Nuôi Heo Rừng Không Có “đầu Ra” - Báo Khánh Hòa điện Tử

Nuôi heo rừng dễ nhưng lại vướng “đầu ra”.

Hàng năm, cán bộ khuyến nông huyện Ninh Hòa luôn tích cực tìm kiếm các mô hình chăn nuôi mới, phù hợp cho người nông dân. Tuy nhiên, tìm ra được mô hình chăn nuôi không khó bằng việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Mới đây, cán bộ khuyến nông huyện Ninh Hòa đã áp dụng thành công mô hình nuôi heo rừng tại 5 hộ dân của các xã Ninh Đông, Ninh Thọ, Ninh Thượng, Ninh Thân, Ninh Sơn. Sau thời gian nuôi thử nghiệm, heo phát triển rất tốt, hiện đã sinh sản lứa heo con đầu tiên. Người dân vui 1 thì cán bộ khuyến nông vui 10, vì trong tình hình ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn như hiện nay, việc tìm ra được hướng chăn nuôi mới cho nông dân là việc làm rất có ý nghĩa. Mục tiêu ban đầu của cán bộ khuyến nông huyện là khi mô hình thành công sẽ cung cấp con giống cho người dân trong huyện. Thế nhưng, do ảnh hưởng của thông tin cúm heo nên người dân không dám mua. Đàn heo con đến ngày xuất chuồng không bán được.

Anh Phạm Trung Thành - thôn Bình Sơn, xã Ninh Thọ, là một trong 5 hộ dân đang rơi vào nghịch cảnh “dở khóc dở cười”. Trước đây, gia đình anh nuôi gà Tam Hoàng, vừa nuôi thịt, vừa cung cấp giống cho người dân trong huyện. Lúc đầu, gà nuôi rất thuận lợi, bán được giá. Một thời gian sau, do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm nên việc nuôi gà trở nên bấp bênh. Anh đang loay hoay chưa biết nên nuôi con gì thì được cán bộ khuyến nông huyện giới thiệu mô hình nuôi heo rừng. Vợ chồng anh vui mừng không kể xiết, vì từ nay đã có thêm mô hình chăn nuôi mới.

Để thực hiện mô hình, mỗi hộ gia đình phải nuôi 5 con; nguồn vốn chương trình khuyến nông huyện hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ. Vì vậy, anh Thanh đã bàn với vợ bán đàn gà, vay thêm vốn ngân hàng đầu tư nuôi heo rừng. Gia đình anh mua được 1 con heo đực và 4 con heo cái, tổng giá trị trên 15 triệu đồng. Tuy nhiên, chi phí đầu tư xây dựng chuồng nuôi ban đầu cũng rất cao. Chuồng nuôi heo rừng phải được xây chắc chắn, thông thoáng, bao quanh bằng lưới B40.

Qua thời gian nuôi, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật do cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn và tham khảo thêm các tài liệu nên đàn heo tăng trưởng rất nhanh. Theo anh Thành, khâu chăm sóc và theo dõi heo không khó. Vì heo rừng là loài động vật hoang dã, ăn tạp nên rất dễ tìm nguồn thức ăn. Chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn của gia đình như cám gạo, khoai lang, bột bắp, trộn thêm ít thức ăn công nghiệp. Ngoài ra còn cho heo ăn dặm các loại rau, củ, hoa quả. Heo rừng ít bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, khi được chăm sóc tốt và cho ăn đầy đủ, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ heo lớn rất nhanh.

Hiện mấy con heo nhà anh Thành đã sinh được 11 heo con. Xác định nuôi heo bán giống nên khi heo con vừa ra đời, gia đình anh đã rất cẩn thận trong việc tiêm phòng vắc xin cho chúng. Theo anh Thành, mới đầu, khi heo mẹ còn đang mang thai, người dân trong xã đến nhà dạm mua rất đông, vợ chồng anh nhẩm tính cung cấp không đủ. Nhưng khi heo sinh ra được một thời gian thì người dân tự động rút lui, không ai mua nữa. Nguyên nhân là do mọi người sợ dịch cúm heo. Tuy thông tin về dịch cúm heo đã được các phương tiện thông tin đại chúng đính chính lại là cúm A/H1N1, nhưng tâm lý chung của bà con vẫn e ngại nên chẳng ai bỏ ra số tiền lớn như vậy để mua (1 con heo giống dưới 10kg, giá 3 triệu đồng, trên 10kg thì 300.000 đồng/kg). Hiện heo con của anh Thành đã hơn 3 tháng tuổi, cân nặng trên 10kg/con. Gia đình anh đã đi khắp nơi, cố gắng tìm đầu ra nhưng đều vô vọng. Trong khi đó, mấy chục triệu đồng tiền vay ngân hàng đã đến kỳ hạn trả cả gốc lẫn lãi.

“Ban đầu tiến hành nuôi, các anh trong huyện hứa sẽ có đầu ra cho heo. Giờ heo đã đến ngày bán giống, chúng tôi hỏi thì các anh cũng đành bó tay. Không bán được heo, hiện giờ gia đình tôi không những không trả được nợ mà lãi mẹ đẻ lãi con, thêm vào đó trung bình 5 con heo bố mẹ, mỗi tháng chi phí hết 1,5 triệu đồng tiền ăn, cộng thêm chi phí nuôi 11 heo con đã lớn. Gia đình tôi đang “sống dở chết dở”. Vì để nuôi bán thịt thì không có tiền đầu tư; hơn nữa nuôi xong thì bán ở đâu?” - anh Thành than.

Mong muốn của anh Thành hiện nay là: “Khi thực hiện chương trình khuyến nông, cơ quan chức năng cần xác định đầu ra cho sản phẩm, có biện pháp bình ổn giá cả thị trường; nhất là khi xảy ra biến động”. Mong muốn của anh Thành cũng là mong muốn của những người nông dân ở Ninh Hòa hiện nay.

C.V - P.T

Từ khóa » đầu Ra Lợn Rừng