Nuôi Ghẹ Xanh Thương Phẩm: Vốn Nhỏ, Lãi Lớn

Sau thành công của đề tài: Sản xuất giống ốc Hương và bàn giao qui trình công nghệ nuôi ốc Hương thương phẩm cho các tỉnh miền Trung và Nam Bộ của Tiến sỹ, Phó Giám đốc Nguyễn Thị Xuân Thu,Trung tâm nghiên cứu Thủy sản III đang tiếp tục triển khai hàng loạt đề tài nuôi biển có giá trị kinh tế và thương mại : Sản xuất giống và nuôi Cua Biển (do thạc sỹ Nguyễn Cơ Thạch chủ trì) ; Sản xuất và nuôi thử nghiệm Bào Ngư, Cầu Gai (do TS. Lê Quốc Minh chủ trì); Dự án hợp tác nuôi Hải Sâm (do thạc sỹ Rayier Pitt chủ trì). 

ghẹ xanh

Ðặc biêt đề tài Sản xuất giống và nuôi thương phẩm Ghẹ Xanh (Portunus Pelagicus) do TS. Nguyễn Thị Bích Thúy chủ trì đang mở ra triển vọng lớn đối với vùng nước bị ô nhiẽm do nuôi tôm, không những giúp bà con ngư dân xóa đói giảm nghèo mà còn tạo ra sản phẩm có giá trị xuất khẩu, thu nhiều ngoại tệ.

Hiện Trung tâm NCTS III đã bước đầu thành công trong việc sản xuất giống Ghẹ Xanh, tháng 1-2003 đã hỗ trợ bà con ngư dân ở xã Xuân Hòa, huyện Sông Cầu tỉnh Phú Yên 12 vạn con giống để nuôi thí điểm tại sáu đìa nuôi. Rút kinh nghiêm đề tài ốc Hương, theo Tiến sĩ Thúy, Trung tâm sẽ chỉ chuyển giao công nghệ sản xuất giống cho các địa phương khi nào bà con ngư dân hoàn toàn làm chủ qui trình và kỹ thuật nuôi Ghẹ Xanh trong ao đìa.

Huyện Sông Cầu, Phú Yên những năm trước liên tục trúng mùa Tôm Sú, nhưng do khai thác liên tục, nguồn nước bị ô nhiễm, mấy vụ nay nghề nuôi tôm thất thu. Hai năm trước, một đìa nuôi tôm 4000 mét vuông giá tới một trăm năm mươI triệu đồng, nay không nổi dăm chục triệu. Nhiều gia đình không dám thả tôm, vì tôm bị bệnh chết hàng loạt. Việc chuyển hướng nuôi Ghẹ Xanh thương phẩm trên các ao đìa nuôi tôm, hoặc nuôi xen kẽ giữa tôm sú và ghẹ xanh sẽ mở ra khả năng phát triển nghề nuôi biển bền vững ở vung bãi ngang không chỉ cho xã Xuân Hòa mà cho cả huyện Sông Cầu và cả tỉnh Phú Yên. Theo ông Nguyễn Khắc Tân, phó giám đốc Trung tâm Khuyến ngư Phú Yên, nếu dự án nuôi Ghẹ Xanh của tiến sỹ Nguyễn Thị Bích Thúy thành công, Phú Yên sẽ huy động hơn 3000 ha ao đìa để nuôi Tôm Sú xen ghẹ hoăc nuôi ghẹ thương phẩm.

Tính khả thi của dự án nuôi Ghẹ Xanh càng có cơ sở được người dân Sông Cầu đón nhận khi Công ty Starbay của Anh đang kí hợp đồng với các thương lái thu mua ghẹ lột đưa về các nhà máy đông lạnh ở Nha Trang chế biến hàng xuất khẩu. Vào thời điểm đầu tháng 3/2003, một kg Ghẹ Xanh giá mua là 20.000 đồng, trong khi đó một kg ghẹ lột giá có thể gấp bốn lần (80.000đ/kg). Bí quyết cho ghẹ trở thành ghẹ lột đã được nhiều ngư dân ở xã Xuân Hòa huyện Sông Cầu khám phá. Muốn có nhiều ghẹ lột xuất khẩu, nhất thiết phải có vùng sản xuất ghẹ tập trung. Sông Cầu phải chăng sẽ là huyện tiên phong sản xuất Ghẹ Xanh thương phẩm của cả nước?

