Nuôi Sâu Gạo, Lợi Trước Mắt, Hại Lâu Dài
Có thể bạn quan tâm
Phong trào nuôi sâu gạo
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người đầu tiên nuôi sâu gạo ở An Giang là ông Bùi Phước Tâm, cư ngụ tại ấp An Ninh, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn. Theo ông Tâm thì năm 2012, ông đọc trên mạng Internet thấy hướng dẫn cách nuôi sâu gạo khá dễ dàng, có nơi tiêu thụ và có lợi nhuận nên ông xuống Bạc Liêu mua 1.000 con giống, giá mỗi con 1.000 đồng.
Ông Tâm, cho biết: "Tôi dùng những cái khay đựng trứng gà, vịt cắt bỏ phần đáy rồi lật ngược lại làm tổ cho sâu. Hàng ngày tôi nuôi nó bằng các loại rau, bắp cải, thức ăn của gà công nghiệp…".
Vẫn theo ông Tâm, sau khi sâu đẻ trứng, ông chuyển sâu bố mẹ qua một khay khác để trứng nở thành sâu con: "Lứa sâu con này tôi nuôi trong 2 tháng thì thu hoạch được khoảng 0,5 kg. Cứ mỗi ký sâu, tôi bán cho những người nuôi chim, cá kiểng, gà ta và những người dùng sâu làm mồi câu cá, giá 100 nghìn đồng".
Hiện tại, mỗi đợt "xuất chuồng", ông Tâm bán khoảng 15kg, thu được 1,5 triệu đồng, lãi 1 triệu đồng trong khi công sức bỏ ra để chăm sóc, nuôi sâu không đáng kể.
Ngoài ông Tâm, ở An Giang còn có ông Nguyễn Hữu Thanh, ở ấp Đồng Ky, xã Quốc Thái, huyện An Phú cũng nuôi sâu gạo bán cho người nuôi chim và cá kiểng. Tại ấp An Phú A, xã Long An, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long có chị Trần Thị Thủy cũng nuôi loại sâu này. Theo lời chị thì cách đây 4 tháng, nghe một người quen giới thiệu, chị đã mua 3kg sâu gạo về nuôi: "Sâu gạo rất dễ nuôi. Hiện nay nhà tôi đã có trên 40kg".
Cũng tương tự như vậy, bà Nguyễn Thị Dòi ở ấp An Phú A nói: "Tui mua con giống ở Củ Chi do đứa cháu chỉ dẫn. Hiện tại tui cho nó ăn cám với rau, mỗi thứ nửa ký. Hồi mới nuôi, tui tính xin phép ủy ban xã nhưng thằng em nó nói thứ này không phá, không bò lung tung nên đâu có hại mà xin…".
Ở ấp Đức Ngãi 1, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cũng có người nuôi sâu gạo để làm thức ăn cho rắn mối, là thầy giáo Phạm Văn Bé. Theo ông Bé thì: "Một lần trên đường đi dạy về, tôi nhìn thấy người ta bán thằn lằn núi với giá rất cao. Lúc này trong đầu tôi bắt đầu nảy sinh ý tưởng về mô hình nuôi rắn mối vì tôi nghĩ sự khác biệt giữa hai sinh vật này không cao, biên độ sinh thái của rắn mối rộng, nuôi ít chi phí và ít thời gian chăm sóc hơn".
Sâu gạo là loại ăn tạp; lá, củ, cám, xác cá thối… chúng đều ăn. |
Vẫn theo ông Bé, đến năm 2009 việc nuôi sâu gạo, rắn mối bắt đầu có hiệu quả: "Hàng tháng, tổng thu nhập từ mô hình này đã mang về cho gia đình tôi trên 30 triệu đồng. Mỗi tháng tôi bán ra 400kg sâu gạo khắp cả nước". Trên trang web Google, chỉ cần gõ vào cụm từ "sâu gạo" là sẽ có ngay hàng nghìn kết quả với những hướng dẫn cụ thể về cách nuôi, địa chỉ nơi bán sâu cùng những quảng cáo về lợi nhuận do sâu gạo mang lại.
Sâu gạo là gì?
