Nuôi Rắn Hổ Mang Phì: Nghề Nguy Hiểm Kiếm Bạc Triệu

Dọc theo quốc lộ 21, chúng tôi tìm về xã Vĩnh Sơn - nơi nổi tiếng với nghề, nuôi rắn hổ mang phì. Cả xã có hơn 1.000 hộ dân thì có hơn 80% số hộ nuôi và kinh doanh rắn. Điều đặc biệt, công việc có phần nguy hiểm này không chỉ có đàn ông mà nhiều phụ nữ trong xã cũng đảm nhận.

Kiếm bạc triệu nhờ rắn

Xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) từ lâu đã trở thành một trong những làng nghề nuôi rắn hổ mang phì nổi tiếng phía Bắc. Theo những người cao tuổi trong xã, ngày trước, đây là vùng đất rậm rạp, phát triển nông nghiệp là chính nên có nhiều loài rắn trú ngụ. Thanh niên trong làng thường tìm bắt rắn để bán cho các nhà giàu ngâm rượu và làm thuốc. Khi kinh tế thị trường mở cửa, sản phẩm từ rắn được ưa chuộng thì nghề nuôi rắn cũng phát triển.

Chị Vũ Thị Thủy (34 tuổi, thôn 4 xã Vĩnh Sơn) người gắn bó với nghề nguy hiểm này đã hơn chục năm cho hay: “Hầu như ở đây nhà nào cũng nuôi, ít thì 200 – 300 con, còn nhiều thì phải đến vài nghìn con. Các gia đình giàu lên, xây được nhà cửa, tậu được xe máy... hầu hết đều nhờ từ nuôi rắn”.

Cũng theo chị Thủy: “Mấy năm trước, giá rắn cao, có thời điểm gần 1,3 triệu/kg rắn thịt. Tuy nhiên, 1- 2 năm gần đây, giá rắn thịt có phần sụt giảm, thay vào đó, trứng rắn lại được giá, từ 70.000 đến 80.000 đồng/quả".Theo người dân ở đây, kỹ thuật nuôi rắn đơn giản. Thức ăn cho rắn chủ yếu là cóc, gà con, vịt con. Mỗi vụ nuôi rắn thịt chỉ kéo dài 5 đến 6 tháng (thường từ tháng 5 đến tháng 11). Từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau, rắn ngủ đông và không cần ăn uống gì. Lúc này, các gia đình chỉ đợi giá rắn lên cao là xuất chuồng.

Rắn thường được nuôi trong những ô nhỏ có cửa sắt bên ngoài. Các hộ nuôi ít thì xây chuồng ngay cạnh nhà, hộ nào nuôi nhiều thì mới có trang trại riêng cách xa nhà.“Bây giờ có điều kiện còn xây chuồng chứ ngày trước nhà chật chội, tôi nuôi rắn ngay dưới gầm giường. Nghe tiếng rắn kêu phè phè ngay bên cạnh, nhưng quen rồi, nên cũng thấy bình thường", chị Thủy chia sẻ.

Nuôi rắn hổ mang phì, công việc nguy hiểm nhưng đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân

58306

Sống chung với tử thần

Nghề nuôi rắn hổ mang phì đem lại thu nhập cao nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Rắn hổ mang phì sở hữu nọc độc có khả năng gây chết người cao, chỉ đứng sau loài hổ chúa. Nọc độc của rắn phun vào mắt có thể gây mù lòa, nếu bị rắn cắn nhẹ thì cũng bị hoại tử còn nặng thì mất mạng. Vào mùa đẻ trứng và phối giống, từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, rắn rất hung dữ. Chăn nuôi rắn vào giai đoạn này được xem là lúc vất vả và nguy hiểm nhất trong năm. Khi được hỏi về những tai nạn nghề nghiệp thường gặp phải khi nuôi rắn, chị Hương buồn rầu nhìn lên bàn thờ, nơi đặt bức ảnh của chồng chị. Năm 2002 chồng chị trong một lần cho rắn ăn, không may bị rắn cắn và qua đời, để lại 2 đứa con nhỏ (đứa lớn lúc ấy mới chỉ lên 8 tuổi, còn đứa bé mới chỉ được 9 tháng tuổi). Ngày đó do quá sợ hãi và xót thương trước sự ra đi đột ngột của chồng, chị Hương đã bỏ nghề nuôi rắn hơn 2 năm. Nhưng nguồn lợi từ việc nuôi rắn rất lớn nên chị lại tiếp tục nuôi dẫu biết rằng có muôn vàn nguy hiểm luôn rình dập.

Dù có đôi găng tay dày làm bảo hộ lao động, nhưng hầu như những người nuôi rắn ở Vĩnh Sơn đều không sử dụng. Chị Hương cho hay "Dùng găng tay vừa dày vừa vướng, cầm con rắn không thật tay, rất dễ bắt trượt. Khi ấy rắn lao vào cắn còn nguy hiểm hơn nên tôi vẫn thường dùng tay không bắt rắn cho dễ”. Do không đảm bảo an toàn khi lao động nên vẫn thường có những tai nạn đáng tiếc xảy ra đối với những người dân nơi đây, nhẹ thì mất ngón tay, ngón chân, còn nặng thì mất mạng.

Biết nuôi rắn là nghề nguy hiểm, nhưng hầu hết các hộ nuôi rắn ở Vĩnh Sơn không có ý định bỏ nghề.Với họ, chừng nào giá rắn còn cao, nghề nuôi rắn còn là con đường thoát nghèo thì chừng đó, họ vẫn không thể từ bỏ ước mơ làm giàu. Thiết nghĩ, để giảm nguy cơ tai nạn lao động xảy ra đối với người nuôi rắn, chính quyền địa phương cần mời các chuyên gia về hướng dẫn, phổ biến cho dân cách nuôi, cách phòng tránh rắn cắn.

Kim Oanh

Từ khóa » Hình ảnh Rắn Hổ Phì