Nuôi Cá Ruộng Chiêm Trũng - Tạp Chí Thủy Sản

Chuẩn bị ruộng nuôi

Ruộng nuôi nên ở gần mương thủy lợi để thuận tiện cho việc cấp và thoát nước, diện tích từ 2.000 m2 trở lên (có thể dồn điền đổi thửa), có cống cấp và thoát nước riêng biệt. Ruộng được đào mương như ô bàn cờ, chiều rộng mương 2 – 3 m, sâu 0,5 – 1 m, khoảng cách các mương 20 – 25 m; các mương được nối với nhau và nối với ao ương.

Bờ ruộng được đắp cao chắc chắn, mặt bờ rộng 1,5 – 2 m, chiều cao bờ phải cao hơn mực đỉnh lũ trong năm 0,5 m, sườn bờ được cấy cỏ để hạn chế xói lở, mặt bờ nên trồng chuối để tăng thêm thu nhập và tạo bóng mát. Ở góc hoặc nơi trũng nhất của ruộng nên đào một ao để ương cá, diện tích ao 200 – 500 m2, sâu 1 – 1,5 m.

Trước khi cấy lúa, ruộng được tháo cạn, khu vực ruộng cấy lúa, đáy được cày bừa kỹ. Dùng vôi nông nghiệp rải xuống ruộng và mương với liều lượng 12 – 15 kg/100 m2 (Khu vực mương dùng trang kéo cho vôi hòa lẫn với bùn). Dùng phân chuồng ủ mục để bón với liều lượng 1 – 2 kg/1 m2.

Sau khi cày bừa đất thì gieo sạ hoặc cấy lúa trong khu vực ruộng, cấp nước vào ruộng chỉ đầy mương không ngập mặt ruộng. Đồng thời, cấp nước vào mương và đóng chặt cống.

Nuôi cá ruộng hiệu quả hơn so với độc canh lúa – Ảnh: Thanh Nhã

Thả cá giống

Vào cuối tháng 3 có thể mua cá chép hương (cỡ 3.000 con/kg) về để ương lên giống. Căn cứ vào diện tích của ruộng để tính ra số lượng cá mua (thả mật độ 1 – 2 con/m2). Có thể thả thêm các loại cá như trôi, rô phi, mè vinh cỡ giống lớn (20 g/con) vào mương của ruộng, mật độ 1 con/2 m2. Trong thời gian cá ở dưới mương thì nên cho ăn, khi dâng nước lên ruộng thì ngừng cho ăn để cá tận dụng thức ăn tự nhiên. Khi gặt xong lúa, cần thả thêm cá trắm cỏ cỡ giống lớn (100 – 200 g/con), mật độ 1 con/5 – 6 m2.

Chăm sóc và quản lý

Cá chép mua về được thả xuống ao và cho ăn hàng ngày với liều lượng thức ăn 7 – 10% khối lượng cá trong ao, thức ăn có thể tự chế biến bằng bột ngũ cốc và bột cá hoặc thức ăn công nghiệp. Trong thời gian ương cá trong ao cần bón thêm phân chuồng ủ mục 30 kg/100 m2/tuần và phân xanh (cây lá xanh thân mềm) 40 kg/100 m2/tuần, phân chuồng được rải đều xuống ao, phân xanh được bó lại dìm xuống các góc ao.

Mực nước trong ruộng được điều chỉnh tăng dần khi lúa phát triển, trong quá trình chăm sóc lúa có thể bón phân vô cơ (đạm, lân) bình thường, nhưng cần chú ý khi phun thuốc sâu cho lúa nên rút nước trên mặt ruộng trước 1 ngày và cấp lại nước sau đó 3 ngày để thuốc bay hơi hết, tránh ảnh hưởng đến cá.

Khi lúa chín, cần rút hết nước trên mặt ruộng để cá xuống dưới mương rồi thu hoạch lúa. Chỉ thu hoạch phần ngọn lúa nên để lại phần rạ, sau đó dâng nước cao từ 0,5 m trở lên (tính từ mặt ruộng). Trong giai đoạn này không cần cho cá ăn vì nguồn thức ăn tự nhiên trong ruộng rất phong phú, như mầm lúa, thóc rơi vãi, động vật đáy… Vẫn có thể bón thêm phân chuồng ủ mục và phân xanh vào các mương và ao với liều lượng bằng lượng bón trong ao ương để tạo thêm nguồn thức ăn tự nhiên.

Cần theo dõi bờ ruộng và gia cố kịp thời khi có hiện tượng rò rỉ; vào mùa mưa bão cần gia cố bờ ở các điểm xung yếu và chuẩn bị lưới chắn đề phòng vỡ bờ.

Sau khi thu hoạch lúa 1,5 – 2 tháng thì cho cá ăn trở lại với liều lượng thức ăn bằng 1 – 2% khối lượng cá trong ao. Duy trì lượng phân chuồng và phân xanh bón cho ao và tăng cường thêm các loại rau xanh cho cá trắm cỏ.

Lưu ý: Trong quá trình nuôi, cần định kỳ té nước vôi vào ruộng (1,5 kg/100 m2/tháng để phòng bệnh cho cá. Nếu cá có hiện tượng bệnh, cần quan sát chẩn đoán để có biện pháp chữa trị kịp thời.

Thu hoạch

Sau thời gian nuôi 7 – 8 tháng (tháng 3 – 10) có thể thu hoạch xuất bán, lúc này cá rô phi, chép, trôi đạt 0,5 – 1,2 kg, trắm cỏ 2,5 kg.

Khi thu hoạch cá cần bơm cạn, tẩy dọn ao ương trước và cấp nước vào, sau đó hạ nước trên ruộng, dùng lưới thu hoạch cá ở mương để xuất bán, nên lựa những con nhỏ thả vào ao ương để nuôi tiếp.

>> Loại hình nuôi cá ruộng chiêm trũng này ngoài sản lượng lúa vụ chiêm còn có thể thu hoạch 5 – 6 tấn cá/ha, lợi nhuận ước đạt 100 – 120 triệu đồng.

Từ khóa » Cá Ruộng