Ở Nơi Con Gái Không Mang Họ Cha - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
Có thể bạn quan tâm
Xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội hiện vẫn còn phong tục: con gái lấy tên đệm của cha làm họ cho mình. Cũng từ đó, Sơn Đồng trở thành xã có nhiều họ rất lạ, rất độc đáo, nhưng cũng vì điều đó đã khiến cho con cái của họ gặp không ít rắc rối khi ra ngoài xã hội.
Đệm của cha mới là họ của con gái
Ông đồ Nghiêm Quốc Đạt, người được gọi là "chép sử làng" của làng tạc tượng Sơn Đồng cho tôi biết rằng, theo quan niệm của người dân xã Sơn Đồng, tên đệm của người cha mới chính là họ. Ông nói: "Ví dụ, một ông có tên Nguyễn Đăng Vĩ, con trai ông ta vẫn lấy Nguyễn Đăng Huy, Nguyễn Đăng Ngọc tùy ý. Nhưng là con gái, lại phải lấy thành Đăng Thị Hạnh chẳng hạn". Về điều này, ông Đạt giải thích rằng, do ngày xưa các cụ từng thay đổi tên, họ do chiến tranh, địch họa để tránh bị đánh, giết. Cũng có một căn nguyên khác mà ông đồ Nghiêm Quốc Đạt giải thích cho tôi. Cha mẹ sinh ra con cái, luôn nhắc nhở con cái phải nhớ lấy cội nguồn. Nguồn là đàn bà, cội là đàn ông. Mỗi người con phải biết quý hóa điều Cội lẫn Nguồn. Giả sử, ông Nguyễn Đức Quý sẽ có Cội là "Nguyễn", Nguồn là "Đức", cứ để con trai theo họ của cha, còn lấy Nguồn để làm họ cho con gái, theo chiều hướng chế độ mẫu hệ. Trong gia phả của làng Sơn Đồng mà ông Đạt dịch được cũng có nói về điều này.
Theo một số quan niệm của người dân Sơn Đồng, đổi như thế cũng là để phòng ngừa, nếu trai gái trong làng có lấy nhau thì cũng không lấy người cùng họ, tránh bị coi là loạn luân. Ví dụ anh Nguyễn Viết Ái lại lấy cô Đức Thị Màu, rõ ràng không trùng họ. Nhưng kỳ thực, ngày nay người ta cứ lấy tên họ vô tội vạ, chẳng biết đường nào mà lần gây phiền nhiễu cho con cái khi đi ra ngoài xã hội công tác hoặc làm các thủ tục giấy tờ.
Ông đồ Nghiêm Quốc Đạt và các cháu. |
Rắc rối
Chuyện con gái không khớp họ với người cha đã khiến không ít sinh viên ở không chỉ làng Sơn Đồng mà cả xã Sơn Đồng gặp rắc rối, thiệt thòi. Ngay một làng Sơn Đồng, giờ cũng có hơn 40 họ mà khởi nguyên, họ chỉ có hai dòng họ Nguyễn là Nguyễn thôn Nội và Nguyễn thôn Ngoại. Khi người ở làng Sơn Đồng đi lấy người ở các làng khác thì tên họ cũng tăng lên. Lại nữa, việc lấy tên đệm để "làm duyên" cho cái tên ngày nay, vốn được biến hóa khôn lường và mỗi một cái tên đệm của người cha sẽ lại là một tên họ cho người con gái. Như thế, họ sẽ tăng theo cấp số nhân. Một bậc cha mẹ ở Sơn Đồng biết con sẽ gặp rắc rối nếu dùng tên đệm của bố làm họ cho con gái nên đã làm giấy khai sinh theo đúng họ cha nhưng về nhà, ông bà lại bắt đổi. Phải "mẫu hệ" mới đúng văn hóa, tục lệ của làng. Các bô lão ở Sơn Đồng nói rằng, lệ làng hay là văn hóa của làng rất quan trọng, là cái gì đó rất khó thay đổi, phải gìn giữ. Thành ra, những người con gái của Sơn Đồng thường có những cái họ rất lạ như: Đức Thị..., Xuân Thị..., Quý Thị..., Huy Thị..., Chí Thị...
Mấy năm trước, một cô gái của họ Nghiêm Lê được cha mẹ đặt cho là Nghiêm Ngọc Nhi nhưng ông bà bắt đổi thành Lê Thị Ngọc Nhi. Nhưng họ tộc bàn tán, vẫn thấy chưa ổn đành thống nhất đặt thành Nghiêm Lê Thị Ngọc Nhi để sau này ra xã hội đỡ bị bắt bẻ. Bản thân ông đồ Nghiêm Quốc Đạt, vốn có tên khai sinh là Nguyễn Nghiêm Đạt, cũng đã bắt chước, lấy tên đệm của cha mình là họ của mình, đúng như các bậc phụ huynh khác ứng xử với con gái. Ở trường tiểu học Sơn Đồng có cô giáo Đức Thị Thanh Hiền gặp rắc rối và bỏ lỡ với một suất học bổng nước ngoài khá lớn. Một vài cô giáo khác vì thấy rắc rối trong quan hệ xã hội, cũng đã xin đổi họ mình theo họ cha, chứ không dùng tên đệm của cha làm họ mình như trước.
Sơn Đồng là xã có phong trào học tập trong giới trẻ khá phát triển. Nhưng nhiều học sinh nữ đã phải tá hỏa vì rất nhiều thủ tục pháp lý có liên quan đến lý lịch, hộ khẩu. Khi xét thấy con gái không mang họ cha như thường thấy ở ngoài xã hội, một câu hỏi lớn sẽ được đặt ra. Lúc đó, cô gái sẽ gặp rắc rối to.
