NutiFood Xuất Khẩu Sữa Vào Mỹ - VnExpress Kinh Doanh

Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch NutiFood cho biết, các loại sữa đặc trị khác của NutiFood cũng sẽ hiện diện tại hệ thống siêu thị Walmart, 99 cent... trên toàn nước Mỹ trong thời gian tới.

Những sản phẩm đến thị trường Mỹ thông qua đối tác Delori có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và phân phối thực phẩm. Mỗi tháng, đơn vị này nhập ít nhất 42 container sữa bột pha sẵn. Một container khoảng 2.200 thùng.

NutiFood đặt mục tiêu doanh thu xuất khẩu tại xứ sở cờ hoa năm 2018 khoảng 20 triệu USD và lên 100 triệu USD 5 năm tới. "Kế hoạch này trong tầm tay, vì chúng tôi đã có nhiều năm năm nuôi giấc mơ Mỹ", ông Trần Thanh Hải tự tin.

polyad

Sản phẩm của NutiFood có cơ hội tiếp cận nhiều trẻ em nước ngoài.

Trong nhiều năm hợp tác làm ăn, khá nhiều đối tác nước ngoài đặt vấn đề nhập khẩu sản phẩm của NutiFood, trong đó có Delori. Đây cũng một trong những nhà nhập khẩu hàng đầu về các loại nước giải khát probiotic, sữa chua cho Mỹ.

Ông Jaime Brown - Chủ tịch Công ty thực phẩm Delori cho biết, khi tìm hiểu về mặt hàng sữa, những dòng sản phẩm dinh dưỡng để mở rộng phân phối, ông ấn tượng với NutiFood. Bởi dòng sữa đặc trị cho trẻ biếng ăn, thấp còi rất có tiềm năng kinh doanh tại Mỹ.

Ban đầu, đơn vị muốn nhập khẩu sữa chua men sống. Khi làm việc với đối tác, ông Hải và cộng sự mang các sản phẩm ra giới thiệu và bất ngờ nhận được quan tâm, nhất là các loại sữa chua và sữa bột pha sẵn. 

"Nhưng do sữa chua hạn dùng ngắn, không thuận tiện trong khâu vận chuyển nên chúng tôi tạm gác. Delori đặc biệt hào hứng với sữa đặc trị Pedia Plus pha sẵn dành cho trẻ biếng ăn, thấp còi và quyết định đưa dòng sản phẩm này vào thị trường Mỹ", ông Hải kể.

Tuy nhiên, sản phẩm cần phải được cấp visa. Muốn vậy, quy trình sản xuất cần tuân thủ các yêu cầu kiểm tra chất lượng khắt khe theo tiêu chuẩn của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và cần mang sang kiểm nghiệm, thử nghiệm tại quốc gia này.

Ông Jaime Brown đã tổ chức các buổi thử sản phẩm trực tiếp với người tiêu dùng sở tại và nhận phản hồi nhận tích cực. "Một điều thú vị là cháu nội bốn tuổi của tôi cũng là khách hàng tham gia dùng thử. Chính tôi theo dõi, kiểm tra, nhận phản hồi từ cháu và vui khi bé trả lời rất thích. Từ đó, tôi càng tự tin giới thiệu sản phẩm ra thị trường”, ông nhớ lại.

Theo quy định của FDA, Pedia Plus thuộc dòng low acid - tức thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn cao nhất nên phải kiểm soát chặt chẽ với nhiều quy chuẩn khắt khe về thiết bị, môi trường, con người... trong vận hành sản xuất.

Sau khi đầu tư thêm hơn một triệu USD, doanh nghiệp dành 6 tháng nâng cấp nhà máy, hoàn thiện dây chuyền sản xuất cũng như con người theo tiêu chuẩn đặt ra. Quá trình diễn ra trơn tru bởi trước đó hai năm, mọi người đã âm thầm chuẩn bị cho sữa đi Mỹ với nhiều thủ tục đàm phán, kiểm nghiệm sản phẩm. 

Chủ tịch NutiFood đánh giá đây là giấy thông hành giúp công ty tiến vào những thị trường lớn khác như châu Âu, châu Á. "Đầu tư nhà máy tại thị trường nước ngoài để sản xuất các sản phẩm được ưa chuộng như sữa chua cũng là kế hoạch của chúng tôi thời gian tới", ông Hải chia sẻ.

Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty ký kết với đối tác xuất sữa sang Mỹ.

Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty ký kết với đối tác xuất sữa sang Mỹ.

Việt Nam đang là đối tác thứ 12 về xuất khẩu hàng hóa, xếp thứ 27 về nhập khẩu và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Mỹ. Kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai nước năm 2017 đạt 50,81 tỷ USD. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực vào thị trường này đa phần vẫn là hàng truyền thống như dệt may, đồ gỗ, máy móc thiết bị điện tử…

Hàng thực phẩm, tiêu dùng liên quan trực tiếp tới sức khỏe, đặc biệt là dành cho trẻ em, chiếm tỷ trọng không đáng kể trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam. Các chuyên gia lý giải nguyên nhân là do thị trường Mỹ có những yêu cầu cao đối với nhóm các sản phẩm này.

Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp Hội sữa Việt Nam chia sẻ, ngành sữa đang tăng trưởng khá nhanh với mức 15-17% mỗi năm. Theo quy hoạch phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, đến năm 2020, sản lượng sữa trong nước đạt khoảng 2,6 tỷ lít một năm; mức tiêu thụ 27 lít mỗi người một năm. Đây cũng là mặt hàng được kỳ vọng xuất khẩu ổn định, dù mục tiêu ngành đặt ra còn khiêm tốn, với mức 150-200 triệu USD một năm.

Sữa Việt Nam đang xuất khẩu tại nhiều thị trường châu Á và Trung Đông, chủ yếu với dòng sữa nước, sữa chua… Pedia Plus là một trong những sản phẩm sữa bột pha sẵn đầu tiên của Việt Nam xuất bán ra nước ngoài, đặc biệt là thị trường khó tính như Mỹ.

Ngoài Mỹ, NutiFood đẩy mạnh xuất khẩu sang Philippines, Myanmar, Lào, Campuchia và Trung Quốc. Riêng tại Philippines, ở phân khúc sữa dành cho người bệnh, Enplus của NutiFood đang đứng thứ ba thị trường, với doanh thu khoảng một triệu USD mỗi năm.

Doanh nghiệp hiện sở hữu 25 dòng sản phẩm, đáp ứng cho những nhu cầu chuyên biệt và dinh dưỡng hằng ngày cho người tiêu dùng. Theo khảo sát từ Nielsen, trong năm 2017, GrowPLUS+ của NutiFood là nhãn hiệu đứng đầu Việt Nam về thị phần sản lượng trong phân khúc đặc trị cho trẻ với 39,3% ở cả kênh bán lẻ truyền thống và hiện đại (trừ siêu thị MM Mega Market). 

Để mở rộng sản xuất phục vụ cho nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu, doanh nghiệp đang đầu tư 2.000 tỷ đồng mở thêm nhà máy mới rộng 20 ha ở Khu công nghiệp Sóng Thần 3, Bình Dương. Ngoài ra, công ty cũng mở rộng 10 ha nhà máy tại tỉnh Hưng Yên. Các kế hoạch dự kiến hoàn thiện vào cuối năm 2018. Hiện đơn vị này có 3 nhà máy hiện đại đặt tại Bình Dương, Hưng Yên, Gia Lai cùng một nhà máy đang xây dựng ở Hà Nam.

Tranh Sương

Từ khóa » Sữa Nutifood Xuất Khẩu Sang Mỹ