Ô Nhiễm Tiếng ồn: Chưa đủ Lực Lượng để Xử Phạt - PLO

Hiện nay, nhiều hoạt động kinh doanh, vui chơi tại TP.HCM đã được mở lại. Điều này góp phần phát triển, ổn định kinh tế của người dân. Thế nhưng tình trạng gây ô nhiễm tiếng ồn đang tái diễn, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân.

Thời gian vừa qua, Pháp Luật TP.HCM cũng đã nhận được nhiều phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn do hát karaoke trong khu dân cư.

Bị “tra tấn” bởi nạn karaoke của hàng xóm

Chị TN, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, phản ánh: Hơn một tháng nay, ở khu nhà chị, một số hộ dân trong xóm thường xuyên tổ chức hát karaoke khiến việc học online của con bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Xe hát rong bằng “loa kẹo kéo” hoạt động quanh các quán nhậu trên đường Hoàng Sa, quận 3, TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

“Khoảng thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, khu này yên tĩnh lắm. Hơn một tháng trở lại đây, một số hộ trong xóm cứ thay phiên nhau tổ chức tiệc tùng, hát hò inh ỏi. Có hôm con tôi đang học online thì hàng xóm bật loa hát karaoke rất ồn ào. Cứ hết nhà này đến nhà kia có tiệc và họ cứ vô tư hát hò bất kể giờ nghỉ trưa hay đêm khuya. Quả thật tôi chịu hết nổi rồi” - chị N bức xúc.

Anh NVA (phường 1, quận Gò Vấp) cho biết dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng, phường 1, quận Gò Vấp đêm nào các quán nhậu, quán cà phê cũng thi nhau mở nhạc sàn hết công suất. Người dân đã phản ánh nhiều lần, thế nhưng tình trạng này vẫn không được giải quyết dứt điểm.

Theo anh V, đến tối là nhà anh phải đóng cửa kín để hạn chế tiếng ồn. Nhà có con nhỏ và mẹ già hơn 80 tuổi cũng bị tra tấn bởi tiếng ồn, không học hành, nghỉ ngơi gì được. “Tôi có nghe Nhà nước có quy định mới về xử phạt tiếng ồn với mức phạt tiền khá cao. Nay tôi cũng mong muốn cơ quan chức năng xem xét áp dụng sớm để dẹp vấn nạn này cho bà con được nhờ” - anh V nói.

Nhắc nhở là chính

Ông Võ Chiến Thắng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, cho biết trên thực tế địa bàn xã có xảy ra tình trạng các gia đình sử dụng loa hát karaoke, ảnh hưởng đến hàng xóm nhưng để phạt về tiếng ồn thì rất khó.

Trước đây tình trạng người dân tổ chức hát hò vào buổi tối từ 22 giờ trở đi mà ồn ào, ảnh hưởng đến người xung quanh thì đã có quy định xử phạt theo Nghị định 167/2013. Riêng đối với những trường hợp hát hò ồn ào ở các khung giờ khác trong ngày thì xã chỉ xuống nhắc nhở là chính.

“Mới đây, xã đã được triển khai việc thực hiện xử phạt các hành vi vi phạm tiếng ồn theo Nghị định 144/2021. Tuy nhiên, hiện nay do lực lượng ở xã mỏng và vẫn đang tập trung thực hiện công tác chống dịch nên chưa thể triển khai áp dụng quy định mới được” - ông Thắng cho biết.

Đại diện một UBND phường ở quận Gò Vấp cho biết hiện nay theo Nghị định 144/2021, những trường hợp gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, phường vẫn chưa đủ lực lượng để thực hiện.

Ngoài ra, hiện nay đã có quy định về chế tài đối với những trường hợp gây ồn nằm ngoài khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau thì cần phải có thiết bị đo. Tuy nhiên, khi lực lượng xuống đo thì người vi phạm mở nhỏ hoặc tắt luôn nên cũng rất khó xử lý.

“Đối với những trường hợp hát karaoke gây ồn ào ở các hộ gia đình, phường, khu phố, cảnh sát khu vực xuống nhắc nhở là chính. Tuy nhiên, những trường hợp như quán kinh doanh gây ồn thì phường có báo cáo và kết hợp tổ liên ngành của quận tổ chức kiểm tra và xử lý” - đại diện một UBND phường ở quận Gò Vấp cho hay.•

Thời gian không được hoạt động ồn ào nên tăng lên

Từ ngày 1-1-2022, Nghị định 144/2021 về xử phạt vi phạm hành chính thay thế Nghị định 167/2013 bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo Điều 8 Nghị định 144/2021 quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung, đối với trường hợp gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Nếu người vi phạm là tổ chức thì mức phạt tiền sẽ gấp hai lần mức phạt nêu trên.

Quy định tại Điều 8 Nghị định 144/2021, công dân không được gây huyên náo, không được làm ồn ào từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau theo tôi là cần thiết. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng nên có hướng dẫn chi tiết hơn về giờ, ngày để công dân thực hiện quyền được yên tĩnh của mình.

Cụ thể, đối với những ngày làm việc thì nên tăng thời gian xử phạt.

Ngoài ra, một số đối tượng khác cũng cần được bảo vệ như trẻ em cần có thời gian học bài hoặc người già, người bệnh cần được nghỉ ngơi. Vì thế, thời gian không được hoạt động ồn ào tăng lên chứ không giới hạn từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Phó Trưởng Khoa luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM

NGUYỄN HIỀN Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Phạt ô Nhiễm Tiếng ồn