Người dân nói gì?
Theo ông Nghiêm Quốc Đạt, việc dùng họ và tên ở Sơn Đồng bây giờ bùng nổ vô tội vạ. Bản thân ông chỉ dám khuyên con cháu trong nhà nên đặt tên thế nào cho văn hóa, vừa giữ được nguồn cội. Ví như, dùng họ cha làm họ cho tất cả các con, dùng họ mẹ là đệm cho tên của tất cả các con. Như vậy, vừa có "Cội" vừa có "Nguồn", con cái ra ngoài không bị ai bắt bẻ. Em Đức Thị Quỳnh, một học sinh cấp III chia sẻ: "Em không cần gì tên quá đẹp, chỉ cần đỡ phải xấu hổ với bạn bè là được. Còn việc lấy họ theo đệm của cha, em không rõ, nhưng chắc là sẽ ảnh hưởng. Nếu được đổi lại thì em đổi. Em còn thấy thế này, nếu lấy đệm của cha làm họ cho con, thì phải bắt cả con trai nữa chứ. Sao lại chỉ mỗi con gái phải làm như vậy. Có phải là coi thường con gái không?". Tôi còn được một người phụ nữ thắc mắc: "Sao không quy định con gái mang họ cha, con trai mang họ mẹ hoặc ngược lại, có phải hay và bình đẳng hơn không? Hiện nay trong sổ hộ khẩu gia đình, các con đều mang họ cha, cứ như mẹ là một người xa lạ không có liên quan. Còn việc gìn giữ cái tập tục như ở Sơn Đồng theo tôi là không đúng". Ông Nguyễn Viết Xuân thì dứt khoát: "Vẫn phải tôn trọng truyền thống cha ông ở xã thôi. Chuyện ở xã tôi, như tôi được biết là không có nhiều đâu". Tôi hỏi lại ông: "Nhưng chúng ta nên tôn trọng cái chung của xã hội, không thì người thiệt thòi chính là con em của các ông, các bà". Ông Xuân xua tay: "Thiệt thì chúng tôi tự chịu". Riêng ông Đạt tỏ ra lạc quan: "Giờ ngoài xã hội người ta khắt khe chuyện lý lịch. Tôi nghĩ dân tôi sẽ dần dần bỏ được chuyện đặt tên, họ nhí nhố".
Bao giờ các bé gái ở xã Sơn Đồng được mang họ cha? |
Nên thống nhất từ đầu đến cuối
Ông Trần Quang Thành - cán bộ hộ khẩu xã Sơn Đồng nói: "Việc khai sinh cho các em nên thống nhất từ đầu đến cuối. Tức là từ lúc làm giấy chứng sinh đến khi các em trưởng thành. Xảy ra chuyện rắc rối trong việc khai lý lịch của phụ nữ xã Sơn Đồng có nhiều phức tạp. Giờ thì nhiều người đã ý thức được điều này mà đặt tên cho con gái cẩn thận hơn". Ông Thành cũng cho biết thêm, hiện nay, nhiều người ở xã Sơn Đồng đến nhờ chỉnh sửa giấy tờ, đặc biệt là tên và họ. Nhưng ông và các cán bộ khác không có cơ sở, không có cái gốc để chỉnh. Vì có thể giấy tờ bị mất, không còn gì chứng minh.
Trong Điều 5 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch khẳng định: "Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó". Như vậy, giấy khai sinh đặc biệt quan trọng đối với mỗi cá nhân. Việc tùy tiện thay tên đổi họ hoặc dùng tên đệm của người cha làm họ cho con gái là không đúng với quy chuẩn đại chúng của xã hội.
Chính quyền xã Sơn Đồng hiện đang phải làm thủ tục để xác nhận, làm lại giấy tờ cho nhiều cô gái khớp với họ của cha. Chính quyền xã đang tuyên truyền để người dân đặt tên con gái theo xu thế chung. Rằng họ của cha cũng lấy làm họ của con gái, còn đệm thế nào là tùy. Hy vọng rằng, những cô gái được sinh ra trong tương lai sẽ chẳng phải chịu rắc rối trong việc dùng họ và tên, một tập tục của thôn xóm mình.
Phóng sự của Hải Miên
Từ khóa » Con Gái Hoài đức
-
Tìm Bạn Gái, Hẹn Hò, Tìm Người Yêu (Nữ) ở Hoài Đức 7/2022
-
Nguyễn Phúc Miên Lâm – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tin Tức Hoài Đức Online - Tìm Người Con Gái Tên Hương ;)) Bạn ...
-
Tin Tức Hoài Đức Online - Đã Bắt Hung Thủ Sát Hại Cô Gái Trẻ ở Khu ...
-
Tìm Bạn Gái Hoài Đức Hà Nội
-
Kẻ Giết Bạn Gái Cũ Từng Nhiều Lần Theo Dõi, Quấy Rối Nạn Nhân - Zing
-
Kì Lạ Ngôi Làng Con Gái Không Mang Họ Cha Tại Hà Nội, Con đẻ Ngỡ ...
-
Lạ Kỳ Ngôi Làng ở Hà Nội đặt Tên Cho Con Gái Mang Họ Nhiều Người
-
Bố Mẹ Cô Gái Nhận được Hung Tin Chạy Ra Hiện Trường Thì Con Không ...
-
Sự Thật Thông Tin Nữ Sinh Bị Bạn Trai Sát Hại ở Hoài Đức, Hà Nội
-
Hà Nội: Cô Gái 19 Tuổi Bị Bạn Trai Sát Hại Giữa đường | VTV.VN