ có thể thu lại được những khoản thù lao kha khá so với lương công chức. Do có nhiều người tham gia, do vậy nghề này cũng cạnh tranh khá mạnh, đòi hỏi shipper phải chuyên nghiệp hơn. Người nào phục vụ nhanh, chu đáo hơn, thái độ phục vụ nhiệt tình hơn thì sẽ được sự tin tưởng của chủ hàng và có nhiều đơn hàng.

Tôi biết Dương (tên nhân vật đã thay đổi) là shipper của một đơn vị vận chuyển khá lớn. Cậu có dáng người gầy nhỏ, nhưng ngày nào cũng chở bịch hàng nặng cả trăm kg đi giao quanh khu vực Ngã Tư Sở. Ngày chủ nhật, trời mưa rả rích suốt ngày, cũng thấy Dương chở bịch hàng đi giao. Gặp khách hàng thương cảm, cậu xởi lởi tâm sự:

- Mỗi ngày em giao bao nhiêu đơn hàng?

Chừng khoảng 100 đơn chị ạ.

- Mỗi đơn hàng giao xong, em được bao nhiêu tiền?

Em được 5.000đ, đó là bao gồm cả tiền xăng xe, điện thoại. Thôi thì trừ chi phí đi cũng còn được 4.000đ/đơn. Chị thấy ít không, nhưng cũng còn hơn em làm nông nghiệp ở quê Hòa Bình, vất lắm chị, chẳng đủ tiền nuôi 2 con ăn học.

- Thế mỗi tháng em gửi về cho gia đình được bao nhiêu?

Trừ chi phí sinh hoạt và thuê nhà, em cũng gửi về cho gia đình được 6-7 triệu. Đấy là với điều kiện em đi làm đều thậm chí cả chủ nhật, khi công ty yêu cầu, kể cả ngày mưa cũng phải đi giao hàng.

- Trời mưa sao không nghỉ, đi giao hàng ướt hết hàng thì sao?

Bên công ty yêu cầu đi giao mà không đi là bị phạt. Mưa thì phải trùm hàng kỹ mà đi giao. Chứ không thì mưa vài ngày là hàng của khách ùn chất đống.

- Em có hay bị “bom” hàng (khách không nhận hàng) không?

Có chứ, đơn hàng bị “bom” là khổ. Mình vừa mất công mang đi, vừa mất tiền điện thoại, về lại phải giải trình với công ty về lý do khách không nhận hàng. Nói chung là khổ. Em giao khu vực này quen rồi, nên khách nào “bom” nhiều là em từ chối với công ty ngay từ đầu cho đỡ mất công mang hàng đi.

Nghề shipper lắm gian nan.

Nghề shipper lắm gian nan.

Gian truân cũng lắm, bẫy lừa giăng đầy

Công việc shipper thoải mái về thời gian, thu nhập khá ổn nếu chịu khó, kiên trì, không quản ngại nắng, mưa, đồng thời phải nhanh nhạy, am hiểu công nghệ, đường sá... Chỉ cần một chiếc xe máy, đảm bảo đầy đủ giấy tờ lưu hành hợp pháp, cùng một chiếc điện thoại thông minh là bạn đã đủ điều kiện tham gia nghề ship.

Ai cũng nghĩ nghề shipper đơn giản, chỉ cần nhận hàng từ người bán giao cho người mua là hoàn thành công việc. Nhưng không phải vậy, cũng theo lời Dương kể, dù giao hàng cho công ty tuy tiền phí nhận được thấp, nhưng hàng hóa ổn định. Chứ nhiều người làm shipper tự do, mỗi đơn hàng giao được nhiều hơn, từ 20.000-30.000đ, nhưng khách “lởm” nhiều lắm, cung đường đi lại cũng nhiều, có người mỗi ngày phải chạy vòng vèo lên đến 70-80km, phải có sức khỏe tốt mới làm được.