Sâu gạo - tiếng Anh gọi là Super worm - là ấu trùng của một loài bọ cánh cứng có tên Zophobas morio thuộc họ Tenebrionidae, xuất xứ từ vùng Trung Mỹ và Nam Mỹ. Hiện chưa rõ loại sâu này vào Việt Nam bằng con đường nào và vào thời điểm nào. Sâu gạo có chiều dài từ 5 - 6mm, là thức ăn ưa thích của rùa, ếch, gà, chim, cá các loại - nhất là những loại cá rồng như ngân long, hồng long, bạch long… Một số người bán thức ăn cá cảnh ở lề đường Thuận Kiều, quận 5, TP HCM cho biết, loại sâu này hiện tiêu thụ rất mạnh, bình quân mỗi ngày một người có thể bán từ 1 - 2kg bằng cách chia nhỏ ra thành từng bịch, mỗi bịch 100gam với giá 150 nghìn đồng.
Anh Nghĩa, nhà ở đường Trần Hưng Đạo B, quận 5 nói: "Nhà tôi nuôi 2 con cá ngân long, cứ mỗi bịch sâu 100gam cho ăn được 1 tuần". Ở một số điểm bán cá cảnh trên đường Nguyễn Thông quận 3, sâu gạo loại mới nở cũng được người bán chia thành từng túi nilon nhỏ, mỗi túi khoảng 20 con. Theo họ, nuôi cá bằng sâu gạo có cái lợi là thả xuống con nào, cá ăn hết con đó, không xảy ra hiện tượng thức ăn dư thừa lắng xuống đáy bể nên không sợ ô nhiễm nguồn nước.
Sâu con từ lúc nở đến trưởng thành là 60 ngày. Người nuôi nhân giống bằng cách nuôi sâu trưởng thành thêm 45 ngày rồi bắt từng con, bỏ vào những chiếc lọ bằng nhựa để khoảng 15 ngày thì sâu biến thành kén, có màu nâu cánh gián. Tiếp theo 15 ngày nữa, sâu trong kén sẽ lột xác thành bọ. Bọ bố mẹ trưởng thành sau 30 ngày và đẻ trứng kéo dài khoảng hơn 3 tháng thì tự chết, mỗi con bọ cái có thể đẻ từ 500 đến 800 trứng, màu trắng. Sâu non mới nở có màu trắng xanh rồi chuyển dần sang màu cánh gián, có khoang đậm nhạt xen kẽ theo từng đốt của cơ thể.
Như vậy, chu kỳ của sâu gạo từ lúc mới nở đến lúc trưởng thành, tạo kén rồi thành bọ và sinh sản cho đến khi chết là khoảng 8 tháng. Trong đó, thời gian bọ đẻ trứng khoảng hơn 3 tháng nên với 1kg bọ bố mẹ, sau 8 tháng sẽ có khoảng 130kg sâu trưởng thành.
Những nguy hại từ con sâu gạo
Sâu gạo là loại ăn tạp, ngoài rau, củ, quả, cám, lá cây như lá chuối và ngay cả cá chết, bỏ vào chúng cũng ăn. Thậm chí khi số lượng sâu quá nhiều hoặc thức ăn khan hiếm, chúng ăn thịt lẫn nhau. Riêng bọ bố mẹ là loài bọ nhỏ, cánh cứng, có màu nâu đen, chiều dài cơ thể từ 6 đến 8 mm, sống quần tụ cùng sâu non phá hoại nông sản như thức ăn gia súc, các loại hạt, củ, quả...
Với sức gây hại lớn, thích ứng với nhiều điều kiện sinh thái nên sâu gạo được các chuyên gia về côn trùng học trên thế giới đánh giá là loài có thể gây mất cân bằng sinh thái hoặc gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, không chỉ ngoài đồng ruộng mà còn cho cả hệ thống kho tàng bảo quản nông sản.
Hầu hết người nuôi sâu gạo đều không có chuồng trại mà họ nuôi ngay trong nhà của mình. Tại nhà bà Dòi ở ấp An Phú A, từng khay sâu được xếp chồng lên nhau, không lưới che. Ở huyện An Phú, sau khi bán sâu, phân sâu và thức ăn thừa được người nuôi đổ ngay ra vườn để bón cây. Chưa rõ trong thành phân của chất bón cây ấy, có chứa những nguy cơ tiềm ẩn nào cho cây trồng, cho môi trường và cho sức khỏe con người hay không?.
