Nuôi Dúi ở Phố - Báo Công An Đà Nẵng

Là loài vật sống ở núi rừng hoang dã, từ lâu dúi đã trở thành món ăn "đặc sản", bị con người săn bắt ráo riết thế nên nguồn dúi tự nhiên ngày càng hiếm. Nhìn thấy cơ hội đó, nhiều người ở Quảng Nam đã đưa dúi về phố nuôi, trở thành nghề hái ra tiền.

Mô hình nuôi dúi đã mang lại cho gia đình chị Phượng nguồn thu không nhỏ.

Có lẽ, ở cái xã Tam Lãnh (H. Phú Ninh) này thì chị Nguyễn Thị Phượng (thôn Trung Sơn) là người đầu tiên nghĩ đến xây chuồng, đưa dúi về nuôi thương phẩm. Và sau một thời gian, cái ý tưởng mà nhiều người cho rằng "lạ đời" đó lại thành công bất ngờ. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng năm 2010, thay vì kiếm một công việc như bao bạn bè, cô sinh viên này lại trở về quê đầu tư chuồng trại nuôi dúi rừng. Phượng kể: "Khi còn là một sinh viên, mình được thầy cô giao cho làm đề tài "tìm hiểu về đặc tính của loài dúi". Nghiên cứu về loài dúi mình thấy rất hay nên đặt câu hỏi, "tại sao lại không nuôi thử loài động vật này". Thế là sau đó, mình ra tận ngoài Bắc mua 10 cặp giống dúi rừng bố mẹ với giá 15 triệu đồng về nuôi thử nghiệm".

Mọi sự khởi đầu không dễ như Phượng nghĩ, khi mà 10 cặp dúi đưa về đến nhà nuôi lần lượt chết hết, chỉ còn hai con dúi cái. Rất may là hai con dúi này sau một thời gian ngắn đã sinh sản. "Lần đầu tiên nuôi dúi, kinh nghiệm không có, trong khi đó dúi cứ lần lượt chết. Có thời điểm khiến mình lo sợ vì dúi chết quá nhiều mà không rõ nguyên nhân, cũng không tìm ra được cách xử lý", Phượng nhớ lại. Tuy nhiên, không vì thế mà nản chí, Phượng nghiên cứu thêm về dúi, tìm hiểu nguồn thức ăn phù hợp với loài vật này. Phượng cho biết, nuôi dúi sinh sản phải khép kín, hạn chế người lạ vào khu vực nuôi. "Vì dúi có một đặc tính xấu là khi đẻ ra, trong vòng một tuần trở lại có người ra vào gặp hơi lạ là dúi mẹ quay ra cắn con cho đến chết. Thức ăn chủ yếu cho dúi là mía, lá tre, cỏ và bắp... Không nên cho dúi ăn tinh bột, vì ăn tinh bột sẽ làm cho thịt dúi mất hết vị, thịt không còn ngon nữa", Phượng chia sẻ. Với cách làm như vậy, sau một thời gian, dúi không còn chết nữa, mà bắt đầu thích nghi và sinh sản. Phượng dần dần mở rộng mô hình, xây dựng chuồng trại và tiếp tục mua thêm giống để đẩy nhanh số lượng đàn. Đến nay, số dúi tại chuồng của Phượng luôn giao động từ 200 - 250 con, trong đó có 70 cặp dúi bố mẹ. Hiện mỗi ngày trang trại của Phượng cung cấp ra thị trường hơn 15 con dúi với gần 20 kg thịt, chưa kể số lượng con giống bán ra. Dúi nuôi trong vòng 6 tháng là có thể xuất bán thương phẩm, có giá từ 400 - 450 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mô hình nuôi dúi rừng giúp Phượng thu về hơn 200 triệu đồng/năm. Để phân phối sản phẩm ra thị trường, Phượng tiếp tục phát triển số giống hiện có, đồng thời liên kết nhiều hộ chăn nuôi khác để mở rộng mô hình. Phượng đứng ra cung cấp con giống và đảm bảo thu mua thương phẩm cho bà con. Đến nay mô hình này đã lên tới gần cả chục trang trại, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm. Nhờ có đầu ra ổn định, mô hình nuôi dúi rừng của Phượng trở thành địa chỉ uy tín cho nhiều nhà hàng lớn nhỏ khắp cả nước.

Cũng như Phượng, anh Phạm Văn Thành (P. An Xuân, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) trở thành ông chủ của một trại nuôi dúi cũng hết sức tình cờ. Trước đây, anh Thành đến nhà bạn ở tỉnh Kon Tum chơi, thấy có nuôi con dúi rừng. "Lúc đó, nhiều người tìm mua dúi về làm món nhậu vì vậy nên tôi nghĩ đến việc nuôi dúi sinh sản. Sau khi học cách nuôi, tôi mua hai cặp dúi rừng với giá 1,6 triệu đồng về nuôi thử nghiệm, chỉ 2 tháng sau là chúng sinh sản". Anh Thành cho biết, với bản tính hoang dã nên khi bắt đầu đem dúi về nuôi thì gặp không ít khó khăn. "Dúi thường phát triển rất chậm, ngoài ra do sống hoang dã nên để dúi thích nghi với môi trường nuôi khép kín là rất khó, đặc biệt là ở môi trường thành phố. Muốn nuôi dúi thành công thì phải kiên nhẫn, chăm sóc cẩn thận", anh Thành nói. Với hai cặp dúi giống bố mẹ ban đầu, sau gần 1 năm nuôi đến nay ông đã có hơn 20 con dúi nuôi trong diện tích gần 100 m2. Dúi từ lúc sinh ra cho đến khi bán thương phẩm khoảng 6 tháng với trọng lượng từ 1 - 1,2 kg, nếu chăm sóc tốt, dúi có thể đạt trọng lượng 1,5 - 2 kg. Trong khi đó, dúi ngoài thị trường đang được bán với giá từ 300 - 350 ngàn đồng/kg. Còn dúi giống sau khi nuôi được 2 - 3 tháng là có thể bán với giá 400 - 450 ngàn đồng/cặp. Vì vậy mà dúi đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho gia đình anh Thành.

Anh Thành với những chú dúi nuôi trong nhà.

Bây giờ, đến các hàng ăn hay quán nhậu nào ở Quảng Nam, Đà Nẵng thịt dúi được nhiều thực khách lựa chọn thế nên đầu ra cho mô hình nuôi dúi không phải là nỗi lo cho những người nuôi như chị Phượng, anh Thành. "Với đầu ra đảm bảo và giá thành như hiện nay, thì số dúi hiện tôi đang nuôi có giá trị gần gần 100 triệu đồng. Vì thế thời gian đến tôi sẽ nhân rộng, để nuôi thêm được nhiều dúi", anh Thành khẳng định.

MINH HÀ

Từ khóa » Dúi Chết Không Rõ Nguyên Nhân