Duy - một shipper tự do cho biết, có lần đi giao hàng là hải sản tại chung cư ở quận Thanh Xuân. Khách trả thêm tiền với điều kiện phải lên tận căn hộ giao hàng. Em đi giao vào giờ cao điểm, đường tắc, đến nơi phải vòng gửi xe dưới hầm, lên tận tầng 25 giao hàng. Vì bị muộn bữa tối, khách nhất định không nhận, Duy đành quay về trả lại chủ hàng. Nhưng lúc này hải sản đã không còn tươi ngon sau 2 giờ treo ở xe, chủ hàng không chịu nhận, Duy đành ngậm ngùi ôm lấy mớ hàng hơn 1 triệu đồng.

Để đảm bảo an toàn cho hàng hóa được giao, bên giao hàng và shipper lần đầu “giao thiệp” sẽ có một giao dịch trước đó là shipper phải tạm ứng đủ 100% giá trị hàng hóa. Sự tiện lợi của điều này là ngay sau khi khách nhận hàng, shipper không cần quay trở lại để thanh toán với chủ hàng. Với các bạn sinh viên, muốn làm shipper tranh thủ, thì mọi việc cũng không đơn giản. Các em luôn phải chuẩn bị khoản tiền để ứng trước cho các chủ hàng, đơn ít chỉ dăm chục nghìn đồng, đơn nhiều có lúc đến cả chục triệu đồng. Việc đầu tiên là dùng facebook của mình tham gia các nhóm như: Ship tìm người - Người tìm ship, Shipper Hà Nội, Grap Shipper...  Sau đó cài các ứng dụng để săn đơn hàng... Những ứng dụng này sẽ liên kết với các nhóm ship trên facebook giúp shipper “săn” đơn nhanh nhất. Công việc này có thể kiếm tiền dễ hơn so với xe ôm công nghệ, bởi có thể ghép được nhiều hàng cùng một chuyến đi, đa số là hàng gọn nhẹ treo xe như mỹ phẩm, thời trang, quà tặng..., nhưng đôi khi, nếu gặp phải rủi ro, ứng tiền cho những đơn hàng “có giá trị lớn” nếu không may mắn, có thể bị lừa mà mất trắng số tiền đó do không ship thành công và cũng không hoàn lại hàng được do chủ hàng đã biến mất.

Gần đây nhiều vụ lừa đảo shipper diễn ra khiến không ít người hoang mang. Nhóm lừa đảo dùng sim “rác” gọi shipper tới vỉa hè, quán nước... giao cho thứ hàng hóa kém giá trị nhưng được khai khống cao lên nhiều lần. Cầm tiền trong tay rồi, chúng sẽ biến mất như chưa từng xuất hiện trên trái đất. Nạn nhân hồ hởi chuyển hàng tới địa chỉ “ma” của những kẻ bất nhân đưa cho.. và rồi mồ hôi và tiếp theo nước mắt tuôn ròng khi phát hiện bị lừa cay đắng.

Sau vụ đơn hàng phát nổ ở chung cư Linh Đàm gần đây, Duy cho biết, các shipper đều lo ngại. Bởi đơn hàng giao trên mạng, không ai kiểm duyệt được đó là hàng gì, biết đâu trong đó là hàng cấm, là ma túy hay chất gây nghiện, gây cháy nổ, thì vô tình shipper thành tham gia đường dây tội phạm. “Đơn hàng có chứa chất gây nổ thì gay go. Nó phát nổ giữa đường thì mình banh xác chứ chả chơi”- Duy lo ngại.

Với các bạn nữ, muốn làm shipper cũng chả dễ dàng gì. Bạn Hoài Anh (Đống Đa, Hà Nội) đã gặp không ít phiền toái. Nhiều lần khi comment số điện thoại nhận đơn hàng trên nhóm ship, chủ hàng gọi đến, nghe thấy giọng con gái nên họ không mặn mà, thậm chí có người từ chối thuê ship, vì cho rằng phụ nữ thiếu nhanh nhẹn, lại không chở được hàng cồng kềnh. Khi nhận đơn ship hàng, Hoài Anh cũng đã bị nhiều người trêu ghẹo. Làm shipper hơn 1 năm nay, Hoài Anh tự trang trải được học phí và tiền thuê nhà, cũng như đảm bảo cuộc sống sinh viên đơn giản. Buổi sáng em phải dậy sớm đi học, rồi thường tranh thủ buổi trưa và sau giờ tan học đi ship hàng đến 10 giờ đêm. Ngày này qua ngày khác cứ như vậy, nên không có nhiều thời gian vui vẻ bạn bè.