Ngày 29/5 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, từ tháng 4/2014, Cục đã có văn bản gửi các địa phương về việc xử lý sâu gạo. Theo ông Hồng, hiện đã có các quy định cụ thể về việc xử lý các trường hợp nhân nuôi, phát tán các vật nuôi không có trong danh mục được phép nuôi của Bộ NN&PTNT: "Việc nhân nuôi sâu gạo dù ít hay nhiều cũng đều vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành, có thể xử lý hành chính, tịch thu, tiêu hủy theo quy định".
Theo ông Trần Minh Thành, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long thì: "Đến nay đã có 4 hộ nuôi loại sâu này và chúng tôi đã báo cho ngành chức năng. Sở NN&PTNT đã có công văn chỉ đạo Phòng kết hợp với các đoàn thể tiếp tục vận động người dân không nuôi sâu nằm ngoài danh mục cho phép".
Tại Đồng Nai, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã ra thông báo đến các địa phương trong tỉnh về việc ngăn ngừa việc nhân nuôi, vận chuyển và tán phát sâu gạo. Theo đó, nếu cá nhân, đơn vị nào nhân nuôi, vận chuyển và tán phát sâu gạo dưới hình thức mua bán mà không được cơ quan chức năng cho phép bằng văn bản sẽ bị phạt tiền từ 3 - 6 triệu đồng theo Nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Bài học nuôi ốc bươu vàng, rùa tai đỏ vẫn còn là bài học xương máu. Giai đoạn 1985-1987, mô hình nuôi ốc bươu vàng lần đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long xuất phát từ Phòng NN&PTNT huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Đến nay cả vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn điêu đứng vì con ốc này. Hai năm trước, mô hình nuôi chuột ở huyện Tịnh Biên nhờ phát hiện kịp thời và tiêu hủy chứ nếu không - sẽ là thảm họa lớn cho sản xuất nông nghiệp.
Vì vậy, không nên vì lợi ích kinh tế trước mắt mà nuôi loại sâu gạo. Việc nhân nuôi, vận chuyển và tán phát sâu gạo cũng như bọ bố mẹ của chúng dưới hình thức mua bán là vi phạm pháp luật vì Điều 7 Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2001 "Nghiêm cấm mọi hành vi gây hại tài nguyên thực vật, sức khỏe con người, môi trường và hệ sinh thái…"
Từ khóa » Cách Nuôi Sâu Quy Không Bị Chết
-
Hướng Dẫn Cách Nuôi Sâu Quy (sâu Gạo) Thức ăn Dành Cho Chim Cảnh
-
Hướng Dẫn Cách Nuôi Sâu Quy (sâu Gạo) Thức ăn Dành Cho Chim Cảnh
-
Kỹ Thuật Nuôi Sâu Quy Làm Thức ăn Cho Chim Cảnh
-
NUÔI SÂU SINH SẢN CHO CHIM ĂN KHÔNG SỢ THIẾU - YouTube
-
Cách Nuôi Sâu Gạo Khỏe Mạnh, Không Bị Chết
-
Cách Nuôi Sâu Quy (Sâu Gạo) Thức Ăn Dành Cho Chim Cảnh
-
Kỹ Thuật Nuôi Sâu Gạo Nhỏ Cho Năng Suất Đạt Chuẩn
-
Hướng Dẫn Cách Nuôi Sâu Gạo Sinh Sản, Attention Required!
-
Cách Bảo Quản Sâu Gạo ) Thức Ăn Dành Cho Chim Cảnh, Kỹ ...
-
Hướng Dẫn Nuôi Sâu Quy
-
Xu Hướng 7/2022 # Hướng Dẫn Cách Nuôi Sâu Quy (Sâu Gạo ...
-
Kỹ Thuật Nuôi Sâu Quy Cho Chim Cảnh - Blog Về Vườn - Kỹ Thuật ...
-
Cách Nuôi Sâu Quy (sâu Gạo) Cho Chim Cảnh đúng Cách