Một số vấn đề kỹ thuật nuôi ghẹ xanh trong đìa

1. Tẩy dọn ao đìa

Ao đìa cần được chuẩn bị theo các bước sau:

ủ vôi với phân hữu cơ đã hoai (phân chim, gà hoặc trâu bò) trong khoảng 10-15 ngày (Lượng phân hữu cơ là 5 kg/100 m2 và lượng vôi trộn là 20 kg/100 m2 hoặc 25 kg/100 m2 đối với những đìa không phơi nắng được); Xả cạn nước trong đìa; Cào sạch lớp bùn trên mặt đìa; Bón phân và vôi đã ủ vào đìa; Cày và phơi nắng đìa khoảng 7 15 ngày; Sau đó lấy nước vào đìa qua lưới chắn (mắt lưới nhỏ) để tránh địch hại vào đìa; Ðể lắng nước trong đìa 3 4 ngày, sau đó xả cạn, lấy nước lại vào đìa cho tới 80 120 cm; Sau 2-3 ngày xử lý nước bằng thuốc tím với liều lượng 5ppm (5 kg/1000 m2); Sau 3 – 4 ngày tiến hành gây màu nước trong đìa; Ngày đầu bón phân u rê với lượng 0,5 – 1ppm (0,5 – 1 kg/1000 m2); Ngày thứ hai bón NPK với lượng 0,5 -1ppm (0,5 – 1 kg/1000 m2); Sau 2 3 ngày khi nước trong đìa lên màu thì tiến hành thả ghẹ bột.

2. Thả và ương nuôi ghẹ 

– Khi thả ghẹ bột xuống đìa cần phải kiểm tra độ muối và nhiệt độ ở trong đìa và nước trong thùng vận chuyển ghẹ.

– Cấp nước từ từ trong đìa vào thùng vận chuyển trong khoảng 20 40 phút để ghẹ bột làm quen với môi trường sống, sau đó thả ghẹ vào đìa.

– Mật độ thả là 5 6 con/m2.

Thức ăn ương ghẹ bột

Trong 20 ngày đầu : thức ăn ương ghẹ bột gồm các loại cá, ruốc, tôm nhỏ hấp chín và cà qua rổ nhựa, sau đó hoà đều với nước tạt khắp đìa.

Thức ăn được tính theo diện tích đìa với lượng cho ăn như sau :

3 ngày đầu lượng cho ăn là 0,6 g/ m2; 3 ngày tiếp theo là 0,8 g/m2; 3 ngày tiếp theo là 1 g/m2; 6 ngày tiếp theo là 1,2 g/m2; 5 ngày tiếp theo là 1,5 g/m2.

Trong 10 ngày tiếp theo thức ăn cho ghẹ là các loại cá, ruốc, cua ghẹ giã (đâm) nhỏ hoà với nước tạt khắp đìa.

Thức ăn được tính theo khối lượng ghẹ và lượng cho ăn là 25% tổng khối lượng ghẹ nuôi, tương đương với lượng cho ăn là 3 kg/1000m2

Thức ăn nuôi ghẹ trong 2 tháng sau khi ương

– Sau 1 tháng ương nuôi, khối lượng ghẹ đạt trung bình 5-7 g/con

– Thức ăn nuôi ghẹ là các loại cá, cua ghẹ, quy băm nhỏ

Tháng nuôi đầu tiên : lượng cho ăn là 20% tổng khối lượng ghẹ nuôi

– Tương đương với lượng cho ăn là 4 kg/1000m2 trong 10 ngày đầu

– Tương đương với lượng cho ăn là 5 kg/1000m2 trong 10 ngày tiếp theo

– Tương đương với lượng cho ăn là 6 kg/1000m2 trong 10 ngày sau

Tháng nuôi thứ 2 : lượng cho ăn là 10 % tổng khối lượng ghẹ nuôi

– Tương đương với lượng cho ăn là 12 kg/1000m2 trong 10 ngày đầu

– Tương đương với lượng cho ăn là 17 kg/1000m2 trong 10 ngày tiếp theo

– Tương đương với lượng cho ăn là 20 kg/1000m2 trong 10 ngày sau

3. Quản lý và chăm sóc ghẹ nuôi

Trong 3 tháng nuôi, cần phải chú ý quản lý và chăm sóc đìa nuôi ghẹ theo các yêu cầu sau:

– Giữ đìa nuôi có màu tảo lục hoặc tảo khuê (độ trong khoảng 25 – 30 cm)

– Trong 1 tháng đầu ương ghẹ bột, chú ý không được cấp nước trực tiếp vào đìa nuôi

– Trong 2 tháng nuôi tiếp theo, chú ý chọn con nước sạch khi thay nước cho đìa nuôi

– Thức ăn cho ghẹ ăn phải tươi và phải được rửa sạch trước khi cho ăn

– Kiểm tra khối lượng ghẹ nuôi 15 ngày/ lần bằng cân đĩa nhỏ

– Có nhật ký để ghi chép và theo dõi ghẹ nuôi hàng ngày (ghi chép các chi phí, lượng thức ăn hàng ngày, tình trạng sức khoẻ của ghẹ nuôi, các sự cố và biện pháp xử lý)

Print Friendly, PDF & Email

Từ khóa » Con Ghẹ Có Nuôi được Không