Không những gặp rủi ro do bị lừa, nghề shipper còn phải bươn chải cả ngày trên đường, gánh trên xe bao nhiêu hàng hóa cùng với áp lực giao hàng đúng giờ bởi thời gian luôn là yếu tố được ưu tiên hàng đầu và cũng là yếu tố cạnh tranh giữa các dịch vụ giao hàng. Việc thường xuyên di chuyển bằng xe máy ngoài đường kèm với áp lực giao hàng đúng giờ, đảm bảo an toàn cho hàng hóa hay thực phẩm luôn mang nhiều rủi ro. Mới đây trên diễn đàn nghề shipper có chia sẻ câu chuyện một bạn trẻ trên đường đi làm công việc này thì lao vào ổ gà lớn trên đường. Trong bức ảnh, gương mặt người trẻ nằm úp xuống đường, tiền, hàng hóa tung tóe lẫn với máu bên chiếc xe đổ vật sang một bên dưới ánh nắng chói chang. Công việc nào cũng có rủi ro, nghề shipper gánh thêm sự may rủi của việc di chuyển. Cũng có nhiều người cho rằng một phần do họ đôi khi quá tập trung vào chiếc điện thoại di động, vội vàng trong cách tham gia giao thông và còn nhiều lý do khác nữa, nên rất dễ bị tai nạn giao thông. Không ai mong muốn đón nhận những điều này, thế nhưng sự khắc nghiệt của nghề nghiệp đôi khi người ta dễ dàng bỏ lại phía sau.

Nhiều lúc đi giao hàng, shipper phải trả tiền gửi xe rồi ôm cả thùng hàng theo mình để mang hàng cho một khách trên tầng cao tít. Nếu khách vừa lòng thì không sao, khách không hài lòng với sản phẩm thì phải đem về, vừa mất công, vừa phải chờ đợi rất lâu. Tiền công của các shipper thì đổ hết vào tiền xăng xe. Chưa kể khi mải giao hàng cho kịp, shipper phải vượt đèn đỏ, lấn làn, chen đường,... hôm may mắn thì không sao, hôm bị thổi phạt thì coi như mất hết cả ngày công.

Vất vả nhưng đầy rủi ro...

Vất vả nhưng đầy rủi ro...

Cần lắm sự cảm thông

Sự ra đời của nghề shipper đã giúp ích cho rất nhiều người, giao thương hàng hóa giữa các vùng miền cũng thuận lợi. Vì vậy cần tôn trọng, cảm thông và chia sẻ với các shipper. Mỗi người hãy là những người mua hàng, bán hàng có tâm, ghi nhận công sức lao động chính đáng của các shipper. Những việc làm ác ý với những nghề nghiệp chân tay, đôi khi người làm ra nó không có cảm giác tội lỗi, bởi nó khuất sau màn hình điện thoại công nghệ. Nhưng đầu bên kia, là những số phận đối nghịch. Là sự mưu sinh nhọc nhằn là cuộc sống của họ và gia đình...

Để phòng ngừa bị lừa đảo, cơ quan công an khuyến cáo những người hành nghề shipper cần chú ý cảnh giác khi nhận được đơn hàng từ người lạ. Nếu đơn hàng có giá trị lớn, thay vì đặt cọc toàn bộ giá trị hàng thì chỉ nên đặt cọc một phần, khi nào giao hàng xong quay lại lấy giấy tờ và trả tiền còn thiếu. Kiểm tra cẩn thận hàng hóa trước khi giao. Không nên nhận hàng ở địa điểm công cộng mà cần đến tận nhà, tận cửa hàng của người thuê ship hàng. Nếu gặp phải kẻ lừa đảo, shipper đừng ngại ngần. Hãy trình báo cơ quan công an, đồng thời chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng để cảnh báo cho người khác, mặt khác có thể sẽ được cộng đồng giúp đỡ truy tìm ra kẻ lừa đảo.

Từ khóa » Síp Bơ Là Gì